Đợi mùa hoa cải năm sau

Nhà văn Trọng Bảo viết rất nhiều các thể loại từ truyện ngắn, truyện cười, truyện thiếu nhi, và tiểu thuyết… Các tập truyện của Nhà văn Trọng Bảo đã xuất bản bao gồm 4 tập truyện cười; 5 tập truyện ngắn, 1 tập truyện thiếu nhi; và 2 cuốn tiểu thuyết.


Giông gió đi qua - là một trong những tập truyện ngắn hay của nhà văn Trọng Bảo (ảnh bên), sách do nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân phát hành năm 2016. Tập truyện này bao gồm tất cả 18 truyện ngắn, có những truyện đọc rất cảm động như truyện ngắn Mùa xuân lạnh lẽo; Nước mắt phố phường; Trung thu của mẹ; Còn Mãi ơn thầy; Ngày mai em sẽ đến tìm anh; Chuồn chuồn bay thấp; Về với mẹ…
 
Và trong tập truyện ngắn này cũng có rất nhiều truyện ngắn hay như truyện ngắn Giông gió đi qua; Hương thị và đặc biệt là truyện ngắn rất hay Đợi mùa hoa cải năm sau. Xin giới thiệu truyện ngắn hay này của nhà văn Trọng Bảo.
 
Đợi mùa hoa cải năm sau

Ông Mâu dẫn con gái xuống bến sông. Bây giờ đang là cuối mùa thu. Hoa cải nở trải một thảm vàng trên bãi phù sa non ven bờ sông. Gió thổi từ mặt nước lên hơi lành lạnh. Ánh nắng lăn dài lấp lánh trên mặt nước. Những con sóng nhỏ đuổi nhau vào bờ tạo nên những âm thanh óc ách, miên man.
 
Cái Bông con gái ông theo bố đi xuống bến. Nó mặc cái áo dài màu thiên thanh. Tà áo dài của con bé bay bay trong gió nổi bật giữa màu vàng của hoa cải. Con bé trông thật tươi tắn. Nhìn con gái ông chợt thấy nao nao trong lòng. Ông thấy vui vì con bé càng lớn càng xinh đẹp. Nó rất giống mẹ. Nhưng ông cũng thấy lo lo, trong lòng vương vấn một nỗi ân hận.
 
Hơn mười năm qua, ông vẫn nghĩ đến ngày này. Cái ngày mà con gái sẽ hỏi về mẹ của nó. Hơn mười năm qua ông lo lắng trước ánh mắt của con bé mỗi khi nhắc đến mẹ. Hôm nay, ông đưa con về nơi lần đầu tiên ông đã gặp người đàn bà - mẹ đẻ của con bé.
 
Từ buổi tối hôm qua con bé đã bồn chồn lo lắng chuẩn bị cho chuyến đi. Nó mở tủ lôi ra hàng chục bộ quần áo mặc thử. Hết váy ngắn, váy dài lại đến quần bò, quần lửng. Cuối cùng nó chọn cái áo dài màu thiên thanh vì nó chợt nhớ có lần ông kể chuyện mẹ nó từng ước ao có một cái áo dài màu ấy. Dù biết chuyến đi chỉ là về nơi bố mẹ đã gặp nhau chứ không thể gặp được mẹ nhưng nó vẫn thấy hồi hộp, háo hức. Nó cứ nghĩ như là đang đi gặp mẹ.
 
Con đường xuống bến phà bây giờ đã trải bê - tông phẳng phiu khác hẳn mười bảy năm về trước khi ông gặp người đàn bà sau này là mẹ đẻ của cái Bông. Dòng sông Hồng mùa thu hiền hòa nhưng hưu quạnh. Nước sông cạn nên thuyền bè không tấp nập như khi mùa lũ lớn.
 
Ông chợt giật mình khi nhìn thấy một người đàn bà miệng bịt băng khẩu, khăn che mặt kín mít đang đẩy một cái xe thồ đầy đồ sành sứ từ dưới bến sông đi lên. Trông chị ta rất giống như người đàn bà - mẹ đẻ của cái Bông - mà ông đã gặp năm xưa.

