Nhân vật lịch sử nổi tiếng thời vua Lê - chúa Trịnh

Thượng Kinh Ký Sự mô tả rất sinh động nhiều chuyện sinh hoạt trong cung đình thời bấy giờ, mà không phải ai cũng có điều kiện và được phép để chứng kiến. Thượng Kinh Ký Sự chính là tập ký kể sự việc bắt đầu từ lúc Lê Hữu Trác đang sống với mẹ già tại Hương Sơn thì có chiếu chỉ của chúa Trịnh Sâm triệu ông ra kinh thành Thăng Long để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán và chữa bệnh luôn cho cả chúa Trịnh Sâm.

Lê Hữu Trác (1720 – 1791), còn có tên là lê Hữu Huân, hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, người thôn Văn Xá, huyện Đường Hào (ngày nay thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Thân sinh là Thượng thư bộ Lễ: Lê Hữu Mưu, Lê Hữu Trác là con trai thứ 7 trong một gia đình quan lại, cho nên thuở nhỏ ông còn có tên là cậu Chiêu Bảy. Thân mẫu là bà Bùi Thị Thưởng, hiệu là Diệu Huệ, quê ở xã Tình Diễm, huyện Hương Sơn, trấn Nghệ An (ngày nay thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
 

Thuở nhỏ Lê Hữu trác từng học hành để hy vọng sau này thi đỗ làm quan, nhưng rồi lại rẽ ngang để học binh thư, sau sung vào quân của chúa Trịnh Doanh và lập được một ít công trạng, nhưng do tình hình chính trị xã hội lúc bấy giờ rối ren phức tạp, nên ông liền bỏ về quê mẹ ở Hương Sơn, học làm thầy thuốc và chỉ sau mấy năm học, ông đã trở thành một thầy thuốc danh tiếng bậc nhất trong nước thời bấy giờ, và ông được nhân dân xưng tụng là Thần y.
 
Lê Hữu Trác trở thành thầy thuốc, chuyên tâm bốc thuốc, cứu người và sống cuộc đời thanh bạch, và ông cũng sáng tác cả thơ văn, thơ ông có câu: Thiện diệc lãn vi hà huống ác/Quý do bất nguyện khởi ưu bần. Nghĩa là: Điều thiện cũng biếng làm huống chi là điều ác/Cảnh sang còn không muốn, còn lo gì cảnh nghèo.
 
Thời Lê Hữu Trác sống, vua Lê lúc bấy giờ thực chất chỉ là bù nhìn, chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến liên miên xảy ra, ông thấy được nổi thống khổ của nhân dân. Cho nên sau khi trở thành thầy thuốc giỏi, ông đã mang hết tài năng của mình ra để giúp ích cho đời, chữa bệnh cho nhân dân.
 
Năm 1767, Trịnh Sâm (1737 – 1782) lên nối ngôi chúa, hiệu là Tĩnh Đô Vương, chúa Trịnh Sâm là một trong những vua chúa nước ta vừa giỏi chữ nghĩa, có nhiều sáng tác thơ văn, đồng thời cũng hết sức quan tâm đến việc học hành thi cử, đào tạo nhân tài cho đất nước, và chúa Trịnh Sâm cũng là người biết sử dụng và trọng dụng nhân tài.
 
Năm 1781, con thứ của chúa Trịnh Sâm là Trịnh Cán lúc đó mới được 4 tuổi bị ốm nặng, chúa Trịnh Sâm liền cho mời Lê Hữu trác vào kinh để chữa trị cho Trịnh Cán. Lúc đó Lê Hữu Trác đang sống ở Hương Sơn quê mẹ, nhận lệnh của chúa Trịnh Sâm, ông liền lập tức về kinh. Thời gian Lê Hữu Trác ở trong phủ chúa, tuy là người không có phẩm tước, chức sắc gì, nhưng ông được chúa Trịnh Sâm đối xử rất trọng vọng, ở trong phủ chúa, Lê Hữu Trác được chứng kiến rất nhiều chuyện ở thâm cung.
 
