Nguyễn Hoàng - Chúa Nguyễn có tuổi thọ cao nhất?

Vào trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng lập tức chú trọng khai hoang lập ấp, phát triển kinh tế, gây dựng lực lượng, tính kế lâu dài.

Để lôi kéo nhiều người đến vùng đất Thuận Hóa làm ăn sinh sống, Nguyễn Hoàng và một số thuộc hạ của ông đã cho thực thi một chế độ cai trị khoan hòa, khuyến khích nhân dân sản xuất. theo như sách Đại Nam Thực Lục  có nhận xét: “Chúa vỗ về thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, thường gọi là Chúa Tiên”.
 

Nguyễn Hoàng sinh năm Ất Dậu 1525, và mất năm Quý Sửu 1613, thân sinh là Nguyễn Kim (1468 – 1545), người làng Gia Miêu ngoại trang, Tống Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa. Nguyễn Kim có thân sinh là Nguyễn Hoăng Dụ đã từng giúp vua Lê Tương Dực (1493 – 1516) lật đổ vua Lê Uy Mục (1488 – 1509). Sau khi lên làm vua, Lê Tương Dực đã phong cho Nguyễn Hoăng Dụ chức Thái phó Trừng Quốc Công, con cháu đời đời tập ấm thuộc dòng danh gia vọng tộc ở Thanh Hóa.
 
Năm Đinh Mão 1527, nhà Lê Sơ bị sụp đổ, nhà Mạc được thành lập, nhưng cuộc tranh chấp giũa các phe phái vẫn diễn ra một cách gay gắt. Năm Quý Tỵ 1533, Nguyễn Kim lập một người thuộc dòng dõi  tôn thất nhà Lê là Duy Ninh khi đó mới 18 tuổi lên làm vua, từ đó nhà Lê thường được gọi là nhà Lê Trung Hưng ra sức chống lại nhà Mạc, cuộc chiến tranh đã diễn ra trong một thời gian khá dài, sử thường gọi là chiến tranh Nam – Bắc triều.
 
Ngay từ khi cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều đang còn tiếp diễn, trong nội bộ Nam triều của nhà Lê Trung Hưng đã nảy sinh mầm mống chia rẽ. Năm Ất Tỵ 1545 Nguyễn Kim bị một hàng tướng của nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết tại Ninh Bình. Vua Lê Trang Tông (1515 – 1548) liền trao quyền hành lại cho con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm (1503 – 1570).
 
Hai họ Trịnh – Nguyễn vốn đã từng được gắn kết với nhau bởi mục đích chung giúp vua Lê dựng lại cơ nghiệp, lại được thắt chặt hơn bằng quan hệ hôn nhân, đến đây bị rạn nứt. Để thâu tóm mọi quyền lực vào tay mình, Trịnh Kiểm đã tìm mọi cách loại bỏ dần những ảnh hưởng của họ Nguyễn. Mâu thuẫn giữa hai thế lực đạt đến độ gay gắt khi người con trai trưởng của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông lúc đó đang làm Tả tướng, bị Trịnh Kiểm lập mưu giết chết.
 
Người con thứ của Nguyễn Kim chính là Nguyễn Hoàng, sợ bị giết chết giống anh trai, nên đã tự tìm cách để cứu lấy mình, Nguyễn Hoàng liền cho người đi hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), bởi vì nghe nói Trạng Trình có tài năng nhìn xa trông rộng được mọi việc, nên Nguyễn Hoàng đã sai người đem vàng bạc, lễ vật biếu Trạng Trình để hỏi kế sách lâu dài. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm liền viết cho 8 chữ: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Hoành sơn một dải, dung thân muôn đời).
 
Theo gợi ý của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hoàng đã hiểu ra, liền nhờ chị gái là Bảo Ngọc (vợ Trịnh Kiểm), nói khéo với Trịnh Kiểm, xin được cho vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa (Huế). Trịnh Kiểm đã đồng ý ngay, bởi vì Trịnh Kiểm biết rằng vùng đất Thuận Hóa vốn hoang vu lại nhiều trộm cướp, Nguyễn Hoàng vào đó sống được chắc cũng khó, hơn nữa nếu để Nguyễn Hoàng ở với mình, biết đâu sau này sẽ gây họa lớn, chính vì vậy mà Trịnh Kiểm đã đồng ý và còn cấp tiền bạc, lương thực cho Nguyễn Hoàng cùng gia quyến vào Thuận Hóa.
 
Thực ra thì việc ra đi của Nguyễn Hoàng, như lịch sử đã cho thấy không chỉ để bảo toàn tính mạng, mà là thực hiện bước mở đầu cho một chiến lược lâu dài: Xây dựng lực lượng chống lại họ Trịnh, và từ đó vùng đất Thuận Hóa đã trở thành nơi khởi nghiệp của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
 
Năm Mậu Ngọ 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn giữ Thuận Hóa, đem theo cả gia quyến, họ hàng ở huyện Tống Sơn cùng quân lính ở đất Thanh – Nghệ hơn 1000 người.
 
Thuận Hóa vốn là vùng đất cũ của Cham Pa, được sáp nhập dần dần vào lãnh thổ của Đại Việt bắt đầu từ thời vua Lý Thánh Tông (1023 -1072), năm Kỷ Dậu 1069 vua Lý Thánh Tông thân chinh cùng với Lý Thường Kiệt đem quân đánh phá kinh đô Trà Bàn bắt sống được vua Chiêm Thành là Chế Củ, Chế Củ phải xin hàng, dâng ba châu là Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (ngày nay thuộc tỉnh Quảng Bình, và phần phía Bắc tỉnh Quảng Trị ) và từ đó về sau dần dần cả vùng đất Thuận Hóa đã trở thành đất của Đại Việt.
 