Năm ấy cũng là mùa Thu. Vợ ông từ liên bang Đức trở về. Người đàn bà lam lũ thời bao cấp ngày nào bây giờ đã khác hẳn. Vẻ giàu sang, mặc đồ đắt tiền, mùi nước hoa thơm nức cũng không che dấu hết được những nỗi cực nhọc, đôn đáo kiếm ăn nơi đất khách quê người của vợ ông. Mùi nước hoa khiến ông khó chịu. Nhưng ông Mâu càng khó chịu hơn khi thấy bà tỏ vẻ coi thường những thứ mà một thời ông và bà gắn bó như chiếc xe đạp thống nhất cọc cạch, chiếc nồi nhôm méo mó đen thui, cái rá vo gạo ám khói…
 
Chỉ một hai ngày sau khi bà về những thứ đồ từ thời bao cấp, những kỷ vật chiến tranh của hai người đã bị thanh lý tuốt tuột cho con bé chuyên thu mua đồ cũ ngày nào cũng giong xe đạp đi qua các khu tập thể. Bà vợ ông đi siêu thị lôi về nào là nồi cơm điện, bếp ga, lò vi sóng…
 
Những thứ mà khi ấy ông chỉ thấy quảng cáo trên ti-vi. Căn hộ tập thể của ông cũng thay đổi. Nó được tân trang lại. Bốn bức tường dày đặc những hình vẽ chim cò mà thằng con ông đã “sáng tác” từ khi còn bé tý cũng bị xoá sạch. Bà gọi thợ co trát lại rồi sơn tường chứ không quét vôi như trước. Ông Mâu thấy hụt hẫng vì sự thay đổi. Tuy vậy ông cũng mừng vì bao năm bà ấy đi xuất khẩu lao động cũng biết tích cóp đem tiền về lo cho bố con ông ở nhà. Ông vui vì kể từ nay cả nhà ông đã đoàn tụ, có vợ, có chồng cùng chăm lo cho thằng con học hành tấn tới.
 
Nhưng ông đã lầm. Mấy tháng sau khi trở về nước, vợ ông lại lên đường xuất ngoại. Nhưng lần này bà không đi một mình. Bà đem cả thằng con đang học lớp 8 vẫn ở cùng ông đi theo, nói là sang bên ấy nó có điều kiện học tập tốt hơn. Thế là hai mẹ con mất hút luôn.
 
Hơn một năm sau ông nhận được một lá thư từ nước ngoài gửi về. Đó là một tờ đơn ly hôn bà vợ ông gửi về để ông ký. Một người bạn cùng đi xuất khẩu lao động về thăm nhà được vợ ông nhờ đem về. Anh này cho biết bên ấy bà đã sống với một người đàn ông khác. Họ đã có với nhau một đứa con gái một tuổi. Thế là ông Mâu mất tất. Ông mất cả vợ lẫn con. Ông buồn suy sụp. Lão Hỗ hàng xóm của ông nghe tin cầm chai rượu lò dò sang ngật ngưỡng bảo:
 
- Cần đếch gì phải suy nghĩ nhiều hả bác! Làm một chén cho nó quên hết mẹ nó cái sự đời đi bác ạ! - Lão vừa nói vừa rót rượu ra cái chén cầm sẵn theo.

- Uống thì uống…  - Ông Mâu cầm cái chén ngửa cổ dốc rượu vào miệng ực luôn một phát.

Lão Hỗ đón cái chén rót tiếp một chén rượu và cũng ngửa cổ ực một phát. Sau mấy lần quay vòng cái chén tống, chai rượu hết veo. Lão Hỗ cắp cái chai rỗng vào nách lè nhè hát: “Đời ơi đời, sao mà bạc như vôi, sao mà đen như mực, sao mà nhục như người… Đời ơi là đời… đ… ờ… i…”.
 
