280 năm ngày mất chúa Nguyễn Phúc Chú (1696 - 1738)

Sau khi chúa Nguyễn Phúc Chu mất, tiếp nối sự nghiệp của cha, chúa Nguyễn Phúc Chú đã đánh chiếm được vùng đất Gia Định, đặt châu Định Viễn, tập dinh Long Hồ, đưa dân đến lập nghiệp thành một vùng đất đai phì nhiêu, trù phú của đất nước. Và đây cũng được coi là công lao lớn của chúa Nguyễn Phúc Chú trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta.

Nguyễn Phúc Chú là vị chúa thư 7 trong 9 đời chúa Nguyễn. Nguyễn Phúc Chú sinh năm Bính Tý 1696, là con trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725), thân mẫu là bà họ Hồ, người huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên. Nguyễn Phúc Chú đến tuổi trưởng thành giỏi cả văn lẫn võ, nên được chúa Nguyễn Phúc Chú trao cho chức Cai Cơ tước Đỉnh Thịnh Hầu. Năm Ất Mùi 1715, được thăng Chưởng Cơ, làm phủ đệ tại cơ Tả Sùng.
 

Vào năm Ất Tỵ 1725 chúa Nguyễn Phúc Chu mất, hưởng Thọ đúng 50 tuổi. Nguyễn Phúc Chú là con trưởng nên được lập lên nối ngôi chúa, lấy hiệu là Vân Truyền đạo nhân, lúc đó chúa Nguyễn Phúc Chú tròn 29 tuổi. Năm Nhâm Tý 1732, chúa Nguyễn Phúc Chú sai tướng đi đánh Cao Miên (ngày nay là Campuchia), do nước này thường xuyên quấy nhiễu vùng biên cương của các chúa Nguyễn ở phía Nam. Sau vài trận đánh, quân của chúa Nguyễn Phúc Chú đã chiếm được vùng đất Gia Định.

Chúa Nguyễn Phúc Chú đặt tên châu Định Viễn, tập dinh Long Hồ (ngày nay thuộc tỉnh Vĩnh Long), đưa dân đến lập nghiệp thành một vùng trù phú của đất nước. Năm Ất Mão 1735, Tổng binh Hà Tiên là Mạc Cửu mất, con trai ông là Mạc Thiên Tích được chúa Nguyễn Phúc Chú cho nối nghiệp cha làm Tổng binh của chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Chú phong cho Mạc Thiên Tích làm Tổng binh Đại đô đốc trấn Hà Tiên trông coi vùng biên thùy phía Nam của tổ quốc.

Đến năm Mậu Ngọ, vào ngày 20/4/1738, chúa Nguyễn Phúc Chú bị bệnh mất, hưởng dương được 42 tuổi. Tổng cộng chúa Nguyễn Phúc Chú ở ngôi chúa được 13 năm.

Sau khi mất, chúa Nguyễn Phúc Chú được an táng ở lăng Định Môn, phủ tỉnh Thừa Thiên (Ngày nay thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế), về sau được truy tôn là Túc tông Hiếu Minh Hoàng đế. Chúa Nguyễn Phúc Chú mất, con trai trưởng là Nguyễn Phúc Khoát lên nôi ngôi chúa, đến năm 1765, chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, Nguyễn Phúc Thuần lên nối ngôi chúa. Đến năm Đinh Dậu 1777 sự nghiệp của các chúa Nguyễn truyền được 9 đời thì bị cuộc khởi nghĩa Tây Sơn lật đổ.

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta, việc mở mang lãnh thổ xuống vùng đất phía Nam là rất quan trọng. Năm Mậu Dần 1698, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, ông đã đưa quân tiến xuống vùng đất phía Nam để mở mang bờ cõi.

Sau khi chúa Nguyễn Phúc Chu mất, tiếp nối sự nghiệp của cha, chúa Nguyễn Phúc Chú đã đánh chiếm được vùng đất Gia Định. Đặt châu Định Viễn, tập dinh Long Hồ, đưa dân đến lập nghiệp thành một vùng đất đai phì nhiêu, trù phú của đất nước. Và đây cũng được coi là công lao lớn của chúa Nguyễn Phúc Chú trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta.

Nếu như đánh giá về các chúa Nguyễn, (và vương triều nhà Nguyễn) trong tiến trình lịch sử Việt Nam, một điều rất dễ nhận thấy đó công lao của các chúa Nguyễn trong quá trình mở mang bờ cõi xuống phương Nam, và một trong những vị chúa tiêu biểu đó là chúa Nguyễn Hoàng (1525 - 1613), chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) và chúa Nguyễn Phúc Chú (1696 - 1738).
 
Nguyễn Văn Vương

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/280-nam-ngay-mat-chua-nguyen-phuc-chu-1696-1738-a12297.html