(Ảnh Internet)
Vào một buổi sáng sớm khi thành vừa đắp xong, Cao Biền đi dạo quanh phía Đông thành, bỗng nhiên mây đen ùn ùn kéo đến, gió lớn ầm ầm, trời đổ mưa to. Mưa rào to một lúc lâu thì trời lại tạnh ráo rất nhanh. Từ một khoảng trời sáng sủa phía Nam; một áng mây ngũ sắc dường như từ dưới đất nâng lên, đúng như hình dáng một dị nhân áo quần sặc sỡ, cưỡi một con rồng đỏ, tay cầm chiếc giản vàng, cử bay lơ lửng trên cao một lúc lâu rồi tản ra thành mây khói. Cao Biền nhìn rõ, lấy làm kinh ngạc, nghĩ rằng hiện tượng đó là ma tà quỷ quái, y lập đàn cúng tế, cầu đảo. Đêm về, Cao Biền nằm mộng thấy có thần nhân đến nói:
- Xin ông đừng có bụng nghi ngờ gì cả, ta không phải là yêu ma tà khí đâu? Ta chính là thần Long Đỗ ở phương Nam, vì muốn xem kỹ thành mới xây mà hiện ra thôi!
Cao Biền bừng tỉnh dậy, từ lúc ấy mất ngủ luôn đến khi mặt trời mọc. Sáng hôm sau Cao Biền kể lại giấc mơ rồi nói trước mặt các quân gia rằng:
- Chẳng lẽ ta không khuất phục được thần khí và người phương Nam chăng? Ta đã bắt quyết, trừ yêu, mà sao còn có thần linh nhìn rõ việc làm không hay của mình?
Có người xui Cao Biền lại lập đàn cúng tế và lấy nghìn cân sắt đúc tượng theo hình dạng thần nhân làm bùa trấn yểm long mạch. Cao Biền làm theo đúng như lời. Đàn tế lập xong, Cao Biền vừa đọc được vài câu thần chú; bỗng đất trời tối đen mù mịt, mưa to, gió lớn rung giật đùng đùng. Tượng sắt mới đúc vỡ nát vụn ra như cám, gió cuốn bụi bay tung lên từng mớ, rồi cuốn đi xa hòa vào không khí. Lúc ấy Cao Biền sợ hãi hơn, định bỏ ngay đất linh dị để trở về phương Bắc. Người đời thấy làm lạ, lập đền thờ thần Long Đỗ ở phía Đông kinh thành.
Năm Canh Tuất (1010) Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư - nay thuộc tỉnh Ninh Bình - ra đây, xây dựng phủ thành, làm kinh đô mới. Chiều hôm ấy, khi thuyền rồng vừa cập bến sông Cái, nơi chọn đất đóng đô, thì bỗng nhiên Lý Công Uẩn nhìn thấy xuất hiện một dáng rồng vàng, do mây kết thành, lặng lẽ bay cao phía đằng Đông. Ngay buổi tối đầu tiên ngủ ở đất định đô, vua Lý Công Uẩn đã được thần Long Đỗ hiện về trong giấc mộng, chúc mừng. Vua cảm động nói:
- Kính thần giúp ta dựng nước! Nghìn năm sau muôn dân Việt vẫn phải khói hương thờ cúng!
Thần Long Đỗ trả lời:
- Mong thánh thượng thọ tỉ nam sơn; thần há chỉ linh ứng được trăm năm nhờ hương lửa của nhân gian mà thôi!
Sáng hôm sau tỉnh dậy, vua Lý Công Uẩn sai vương gia làm lễ tam sinh để cúng tế tạ ơn thần và đặt tên đất dựng kinh đô mới là Thăng Long thành. Lúc ấy, từ cửa đền có một con ngựa trắng tự nhiên xuất hiện từ cửa đền đi ra hướng Tây, vòng lên hướng Nam, vòng về hướng Đông, rồi quay trở về vào đền; mỗi quãng đường có một khoảng cách nhất định. Vua cho đắp thành theo dấu chân ngựa. Thần Long Đỗ được sắc phong làm thành hoàng kinh đô Thăng Long, dân chúng và thư tịch đời sau còn tự phong là Long Đỗ đại vương.
Tương truyền, thuở ấy, phường Cửa Đông có bến thuyền buôn bán tấp nập, đông vui lắm. Người tụ cư, dần dần kéo đến đông đúc. Nhà cửa còn hầu như tạm bợ tất cả. Phố phường hay bị hỏa hoạn, gió thổi lồng lộng theo mặt nước sông Cái; lửa bùng lên làm cháy cả dãy nhà cửa, duy chỉ có ngôi đền là không bị ngọn lửa bén tới. Các đời vua chúa sau này cũng có gia phong cho cho thần nhiều mỹ tự cao quý.
Đời Trần phong làm Thuận Dụ tự ứng Đại vương. Đền ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, nay gọi là đền Bạch Mã.
Trương Sỹ Hùng