Lão Hỗ cũng bị vợ bỏ. Vợ lão đi theo một thằng chuyển buôn bè gỗ trên sông Hồng. Lão gà trống nuôi con bao năm trời vất vả gian lao. Vậy mà cái Lĩnh con gái lão lại phụ công của bố. Nó càng lớn cành xinh nhưng lại càng hỗn láo, không nghe lời bố. Học chưa hết phổ thông nó đã bỏ lớp theo trai đi bụi.
 
Lão Hỗ lần mò bao nhiêu tiệm hớt tóc, sạp nhảy tìm con.Lão gặp nó ở một quán cà-phê đèn mờ. Nó không chịu theo lão trở về đi học lại còn lỉnh đi rồi nháy một con bé cùng bọn ra chèo kéo lão uống cà-phê ôm. Sau bận ấy nó biệt tăm. Nghe nói nó vào tận Sài Gòn “làm việc”.
 
Một buổi tối lão đang ngồi nhâm nhi chén rượu suông thì cái Lĩnh xuất hiện cùng một thằng con trai đầu tóc bù sù, mắt trắng dã nhìn ngang liếc dọc láo liên. Nó giới thiệu đó là chồng. Thằng con trai vớ ngay chai rượu của lão trên bàn ngửa cổ tu ừng ực. Lão trừng mắt quát nó là đồ vô lễ. Nó liền rút phắt con dao nhọn chọc tiết lợn ra kề vào cổ lão. Cái Lĩnh gạt con dao của thằng kia nhăn nhở xin lỗi bố. Nó làm như vậy là để vòi xin tiền lão. Lão bảo không có tiền. Mà đúng là lão không có tiền thật.
 
Mỗi tháng lão chỉ có dăm trăm ngàn tiền trợ cấp thương tật. Hồi tháng chạp năm 1972, là tự vệ khi tham gia cứu hộ bệnh viện Bạch Mai trong trận B52 giải thảm xuống thủ đô Hà Nội, lão bị một tảng bê-tông rơi trúng gãy chân. Sau này người ta xem xét trợ cấp hàng tháng cho lão. Số tiền ấy chả đủ cho lão uống rượu làm gì có mà để dành chứ.
 
Cái Lĩnh và thằng con trai lục lọi tìm kiếm khắp ngôi nhà của lão. Thằng con trai thọc tay vào túi áo của lão Hỗ. Nó vớ được mấy chục nghìn tiền lẻ. Nó giơ lên nhìn vẻ khinh bỉ nhưng rồi vẫn nhét nắm tiền lẻ ấy vào túi mình. Đoạn nó vẫy cái Lĩnh: “Đi thôi!”.

Hai đứa kéo nhau đi một cách vội vã. Hình như chúng nó sắp đến lúc phải nạp bổ sung hợp chất heroin vào cơ thể thì phải. Vừa ra đến cửa cái Lĩnh bỗng như nhớ ra điều gì nó liền kéo thằng con trai quay lại. Nó đến bên cái giường gỗ cũ kỹ quan sát rồi bảo thằng con trai:

- Nâng cái giường lên!

- Làm cái gì thế hả?

- Thì cứ nâng lên rồi khắc biết!

Thằng con trai nâng lật nghiêng cái giường gỗ. Cái Lĩnh lần sờ từng chân chiếc giường. Chợt nó reo to:

- Đây rồi… cụ bô cứ giả nghèo, giả khổ mãi…

Nói đoạn nó lôi từ phía dưới một chân giường ra một cái gói nhỏ. Nó mở cái gói rồi giơ lên hai cái hoa tai bằng vàng. Lão Hỗ nhỏm dậy ú ớ:

- Mày… chúng… mày… là quân ăn… cướp… Đấy là của mẹ mày để lại đấy…
 
Nhưng lão chưa nói hết câu thì hai đứa đã vút ra cửa biến vào đêm tối mịt mùng. Lão Hỗ boải hoải ngồi xuống. Lão đã đục rỗng một cái chân giường để cất giấu hai chỉ vàng ấy. Bao lần thiếu thốn, ốm đau nhưng lão không bao giờ nghĩ đến chuyện bán đi hai chỉ vàng. Lão định khi nào cái Lĩnh lớn lên sẽ cho nó. Khi nó còn bé tý mấy lần lão lấy ra cho nó xem. Không ngờ hôm nay nó trở về và cướp đi như thế.
 
