Chợ nổi và văn hóa sông nước miền Tây

Miền Tây màu mỡ với các dòng kênh rạch nối nhau chằng chịt luôn thu hút du khách ghé thăm.

Không chỉ bởi những cánh đồng cò bay thẳng cánh, những rừng tràm bạt ngàn hay những dòng sông chở nặng phù sa, miền Tây còn thu hút du khách bởi cuộc sống bình dị chân chất của người nông dân, bởi những sinh hoạt văn hóa vô cùng đặc biệt.

 
Chỉ khi nào sông cạn nước thì khi đó, chợ nổi mới không còn. Đó là triết lý sống của người dân xứ vườn châu thổ này. Ảnh: Internet.

Ở miền Tây, hầu như vùng sông nước nào cũng có chợ nổi. Chợ ở đây có khi chỉ là dăm ba thuyền mua bán trên sông và cũng có khi là cả một cái chợ lớn tụ tập đông đúc nơi ngã ba sông lớn.

Những cái tên như chợ nổi Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp – Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (Thạnh Trị – Sóc Trăng), chợ nổi Sông Trẹm (Thới Bình – Cà Mau)… luôn là cái tên được nhiều người biết đến khi đi du lịch miền Tây. Nhưng có lẽ lớn nhất và nổi tiếng nhất chính là chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ.

Chợ họp trên sông, giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm ghe, thuyền, xuồng của cư dân. Chợ họp cả ngày, nhưng thường nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Trên thuyền chất đầy hàng hóa, phổ biến là các loại trái cây. Nét riêng của các thuyền là trên mỗi thuyền có một vài cây sào, trên đó treo lủng lẳng các loại sản phẩm mà mình có bán. Cho nên khách hàng chỉ cần nhìn vào cây sào đó là có thể biết trên thuyền, ghe đó có thứ mình cần hay không.

Không giống như chợ trên bờ, những ghe hàng trên chợ nổi không nhất thiết phải quy tập từng khu theo loại hàng. Đặc biệt nhất là hình thức “bẹo lá bán ghe”. Nếu gặp chiếc ghe “bẹo” một tấm lá lợp nhà nghĩa là người chủ muốn bán chiếc ghe ấy. Các ghe bán hàng dạo thì thay hình thức “bẹo” hàng bằng âm thanh của những chiếc kèn. Có người bấm kèn bằng tay (loại kèn nhỏ, bằng nhựa), có người vừa chèo vừa dùng chân đạp lên kèn (loại kèn lớn, còn gọi là kèn cóc). Ghe hàng len lỏi vào bến đậu của các ghe lớn với nhiều tiếng kèn khác nhau, làm cho khu chợ thêm rộn rã, xao động.

Người buôn bán trên chợ nổi nhóm họp bằng xuồng. Ngày xưa là xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản. Bây giờ có cả tắc ráng, ghe máy. Người đi mua cũng đến chợ bằng xuồng, ghe. Những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà hiếm khi có va quệt xảy ra. Người miền Nam vốn chân chất, dân thương hồ trên sông nước miền Tây còn chân chất và đáng yêu đáng quý hơn. Họ sống với nhau bằng cái tình sông nước, mênh mông và rộng rãi như mặt nước sông hồ. Nhìn nhau mà đi, nhường nhịn nhau mà sống.

Nghề buôn bán trên sông thật chênh vênh và lắm thăng trầm. Cuộc sống của dân thương hồ càng khó khăn hơn khi ngày nay, siêu thị mọc lên ở khắp nơi, sức mua sức bán của chợ nổi đã giảm.

Tuy nhiên, cho dù văn minh hiện đại đến đâu thì chợ nổi vẫn tồn tại. Chỉ khi nào sông cạn nước thì khi đó, chợ nổi mới không còn. Đó là triết lý sống của người dân xứ vườn châu thổ này.


Ánh Linh (Tổng hợp)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cho-noi-va-van-hoa-song-nuoc-mien-tay-a12661.html