Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh.
Thám hoa Giang Văn Minh sinh ngày 6/9 năm Quý Dậu 1573, tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây , Hà Nội. Tương truyền thủa nhỏ ông là bạn học với 2 người: Phùng Công Thế và Lã Công Thời. Hai ông này sau đó cũng đã thi đỗ đến bậc tiến sĩ vào năm Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông. Giang Văn Minh dự khoa thi đình và đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh (khoa thi này không có thí sinh đỗ Trạng nguyên) nên ông đã đỗ ở mức cao nhất, khi bước sang tuổi 55. Sau đó, ông được triều đình cử đi trấn giữ, cai quản vùng đất Nghệ An, vào năm 1637.
Ngày 30/12 năm Dương Hòa thứ 3 (1637), ông và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua Lê, chúa Trịnh cử làm chánh sứ cùng với 4 phó sứ là: Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu đoàn sứ nước Nam sang Trung Quốc.
Mặc dù đoạn đường xa đi đến kinh đô nhà Minh vất vả, bị bọn quần thần triều đình nhà Minh khinh thường, chế giễu, coi nhẹ, ngăn cản không cho vào yết kiến vua Minh nhưng nhờ sự thông minh, tài trí, khéo léo, ông đã tiếp kiến được vua Minh. Khi triều kiến, Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (tức hoàng đế Sùng Trinh) ông đã có những lời lẽ đanh thép, cứng rắn và đúng đắn thuyết phục được vua Minh bãi bỏ món nợ “Liễu Thăng” từ hơn 200 năm trước (Tướng giặc Liễu Thăng bị tướng quân nhà Lê là Lưu Yên Chú chém chết trong trận đánh Chi Lăng – Xương Giang vào năm 1427, nhà Minh đã vin vào cớ đó để bắt ép nhân dân ta phải cống nộp hàng năm tượng đúc vàng bằng hình thể tướng Liễu Thăng) . Đồng thời, Chu Do Kiểm còn ngạo mạn ra cho sứ bộ ta vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”.
Nghĩa là: “Cột đồng đến nay rêu đã xanh”.
Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời khinh miệt dân ta.
Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:
“Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”- nghĩa là: “Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ”
Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.
Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của thiên triều và sứ bộ các nước.
Vua nhà Minh bừng bừng lửa giận quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”.
Sự việc này xảy ra vào ngày mồng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Nhưng Minh Tư Tông vẫn kính trọng ông còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân đưa thi hài ông về nước và được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm. Trên cánh đồng này có một quán (hiện có dạng ngôi nhà nhỏ) là nơi linh cữu ông đã được quàn và gọi là quán Giang.
Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, ban tặng câu: “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng”- nghĩa là: “Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ”.
Hiện nay, lăng mộ ông và quán Giang (nơi đặt thi hài) cùng nhà thờ đều nằm ở địa phận thôn Mông Phụ. Khu nhà thờ có diện tích 400m2, được dựng theo hình chữ Nhị, bao gồm nhà Bái, Hậu đường quay theo hướng Đông. Ngoài ra còn có các hạng mục khác như: sân, cổng, vườn, nét kiến trúc họa tiết trang trí hoa văn mang phong cách thuộc niên đại triều Nguyễn. Trong nhà thờ còn lưu giữ một số di vật quý như câu đối, bia đá, lư hương, đỉnh đồng.
Ngày 2/6 âm lịch (ngày giỗ ông) hằng năm, nhân dân và chính quyền địa phương cùng con cháu họ Giang khắp nơi đều tề tựu về đây để tưởng nhớ công lao to lớn của ông với dân với nước.
Nằm trong trung tâm của quần thể di tích Làng cổ ở Đường Lâm, di tích Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh đang trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu của nhiều du khách trong và ngoài nước. Di tích là nơi linh thiêng ghi công trạng của Thám hoa và cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa ngày 24/5/1991.
Hồ Sỹ Tá
Theo baodulich.net.vn