Sau này khi nghe tin cái Lĩnh phải vào trại cai nghiện ma tuý lão Hỗ càng buồn. Lão suốt ngày say sưa cùng rượu, lấy rượu thay cơm. Đêm đêm tiếng lão Hỗ lè nhè văng vẳng trong khu nhà tập thể: “Đời ơi đời, sao mà bạc như vôi, sao mà đen như mực, sao mà nhục như người… Đời ơi là đời… đ… ờ… i…”
 
Thế là ông Mâu trở thành bạn rượu của lão Hỗ từ ngày ấy. Nhưng ông không uống rượu thay cơm hàng ngày như lão Hỗ. Ông có lương. Ông lại là cán bộ nhà nước, vợ ông trước khi đi cũng để lại một ít nên cũng không thiếu tiền. Ông chỉ buồn vì gia cảnh. Có bạn rượu chia sẻ ông thấy vơi bớt nỗi lòng.
 

Một ngày nghỉ ông Mâu phóng xe lang thang ra ngoại thành. Ông mới mua được cái xe máy Honda 82 mới tinh. Ông phóng xe lên bờ đê. Lúc xuống dốc bến phà để sang sông do đường mới mưa trơn nên tay lái ông loạng choạng. Ông chống hai chân xuống đất nhưng chiếc xe vẫn bị rê đi. Đuôi chiếc xe máy của ông va phải chiếc xe đạp thồ đang đi lên.
 
Đó là chiếc xe đạp thồ của một người phụ nữ. Chị ta đeo băng khẩu, cái khăn che kín mặt. Chiếc xe thồ chất đầy nhưng đồ gốm sứ quay ngang rồi lao xuống mương nước sâu. Người phụ nữ cố ghìm giữ chiếc xe thồ nhưng không được. Chị ta ngã sấp xuống mặt đất và đành buông cho chiếc xe lao xuống mương nước. Tiếng đồ sứ vỡ. Người đàn bà ngồi bệt xuống đất thở dốc. Ông Mâu lúng túng cố tìm cách dựng chiếc xe máy giữa dốc trơn tuột nhưng không được. Ông đành phóng xe xuống chỗ gần mép nước nơi có một bãi phẳng lát bê-tông để dựng xe.

Người đàn bà tưởng ông gây tai nạn rồi bỏ chạy nên bật khóc hu hu.

Ông Mâu dựng chiếc xe ở bãi cập phà lát bê-tông. Khoá xe cẩn thận xong ông quay lên chỗ người phụ nữ đẩy xe đạp thồ đang ngồi khóc.
 
Ông ấp úng:

- Đường trơn quá, tôi lại mới tập đi xe máy…

- Vỡ… vỡ hết hàng của tôi rồi… bác đền cho tôi đi!

- Vâng… vâng… tôi sẽ đền cho chị!

Người phụ nữ ngừng khóc gỡ cái khăn che mặt.Ông Mâu giật mình. Đó là một người phụ nữ đẹp.Tại sao chị ta phải đi làm cái nghề vận chuyển, buôn bán gốm sứ nặng nhọc thế này?
 
Ông Mâu cùng người phụ nữ hì hục lôi chiếc xe đạp thồ từ dưới mương lên. Các loại đồ sứ như bát đĩa, lọ hoa, cốc sứ đều bị vỡ gần hết. Ông Mâu và người phụ nữ nhặt nhạnh những thứ còn lành lặn xếp lại vào hai cái sọt xe thồ. Xong xuôi, ông Mâu mở ví. Ông lấy ra ba trăm nghìn đồng. Người phụ nữ mếu máo:

- Xe hàng của tôi mua gần một triệu đồng, lại thồ từ làng gốm về tận đây…

Ông Mâu ấp úng:
 
- Tôi không mang theo nhiều tiền, chỉ còn có bấy nhiêu.

