Sự lựa chọn bản năng gia truyền
Ra đời ở Việt Nam từ thế kỷ XI, ca trù là thể loại ca nhạc độc đáo, tổng hợp giữa thi ca và âm nhạc, có khi có cả múa. Với 5 không gian trình diễn chính (hát cửa quyền hay còn gọi là hát cung đình hoặc hát chúc hỗ; hát cửa đình hoặc hát thờ, hát tại gia còn gọi là hát nhà tơ; hát thi và hát ca quán - hát chơi) ca trù có những yêu cầu, quy định hết sức chặt chẽ đối với mỗi không gian về lối hát và cách thức trình diễn.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú Đẹ - người gắn bó gần như cả cuộc đời với ca trù.
Đây cũng là loại hình diễn xướng có quy định khắt khe và quy củ về sự truyền nghề, cách học đàn và học hát hay việc cho phép đào nương vào nghề (lễ mở xiêm áo) hoặc chọn đào nương đi hát thi… Để thông thạo với hình thức diễn xướng này, đòi hỏi sự đào tạo, truyền nghề bài bản, công phu, khổ luyện và thật sự tâm huyết. Trong lịch sử ca trù, loại hình nghệ thuật này thường được chuyển giao tiếp nối giữa các thế hệ thông qua tổ chức giáo phường, mà gia đình, dòng họ là quan hệ chi phối. Để thành nghề, cả kép - người đánh đàn đáy và đào nương - người vừa hát vừa gõ phách phải mất 5 năm khổ luyện mới thành nghề nhưng biết đủ các thể loại và các lối hát của ca trù là cả một đời.
Không phải ngẫu nhiên nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ theo nghiệp ca trù, ông vốn sinh ra trong gia đình với 1 dòng tộc 5 đời có truyền thống hát ca trù của Giáo phường ca trù tổng Ngọc Lâm họ Nguyễn, chi Nguyễn Phú (thôn Cao La, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).
Suốt thời thơ ấu, ông theo bố mẹ, ông bà xem hát thi để chọn đào hay, kép giỏi ở đền thờ Thánh ông Đinh Thiên Hương và Thánh bà Quỳnh Huê công chúa ở làng. Lên 10, ông đã được cha và ông truyền dạy những ngón đàn đáy và hát theo mẹ những giai điệu của hát nhà tơ hay hát nhẩm theo lối hát cô đầu, hát cửa đình của các cha chú, đàn anh, đàn chị. Khi mới 15 tuổi, ông đã bắt đầu theo nghề đi đàn riêng, sau đó đi khắp các vùng ở Hải Dương rồi lên Hà Nội, tới Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam… để đàn hát theo lời mời đám khao, đám cưới thịnh hành lúc bấy giờ.
Được sinh ra trong cái nôi của ca trù cùng năng khiếu bẩm sinh và sự khổ luyện của bản thân, ông đã đạt đến sự nhuần nhuyễn tinh thông bậc thầy của kép và đào trong diễn xướng ca trù. Gần trọn cuộc đời gắn chặt với ca trù nên tâm nguyện lớn nhất của ông là được truyền lại được cái “lửa” của ca trù cho thế hệ sau.
Niềm đam mê và trách nhiệm
Ông đến với nghiệp cầm ca vì đam mê và khi có tuổi, trước sự thăng trầm và nguy cơ mai một của loại hình nghệ thuật ca trù, ông trăn trở lo lắng và nỗ lực để gìn giữ, bảo tồn và trao truyền di sản quý này.
Sau thời kỳ hưng thịnh của ca trù, đến những năm 40 của thế kỷ XX, do những biến cố của lịch sử với cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (1946 - 1975), ca trù không còn không gian để phát triển. Tiếp sau đó, ca trù phải đối mặt với sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật mới, các loại hình nghe nhìn hiện đại. Nhưng đến những năm 90 của thế kỷ XX, ca trù bắt đầu được các cơ quan văn hóa từ Trung ương đến địa phương quan tâm.
Năm 1998 ở Hải Dương đã tổ chức CLB ca trù đầu tiên. Đây là nơi ông bắt đầu tái sinh những di sản mà gia đình, dòng họ đã lưu truyền, bồi đắp ngay tại quê nhà. Năm 2000, ông tham gia thành lập CLB ca trù xã Dân Chủ của huyện Tứ Kỳ. Năm 2006 tham gia thành lập Giáo phường ca trù Thăng Long (Hà Nội) và từ đây ông tham gia thường xuyên hoạt động biểu diễn và truyền nghề tại Hải Dương và Hà Nội do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tỉnh Hải Dương, giáo phường Thăng Long (Hà Nội) và CLB ca trù xã Dân Chủ tổ chức.
Đặc biệt, năm 2009, ông được Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam mời cộng tác nhằm truyền dạy để chuẩn bị cho tiến trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Và niềm vui đã đến, ngày 1/10/2009, ca trù của Việt Nam đã chính thức được UNESSCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Khoảng 5 năm sau, nghệ thuật ca trù đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam với hàng loạt CLB ca trù được thành lập và phát triển. Đấy là kết quả nỗ lực không chỉ của các cơ quan chức năng mà là sự đóng góp tích cực của những nghệ nhân như ông. Đến nay, ông đã truyền dạy cho khoảng 30 học trò. Đây là những hạt nhân tích cực truyền dạy ca trù khắp nơi, từ Bắc vào Nam. Trong đó, ca nương Phạm Thị Huệ và Phạm Đình Hoằng là 2 học trò xuất sắc của ông.
Hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ đã 95 tuổi, mắt cụ đã mờ, tai không còn nghe rõ, trí nhớ giảm sút. Ông nhớ nhớ quên quên nhiều thứ nhưng với ca trù, ông tinh tường mọi nhẽ. Đến tận những năm tháng gần cuối của một đời người, ông vẫn trọn vẹn với danh hiệu “đệ nhất danh cầm đàn đáy của Việt Nam”.
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như Huy chương vàng Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2005; Năm 2006, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng là nghệ nhân dân gian; Giải thưởng Đào Tấn năm 2010; Năm 2015 ông được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể do Chủ tịch nước trao tặng.
Thu Loan
Theo langvietonline.vn