Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn
Bùi Tiến Tuấn là một trong những tên tuổi gây ấn tượng tốt với mỹ thuật đương đại Việt Nam bằng phong cách riêng biệt. Đồng thời anh cũng là một họa sĩ có hấp lực đặc biệt với thị trường, nên tác phẩm được giới sưu tập trong nước và quốc tế ưu chuộng.
“Hơi thở nhẹ” xâu chuỗi lại quá trình thai nghén kéo dài. Nơi đây, tôi khước từ những ước lệ mang tính đa nghĩa; từ nhận diện hiện thực đến tư duy hình tượng… Việc đặt để/ khoác lên các chủ thể một hình ảnh chỉ là cái cớ, nhằm mở rộng tính tương tác, soi rọi vào bản chất thị dân của hoàn cảnh. Tôi vay/ mượn/ tựa vào đó để một lần nữa phơi bày chất phù phiếm, hoặc gợi cảm sắc dục, hoặc sức sống thanh tân. Tất cả như là trò chơi, như trò đời - một bông đùa, một ỡm ờ, một ngả ngớn, một ỏn ẻn, một e thẹn,.... Trên hết, như MỘT MỘNG MỊ GIỮA BAN NGÀY” - Bùi Tiến Tuấn.
Nghệ sĩ thị giác Ly Hoàng Ly cho biết: “… Bởi thường nhắm mắt sau khi nhìn lụa của Tuấn, tôi nghĩ đến viễn cảnh, khi mình mở mắt ra, sẽ không còn hình hài nào trước mặt mình nữa cả, ngoài khoảng trống vô cực khiến môi tôi chợt bậm vào nhau, ngoài vài vệt khiết tâm sắc nhọn khẽ cứa khẽ víu lên khoảng vô cực, khiến mọi sự hiện hữu quanh tôi rùng mình, rung rinh, rồi trở về tĩnh tại. Tối giản đến độ đó, nghĩa là những thân thể trong tranh Tuấn đã tan vào miền tối thượng, tan vào thớ lụa và sớ giấy dó".
Tác phẩm “Phuong Lolita” (mực acrylic trên lụa, 74cm x 127cm, 2018)
Còn nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng thì chia sẻ: “… Người phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn là một đoạn tuyệt với phần lớn những lối miêu tả về phụ nữ trước đây trong tranh lụa, kể từ các trường mỹ thuật Đông Dương, Gia Định và Huế, cho tới gần đây”.
“… Với riêng tôi thì việc học mỹ thuật khá vất vả, vì trước khi vào trường hầu như tôi chẳng biết gì và cũng không qua lớp luyện thi nào, còn Bùi Tiến Tuấn thì ngược lại, đã vẽ rất nhiều, trên các chất liệu khác nhau, cho nên việc học đối với Tuấn nó nhẹ nhàng và phóng khoáng lắm. Qua 3 năm học trung cấp và 5 năm đại học, tôi và Tuấn có dịp được đi vẽ thực tế cùng với nhau ở nhiều nơi, từ miền Trung ra tới Đông Bắc, hay những ngày còn ở những căn nhà thuê rất ít tiền quanh Sài Gòn... Đó là những kỷ niệm đáng quý và cũng là dịp tôi có được cơ hội học hỏi ở Tuấn rất nhiều về kỹ thuật vẽ màu nước, màu bột trên các chất liệu khác nhau. Tuấn là người làm chủ chất liệu rất sớm, nên khi xem tranh của Tuấn, cho dù là những bài vẽ thực tế, trực họa từ thời sinh viên, tôi lại thấy chúng là những bức tranh sáng tác hoàn thiện chứ không còn là sự ghi chép để làm tư liệu” , nghệ sĩ thị giác Bùi Công Khánh cho biết.
Nội dung sách “Hơi thở nhẹ” nhìn lại hành trình 10 năm làm việc chuyên nghiệp (2007-2017) của Bùi Tiến Tuấn, qua đây, cũng nhìn lại hành trình từ thuở ấu thời, với ước mơ được vẽ và vẽ. Sách gồm bài viết của nhiều tác giả uy tín, giới thiệu nhiều tác phẩm trên các chất liệu như lụa, giấy dó, sơn mài, sơn dầu, phác thảo…; cũng như hình ảnh từ trong xưởng vẽ ra ngoài xã hội, từ nhà trường trở về nhà… Đặc biệt sách cũng hé lộ một số tác phẩm thuộc các bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng.
Xuân Thủy