Tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam!

Vào lúc 8h30, ngày 16/6/2018, tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM đã diễn ra buổi tọa đàm tiểu thuyết “Hà Hương Phong Nguyệt” của nhà văn Lê Hoằng Mưu (1879 - 1941). Đây là cuốn tiểu thuyết được Saigon Books ấn hành vào trung tuần tháng 5/2018 và đã được sự chào đón của các lớp độc giả cũ mới, cùng giới nghiên cứu văn chương Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.


Theo PGS - TS Võ Văn Nhơn, người sưu tầm văn bản Hà Hương phong nguyệt - thì tiểu thuyết này “được in feuilleton trên báo Nông cổ mín đàm từ số 19 ngày 20/7/1912 đến số 53 ngày 19/6/1915. Đến 1914 trở đi bắt đầu được in thành sách, trong đó phần in báo năm 1912 có khác biệt ít nhiều, tức tác giả có gia công sửa chữa, thay đổi”.

Như vậy, sau 104 năm, kể từ lần in đầu tiên rồi bị tiêu hủy, thì đây là lần thứ 2 tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt được ấn hành một cách đầy đủ, chính thống. Tuy từng được in thành sách, nhưng in làm nhiều tập, tập cuối cùng lại thiếu. Cho nên Hà Hương phong nguyệt phải đợi đến năm 2018 mới được in đầy đủ, với sự ráp nối những văn bản bị thất lạc, cùng với sự chỉnh lý, chú thích kỹ lưỡng.
 
Trong Lời bạt Hà Hương phong nguyệt, nhà nghiên cứu – dịch giả Cao Tự Thanh có những lời nhận xét khá thẳng thắn: “…Tôi quan niệm nghiên cứu khoa học không phải để khen hay chê mà nhằm chỉ ra đối tượng mà mình nghiên cứu là cái gì và tại sao nó là như thế. Trên đường hướng này, tôi đánh giá cao công sức lao động và nhất là ý thức nghề nghiệp của anh Võ Văn Nhơn trong việc công bố có chỉnh lý và chú thích Hà Hương phong nguyệt, vì chỉ qua những văn bản mà nội dung đã được xác định tới từng chi tiết, người ta mới thấy rõ được con đường từ ý đồ tới tác phẩm, và trong trường hợp này con đường ấy phải xuyên qua một bối cảnh xã hội và thời đại rất không thuận lợi của nhiều thế hệ tiền nhân.”

Trên báo Người Lao Động, số ra ngày 20/05/2018 TS ngữ văn Nguyễn Thị Thanh Xuân cũng cho đăng bài viết công phu, nghiêm cẩn và xác đáng: “Xuất hiện cách nay hơn 100 năm, "Hà Hương phong nguyệt" đã mất đi và giờ sống lại trong không gian Việt. Sự tái sinh này, thật ngạc nhiên, lại như một lời nhắc nhở xuyên thế kỷ. Cùng cả hai bình diện sáng tạo và tiếp nhận, "Hà Hương phong nguyệt" nhắc chúng ta rằng: dục vọng là nguồn cơn đưa con người đến những hành động vô minh đáng xấu hổ. Nó hủy hoại nhân cách, phá nát gia đình, đưa xã hội đến chỗ trầm luân. Nó tạo ra những ngộ nhận về văn học, những bất hòa nơi người viết, những suy kiệt về cảm hứng sáng tạo...”
 
Có thể nói, việc ấn hành Hà Hương phong nguyệt là một nỗ lực của Saigon Books nhằm phục dựng những giá trị của văn chương Nam Bộ cũ trong bối cảnh văn hóa đọc có rất nhiều đổi thay. Việc xuất bản lại một cách đầy đủ tiểu thuyết này, không chỉ nhằm khẳng định một giá trị văn chương, mà còn tiếp tục bảo tồn một văn bản, có ý nghĩa về mặt văn học sử.
 
 
Được sự quan tâm, khích lệ từ bạn đọc cũng như giới nghiên cứu, Saigon Books phối hợp với khoa Văn học trường Đại học KHXH & NV TP. HCM tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề: “Hà Hương phong nguyệt – Tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam?!” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo… có uy tín hiện nay như: Cao Tự Thanh, Đoàn Lê Giang, Võ Văn Nhơn, Trần Nhật Vy, Lê Minh Quốc, Nguyễn Thị Phương Thúy, Trần Lê Hoa Tranh, Phan Mạnh Hùng, Hà Thanh Vân, Lê Quang Trường, v.v…
 
Đặc biệt, tham gia tọa đàm lần này còn có sự tham gia của các bạn sinh viên khoa Văn học Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM. Những tham luận và phát biểu của các bạn sinh viên là đại diện cho góc nhìn và tâm thế cảm nhận văn chương của giới trẻ hôm nay.
 
Những tham luận còn lại sẽ xoay quanh các vấn đề có thể gây tranh cãi, như: Liệu đây có phải là tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Nam Bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung, như có nhà nghiên cứu đã từng khẳng định? Nếu đây là tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên thì đâu là cơ sở đích xác nhất, và sự ảnh hưởng của nó đối với tiểu thuyết của Nam Bộ sau này là gì? Vì sao Hà Hương phong nguyệt bị thực dân Pháp ra lệnh tiêu hủy? Giá trị đích thực của Hà Hương phong nguyệt nằm ở đâu: nội dung hay lối viết? Những câu chuyện bên lề của Hà Hương phong nguyệt và nhà văn “khét tiếng” Lê Hoằng Mưu, v.v…
 

THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ

Lê Hoằng Mưu (1879-1941) còn có bút hiệu Mộng Huê Lầu, là nhà văn, nhà báo nổi tiếng Nam Bộ trong những năm đầu của thế kỷ 20.

Ông xuất thân từ một gia đình làm nông khá giả tại làng Cái Cối, tổng Bảo Hựu, tỉnh Bến Tre (nay xã Mỹ Thạnh An, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Cha ông là Lê Văn Dinh, nguyên là thông ngôn ở Đề hình. Ban đầu, ông học ở Bến Tre, sau học ở Sài Gòn, rồi gia nhập làng văn, làng báo ở Sài Gòn cho đến cuối đời.

Ông nổi tiếng trong làng báo Sài Gòn từ những năm 1910-1915 và là một trong số các cây bút tiểu thuyết thuộc giai đoạn phôi thai ở Nam Kỳ. Năm 1921, khi tờ Nam Trung nhật báo sát nhập với tờ Lục tỉnh tân văn, ông được cử làm chủ bút cho đến 1930, thì bị buộc thôi chức vì tờ báo có khuynh hướng yêu nước bài Pháp. Cùng năm này, ông cùng Võ Thành Út sáng lập tờ Long Giang độc lập (xuất bản mỗi tuần 3 số) do Lưu Công Châu làm chủ bút. Đến năm 1931, tờ báo bị nhà cầm quyền ra lệnh đình bản một thời gian, sau được tục bản cho đến ngày 11 tháng 5 năm 1934 thì bị đình bản hẳn. Ngoài ra, ông là trợ bút của các tờ Điện Tín, Thần chung, Đuốc nhà Nam...
 
Xuân Thuỷ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tieu-thuyet-chu-quoc-ngu-dau-tien-cua-viet-nam-a12944.html