Hồ Biểu Chánh và bức tranh trang phục người Việt ở Nam Bộ

Sinh năm 1884 tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công, Hồ Biểu Chánh là một trí thức xuất sắc của Nam Bộ. Không chỉ giỏi chữ Nho, ông còn giỏi tiếng Pháp, có biệt tài trong việc viết văn bằng chữ quốc ngữ, sáng tác văn học.

“Ăn mặc là tổng hòa của quan hệ giữa con người với tự nhiên, của các quan hệ xã hội. Với thời đại tiền công nghiệp, một nhà văn hóa đã nói: Hãy cho tôi biết anh ta ăn gì và mặc gì, tôi sẽ nói anh ta là ai!” (1). Trang phục hay văn hóa trang phục, trước hết thể hiện sự ứng phó với môi trường tự nhiên, đồng thời làm đẹp cho con người, thể hiện địa vị xã hội, biểu hiện văn hóa tộc người vì “mỗi dân tộc có cách ăn mặc và trang phục riêng, vì vậy, cái mặc đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc” (2). Các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh cho thấy trang phục của người Việt ở Nam Bộ cũng không ngoài quy luật đó, đặc biệt, yếu tố giao lưu tiếp biến, yếu tố thời đại được thể hiện rõ nét.
 


Chân dung Hồ Biểu Chánh 

Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên. Khi viết văn, ông lấy bút danh là Hồ Biểu Chánh ghép từ tên tự và họ. Sinh năm 1884 tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công, Hồ Biểu Chánh là một trí thức xuất sắc của Nam Bộ. Không chỉ giỏi chữ Nho, ông còn giỏi tiếng Pháp, có biệt tài trong việc viết văn bằng chữ quốc ngữ, sáng tác văn học. Sinh ra và lớn lên ở Nam Bộ, được tắm mình trong bầu không khí văn hóa Nam Bộ, lại là một trí thức văn chương có tài, Hồ Biểu Chánh đã để lại cho đời một sự nghiệp sáng tác đồ sộ có giá trị lớn về mặt văn hóa, văn học, đặc biệt trong việc phản ánh diện mạo văn hóa Nam Bộ. Tác phẩm của Hồ Biểu Chánh thể hiện chân thực, gần gũi, sâu sắc đời sống văn hóa của người Nam Bộ. Khối lượng tác phẩm của Hồ Biểu Chánh khá đồ sộ với 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 2 truyện dịch, 12 tác phẩm hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu, phê bình, 64 tiểu thuyết. Qua mô tả nhân vật của Hồ Biểu Chánh trong tiểu thuyết, có thể thấy được bức tranh sống động về văn hóa mặc, trang phục của người Việt ở Nam Bộ cuối TK XIX đầu TK XX.

Trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, áo bà ba được đặc tả với những đặc trưng của trang phục Nam Bộ. Áo bà ba xuất hiện khắp nơi trong sinh hoạt đời thường, từ buổi chợ quê đến phố thị đông đúc, từ lao động sản xuất đến làm vườn, chèo ghe… Áo bà ba phù hợp với khí hậu nóng bức, tiện lợi khi làm việc ở môi trường bên ngoài. Có thể mặc áo bà ba khi may vá, thêu thùa, làm việc đồng áng, bán hàng, tiếp khách... Đây là hình ảnh của cô Sáu Lý: “Cô Ký nhắc ghế ngồi ngang đó mà nói chuyện, còn cô Sáu mặc quần lụa trắng, áo bà ba cũng bằng lụa trắng, tay đeo một chiếc đồng bát giác, cổ đeo một sợi dây chuyền vàng tây” (3). Hay cô Hảo trong Cười gượng: “Cô phụ với mẹ mà bán quán, mỗi ngày cô bận một cái quần vải đen với một cái áo bà ba vải trắng, đàn ông con trai qua lại ai cũng dòm ngó, ai cũng trầm trồ” (4). Người giàu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn, từ nông thôn đến thành thị đều lựa chọn trang phục áo bà ba, có khác chăng là sự lựa chọn gam màu, kiểu dáng, phụ trang đi kèm. Người giàu sang, quyền thế, người thành thị thường chọn áo có gam màu sáng, rực rỡ, chất liệu quý, sang trọng. Trong tiểu thuyết Con nhà giàu, cô Hai Hẩu: “mặc quần lục soạn trắng, áo bà ba cũng bằng lụa trắng”(5), bà Kế hiền cũng sang trọng không kém khi: “mặc áo bà ba xuyến đen, quần lụa trắng, chơn đi guốc sơn đỏ, đầu đội khăn hột mè, bà đứng một tay chống nạnh, một tay xỉa thuốc, bộ tướng mạnh mẽ lắm” (6). Ngược lại, người nghèo, khổ chọn màu tối, dễ xài, chất liệu rẻ tiền. Hai Thình trong Chút phận linh đinh: “tuổi chừng 40, miệng rộng, da đen, đầu choàng một chiếc khăn vải rằn, mình mặc một cái áo bà ba, vải đen và một cái quần vải đen cũ” (7). Chiếc áo bà ba không chỉ là trang phục của phụ nữ mà còn là trang phục khá phổ biến của nam giới. Tía thằng Được trong Cay đắng mùi đời là người đàn ông “choàng một cái áo bà ba vải trắng, cái ngực với bắp tay mặt lòi ra thì thấy có xâm hình xâm chữ rậm ri” (8). Chánh Tâm trong Kẻ làm người chịu mặc: “áo bà ba xuyến trắng, quần lục soạn Bắc thảo, đầu đội nón trắng, chơn mang giày hàm ếch” (9). Tất cả cho thấy sự thông dụng của áo bà ba ở các tầng lớp dân cư Nam Bộ từ quan chức, giàu sang cho đến lớp bình dân, nghèo hèn mà nếu có khác ở chất liệu, biếu tấu, gam màu.
 
