Một bài thơ trữ tình rất hay của Nguyễn Ức đời Trần

Nguyễn Ức có bài thơ HOA ĐỒ MI (Đồ mi còn gọi là hoa trà mi) phản ánh cuộc sống chen chúc của các người đẹp, nhằm chiếm được một chỗ đứng nào đó trong trái tim của bậc đế vương ham tửu sắc.


HOA ĐỒ MI
 
Vài ba cành mới nở đè lên trên giàn,
 
Cũng là lúc người cung nữ ở Thượng Dương đang sầu khổ.
 
Suốt đời chẳng biết mặt hoa mai là gì cả,
 
Riêng mình đến muộn, lẽo đẽo theo sau bóng thiều quang.
 
DỊCH THƠ
 
Bản dịch của Vũ Bình Lục:
 
Vài ba cành mới cưỡi giàn,
 
Thượng Dương cung nữ thở than khổ sầu.
 
Cả đời chẳng thấy mai đâu,
 
Riêng mình lẽo đẽo theo sau bóng thiều.
 
Mặc dù chưa rõ Nguyễn Ức sinh và mất năm nào, nhưng ta biết ông từng làm quan ở triều vua Trần Minh Tông. Thời kỳ này, đất nước hòa bình, nhưng đến các con và cháu chắt của Minh Tông tiếp tục kế vị, thì đất nước dần dà bước vào giai đoạn suy vong. Vua Trần Dụ Tông ăn chơi vô độ, bọn gian thần, loạn thần có dịp thao túng, chính sự đảo điên. Rất nhiều mĩ nữ được tuyển vào cung, phục vụ cho những cuộc vui chơi bất tận của Hoàng đế. Lại thêm tên Trâu Canh (con tên thầy thuốc Trâu Tôn bị bắt hồi quân Nguyên xâm lược nước ta) gốc Tàu, âm mưu góp sức phá hoại triều đình, mê hoặc nhà vua ham chơi, nên chính sự càng thêm nát bét. Có lẽ được tận mắt chứng kiến cảnh này, Nguyễn Ức có bài thơ HOA ĐỒ MI (Đồ mi còn gọi là hoa trà mi) phản ánh cuộc sống chen chúc của các người đẹp, nhằm chiếm được một chỗ đứng nào đó trong trái tim của bậc đế vương ham tửu sắc. Mở đầu, tác giả viết:
 
Vài ba cành mới đè lên trên giàn,
 
Cũng là lúc người cung nữ ở Thượng Dương sầu khổ.
 
 
Hai câu đầu tạo ra một sự đối lập. Vài ba cành mới ấy, chính là hình ảnh ẩn dụ, về những mĩ nữ tiếp tục được tuyển thêm vào cung, phục vụ cuộc chơi bất tận của nhà vua. Những cành mới ấy, như thể càng đè nặng thêm cái “Giàn” người đẹp, bấy lâu đã nặng đến mức quá tải rồi. Một ông vua, “xài” sao cho hết hàng trăm, nhiều trăm người đẹp, nên “có mới nới cũ”, cũng không phải là chuyện thường thấy. Những cung nhân cũ, tất sẽ bị lãng quên. Bởi vì vua chúa thường “Chơi hoa cho rữa nhị dần lại thôi” (Nguyễn Gia Thiều). Nhìn cảnh ấy, nàng cung nữ ở lầu Thượng Dương sao khỏi sầu khổ ? Thượng Dương cung nữ đối sầu mi, chính là sự đối lập giữa vui vẻ của người, với buồn tủi xót xa của nàng cung nữ bị quên lãng trong cô đơn, nhan sắc phai tàn theo năm tháng. Tác giả mượn điển bên Tàu, chỉ việc Đường Minh Hoàng say mê Dương Quý Phi, bỏ rơi hàng vạn cung nữ ở cung Thượng Dương, khiến cái cung này trở thành cái lầu chôn vùi nhan sắc của thiên hạ.
 
Hai câu còn lại, chỉ làm rõ thêm nỗi đau nhan sắc bị bỏ quên. Nàng cung nữ ấy Suốt đời chẳng biết mặt hoa mai là gì cả. Hoa mai ở đây ẩn ý chỉ nhà vua. Cung nữ nhập cung, nghĩa là đã thành vợ vua, cho dù vợ vua cũng có hàng chục bậc cao thấp khác nhau. Là vợ vua rồi, ấy thế mà suốt một đời không có lấy một lần được vua sủng ái, vẫn chưa thể thành đàn bà, mà vẫn phải giữ trinh tiết trọn đời. Thử hỏi, còn có đau khổ nào hơn ? Người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, dẫu có bị bỏ rơi, nhưng nàng cũng đã được hưởng ái ân chiều chuộng lúc đầu. Cung nữ trong thơ Nguyễn Ức thì khác, nàng suốt đời không được nhìn thấy hoa mai, nỗi cay đắng ấy còn lớn hơn nhiều, là vì Riêng mình đến muộn, nên mới phải lẽo đẽo theo sau bóng thiều quang, chứ còn biết làm thế nào ? Tác giả, thông qua một bài thơ nhỏ, đã thể hiện một cách cô đọng nỗi cô đơn chán chường, khổ sầu khôn xiết của những người cung nữ xinh đẹp trẻ trung bị ruồng bỏ. Đồng thời, bài thơ cũng tỏ rõ thái độ lên án chế độ bất công đối với người phụ nữ. Nguyễn Gia Thiều sau đó mấy trăm năm, cũng thể hiện tài hoa kiệt xuất của mình, bằng tác phẩm Cung oán ngâm khúc, tả nỗi oán giận của nhan sắc bị vùi lấp ở chốn phòng tiêu. Hóa ra, chuyện phòng khuê vẫn là câu chuyện của muôn đời vậy!
 
(Trích GIẢI MÃ KHO BÁU VĂN CHƯƠNG)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mot-bai-tho-tru-tinh-rat-hay-cua-nguyen-uc-doi-tran-a12677.html