Ông bà Trương Văn Dân và Elena Pucillo Trương tại TPHCM
Cũng chừng đó năm, làng văn TPHCM đón nhận thêm những tác phẩm mới của cặp đôi này.
“Bà Tây ông Việt” đó là vợ chồng dịch giả, nhà văn Trương Văn Dân và Tiến sĩ ngôn ngữ học và văn học nước ngoài Elena Pucillo Trương. Bà Elena Pucillo người Ý, sau khi kết hôn với ông Trương Văn Dân đã thêm họ Trương của chồng vào tên của mình.
Tiến sĩ Elena Pucillo Trương cho biết: “Trong tên của tôi có họ của chồng, người Ý cũng như người Việt, đã lấy chồng thì theo chồng. Sau nhiều năm sống ở TPHCM, tôi thấy Việt Nam có những điều thú vị để thêm vào tác phẩm của mình”.
Dịch giả, nhà văn Trương Văn Dân sinh ra ở Bình Định, sau khi học xong trung học ở Quy Nhơn, năm 1971 ông sang Ý du học ngành Hóa và Công nghệ dược. Từ năm 1980, ông làm phụ trách về tổng hợp hóa dược và từ năm 1985, ông chuyên nghiên cứu và phát triển dược phẩm cho một tập đoàn tại Ý. Ông đã gặp và nên nghĩa vợ chồng với bà Elena Pucillo cũng tại Ý. Tình duyên của hai người càng trở nên bền chặt khi họ có chung tình yêu dành cho văn chương.
Khi tuổi đã cao, ông Trương Văn Dân quyết định về Việt Nam sinh sống. Quyết định này được vợ tán thành. Hành trang họ đem về Việt Nam không gì khác ngoài văn chương. Công việc của Tiến sĩ Elena Pucillo Trương hiện nay là dạy tiếng Ý tại Nhạc viện TPHCM và một số nơi; dạy văn hóa Pháp tại Đại học KHXH & NV TPHCM. Trước đó, bà Elena dạy tiếng Pháp và Văn minh Pháp tại Đại học Milano Ý từ 1982. Còn công việc của ông Dân là viết và dịch sách, kiêm chở vợ đi dạy học.
NXB Tổng Hợp TPHCM vừa ấn hành tập truyện ngắn, chân dung và tạp bút Vàng trên biển đá đen của Elena Pucillo Trương do ông Trương Văn Dân chuyển ngữ từ tiếng Ý. Trước đó, ông là dịch giả và tác giả của nhiều tiểu thuyết và tập truyện, như: Hành trang trở lại, Bàn tay nhỏ dưới mưa, Mùa hè tươi đẹp, trong đó có hai tập truyện của bà Elena Pucillo Trương: Một phút tự do và Bóng của ngày.
Bà Elena Pucillo Trương có thể nghe hiểu tiếng Việt, nhưng để viết văn bằng tiếng Việt thay vì tiếng Ý là việc không dễ dàng. Bà cho biết: “Tiếng Việt cùng một từ nhưng có nhiều nghĩa khác nhau, tôi không thể viết văn bằng tiếng Việt, dù có chồng là người Việt và nghiên cứu tiếng Việt đã lâu. Tuy vậy, sự khác biệt của tiếng Việt cũng như văn hóa Việt đã cuốn hút tôi với tất cả sự say mê”.
Thế nhưng, thông qua bản dịch của ông Trương Văn Dân, tác phẩm của bà Elena Pucillo Trương nhận được đánh giá khá cao từ giới nghiên cứu, phê bình văn học. Nhà văn, dịch giả Nhật Chiêu nhận xét về tập truyện Một phút tự do: “Hình ảnh Việt Nam xuất hiện thường xuyên trong tản văn Elena. Không phải hiện ra như một bưu thiếp. Không như những bức ảnh thường thấy khi người ta chụp về một xứ mà mình không tùy thuộc. Trong những tản văn này, ta hiểu được sự hòa điệu tâm hồn, sự thấu cảm có thể thực hiện từ nền văn hóa này đến nền văn hóa khác”.
Còn Nhà phê bình văn học, GS-TS Huỳnh Như Phương, cho rằng: “Hầu hết những truyện ngắn của Elena Pucillo Trương trong tập Một phút tự do thể hiện một đặc điểm quen thuộc của thể loại: nắm bắt cái khoảnh khắc của đời sống để làm hiện lên chân dung tinh thần và yếu tính tự do của con người… Thế giới này vô thủy vô chung, nhưng được tạo dựng từ những khoảnh khắc được chiếu sáng từ trái tim nhân ái của con người…”.
Trong làng văn Việt lâu nay vẫn có những đôi uyên ương mà văn tài và chuyện tình của họ khiến nhiều người mến mộ, như Đông Hồ - Mộng Tuyết, Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh… Nhưng tình duyên xuyên biên giới cùng trên nền tảng là tình yêu văn chương như ông bà Trương Văn Dân - Elena Pucillo Trương thật sự khác biệt. Tiếp xúc với bà Elena Pucillo Trương, nếu không nhìn ngoại hình, người ta dễ lầm tưởng bà là một người phụ nữ Việt Nam với các bản tính tốt đẹp vốn có. Còn với ông Trương Văn Dân, nếu không nghe ông nói rặt giọng Bình Định, dù xa quê từ năm 18 tuổi, thì dễ lầm tưởng ông là một ông Tây ga-lăng và lịch lãm.
Nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Xuân (Đại học KHXH & NV TPHCM) khi đọc Vàng trên biển đá đen, nhận xét: “Cùng bắt đầu viết văn khi rời Ý về Việt Nam và tuổi đời đã cao, đôi uyên ương tri kỷ Elena Pucillo - Trương Văn Dân như đang được hồi xuân. Đã mười năm nay, họ xuất hiện đều đặn trong không gian văn chương Việt như chứng tỏ rằng: những ai biết yêu thương văn chương thì không bao giờ có tuổi”.
Hóa ra, trong thời buổi của những toan tính, thực dụng vẫn còn có câu chuyện tình lãng mạn thông qua nhịp cầu văn chương.
Hoàng Nhân
Theo Sài Gòn Giải Phóng