Năm 1782, chúa Trịnh Sâm cũng lâm bệnh nặng, mặc dù Lê Hữu Trác đã ra sức cứu chữa, nhưng vẫn không cứ được chúa Trịnh Sâm, và kể cả là ấu chúa Trịnh Cán cũng chưa khỏi bệnh. Cũng trong năm đó, Trịnh Sâm mất, Lê Hữu Trác liền xin rời phủ chúa. Trở về quê mẹ, ông đã viết  được tác phẩm nổi tiếng đó là Thượng Kinh Ký Sự.
 
Thượng Kinh Ký Sự mô tả rất sinh động nhiều chuyện sinh hoạt trong cung đình thời bấy giờ, mà không phải ai cũng có điều kiện và được phép để chứng kiến. Thượng Kinh Ký Sự chính là tập ký kể sự việc bắt đầu từu lúc Lê Hữu Trác đang sống với mẹ già tại Hương Sơn thì có chiếu chỉ của chúa Trịnh Sâm triệu ông ra kinh thành Thăng Long để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán và chữa bệnh luôn cho cả chúa Trịnh Sâm.
 
Thực tế thì Lê Hữu Trác cũng không muốn đi, bởi vì ông cũng không muốn đến kinh thành, lần cuối cùng ông ở rời kinh thành cũng đã cách đấy hơn chục năm. Năm 1762, ông có mặt ở kinh thành để ra sức cứu chữa cho vợ của Bảng nhãn Lê Quý Đôn, lúc đó Lê Quý Đôn đang đi sứ bên Trung Quốc, mặc dù ông cũng đã ra sức cứu chữa, nhưng cũng không cứu sống được vợ của Lê Quý Đôn. Sau đó ông trở về quê mẹ ở Hương Sơn cho đến khi nhận lệnh của chúa Trịnh Sâm, ông không muốn đi, nhưng cũng không thể từ chối.
 
Tâm sự của một nhà nho ẩn sỹ ở Lê hữu Trác bộc lộ trong nhận xét triết lý: “Cây kia có hoa nên bị người ta hái, người ta có cái danh nên phải lụy về chữ danh”. Phần chủ yếu sau đó trong Thượng Kinh Ký Sự là kể về những điều tai nghe mắt thấy khi tác giả đến kinh thành Thăng Long, vào phủ chúa chữa bệnh, tiếp xúc với người trong phủ chúa, với công khanh, nho sỹ ở kinh thành.
 
Ý muốn  trở về quê của Lê Hữu Trác  sau khi chúa Trịnh Sâm chết cũng đã được chấp thuận, ông vui vì tự thấy: “Thân tuy mắc vào vòng danh lợi, nhưng vẫn không bị lợi danh mê hoặc, ra đi thung dung, trở về ngất ngưỡng”. Đoạn cuối tập Thượng Kinh Ký Sự kể về việc ông từ kinh thành Thăng Long trở về thăm quê cha đất tổ ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, trước khi trở về quê mẹ ở Hương Sơn.
 
Qua Thượng Kinh Ký Sự, Lê Hữu Trác muốn tự thể hiện mình như một ẩn sỹ, sau thử thách vẫn giữ được lối sống mà ông đã lựa chọn. Việc tác giả thuật lại khá kỹ về chuyến đi, về quang cảnh Thăng Long đương thời, quang cảnh và không khí phủ chúa, phác họa những nhân vật mà ông tiếp xúc v.v… Điều này khiến cho tác phẩm Thượng Kinh Ký Sự mang giá trị tư liệu lịch sử đáng kể, cách tả thực ở tầm nhìn của tác giả đã đem lại những đoạn văn, những tình tiết đặc sắc hiếm thấy trong văn xuôi chữ Hán (truyện ký, truyền kỳ) và truyện thơ Nôm thời trung đại.
 
Ngoài ra trong tác phẩm còn có nhiều bài thơ chữ Hán vịnh phong cảnh và bộc lộ tâm trạng của tác giả… Nhìn chung về thơ văn của Lê Hữu Trác bộc lộ khá rõ thái độ khước từ những bon chen danh lợi ở chính trường, hướng đến cuộc sống ẩn dật thanh cao. Vào năm Tân hợi 1791, Lê Hữu Trác mất, hưởng thọ 71 tuổi.
 
Vương Quốc Hoa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhan-vat-lich-su-noi-tieng-thoi-vua-le-chua-trinh-a12800.html