Năm Kỷ Mùi 1559, vùng đất Thanh Hóa và Nghệ An bị lụt to, hàng trăm ngàn gia đình bị mất nhà cửa,mùa màng thất bát, nhân dân đói khổ, nhiều người đã vào vùng đất Thuận hóa để tìm kế sinh nhai. Khi đó Nguyễn Hoàng mới vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa được có một năm, vùng đất này đang còn là một vùng dân cư thưa thớt, kinh tế kém phát triển. Theo mô tả của sử cũ thì trên con đường giao thông chính chạy dọc từ Thuận Hóa đến đèo Hải Vân chỉ có bốn cái quán nhỏ và ba cái chợ (theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn).
 
Vào trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng lập tức trú trọng khai hoang lập ấp, phát triển kinh tế, gây dựng lực lượng, tính kế lâu dài. Để lôi kéo nhiều người đến vùng đất Thuận Hóa làm ăn sinh sống, Nguyễn Hoàng và một số thuộc hạ của ông đã cho thực thi một chế độ cai trị khoan hòa, khuyến khích nhân dân sản xuất. theo như sách Đại Nam Thực Lục  có nhận xét: “Chúa vỗ về thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, thường gọi là Chúa Tiên”.
 
Đối với triều Lê, Nguyễn Hoàng tỏ ra hết sức mềm dẻo, khiến cho họ Trịnh không chút nghi ngờ, và hoàn thành tốt nghĩa vụ đóng góp hàng năm cho vua Lê – chúa Trịnh. Sau hơn 10 năm trời trấn thủ vùng đất Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng được tin cậy, được chúa Trịnh Tùng (1550 – 1623) giao cho Kiêm lãnh trấn thủ cả xứ Quảng Nam.
 
Xứ Quảng Nam lúc đó bao gồm dải đất miền Trung từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông vốn là đất Cham Pa sáp nhập vào lãnh thổ của nước Đại Việt vào năm Tân Mão 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497). Đèo Cù Mông dưới thời vua Lê Thánh Tông đã trở thành biên giới của Đại Việt (Đèo Cù Mông hiện nay là ranh giới của hai tỉnh Bình Định và Phú Yên).
 
Vua nhà Mạc lúc bấy giờ là Mạc Mậu Hợp (1560 – 1592) sai viên tướng tên là Lập Bạo đánh vào vùng đất Thuận - Quảng, Nguyễn Hoàng đã khôn khéo dùng “mỹ nhân kế” đánh bại được quân của nhà Mạc. Năm Quý Dậu 1573, dưới thời vua Lê Thế Tông (1567 – 1599), Nguyễn Hoàng được sắc phong làm Thái phó trấn giữ vùng đất Thuận – Quảng, Nguyễn Hoàng còn đem quân ra Bắc giúp vua Lê – chúa Trịnh đánh bại nhà Mạc vào năm Nhâm Thìn 1592.
 
Nhưng sau đó, chúa Trịnh Tùng có ý sát hại Nguyễn Hoàng, ông liền tìm cách trốn được vào Thuận Hóa, nhưng vẫn chưa dám công khai chống lại vua Lê -  chúa Trịnh. Để giữ mối quan hệ thân thiết, năm Canh Tý 1600, Nguyễn Hoàng liền gả con gái của mình là Ngọc Tú cho con trưởng của Trịnh Tùng là Trịnh Tráng.
 
Năm Tân Sửu 1601, nhân một lần đi qua đồi Hà Khê, bên tả ngạn sông Hương, ( ngày nay cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km về phía tây), Nguyễn Hoàng thấy địa thế nơi này đẹp, hàng dãy đồi trập trùng như rồng uốn khúc bên sông, từ thế kỷ XIV, ở đây đã gắn với một huyền thoại: “sau này sẽ có một vị chân chúa đến nơi đây dựng chùa thờ Phật để tụ linh khí cố long mạch”.

Nguyễn Hoàng tự nhận mình là chân chúa, ông liền cho xây dựng một ngôi chùa to đẹp, và xây xong đã cho đặt tên là “Linh Mụ Tự” (chùa Thiên Mụ). Và cũng từ đó, Nguyễn Hoàng bắt đầu cho xây dựng một giang sơn riêng cho dòng họ Nguyễn ở xứ Đàng Trong, tuy chưa trực tiếp công khai đối đầu với vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, nhưng Nguyễn Hoàng đã xây dựng một cơ sở vững chắc để lại cho con cháu sau này.
 
Vào năm Qý Sửu 1613, Nguyễn Hoàng mất vì tuổi già, hưởng thọ 88 tuổi. Sau khi Nguyễn Hoàng mất, Nguyễn Phúc Nguyên (1563 – 1635) lên thay. Đến năm Đinh Mùi 1627, chiến tranh Trịnh – Nguyễn xảy ra (kéo dài đến năm Nhâm Tý 1672) nhưng cuối cùng không phân thắng bại, đành lấy sông Gianh làm giới tuyến, sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở Đàng trong còn kéo dài mãi đến năm Đinh Dậu 1777 mới chấm dứt.
 
Vương Quốc Hoa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nguyen-hoang-chua-nguyen-co-tuoi-tho-cao-nhat-a12467.html