Ngoài áo bà ba, áo dài là trang phục khá phổ biến của người Việt Nam Bộ. Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh làm rõ một điều đặc biệt trong thói quen ăn mặc của phụ nữ Nam Bộ đó là họ ý thức về lòng tự trọng, giữ ý tứ. Chính vì thế, chiếc áo dài được mặc vào những dịp trang nghiêm, tiếp khách trang trọng. Họ có thói quen mặc áo dài khi có khách đến chơi, tiếp khách vì chiếc áo kín đáo, che phủ phần thân phía trước lẫn phần mông phía sau, cổ cao. Có lẽ điều này xuất phát từ quan niệm luân lý, quan niệm thẩm mỹ của người phụ nữ Á Đông vốn thích kín đáo, lịch sự. Cô Lý đang mặc một cái quần lãnh đen với cái áo bà ba vải trắng, thấy Thầy Thiện bước vô thì chào hỏi, mời ngồi rồi “lật đật đi vô buồng thay áo mà mặc một cái áo dài bằng nhiễu đen, đặng hầu chuyện với khách cho đủ lễ”(10). Trong Tơ hồng vương vấn: “Hai bà đương đứng coi đồ đạc thì bà chủ Thiệu, mặc áo cụt lụa trắng, ở dưới nhà cầu đi lên. Bà thấy hai bà khách quen thì mừng rỡ, hối người con trai lấy áo dài cho bà, mời khách vô bộ ván lớn phía trong mà ngồi, kêu người nhà đem trầu nước. Bà chủ đứng và mặc áo dài cho đủ lễ” (11). Áo dài cũng là trang phục phổ biến của nam giới Nam Bộ thời kỳ này. Áo dài nam giới thường đi liền với khăn đóng (khăn xếp) hay còn gọi là khăn đen. Trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, các nhân vật thường diện áo dài, khăn đen vào những dịp quan trọng, trang nghiêm. Hầu như những người có chức sắc đều lựa chọn áo dài làm trang phục, như ông hội đồng: “Vợ chồng ông hội đồng địa hạt Cao Vĩnh Thạnh tiếp nhau xuống xe, ông mặc áo dài khăn đóng đàng hoàng, bà mặc áo tím than lót màu cặn rượu chát. Xuống xe rồi vợ chồng đi trước, con nối theo sau mà lên thềm”(12). Quan Phủ đi làm phải khăn đóng, áo dài, chỉ được cởi ra khi về nhà như trong tác phẩm Bỏ vợ: “Xe ghé nhà trong rạch Cái Khế. Quan Phủ lột khăn đen, cởi áo dài mà rửa mặt, rồi lại nằm trên cái ghế xích đu, hai tay chấp sau ót, mắt ngó sửng ra sân, coi sắc mặt đủ biết ngài đương buồn lo lung lắm” (13).
 