Người phụ nữ giơ tay chùi mắt. Ông Mâu lúng túng.Ông chưa biết xử lý thế nào cho ổn thoả. Lỗi này là do ông gây ra nên ông không thể không bồi thường cho người bị thiệt hại. Ông đành bảo:
 
- Nếu chị tin tôi thì bây giờ chị lên cái quán trên đầu dốc ngồi chờ. Tôi sẽ phóng xe về nhà lấy tiền đem sang bồi thường cho chị!

Người phụ nữ thần mặt ra im lặng. Mãi sau chị ta mới nói, giọng nghèn nghẹn:
 
- Tôi tin anh! Với lại cũng chẳng còn cách nào khác. Bác cứ đi đi, nhưng xin anh nhớ là hai đứa con nhỏ của tôi ở nhà đều trông chờ cả vào xe hàng gốm sứ bán rong của tôi… 
 
Ông Mâu giúp người phụ nữ đẩy chiếc xe thồ lên đỉnh dốc rồi quay lại lấy xe máy phóng đi. Tắc đường.Mãi quá trưa ông mới về đến nhà. Lấy tiền xong ông phóng xe trở lại chỗ đầu dốc xuống bến phà ngoại thành. Cái quán đang đông người. Ông ngó nhìn quanh quất. Không thấy người phụ nữ đâu, ông đoán chị ấy chờ lâu quá nghĩ ông bỏ chạy luân nên đã bỏ đi rồi. Ông Mâu ngần ngừ do dự một lát rồi quành xe trở lại định phóng đi. Giữa lúc đó thì ông chợt nghe tiếng gọi:
 
- Bác… gì ơi!
 
Ông Mâu quay lại.Người phụ nữ ông đang tìm đang đứng lấp ló phía sau cái quán. Chị gò người dắt chiếc xe thồ ra. Ông Mâu rút ví định lấy tiền nhưng rồi lại bảo:

- Chị đã chờ tôi từ sáng đến chiều thế này chắc cũng đã đói rồi! Chị đưa xe vào chỗ chợ đầu đê kia gửi, tôi chở chị đi ăn cơm trưa rồi tôi trả tiền bồi thường xe hàng cho. Tôi cũng chưa ăn gì nên đói lắm rồi…
 
Người phụ nữ ngần ngừ rồi cũng làm theo lời ông Mâu. Ông Mâu chở người phụ nữ dọc theo bờ đê đến một quán cơm bình dân. Ông gọi hai xuất cơm, thêm một đĩa thịt gà.Hai người vừa ăn, vừa nói chuyện.Qua câu chuyện của người phụ nữ ông biết gia cảnh nhà chị. Anh chồng bội bạc chạy theo một người đàn bà nhiều tuổi hơn nhưng giàu có bỏ lại hai đứa con nhỏ cho chị, một đứa lên năm, một đứa lên ba. Chị phải lăn lộn làm đủ nghề để kiếm tiền nuôi con. Cứ vài ngày chị lại vào làng làm nghề gốm sự mua các loại sản phẩm đem đi bán rong.
 
Ông Mâu tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người phụ nữ. Không biết hai người đã chuyển sang gọi nhau là anh, là cô từ lúc nào. Người phụ nữ nói về hai đứa con nhỏ khi mẹ đi bán hàng rong thì tha thủi chơi với nhau ở nhà. Buổi trưa vét nồi chia nhau mỗi đứa một bát cơm nguội. Nghe người phụ nữ nói, ông Mâu chợt buột miệng bảo:
 
- Cô cho tôi một đứa con để tôi nuôi cho nhà đỡ hưu quạnh thì tốt quá!

