Đặc trưng văn hoá địa phương qua ngôn ngữ Nam Bộ

Sức sống mãnh liệt của tiếng Việt ở Nam Bộ trước sự chi phối của ngôn ngữ ngoại lai đã thể hiện tinh thần dân tộc bất khuất, một nền văn hóa giàu bản sắc truyền thống.

1. Bối cảnh xã hội, ngôn ngữ ở Nam Bộ từ cuối TK XIX - 1945

Năm 1858, thực dân Pháp vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược tại Việt Nam. Năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước nhượng Sài Gòn và ba tỉnh Nam Kỳ (Nam Bộ) lân cận cho Pháp. Vào năm 1869, Pháp chiếm nốt ba tỉnh kế tiếp. Thực dân Pháp đã áp dụng chính sách chia để trị, chia nước ta thành ba đơn vị hành chính là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Trong sự phân chia đó, vùng đất Nam Bộ trở thành vùng đất Viễn Đông thuộc Pháp với những nét riêng về chính trị, kinh tế, xã hội so với Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Xã hội Việt Nam chuyển từ xã hội phong kiến sang xã hội thực dân nửa phong kiến.
 
 
Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, chính sách khai thác thuộc địa Pháp áp dụng tại Việt Nam ngày càng gắt gao hơn, làm thay đổi sâu sắc xã hội Việt Nam nói chung, Nam Kỳ nói riêng. Đời sống nhân dân cực khổ, một bộ phận nông dân phải ra thành phố, đô thị kiếm sống, làm các thành phần xã hội, quan hệ xã hội ngày càng phức tạp. Lúc này, Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập (3-2-1930) đã tổ chức được những cuộc đấu tranh lên đến cao trào, tiêu biểu là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), phong trào Mặt trận bình dân (1936-1939), cao trào vận động giải phóng dân tộc (1939), đặc biệt cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đưa chính quyền về tay nhân dân Việt Nam, mở đầu một thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam, làm thay đổi nhiều lĩnh vực, trong đó có sự phát triển của ngôn ngữ và văn hóa, xã hội.
 
Trong giai đoạn này, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp khai thác thuộc địa, thực dân Pháp cũng sử dụng nhiều biện pháp áp đặt văn hóa Pháp và tiếng Pháp vào nước ta nhằm đồng hóa Việt Nam về mọi mặt. Ở Việt Nam, sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, đến cuối TK XIX, đầu TK XX, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Hán và tiếng Hán. Giai đoạn này, chữ quốc ngữ cũng du nhập vào Việt Nam và được sử dụng ngày càng phổ biến.
 
Như vậy, giai đoạn cuối TK XIX đến năm 1945, tiếng Việt nói chung, tiếng Việt Nam Bộ nói riêng bắt đầu bước vào một bối cảnh xã hội, ngôn ngữ mới. Cảnh huống ngôn ngữ lúc này có 3 ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Việt và tiếng Hán; có 4 văn tự là chữ Pháp, chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Giai đoạn này, tiếng Việt đang trong trạng thái chuyển từ cảnh huống ngôn ngữ thời phong kiến sang cảnh huống ngôn ngữ xã hội thực dân nửa phong kiến. Trong bối cảnh xã hội như vậy, tiếng Việt ở Nam Bộ cũng có nhiều đặc trưng riêng, khác với Bắc Kỳ và Trung Kỳ, phản ánh trung thực lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng Nam Bộ trong giai đoạn từ năm 1858 đến năm 1945.
 
2. Những đặc trưng văn hóa Nam Bộ giai đoạn cuối TK XIX - 1945 phản chiếu qua ngôn ngữ địa phương
 
Trong giai đoạn cuối TK XIX - 1945, những tác động của lịch sử, xã hội đã dẫn đến đặc trưng ngôn ngữ Nam Bộ khá rõ nét, qua đó phản chiếu đặc trưng vùng văn hóa Nam Bộ.
 