Cùng với áo bà ba, chiếc khăn rằn không thể thiếu trong lối ăn mặc của những người dân xứ này. Khăn rằn cũng được xem là một trong những biểu tượng văn hóa trang phục của người Nam Bộ, đặc biệt là tầng lớp nông dân. Anh nông dân Trần Văn Sửu trong Cha con nghĩa nặng mặc một cái áo đen “nhùn nhục”, một cái quần vắn lại đứt tả tơi, đầu bịt trùm một cái khăn rằn, miệng ngậm trầu một búng hay của Hai Sửu: “ông Hai Sửu ngẩn ngơ, đứng ngó theo, không biết liệu làm sao được. Ông còn ôm cây dù rách, nắm cái khăn rằn đứng xớ rớ dưới thềm...” (14). Không chỉ người lao động lam lũ, mà cả những điền chủ, người giàu cũng sử dụng nó như: “Ông Hương chủ lấy cái khăn rằn vắt trên vai xuống mà lau miệng, vuốt râu rồi nói: - Tưởng là ai, chớ ông Huyện hàm Hạ tao biết. Ông là người giàu có mà nhơn đức” (15). Không chỉ nam giới, phụ nữ cũng sử dụng loại khăn này: cô Lý “mặc một cái áo nỉ vằn màu nâu, dưới mặc một cái quần tây cũng bằng nỉ màu trứng gà, đầu choàng một cái khăn rằn ri, bộ coi gọn gàng lắm” (16).
 
Nếu đàn ông mặc áo dài, đội khăn đóng thì phụ trang kèm theo của người phụ nữ là chiếc khăn lụa. Chân dung của các cô gái, những người phụ nữ trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thường gắn liền với chiếc khăn này. Bạch Tuyết tuy mặc áo vải quần vải song đầu có choàng khăn lụa mới. Trong Hai Thà cưới vợ, chiếc khăn lụa đồng thời là vật thời trang, là niềm mơ ước của những cô gái mới lớn, không cần sắm sửa, chỉ mua một cái khăn lụa là đủ. Khăn lụa thường là quà tặng hoặc tín vật của người đang yêu nhau: “Chiều thày đi làm về, thày ghé tiệm mà mua một cái khăn lụa trắng, bốn chéo có thêu bốn cái bông hường. Tối thày viết một bức thơ mà tỏ nỗi tương tư của thày và thề thốt dầu chết cũng chẳng phụ nhau rồi thày gói chung với cái khăn tính đưa cho cô, song chưa biết dùng chước nào mà đưa cho tiện” (17). Án mạng trong tiểu thuyết Cư kỉnh cũng gắn liền với chiếc khăn lụa màu xanh của cô gái say mê tiểu thuyết diễm tình của văn sĩ Chí Cao...
 
 
Bên cạnh chiếc khăn lụa, chiếc khăn mùi xoa cũng được các cô gái ở Nam Bộ ưa chuộng. Đây đều là những loại trang phục du nhập từ phương Tây. Có nhân vật được Hồ Biểu Chánh miêu tả ăn mặc, phục sức Tây, ta, Tàu kết hợp như trang phục cô Hai Hẩu trong Con nhà giàu, mặc áo hàng Thượng Hải màu da trời, bông bình bác, bận quần cẩm nhung trắng may lưng màu đọt chuối, đầu đội khăn màu trứng gà, một tay cầm khăn mùi xoa bước xuống xe.
 
Một điểm nhấn trong phục trang người Nam Bộ thời kỳ này là chiếc dù che. Chiếc dù tiếp nhận từ phương Tây nhưng phù hợp với khí hậu nắng nóng của Nam Bộ nên phù hợp, trở nên phổ biến. Hãy quan sát Tòa bố Cần Thơ giờ tan tầm: “Tan buổi hầu chiều, mấy thày thông thày ký trong Tòa bố Cần Thơ kẻ trước người sau lần lượt ra cửa mà về, già thì bịt khăn đen, trẻ thì đội nón, song người nào cũng mặc áo dài, mang giày tây, nơi cánh tay lại có mang một cây dù hoặc đen hoặc trắng”(18). Đôi khi, vật dụng này xuất hiện trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh với tên gọi là: dù máy như trong Cay đắng mùi đời: “Có một người lạ mặt đầu bịt một cái khăn nhiễu trắng, mình mặc quần lãnh đen lưng xanh, áo bà ba lụa trắng dài phủ mổng trôn, tay cặp một cây dù máy cán cong như mỏ giằng xay lúa” (19). Dù máy cán làm bằng kim loại, phân biệt với dù cán tre: “Thày Chung trong nhà in theo bạn bước ra lề đường, nơi cánh tay trái có móc một cây dù cán tre uốn cong vòng” (20). Nam giới thường sử dụng dù với gam màu đen còn thiếu nữ trẻ trung thường chọn dù màu sắc rực rỡ, tươi sáng.
 
Nếu dù là vật dụng che nắng khá sang trọng thì nón lá truyền thống được sử dụng phổ biến, được người bình dân lao động yêu chuộng hơn vì phù hợp với công việc đồng áng. Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh nói đến thói quen sử dụng nón lá của người nông dân: “Kẻ nông phu không có công việc làm, nên vác cần câu ra ruộng câu rê, đầu đội nón lá, vai mang giỏ tre, dầm mưa phơi nắng tối ngày, mà bắt cá đổi gạo vợ con ăn không đủ bữa” (21).
 
