Tâm sự ông vua vong quốc Hồ Quý Ly

Bài thơ này của Hồ Quý Ly thấy chép trong sách Thiên Nam ngữ lục. Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly bị quân Mình bắt ở núi Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh, đưa về Trung Quốc. Qua cửa ải Nam Quan, bị giam giữ lâu ngày rất khổ nhục, Quý Ly làm bài thơ này để gửi gắm tâm sự tù nhân vong quốc của mình.


Dịch nghĩa:
 
CẢM HOÀI
 
Lắm sự đổi thay, tưởng chết mà được sống,
 
Quê hương mờ mịt gợi dậy biết bao tình.
 
Ải Nam Quan xa xôi mái đầu bạc là phải,
 
Nơi quán Bắc lâu ngày, tỉnh mộng thấy kinh sợ.
 
Cứu nước, tài hèn, thẹn với Lý Bật,
 
Dời đô, kế vụng, thẹn với Bàn Canh.
 
Bình vàng bị mẻ, biết hàn gắn làm sao?
 
Nên biết ngọc còn đợi giá, chứ không phải bị xem rẻ đâu.
 
DỊCH THƠ
 
Bản dịch của Vũ Bình Lục:
 
Biến thiên, may được sống rồi,
 
Quê hương mờ mịt, tình khơi nỗi tình.
 
Đất người tỉnh mộng thất kinh,
 
Nam Quan ải Bắc, tóc mình bạc phơ.
 
Thẹn Bàn Canh kế dời đô,
 
Tài thua Lý Bật, ai ngờ nhục thay!
 
Bình vàng vỡ, gắn sao đây?
 
Ngọc còn đợi giá, có ngày sẽ trong!

Bài thơ này của Hồ Quý Ly thấy chép trong sách Thiên Nam ngữ lục. Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly bị quân Mình bắt ở núi Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh, đưa về Trung Quốc. Qua cửa ải Nam Quan, bị giam giữ lâu ngày rất khổ nhục, Quý Ly làm bài thơ này để gửi gắm tâm sự tù nhân vong quốc của mình.

Câu đầu lược thuật biến cố vừa xảy ra. Bị bắt, tưởng chết ngay, nhưng mà lại còn được sống. Câu sau than thở về thân phận và nỗi trăn trở của tác giả về câu chuyện riêng chung, nước mất nhà tan, đồng thời là nỗi tủi nhục của kẻ bị bắt làm tù binh, đang từ đỉnh cao chót vót của quyền lực, rơi xuống làm thân trâu ngựa.

Thời điểm này, chắc Hồ Quý Ly nghĩ ngợi nhiều lắm, tình này khơi dậy nỗi kia, bạc trắng cả mái đầu. Đến nỗi ở “Nơi quán Bắc lâu ngày, tỉnh mộng thấy kinh sợ”!
 
Hai câu thơ tiếp đấy là những suy tư chân thực của ông vua vong quốc:
 
Cứu nước, tài hèn, thẹn với Lý Bật,
 
Dời đô, kế vụng, khóc chuyện Bàn Canh.
 
Ngồi trong cũi tù, bây giờ mới tự biết mình tài hèn, không thể nào so sánh với Lý Bật, viên Tể tướng nhà Đường có nhiều tài năng trị nước yên dân. Thêm nữa, chuyện ông vì tư lợi mà dùng quyền lực ép vua Trần phải dời đô vào Thanh Hóa, thấy đó là một việc làm ngu muội, sao so được với chuyện ông vua thứ 12 của nhà Thương là Bàn Canh? Bàn Canh thấy kinh đô cũ không còn phù hợp với sự phát triển của đất nước, nên ông ta cho dời đô đến đất Ân, mở ra một trang mới cho triều đại phát triển. Hồ Quý Ly lấy điển này, trước đó sao không nghe những lời trung nghĩa, sao không nhìn thấy tấm gương của Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long? Chỉ vì bụng dạ tiểu nhân ngu muội, nên dẫn đến hậu họa lớn vô cùng, còn biết trách ai đây? Nên bây giờ mới thấy thẹn lòng, mới thấy xấu hổ vì bị ô nhục! Kẻ làm vua không chết theo nước, mà cam tâm chịu kiếp sống thừa, sao có thể gọi là trượng phu ở đời? Bây giờ thì:
 
Bình vàng bị mẻ, biết hàn gắn làm sao?
 
Nên biết ngọc còn đợi giá, chứ không phải bị xem rẻ đâu!
 
Để đất nước rơi vào họa xâm lăng của giặc phương Bắc, muôn dân biết mấy lầm than, chỉ mới nhận ra sai lầm và sự kém cỏi. Tuy nhiên Hồ Quý Ly vẫn còn biến báo, thật không còn chỗ nói. Ông ấy chỉ có cái tài biến báo kể cả quãng đời làm quan dưới triều Trần, cho nên lời lẽ biến báo ở câu thơ cuối cùng sặc mùi ngụy biện, còn làm ai tin được cơ chứ?
 
Câu chuyện của mấy trăm năm trước, mà như còn day dứt tâm can những kẻ hậu sinh. Tham lam, vô đạo, chỉ mưu tính chuyện vinh thân phì gia mà quên đi, mà coi thường lợi ích của cả dân tộc, đó chính là tội ác muôn đời không thể rửa được! Xưa thế, và nay cũng thế!
 
Vũ Bình Lục

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tam-su-ong-vua-vong-quoc-ho-quy-ly-a12349.html