Người phụ nữ ngạc nhiên nhìn ông Mâu.Mặt chị đỏ bừng lên.Chị đã hiểu sai câu nói của ông Mâu. Đã biết phần nào hoàn cảnh éo le của ông Mâu, người phụ nữ ngập ngừng nói, giọng nhỏ nhí:
 
- Em đồng ý giúp anh có một đứa con… nhưng… nhưng… anh phải giúp em ít một vốn để em mua một cái máy khâu, mở hiệu may ở làng nhé!

Ông Mâu giật mình khi biết người phụ nữ đã hiểu sai lời nói đùa của mình. Ông ấp úng định thanh minh thì người phụ nữ khẽ khàng đặt bàn tay mình lên tay ông. Ông thấy vương vướng trong cổ nửa như muốn, nửa như không...
 
Hai người rời khỏi cái nhà nghỉ khuất trong một cái ngõ vắng vẻ sâu hun hút khi trời đã gần tối.Mùa này trời thường tối sớm. Ông Mâu phóng xe máy về trung tâm thành phố mà lòng vẫn lâng lâng. Sau đó cô Miền - tên người phụ nữ- còn đến nhà ông Mâu một vài lần giúp ông dọn dẹp nhà cửa, mua sắm chuẩn bị đón tết. Ra riêng, hai người đưa nhau đi Hội Lim nghe hát quan họ…
 
Rồi bỗng nhiên cô Miền biệt tăm tích sau khi báo tin cho ông Mâu biết mình đã có thai. Ông Mâu thấy hụt hẫng.Ông hối hận vì không hỏi rõ quê quán của người phụ nữ ở đâu.Mà ông cố hỏi thì người phụ nữ cũng không nói thật.
 
Hơn một năm sau. Buổi tối hôm ấy trời mưa gió sụt sùi.Ông đang ngồi xem ti-vi thì có tiếng chuông gọi cửa.Ông mở cửa.Một người đội nón sùm sụp ôm cái bọc bước vào. Khi người này hất cái nón lên ông Mâu ngỡ ngành nhận ta Miền, người phụ nữ đã nhận sinh cho ông một đứa con hơn một năm về trước. Ông vội vã kéo cái ghế. Người phụ nữ trao cho ông cái bọc đang ôm trên tay nói, giọng nghèn nghẹn:
 
- Nó là con gái, được hơn ba tháng rồi, em tạm đặt tên nó là Bông…

Ông Mâu lập cập bế đứa bé. Người phụ nữ quay ra. Ông Mâu vội hỏi:

- Cô Miền định đi đâu đấy! Chờ tôi chút đã…

Ông Mâu một tay bế đứa bé một tay cuống quýt với cái ái tìm ví. Ồng muốn đưa cho người phụ nữ ít tiền đi đường nhưng cô đã bước ra khỏi cửa. Ông Mâu nhao theo. Một cơn gió lạnh thổi thốc vào nhà. Ông nghe rõ tiếng người phụ nữ nói vọng lại trong tiếng nấc:
 
- Anh làm giấy khai sinh cho nó có bố, có họ nhé!
 
Người phụ nữ biến vào màn đêm nhanh như lúc chị đến.Ông Mâu đã vất vả nuôi cái Bông từ khi mới lọt lòng như thế.Khỏi phải nói nỗi gian chuân của cảnh gà trống nuôi con. Cũng may, cái Bông ít ốm đau. Nó lớn lên trong niềm vui của người cha và ngày càng xinh đẹp giống mẹ.Cái Bông luôn hỏi ông về mẹ. Ông lẩn tránh câu hỏi của con mãi. Cái Bông ngoan ngoãn, học giỏi.Thi đại học nó đỗ luôn hai trường với điểm số khá cao.
 
Đúng như lời hứa với con khi nó đã lớn ông Mâu quyết định kể lại cho con về mẹ nó. Kể lại câu chuyện cho cái Bông nghe ông Mâu thấy thấp thỏm lo lắng.Ông sợ nó sẽ oán trách ông.Cái Bông không nói một lời nào.Nó chỉ lặng lẽ khóc khi nghe ông nói. Hai bố con ngồi lặng lẽ. Một lúc sau cái Bông bảo ông:

- Bố đưa con đến thăm nơi bố mẹ đã gặp nhau nhé!
 