Đồ mặc ở chân được Hồ Biểu Chánh miêu tả khá phong phú. Đặc biệt, khi miêu tả nhân vật, Hồ Biểu Chánh có nhắc đến những kiểu giày được xem là mốt một thời như: giày hàm ếch, giày hắc mã vĩ. Đây là những phụ trang mà người Việt ở Gia Định sản xuất theo kỹ thuật của người Hoa đương thời. Chánh Hương quản Sum thì mặc quần lãnh đen, áo bành tô trắng, chơn mang giày hàm ếch, đầu đội kết có rằn, tay cầm ba ton, miệng ngậm điếu thuốc. Còn Ông Kinh Lịch Lương bận quần nhiễu trắng, chưn mang giày tàu, kiểu hắc mã vĩ.
 
Quan sát cách ăn mặc, trang điểm, trang sức qua mô tả nhân vật của Hồ Biểu Chánh, người đọc có thể nhận thấy những chuyển biến lớn trong văn hóa mặc của người Nam Bộ, đặc biệt, lớp người sống ở đô thị, nơi chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây mạnh mẽ, ồ ạt nhất. Nam giới mặc quần Tây, áo vest, áo bành tô, thắt caravat như: Phúc mặc bộ đồ tussor mới, chân mang giày da láng, cổ thắt régate màu tím có đốm trắng hay Tất Đắc mặc một bộ đồ nỉ đen, bâu cứng, nơ đen, giày da láng, tóc thoa brillantine láng nhuốt, tay có mang găng trắng. Nữ giới thì uốn tóc, mặc đầm, mặc giày cao gót: “Vợ bận bộ đồ mới, đầu chảy láng mướt, tóc bới sát ót, mặt dồi phấn thiệt khéo, môi thoa son đỏ lòm, chơn mày vẽ cong vòng, chơn mang giày da màu xám cao gót, đương đứng trước cái tủ kiếng mà soi cả mình rồi ngắm nghía” (22).
 
Văn học phản ánh hầu hết các lĩnh vực của đời sống trên nền bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp cận văn học là một cách để hiểu thấu đáo, sâu sắc văn hóa của đời sống đó. Đọc những trang văn của Hồ Biểu Chánh, có thể hình dung, hiểu rõ hơn về cách ăn mặc của người Việt Nam Bộ cách đây cả thế kỷ. Nam Bộ tiếp xúc với văn minh phương Tây sớm hơn cả miền Trung và Bắc hơn một phần tư thế kỷ. Sự chọn lựa văn hóa trang phục của người Việt Nam Bộ vừa có nét truyền thống lại vừa phản ánh tính thời đại. Nhà văn Hồ Biểu Chánh có nhiều tác phẩm lý thú đề cập đến trang phục của người Việt trong bối cảnh Nam Bộ buổi đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây dẫn đến lối ăn mặc đa dạng, phong phú, thời thượng bậc nhất so với các vùng miền khác trong cả nước.
 
____________
 
1. Ngô Đức Thịnh, Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.237.
 
2. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM, TP.HCM, 2004, tr.375.
 
3, 17. Hồ Biểu Chánh, Thày thông ngôn, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2006, tr.29, 41.
 
4. Hồ Biểu Chánh, Cười gượng, Nxb Tổng hợp Tiền Giang, Tiền Giang, 1988, tr.86.
 
5, 6, 21. Hồ Biểu Chánh, Con nhà giàu, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2005, tr.54, 93, 251.
 
7, 18. Hồ Biểu Chánh, Chút phận linh đinh, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2005, tr.51, 19.
 
8, 19. Hồ Biểu Chánh, Cay đắng mùi đời, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2006, tr.168, 23.
 
9. Hồ Biểu Chánh, Kẻ làm người chịu, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2005, tr.67.
 
10, 22. Hồ Biểu Chánh, Bỏ chồng, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2005, tr.44, 13.
 
11. Hồ Biểu Chánh, Tơ hồng vương vấn, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2006, tr.24.
 
12, 13. Hồ Biểu Chánh, Bỏ vợ, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2006, tr.7, 72.
 
14, 15. Hồ Biểu Chánh, Khóc thầm, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2006, tr.116, 13,
 
16. Hồ Biểu Chánh, Ái tình miếu, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2006, tr.67.
 
20. Hồ Biểu Chánh, Thầy Chung trúng số, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM, 2005, tr.25. 

 
Lê Thị Thanh Tâm
Tạp chí VHNT số 405, năm 2018

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ho-bieu-chanh-va-buc-tranh-trang-phuc-nguoi-viet-o-nam-bo-a12605.html