08/05/2018 15:46
08/05/2018 15:46
Du ngoạn Bốn Cồn - khám phá sông nước miền Tây
Với hệ thống kênh rạch chằng chịt, vườn cây trái rộng lớn, làng nghề sản xuất mật ong, bánh mứt kẹo… Bốn cồn Long, Lân, Quy, Phụng là những điểm du lịch vườn nổi tiếng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Cùng nằm giữa sông Tiền, nhưng cồn Long và cồn Lân thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, trong khi cồn Quy và cồn Phụng thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Từ thành phố Hồ Chí Minh, đi 70km theo hướng quốc lộ 1A, du khách sẽ đặt chân đến cây cầu dây văng lớn thứ 3 của đồng bằng sông Cửu Long nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre mang tên Rạch Miễu.
Du khách tham quan 4 cồn Long Lân Quy Phụng bằng xuồng chèo tay - Ảnh: internet.
Từ đây nhìn về phía Đông, bạn sẽ bất ngờ trước bát ngát của một vùng sông nước xuất hiện ngay trước mắt. Đó là hình ảnh của “tứ linh” với 4 cồn Long, Lân, Quy, Phụng cùng nổi trên sông. Nếu cồn Lân, cồn Phụng ở thế đối xứng “long chầu” trong cung đình thì cồn Quy, cồn Long lại nên thơ, hiền hòa như con nước miền Tây.
Cồn Long hay còn gọi là cù lao Tân Long thuộc phường cùng tên gọi, thành phố Mỹ Tho. Kém nổi bật nhất trong "tứ linh" nhưng khi đến với cồn Long, du khách sẽ được thưởng thức "đã đời" đặc sản trái cây miệt vườn tại đây, từ sầu riêng, chôm chôm, vú sữa, cam, xoài... Ngày nay cồn Long là nơi chuyên nuôi thủy sản trên bè và sửa chữa ghe tàu vì gần cảng cá Mỹ Tho nhất.
Tiếp theo hành trình du khách sẽ đến với cồn Lân, hay còn được gọi là cù lao Thới Sơn. Đây cũng là cồn lớn nhất trong 4 cồn nằm trên dòng sông Tiền với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Người dân cù lao Thới Sơn cũng biết làm du lịch sớm nhất với rất nhiều dịch vụ đa dạng, từ tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức đờn ca tài tử, đến việc đưa khách đi dạo quanh cồn bằng xe ngựa mà không một nơi nào có...
Khám phá thế giới dừa nước, một loại cây rất thân thuộc của miền Tây - Ảnh: emdep.vn
Cồn Quy thuộc địa bàn xã Tân Thạnh và Quới Sơn, huyện Châu Thành, cách trung tâm thành phố Bến Tre 22km đường sông. Ngày nay do bồi đắp tự nhiên, diện tích cồn Quy rộng đến 170 ha. Nhờ phù sa bồi đắp màu mỡ nên ngày càng có nhiều hộ dân đến đây sinh sống và khai thác đất trồng hoa màu và các loại cây ăn trái.
Những vườn cây trái trĩu quả luôn là điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Ảnh: tourdulich.
Chia tay cồn Quy chúng ta sẽ đến với ốc đảo xanh cồn Phụng, còn gọi là cồn Tân Vinh. Thế nhưng dân gian lại nhắc đến cù lao này với tên gọi khác: cù lao Đạo Dừa. Sỡ dĩ có tên gọi như vậy là do ngày xưa khi ông Nguyễn Thành Nam đến đây xây dựng chùa Nam Quốc Phật đã sáng lập ra giáo phái Đạo Dừa tu hành luôn tại đây. Và ngày nay vẫn còn nguyên những kiến trúc thờ tự độc đáo của Đạo Dừa như sân Rồng chạm trổ tinh xảo, tháp Hòa Bình nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo.
PV (Tổng hợp)
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/du-ngoan-bon-con-kham-pha-song-nuoc-mien-tay-a12501.html