Ông Mâu ngẩn người. Bây giờ đã cuối mùa thu. Cũng đúng là mùa mà ông đã gặp mẹ cái Bông ở bến sông xưa.Và, hai bố con ông Mâu đưa nhau cùng trở về giữa một mùa hoa cải nở vàng trên bãi sông.
 
Ông Mâu để cái Bông thoả thích ngắm nhìn bãi sông vàng rộm màu hoa cải, xanh mướt ngô non. Bến sông bây giờ nhiều hàng quán hơn trước. Ông Mâu và con gái vào một quán nước ven đê. Bà chủ quán phúc hậu rót hai cốc nước nhân trần cho hai bố con.Bà cụ cứ chăm chú nhìn cái Bông mãi. Khi hai bố con trả tiền định đi thì bà cụ ngập ngừng hỏi:
 
- Tôi hỏi khí không phải, chú và cháu đây có quan hệ thế nào với hai mẹ con cháu gái hôm qua đã đến đây?

Ông Mâu ngạc nhiên:

- Cụ nói hai mẹ con nào ạ?

- Chả là hôm qua có hai mẹ con đến đây cũng vào uống nước nhân trần. Con gái của cô ấy sao mà giống cháu gái này thế, cũng mặc cái áo dài màu thiên thanh như cháu này, nhưng có lẽ cô bé ấy nhiều hơn cháu gái này vài tuổi… Hai mẹ con cô ấy nói với nhau về đây mùa này may gặp bố và em gái. Hôm nay lại thấy cháu gái nói về đây may tìm thấy mẹ nên tôi mới hỏi thế!

Cái Bông run run nói:

- Có khi là mẹ và chị gái con đấy bố ạ?

Ông Mâu chưa kịp trả lời con thì bà cụ bán hàng nước lại bảo:

- Hai mẹ con cô ấy mùa thu năm nào cũng về đây, cũng vào quán của tôi uống cốc nước nhân trần rồi mới đi.

Ông Mâu hỏi bà lão bán quán:

- Mẹ con cô ấy thường về vào ngày nào trong tháng ạ!

- Chả cố định! Tôi nhớ có năm thì trước rằm trung thu, có năm sau hôm rằm, năm nay thì mãi cuối mùa thu mới về…

Cái Bông thắc mắc:

- Nếu đúng là mẹ tại sao không đến nhà tìm bố con mình mà lại về bến sông này…

Ông Mâu giải thích:

- Mẹ con làm gì biết nhà của bố con mình ở đâu mà đến tìm. Khi mẹ con trao con cho bố thì nhà ta vẫn ở căn hộ chung cư cũ nát trong nội thành. Bây giờ chỗ ấy là một toà cao ốc siêu thị đồ sộ hơn hai mươi tầng. Bố con mình thì lại ở mãi khu đô thị mới ngoại thành…

Cái Bông ỉu sìu khi nghe bố nói vậy. Ông Mâu an ủi, giục nó về. Nhưng cái Bông vẫn chưa muốn về. Nó nói:

- Mùa hoa cải sang năm mình sẽ lại sang đây chờ mẹ bố nhé!

- Ừ… - Ông Mâu đáp.

Ông Mâu nghĩ cô Miền có ý đi tìm ông và con gái như thế chắc là cô ấy cũng thương nhớ con lắm. Ông cũng rất mong gặp lại người phụ nữ năm xưa đã sinh cho ông một đứa con xinh đẹp, ngoan ngoãn. Năm ấy cô ấy ra đi vội vã quá ông chưa kịp nói với cô ấy những điều cần nói.Ông không tin là sẽ gặp lại người phụ nữ năm xưa. Nhưng cũng giống như cái Bông, ông khắc khoải mong chờ đến mùa hoa cải năm sau…
 
Vương Quốc Hoa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/doi-mua-hoa-cai-nam-sau-a12612.html