“Chiêm ngưỡng” những kỷ vật để đời của văn nghệ sĩ

Triển lãm “Văn học - Nghệ thuật trong kháng chiến (1945-1954)” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN (BTLSQGVN) đã mang đến cơ hội hiếm có để đông đảo khách tham quan được “chiêm ngưỡng” nhiều hiện vật bình dị, đơn sơ nhưng là những kỷ vật để đời của các văn nghệ sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Đây là những kỷ vật đã gắn bó với cuộc sống trong khói lửa chiến tranh của các văn nghệ sĩ, dù đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn luôn khơi gợi nên nhiều xúc cảm đặc biệt.
 

Vẫn vẹn nguyên giá trị

Những kỷ vật còn lại của các nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn… sau độ lùi của thời gian, tại cuộc triển lãm “Văn học - Nghệ thuật trong kháng chiến” (1945-1954) đã phác thảo nên một hình dung về cuộc sống trong thời kỳ chống Pháp, nơi những nghệ sĩ- chiến sĩ vừa chắc tay súng, vừa vững tay bút, trong khói lửa chiến tranh vẫn đều đặn cho ra đời những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao.

Theo BTC, triển lãm tập trung trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật và các câu chuyện để công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay nhận thấy rõ hơn giá trị soi đường của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khởi thảo. Văn kiện lịch sử này đã nêu rõ phương hướng cùng những nguyên tắc cho công cuộc xây dựng nền văn hóa mới - nền văn học cách mạng.

Các hiện vật, tài liệu, hình ảnh trưng bày được lựa chọn có tính tiêu biểu, ngoài giới thiệu nội dung, tác dụng, ý nghĩa của Đề cương văn hóa Việt Nam còn gồm nhiều tài liệu, hình ảnh, kỷ vật của quân, dân ta về văn học nghệ thuật thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Phần lớn hiện vật này đang được lưu giữ tại BTLSQG. Quan điểm định hướng nghệ thuật phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến được khắc họa sắc nét thông qua hàng chục hiện vật, tài liệu ghi lại tâm thế sáng tác văn học nghệ thuật của nhiều văn nghệ sĩ thời kỳ này. Bước chân người xem không thể không ngưng lại trước những hiện vật đã nhòe mờ dấu vết thời gian nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị về tư tưởng, lập trường và sự hết lòng vì cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc.

Những cuốn sách của nhà văn Nam Cao: Chuyện biên giới (1951), Đóng góp (1951), Đôi mắt (1954); nhà văn Nguyễn Tuân với Tình chiến dịch (1950), nhà văn Tô Hoài với Truyện Tây Bắc (1954); Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Kim Lân với Những mẩu chuyện chiến thắng Tây Bắc (1952)…

Những bản nhạc ghi lại tiếng lòng dân tộc đã được các nhạc sĩ dành thẳm sâu tâm huyết để viết nên.

Những bức ký họa, tranh cổ động, tác phẩm hội họa về cuộc sống, chiến đấu của quân dân Việt Nam anh hùng.

Tất cả tạo nên những mảng màu chân thực mà ở đó, người xem sẽ cảm nhận rõ nét nhất những cống hiến của lớp văn nghệ sĩ trong kháng chiến, đúng như câu nói của Bác Hồ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.


 
Một số tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ thời kỳ kháng chiến 1945-1954.

 
Kỷ vật của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.
 
Từ hiện vật nói lên giá trị của tác phẩm

Tại triển lãm, du khách có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật đặc biệt như bàn đá in bài hát Hò kéo pháo vào trận địa của tác giả Hoàng Vân; bàn đá in bài hát Quân dân bảo vệ đường chiến thắng của tác giả Trọng Lanh; các bản nhạc Làng tôi, Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao do NXB Văn nghệ in năm 1954…

Níu chân người xem còn là những kỷ vật đơn sơ, giản dị mà năm xưa đã sống cùng các văn nghệ sĩ trong những giai đoạn kháng chiến gian khổ. Đó là chiếc vali mây, quạt tai voi, lọ hoa làm bằng vỏ đạn - kỷ vật của nhà thơ Tú Mỡ; chiếc khăn len, lược, dao dọc giấy - kỷ vật của nhà thơ Nguyễn Đình Thi; Mũ phớt - kỷ vật của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; phích, ba toong - kỷ vật của nhà văn Đoàn Văn Cừ; bộ quần áo chàm - kỷ vật của nhà thơ Nông Quốc Chấn; áo măng tô - kỷ vật của nhà thơ Huy Cận; khăn len - kỷ vật của nhà văn Hoài Thanh…

Những kỷ vật giản dị này đều đang được Bảo tàng Văn học Việt Nam lưu giữ. Sự hiện diện của những hiện vật giản dị mà vô giá tại đây có một ý nghĩa rất đặc biệt với người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ, vốn lâu nay chỉ được “gặp” những tác giả nổi tiếng của nền văn hóa mới - nền văn học cách mạng qua các áng văn, bản nhạc. Tại đây, từng kỷ vật đã phác nên một diện mạo khác về cuộc sống bình dị mà anh hùng của họ trong kháng chiến.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Hà Nội, 73 tuổi) chia sẻ, triển lãm có nhiều điểm dừng chân bởi ấn tượng đặc biệt về giá trị của từng hiện vật, tài liệu. Đó là Truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi nhân dân chống thực dân Pháp mở đường cho phát xít Nhật vào Đông Dương năm 1940; Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào cả nước (6.6.1941); là bảo vật quốc gia Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tạp chí Tiên Phong, số 1 ra ngày 10.11.1945 đăng toàn văn Đề cương về văn hóa Việt Nam… “Tôi cũng đã dừng chân thật lâu trước những hiện vật - kỷ vật của các văn nghệ sĩ cách mạng như viên gạch, đôi giày đã cũ mà nhà thơ Tố Hữu dùng trong thời kỳ hoạt động cách mạng; cây đàn mà nhạc sĩ Lương Nhân, phòng Chính trị Bộ Tư lệnh phân liên khu miền Tây Nam Bộ làm để sử dụng trong đợt biểu diễn tuyên truyền phục vụ chiến dịch Long Châu Sa năm 1951; hay chiếc kèn hơi mà đoàn văn công Nam Bộ dùng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp… Giản dị nhưng đó là những hiện vật mang lại nhiều cảm xúc”, ông Hùng nói.

Những kỷ vật từng gắn bó với các văn nghệ sĩ thời chiến đã cùng các hiện vật, tài liệu lịch sử kể lại những câu chuyện văn hóa nghệ thuật thời kháng chiến. Từng hiện vật với sứ mệnh của mình đã chuyển tải tới thế hệ ngày hôm nay thông điệp ý nghĩa về con đường, lý tưởng mà những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ… đã đi trong khói lửa chiến tranh. Qua đó, họ đã sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật để đời, những di sản văn hóa tinh thần cho thế hệ hôm nay.

Triển lãm diễn ra đến hết tháng 9.2018 tại BTLSQGVN (216 Trần Quang Khải, HN).
 
Phương Anh
Theo Báo Văn Hoá

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chiem-nguong-nhung-ky-vat-de-doi-cua-van-nghe-si-a12902.html