Sự phát triển của văn chương, báo chí viết bằng chữ quốc ngữ ở Nam Bộ là bước thay đổi quan trọng đối với nền văn học truyền thống và văn hóa Nam Bộ. Ở Nam Bộ giai đoạn này, người Pháp khuyến khích giới trí thức Tây học sử dụng chữ quốc ngữ Latinh, vô hình chung đã tạo ra một xu thế mới trong những người trí thức yêu nước. Họ chủ trương dùng chữ quốc ngữ Latinh trong hoạt động nghề nghiệp hay sáng tác để bày tỏ tinh thần dân tộc. Trong bối cảnh này, Nam Bộ là nơi mở đầu cho việc sáng tác văn chương, báo chí bằng chữ quốc ngữ.
 
Những sáng tác văn chương, báo chí bằng chữ quốc ngữ đã đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong nền văn học truyền thống của Nam Bộ. Nền báo chí, văn học Nam Bộ bước sang trang mới, có cách biểu đạt mới hơn, tiếp thu những giá trị hiện đại từ văn hóa phương Tây, ở đây là văn hóa Pháp.
 
Có thể nói, Nam Bộ là cái nôi để phát triển nền báo chí nước nhà. Đến năm 1930, trên cả nước có 80 tờ báo và tạp chí lưu hành, trong đó riêng Sài Gòn đã phát hành 50 tờ. Những tờ báo điển hình trong giai đoạn này có thể kể đến như: Gia Định báo (1865), Đại Nam đồng văn nhật báo (1892), Nông cổ mín đàm (1901), Đông Dương tạp chí (1913) hay Nam Phong tạp chí (1917)... Một số tác phẩm văn học tiêu biểu như Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký, Truyện thày Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản, Hoàng Tố Anh hàm oan của Thần Thiên Trung (1910), Tâm Yên di hận của Nguyễn Văn Vĩnh (1927), Nhơn tình ấm lạnh của Hồ Biểu Chánh (1927)...
 
Bên cạnh việc vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của tiếng Hán, các tác phẩm văn chương, báo chí cũng chịu ảnh hưởng từ những thuật ngữ, từ ngữ mới của ngôn ngữ phương Tây (chủ yếu là từ tiếng Pháp). Những tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ Latinh có một khối lượng lớn từ ngữ mới, du nhập các phong cách mới, mà rõ nét nhất là các tác phẩm báo chí. Nói cách khác, ở Nam Bộ giai đoạn cuối TK XIX, đầu TK XX, báo chí là phương tiện đầu tiên phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ và tiếng Việt trong cộng đồng xã hội.
 
Quá trình ảnh hưởng của tiếng Hán đối với tiếng Việt trong 10 thế kỷ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc rất mạnh mẽ, có hệ thống. Các triều đại phong kiến Việt Nam lấy chữ Hán làm ngôn ngữ chính thức, việc dạy chữ, học hành, thi cử cũng bằng chữ Hán, cũng có nhiều văn bản văn học bằng chữ Hán như Hịch tướng sĩ (TK XIII) của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo (TK XV) của Nguyễn Trãi, tập truyện Truyền kỳ mạn lục (TK XVI) của Nguyễn Dữ... Nhưng đến giai đoạn cuối TK XIX - 1945, cuộc xâm lược của người Pháp (1858) và ảnh hưởng của văn hóa Pháp đến Việt Nam đã chế khắc sự tiếp nhận tiếng Hán, văn hóa Hán. Đặc biệt, từ năm 1919 khi chế độ thi cử Hán học thực sự chấm dứt, ảnh hưởng của ngôn ngữ, văn hóa Pháp là chủ đạo.
 
