Bạc Liêu ngày không nổ súng…

Đã đi vào lịch sử thành truyền thống cách mạng hào hùng mà đầy nhân văn, đó là một Bạc Liêu ngày ấy rất nhân từ trước kẻ thù thất thế. Nhân từ để giành lại chính quyền từ tay địch mà không giọt máu rơi, không tiếng súng nổ.

Soạn giả Trọng Nguyễn đã viết thành những lời ca bất hủ: “Bạc Liêu ngày ấy ngày không nổ súng, ngày của tình người, ngày hội non sông”. Bản vọng cổ “Bạc Liêu ngày ấy” của soạn giả trở thành khúc ca hùng tráng cho một ngày toàn thắng trên đất Bạc Liêu, hòa chung niềm vui thống nhất đất nước, nối liền một dải Bắc - Nam.

Quyết tâm tổng công kích

“Thực hiện tổng công kích - tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975 không thể để chậm”, đó là lời khẳng định của Bộ Chính trị vào ngày 31/3/1975.

Quán triệt chủ trương ấy, từ ngày 30/3 - 4/4/1975, Tỉnh ủy họp mở rộng tại Lái Viết (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) xây dựng quyết tâm, phương án tổng công kích khởi nghĩa, giải phóng tỉnh Bạc Liêu. Tỉnh ủy xác định: “Thời cơ giải phóng Bạc Liêu đã đến”, chủ trương lúc đó là: Nắm vững thời cơ lịch sử ngàn năm có một, động viên nỗ lực cao nhất của Đảng bộ và quân dân trong tỉnh, với tinh thần một ngày bằng 20 năm, thần tốc xông lên tổng công kích - tổng khởi nghĩa, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, giải phóng tỉnh nhà nhịp nhàng với các tỉnh bạn.

Trong khi khẩn trương chuẩn bị cho mục tiêu giải phóng tỉnh lỵ, các lực lượng còn lại chủ yếu là du kích các xã tiếp tục tấn công địch. Lực lượng 3 mũi bao vây 65 đồn bót, diệt và bức rút 4 đồn, làm rã ngũ 1.500 tên địch. Đồng thời, ta tập trung điều chuyển, bổ sung huấn luyện các đơn vị theo phương án dồn sức cho trọng điểm. Trong tháng 3/1975, toàn tỉnh có 450 thanh niên gia nhập các lực lượng vũ trang tỉnh, huyện. Để giải quyết nhanh nhu cầu về quân số, Tỉnh ủy ra lời hiệu triệu kêu gọi đảng viên, đoàn viên và thanh niên trong tỉnh gia nhập lực lượng vũ trang, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho thời cơ lịch sử giải phóng quê hương.

Về phía địch, theo mật lệnh của Thiệu, ngày 8/4/1975, ngụy quyền Bạc Liêu thành lập “Ủy ban tử thủ” của tỉnh (ngụy trang là Ủy ban bảo vệ tỉnh) do Đại tá Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp làm Chủ tịch. Tiếng là “bảo vệ” nhưng Điệp lại lệnh cho các chi khu đồn bót ra càn quét đánh phá để ngăn chặn lực lượng ta từ xa. Giữa tháng 4/1975, cố vấn Mỹ và vùng 4 chiến thuật bắt đầu di tản. Ngụy quân, ngụy quyền ở Bạc Liêu hoang mang cao độ. Việc cố vấn Mỹ di tản và sau đó Nguyễn Văn Thiệu từ chức gây chấn động lớn trong hàng ngũ ngụy quân ngụy quyền ở Bạc Liêu.




Nhân dân vui mừng đón bộ đội vào thị xã Bạc Liêu ngày 30/4/1975. Ảnh: T.L.

Tiếp quản trong hòa bình

Cuộc “thương lượng” giữa ta và địch trước giờ giải phóng trở thành cuộc gặp mặt lịch sử trước thời khắc chuẩn bị giải phóng Bạc Liêu! 7 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, đồng chí Lê Quân (đặc phái viên của khu ủy) với danh nghĩa đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh cùng đồng chí Trần Thanh Hồng và Thượng tọa Thích Hiển Giác đến gặp Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp, đặt vấn đề giao chính quyền cho Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh thì sẽ được khoan hồng. Khi biết không còn hy vọng, Điệp chấp nhận đầu hàng, giao chính quyền cho Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh vào 9 giờ 30 phút.

“Đêm 30/4/1975 trong ký ức của chúng tôi là đêm người dân được sống trong hòa bình thật sự, sau suốt 30 năm đấu tranh”, bà Lê Thị Vân (phường 1, TP. Bạc Liêu), năm nay 83 tuổi mà vẫn còn nhớ như in thời khắc ấy. Lúc đó, bà là một tiểu thương mua bán rau cải ở chợ phường 3, TX. Bạc Liêu. Bà nhớ lại: Đêm đó, đài truyền thanh phát suốt đêm các thông cáo của Ban quân quản, để người dân nắm được nội dung chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh, quy định của Ban quân quản. Người dân thì liên hoan ăn mừng vui lắm! Theo “Lịch sử Bạc Liêu 30 năm kháng chiến 1945 - 1975” của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân: “Đêm 30/4/1975, ở thị xã và các chi khu, lực lượng của ta và tàn quân ngụy gần như xen kẽ nhau, nhưng suốt đêm không một tiếng súng nổ. Khí thế cách mạng cuốn hút mọi người. Mấy tên ác ôn không ưa thích cách mạng cũng không dám chống cự, chui rúc lẩn trốn. Thiếu tá ác ôn Mã Thành Nghĩa, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 411 chạy suốt đêm và cùng đường hắn tự tử”.

Cuộc chiến tranh giải phóng của quân dân Bạc Liêu ròng rã 30 năm, kết thúc thắng lợi vẻ vang. Toàn thắng 30/4/1975 mãi là dấu son chói lọi trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc của tỉnh Bạc Liêu.

… 43 năm đã đi qua, những người chứng kiến thời khắc huy hoàng ấy giờ không còn nhiều, người còn sống cũng đã tuổi già sức yếu. Thế nhưng, 30/4 “ngày của tình người, ngày hội non sông” ấy vẫn sống mãi trong lòng những người con Bạc Liêu, vì đó là truyền thống cách mạng, là “sợi chỉ đỏ” nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Ôn cố tri tân, hiểu quá khứ là để vun bồi cho hiện tại, sống xứng đáng hơn với những hy sinh và tự hào với một Bạc Liêu thời khắc giải phóng đã đi vào bài vọng cổ rất Bạc Liêu và đẹp đến vô cùng: “Anh đi giữa đường phố quê hương không chút lạ lùng. Chỉ có lòng căm thù được nén lại giữa nòng súng và lòng người trong giờ phút thiêng liêng. Ơi một cuộc đổi đời mà phố xá vẫn bình yên. Chỉ có doanh trại và hang ổ kẻ thù đang run rẩy. Trong giờ phút nghiêm trang này Tổ quốc gọi anh. Khi giặc đầu hàng anh nén lòng không nổ súng… Chỉ có cờ chiến thắng tung bay trên đường phố. Ơi nhân từ biết mấy Bạc Liêu ơi”.


Cẩm Thúy
Theo Báo Bạc Liêu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bac-lieu-ngay-khong-no-sung-a12437.html