Tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu đang đánh đờn, sau lưng ông là bài Dạ cổ hoài lang.
Khu lưu niệm nằm trên con đường mang tên ông - đường Cao Văn Lầu, phường 2, TP.Bạc Liêu. Tại đây, chúng tôi được nghe giới thiệu về thân thế sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và tác phẩm “Dạ cổ hoài lang” (sáng tác năm 1919) để phần nào cảm nhận được nỗi lòng của người phụ nữ nhớ chồng được ông gửi gắm,…
Theo tài liệu ghi lại, nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh ngày 22/12/1892 tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An (ngày nay). Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình ông trôi dạt nhiều nơi rồi cuối cùng dừng chân tại mảnh đất Bạc Liêu.
Trên diện tích gần 3.000m², khu di tích được xây dựng gồm 10 hạng mục. Qua khỏi cổng tam quan, khu mộ gia đình cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu nằm bên phải, gồm 4 ngôi mộ xây gạch tô đá mài, được bố trí nằm hai cặp sóng đôi: bà Trần Thị Tấn (vợ nhạc sĩ Cao Văn Lầu) – nhạc sĩ Cao Văn Lầu, bà Thạch Thị Tài – nhạc sĩ Cao Văn Giỏi (thân sinh nhạc sĩ Cao Văn Lầu).
Phòng trưng bày còn giới thiệu nhiều tư liệu qúy gồm ảnh chụp, phục trang sân khấu cải lương của các nghệ sĩ miền Nam nổi tiếng. Một số nhạc cụ cổ nhạc, dàn nhạc lễ gồm cò, gáo, tranh, trống, trống cơm, tum, chập chõa,… mà nhạc sĩ Cao Văn Lầu từng sử dụng và bút tích của nhạc sĩ. Đặc biệt, nơi đây còn phục dựng cảnh đờn ca tài tử bằng mô hình sáp rất sinh động với hình ông bên chiếc đàn kìm.
Du khách đến thăm tượng sáp nhạc sĩ Cao văn Lầu.
Đối với người dân Nam bộ, gần như ai cũng thuộc nằm lòng bài Dạ cổ của ông Sáu bởi giai điệu du dương, réo rắt lòng người./.
Ngọc Lan
Theo Báo Long An