Việc thay đổi cách thức, nội dung thi cử trong triều đình Nam triều và ảnh hưởng của chính sách cai trị của Pháp đã tạo ra tầng lớp trí thức, tiểu tư sản lúc bấy giờ tại Nam Kỳ. Trong giai đoạn này, tầng lớp tiểu tư sản trí thức giữ vai trò quan trọng về lĩnh vực văn hóa. Việc tiếp xúc với văn hóa phương Tây, cách thức đào tạo, thi cử cũng được thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, tạo ra sự khác biệt giữa tầng lớp trí thức giai đoạn này so với trước kia, cũng tạo ra sự khác biệt về văn hóa, xã hội tại Nam Kỳ so với Bắc Kỳ, Trung Kỳ.
 
Tiếng Việt Nam Bộ giai đoạn này có sự phát triển rõ nét về cả số lượng từ mới và sự biến đổi về nghĩa. Trong quá trình phát triển, tiếng Việt đã tiếp xúc, tiếp nhận nhiều từ ngữ nước ngoài, việc tiếp xúc, tiếp nhận cũng không giống nhau. Trong giai đoạn này, hai nguồn tiếp xúc chính của tiếng Việt Nam Bộ là tiếng Hán và tiếng Pháp, góp phần làm phong phú tiếng Việt Nam Bộ.
 
 
Tiếng Hán với sự ảnh hưởng lâu dài trong suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, có sự tương đồng về loại hình ngôn ngữ với tiếng Việt, nên tiếng Việt tiếp nhận số lượng lớn các từ gốc Hán. Tuy nhiên, khi Pháp đặt ách đô hộ lên Việt Nam, sự can thiệp về chính trị, kinh tế, văn hóa Pháp đã lấn át sự ảnh hưởng của tiếng Hán trong giai đoạn này. Tiếng Việt Nam Bộ giai đoạn này phát triển rất mạnh mẽ. Trong những năm cuối TK XIX, đầu TK XX, bên cạnh số lượng từ ngữ gốc Hán du nhập vào vốn từ tiếng Việt từ trước, còn có nhiều từ mới vay mượn từ tiếng Pháp, thường tập trung vào các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, một số lĩnh vực mới mà nền văn minh nông nghiệp, văn hóa lúa nước Việt chưa thể có. Đây có thể coi là bước khởi đầu cho việc mở rộng nghiên cứu khoa học tại Việt Nam vào đầu TK XX. Tuy nhiên, đến những năm 1930-1945, khi phong trào cách mạng giải phóng dân tộc lên cao, sự ảnh hưởng của cả tiếng Hán và tiếng Pháp đều giảm đi so với thời kỳ cuối TK XIX. Điều này cho thấy, ảnh hưởng của chính trị, xã hội đến ngôn ngữ rất rõ.
 
Sự giao lưu, tiếp biến linh hoạt văn hóa trong giai đoạn này ở Nam Bộ, khiến văn hóa Nam Bộ vừa tương đồng lại vừa khác biệt với cội nguồn của nó là văn hóa Việt ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Tiếng Việt ở Nam Bộ đã có hơn 400 năm hình thành, phát triển. Chính sự di dân của người Việt từ vùng Ngũ Quảng và Nam Trung Bộ, người Chăm, người Khơme, người Hoa đã hình thành nên tập hợp cư dân nơi đây, cũng như tiếng Việt Nam Bộ. Từ TK XVI, khi nhà Minh thất thủ, nhiều người Hán phải di cư lánh nạn vào Đàng Trong, dẫn đầu là nhóm Mạc Cửu. Thời kỳ sau đó, người Pháp đổ bộ vào miền Nam với những ảnh hưởng sâu đậm về ngôn ngữ và văn hóa.
 
