Cầu tre - Nét duyên dáng miền quê sông nước

Chiếc cầu tre miệt vườn vẫn mãi in sâu trong ký ức người dân miền Tây Nam bộ như một nét văn hóa miệt vườn vùng sông nước.

Chiếc cầu tre hay “cầu khỉ” bắc qua sông rạch kênh mương chằng chịt, là nét đẹp hết sức độc đáo về cảnh quan và sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long.



Cầu tre – nét văn hóa đời sống của người dân miền Tây Nam bộ - Ảnh: Báo Dân Sinh.

Không biết cây cầu tre này có từ bao giờ. Từ rất xưa, khi kênh rạch vẫn còn là huyết mạch kinh tế chính giúp vận chuyển và giao thương thuận lợi thì câu cầu tre đã chung tình với miền sông nước. Dần dần, nó đã trở thành hình ảnh quen thuộc và thân thương với mọi người, từ người già đến trẻ em nơi đây, ai ai cũng quen với cái gập ghềnh của cây cầu tre.

Miền Tây Nam Bộ được thiên nhiên ban tặng vùng sông nước mênh mông trù phú đã làm cho hình ảnh chiếc cầu tre trở thành một trong những biểu tượng quan trọng trong đời sống văn hóa cùng với hình ảnh chiếc áo bà ba và chiếc xuồng ba lá. Cầu tre miền quê lúc nào cũng đơn sơ, giản dị  giống như con người nơi đây vậy, không cầu kỳ cũng chẳng cao sang. Nó nối liền hai bên bờ kênh rạch, “hòa mình” vào cuộc sống thôn quê, mang đến niềm vui giản đơn cho khung cảnh đồng bằng sông nước.

Cây cầu tre luôn có những nhịp lẻ vì người đời muốn dành nhịp giữa ngay giữa dòng nước sâu cho ghe xuồng chở nặng tiện đường qua lại, nên cầu tre chia dòng sông làm hai phần đều nhau. Ở trong kinh, trong rạch, nên cầu tre mang trên mình cái nét riêng của con kinh hiền hòa, của con rạch bùn lầy, của xứ sở quê mùa… Không có bùn trên lưng, không có nắng trên tay vịn, không có mưa trên đầu, không có nước làm đung đưa chân cầu như chân cụ già, có lẽ, đã không còn là cây cầu tre lắt lẻo miền quê. Từng đoạn của cây cầu tre như những mảnh ghép của năm tháng đã qua, để lại màu nâu xỉn in hằn những dấu chân đi về.




Ảnh: Báo Dân Sinh

Cây cầu lắt lẻo đã tô thêm nét đẹp cho làng quê khi những con đường bị dòng sông, kênh rạch ngăn đôi. Dòng nước cạn, con rạch nhỏ, thân cầu tre gọn gàng nối bên này bên kia bằng khúc gỗ gòn gọn gàng. Dòng nước sâu, con sông rộng, cầu tre cũng nối dài thêm nhiều nhịp thành cây cầu lắt lẻo trên dòng nước bao mùa… Những cầu tre dài có từ ba nhịp, năm nhịp, bảy nhịp là những cây cầu qua những con rạch có bờ bến xa vời.

Hàn Yên (Tổng hợp)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cau-tre-net-duyen-dang-mien-que-song-nuoc-a12549.html