Đinh Sâm - Hào kiệt đất Cần Thơ

Cuộc khởi nghĩa Đinh Sâm ở Ba Láng - Trà Niềng, Cần Thơ cuối thế kỷ XIX từng tạo được tiếng vang lớn, khiến thực dân Pháp và tay sai khiếp đảm. Tròn 150 năm đã trôi qua (1868-2018), chúng tôi xin bày tỏ cùng độc giả những tư liệu về cuộc khởi nghĩa này cũng như nhân vật lịch sử Đinh Sâm.

Đến nay, tư liệu về Đinh Sâm và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo không nhiều. Tổng hợp các nguồn tư liệu cho hay, Đinh Sâm: không rõ năm sinh năm mất, quê ở Tân Thành - Sa Đéc, là một trang hào kiệt, ruột thắt gan bào trước cảnh nước mất nhà tan, cảnh người dân bị lũ tay sai hà hiếp, bóc lột. Năm 1868, Đinh Sâm đã dấy binh khởi nghĩa tại Láng Hầm tức Ba Láng - Trà Niềng ngày nay. Lúc đó Cai tổng Định Bảo là Nguyễn Văn Vĩnh, một "hung thần" đối với dân chúng trong vùng. Đinh Sâm đã nhiều lần viết thư cảnh cáo song Cai tổng Vĩnh vẫn ngày càng lộng hành, coi mạng dân như cỏ rác. Đinh Sâm cùng nghĩa quân đã đột kích vào tư dinh Cai tổng Vĩnh, hạ thủ cấp của hắn rồi phóng hỏa đốt tư dinh. Cái chết của tên cai tổng khiến cho dân chúng trong vùng hả dạ, tên tuổi và uy tín của Đinh Sâm ngày càng lan rộng.

 
Tranh tái hiện cuộc khởi nghĩa do Đinh Sâm lãnh đạo tại Láng Hầm trưng bày trong Bảo tàng Cần Thơ. Ảnh: Đăng Huỳnh.

Đến nay, tư liệu về Đinh Sâm và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo không nhiều. Tổng hợp các nguồn tư liệu cho hay, Đinh Sâm: không rõ năm sinh năm mất, quê ở Tân Thành - Sa Đéc, là một trang hào kiệt, ruột thắt gan bào trước cảnh nước mất nhà tan, cảnh người dân bị lũ tay sai hà hiếp, bóc lột. Năm 1868, Đinh Sâm đã dấy binh khởi nghĩa tại Láng Hầm tức Ba Láng - Trà Niềng ngày nay. Lúc đó Cai tổng Định Bảo là Nguyễn Văn Vĩnh, một "hung thần" đối với dân chúng trong vùng. Đinh Sâm đã nhiều lần viết thư cảnh cáo song Cai tổng Vĩnh vẫn ngày càng lộng hành, coi mạng dân như cỏ rác. Đinh Sâm cùng nghĩa quân đã đột kích vào tư dinh Cai tổng Vĩnh, hạ thủ cấp của hắn rồi phóng hỏa đốt tư dinh. Cái chết của tên cai tổng khiến cho dân chúng trong vùng hả dạ, tên tuổi và uy tín của Đinh Sâm ngày càng lan rộng.

Chúng tôi may mắn sưu tầm được một tài liệu quý của chính quyền Pháp ghi hồi năm 1909, thuật lại những sự kiện xảy ra ở Cần Thơ. Trong đó có đoạn về cuộc khởi nghĩa Đinh Sâm. Sau khi thuật chuyện Đinh Sâm giết Cai tổng Vĩnh, tài liệu này ghi: "Nhà nước Pháp gửi các đội quân người bản xứ tới chống lại quân nổi loạn: các đội quân này được đặt dưới quyền chỉ huy của viên đội quân địa phương Mỹ-tho có tên là Lộc (Tổng đốc sau này) và một người địa phương quân khác của Gò-công, tên là Tấn (sau này là Lãnh-binh)". Cần biết thêm rằng, Lộc chính là Tổng đốc Cái Bè Trần Bá Lộc và Tấn là Lãnh binh Huỳnh Văn Tấn - hai kẻ tay sai nổi tiếng thủ đoạn, ác ôn, khiến những nhà nho thời bấy giờ như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị… rất căm giận. Tài liệu này còn cho biết thêm, tên Lộc và tên Tấn đã đánh tan các nhóm nổi dậy, giết hại vô số người, nhưng không bắt được người đứng đầu- Đinh Sâm.

Chiến công hiển hách cùng sự anh dũng của Đinh Sâm và nghĩa quân được Cử nhân Phan Văn Trị lúc bấy giờ rất ngưỡng vọng. Ông đã làm đôi câu đối về sự kiện này:


"Võ kiếm xung thiên, Ba Láng giang đầu lưu hận huyết

Văn tinh lạc địa, Trà Niềng thôn lý đái sầu nhan"

Tạm dịch:

"Gươm võ xông trời, đầu vàm Ba Láng lưu máu hận

Sao văn rớt đất, trong xóm Trà Niềng nhuốm vẻ sầu"

Một chi tiết đáng chú ý khác: nhà văn Sơn Nam trong cuốn "Lịch sử khẩn hoang miền Nam" đã tra cứu được một tài liệu của người Pháp thuật lại rằng: "Vùng Ba Láng (nhánh của rạch Cần Thơ) là nơi khởi nghĩa của Đinh Sâm. Đinh Sâm thất bại nhưng vào tháng 3 dương lịch năm 1870, chừng 200 nghĩa quân tụ tập lại ăn tiệc, chuẩn bị đánh tòa tham biện Cần Thơ. Thực dân Pháp phát giác kịp, bắt giam 111 người, trong số này chừng 55 người mà thực dân cho là nguy hiểm bị đề nghị đày ra Côn Nôn hoặc đảo Réunion". Chi tiết này cho thấy lực lượng của nghĩa binh Đinh Sâm khá đông và sau 2 năm cuộc khởi nghĩa Láng Hầm nổ ra, những nghĩa sĩ khí khái, yêu nước vẫn ngùn ngụt ngọn lửa đánh giặc cứu nước, cứu dân.