Giai đoạn này, một bộ phận nhà nho Duy Tân tiếp thu tư tưởng mới của phương Tây và một lực lượng đông đảo người Việt làm việc trong các công sở của Pháp hoặc đi lính trong quân đội Pháp... cũng sử dụng tiếng Pháp, nên tiếng Pháp, văn tự Pháp và văn hóa Pháp được người Nam Bộ tiếp nhận khá đa dạng. Vùng đất Nam Bộ với đặc trưng sẵn có là đa tộc người, đa ngôn ngữ, đã có cách hợp lý thu nhận, dung hợp ngôn ngữ - văn hóa, cùng với nền văn hóa truyền thống của người Việt, đã sáng tạo, phát triển ngôn ngữ - văn hóa phóng khoáng, rộng mở ở Nam Bộ. Nam Bộ cũng bắt đầu mở rộng sang nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội mới, làm phong phú thêm những nét văn hóa ở vùng đất này.
 
Sức sống mãnh liệt của tiếng Việt ở Nam Bộ trước sự chi phối của ngôn ngữ ngoại lai đã thể hiện tinh thần dân tộc bất khuất, một nền văn hóa giàu bản sắc truyền thống. Trong giai đoạn cuối TK XIX - 1945, trong số từ ngữ Nam Bộ được sử dụng trong các tác phẩm xuất bản giai đoạn này, từ thuần Việt được dùng phổ biến nhất, tiếp đó là từ gốc Hán, còn tiếng Pháp trong giai đoạn này ít được tiếng Việt vay mượn, được dùng hạn chế, chủ yếu bằng cách viết nguyên gốc và phiên âm, nhưng cũng có một số từ được Việt hóa. Ví dụ: viết nguyên gốc chaloupe sémantique, méthode, chaloupe, le commerce, la mutuelle; chuyển âm gián tiếp qua tiếng Hán theo âm Hán - Việt như: chúa nhựt, lãnh sự, án sát, tham biện, bố chánh...; hoặc nghiên âm gạch nối át-sít (acide), bác-ngữ-học (philologic), từ-nguyên-học (sémantique)… Điều này thể hiện tinh thần dân tộc, bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt đã hình thành trong hàng ngàn năm, chống lại chính sách đồng hóa của nhà cầm quyền thuộc địa, có ý định dùng chữ Pháp thay thế chữ quốc ngữ của văn sĩ Nam Bộ trong giai đoạn này.
 
Dù trong giai đoạn nào, mức ảnh hưởng nào, tiếng Việt nói chung, tiếng Việt Nam Bộ nói riêng vẫn có sức sống mãnh liệt, không bị đồng hóa. Trước những ảnh hưởng ngôn ngữ, văn hóa ngoại lai, tiếng Việt Nam Bộ không những không bị biến đổi theo chiều hướng bị lu mờ bản sắc, mà ngược lại, đã tiếp nhận, biến đổi linh hoạt những ảnh hưởng của ngôn ngữ, văn hóa Hán, Pháp, đã bản địa hóa tiếng Pháp, tiếng Hán để làm phong phú hơn tiếng Việt Nam Bộ, cũng như bản địa hóa các văn hóa ngoại lai. Trong quá trình giao thoa văn hóa, người dân Nam Bộ đã không tiếp thu hoàn toàn các nền văn hóa khác mà chỉ tiếp thu những yếu tố đáp ứng nhu cầu đời sống, văn hóa của mình. Vì vậy, văn hóa Nam Bộ không tự đánh mất mình mà chỉ tái tạo các giá trị văn hóa, thu nạp theo hướng làm cho nó thích ứng với văn hóa, nhu cầu của người Việt trên vùng đất Nam Bộ.
 
Ngôn ngữ là hiện tượng xã hội, phát triển và biến đổi theo sự thay đổi của văn hóa, xã hội. Nghiên cứu về đặc trưng ngôn ngữ Nam Bộ giai đoạn cuối TK XIX-1945 đã phản ánh phần nào một số nét đặc trưng văn hóa của vùng đất nơi đây.
 
Phạm Thị Liên
Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 - 2018

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dac-trung-van-hoa-dia-phuong-qua-ngon-ngu-nam-bo-a12562.html