 
Đình Năm Ông (Sóc Trăng), nơi thờ Phó Chánh Lãnh binh Võ Đình Sâm. Ảnh: Đăng Huỳnh.

Ở Phong Điền, Cần Thơ, vẫn còn một giai thoại về Đinh Sâm và tay thuyết khách cho Pháp. Chuyện rằng, có một cuộc tiếp xúc của một thân hào nổi tiếng đất Tây Đô là Đỗ Sỹ Nguyên và Đinh Sâm. Đỗ Sỹ Nguyên khuyên Đinh Sâm nên thức thời quy phục triều đình và không chống Tây nữa sẽ được làm quan Chánh sở thay cho tên Cai tổng Vĩnh. Đinh Sâm đã từ chối thẳng thừng và còn khuyên ngược lại tên Nguyên rằng: "Triều đình hàng Tây chớ Đinh Sâm này quyết không đầu hàng bọn cướp nước dân Nam. Tôi khuyên ông nếu không dám chống Tây thì cùng đừng bức hại dân, nối giáo cho giặc".

Một chi tiết khác là Đinh Sâm còn có tên gọi khác là Võ Đình Sâm. Sách "Monographie de Cantho" - một tài liệu cổ thời Pháp thuộc - ghi: "Đinh Sâm là Võ Đình Sâm mà người giết Cai tổng Vĩnh là Thống chế Bút, thuộc hạ của Đinh Sâm". Hai tác giả Nguyễn Bá Thế - Nguyễn Q. Thắng trong "Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam" lý giải, Đinh Sâm tức Võ Đình Sâm vì chữ Đinh ắt là do chữ Đình (thiếu dấu huyền, người Pháp thường ghi như vậy). Một nguyên nhân khác là người chống chính quyền phong kiến xưa kia thường được gán cho họ Đinh.

Từ những lý giải có lý trên, có thể đoán định rằng nhân vật lịch sử Võ Đình Sâm ở Sóc Trăng chính là nhân vật Đinh Sâm. Nhắc đến Võ Đình Sâm, cần thiết phải nhắc đến Chánh Lãnh binh Trần Văn Hòa. Ông là người Quảng Ngãi, gia nhập quân đội triều Nguyễn từ rất sớm. Khi vùng đất Sóc Trăng có loạn, ông được triều đình điều về làm Chánh Lãnh binh để dẹp loạn. Chánh Lãnh binh Trần Văn Hòa đóng doanh trại ở Ba Thắc (thuộc huyện Mỹ Xuyên ngày nay). Ông lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu rất quả cảm. Bên cạnh ông chính là Phó Chánh Lãnh binh Võ Đình Sâm (hay Đinh Sâm). Theo sử liệu, Võ Đình Sâm là Phó Chánh Lãnh binh thời vua Tự Đức. Khi Chánh Lãnh binh Trần Văn Hòa tử trận, ông lên thay. Sau khi dẹp yên các cuộc nổi dậy ở Sóc Trăng, ông rút quân về Cần Thơ. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng Võ Đình Sâm (Đinh Sâm) dấy binh khởi nghĩa ở Ba Láng trong khoảng thời gian về Cần Thơ này?

Ở Sóc Trăng, vì mến phục công đức của Phó Chánh Lãnh binh Võ Đình Sâm, nhân dân Ba Xuyên đã thờ ông tại Đình Thần Khánh Hưng (đình Năm Ông). Dưới thời vua Bảo Đại, ông được vua ban Sắc Phong Thần. Lại nhắc lại chuyện cũ, trong cuốn "Cần Thơ xưa và nay" của tác giả Huỳnh Minh, có vài trang nói về Chánh Lãnh binh Võ Duy Tập, người làng Long Tuyền - Cần Thơ đem quân dẹp loạn ở Sóc Trăng, tử trận và linh vị được thờ ở Đình Thần Khánh Hưng. Chúng tôi đã đến tận Đình Năm Ông (tức Đình Khánh Hưng) để tìm hiểu nhưng tuyệt nhiên không có linh vị nào Võ Duy Tập mà chỉ có Sắc Thần tứ ban cho Phó Chánh Lãnh binh Võ Đình Sâm. Phải chăng, tác giả Huỳnh Minh đã có nhầm lẫn ở chỗ này?

Ngoài được phong Thần, hiện nay, tên của Phó Chánh Lãnh binh Võ Đình Sâm còn được đặt cho một con đường đẹp ở nội ô Sóc Trăng. Ở Cần Thơ, sự kiện khởi nghĩa Láng Hầm và tên tuổi vị tướng tài Đinh Sâm vẫn còn chưa  được nhiều người biết đến. Bảo tàng Cần Thơ có một bức tranh hoành tráng tái hiện cuộc khởi nghĩa do Đinh Sâm lãnh đạo và vài dòng khái lược về sự kiện này. Thiết nghĩ, bấy nhiêu thôi chưa đủ để tôn vinh một con người hào kiệt đã góp phần làm rỡ ràng lịch sử Cần Thơ.


Đăng Huỳnh
Theo Báo Cần Thơ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dinh-sam-hao-kiet-dat-can-tho-a12617.html