Đất và người miền Tây: Đằng sau những tiếng rao đêm

Đêm đến, khi nhiều người chìm trong giấc ngủ, đâu đó trên những con đường, góc phố vẫn vang lên những tiếng rao đêm. Mười hai giờ khuya, trên các tuyến đường nội ô TP. Bạc Liêu đã vắng người qua lại, nhưng với một số người, đêm xuống cũng là lúc họ bắt đầu bước vào cuộc mưu sinh đầy vất vả.

Chị Phan Thanh Hiền (quê Quảng Ngãi) mỗi đêm vẫn đạp xe qua các con đường để bán hàng. Thi thoảng chị Hiền lại bật loa rao: “Ai…. bắp xào, hột gà nướng hôn?”. Chị Hiền vào Bạc Liêu lập nghiệp đã gần 10 năm nhưng chỉ có vài lần về thăm quê. Lúc mới vào Nam, chị làm đủ nghề để có tiền trang trải cuộc sống và dành dụm gửi về quê phụ giúp gia đình. Ban đầu, do lạ người, lạ quê nên chị gặp nhiều khó khăn, may nhờ mấy anh chị đồng hương hướng dẫn chị vào bán bắp xào, nhờ vậy mà chị “trụ” được cho đến nay. Mỗi ngày, chị bắt đầu đi bán từ lúc 4 - 5 giờ chiều và chỉ kết thúc khi đêm rất khuya.
 


Vất vả mưu sinh về đêm. Ảnh: T.L - C.L

Dẫu trời mưa hay vào mùa nắng nóng, những tiếng rao đêm vẫn vang vọng. Ở những ngõ ngách đường phố, những người lao động nghèo trên chiếc xe đạp rong ruổi chở theo gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Với họ, mưu sinh chưa bao giờ là điều dễ dàng. Mỗi tiếng rao là một phận đời. Ẩn sau những lời mời gọi “Ai… bắp luộc đây”, “Ai… ăn xôi hôn?”, “Ai… tàu hũ nước đường đây!” có lẽ là cả nỗi lòng của người sống xa quê hương để mưu sinh.
 
Ông Ngô Minh (quê Quảng Ngãi) chia sẻ: “Từ ngoài quê vào đây tôi không có nghề nghiệp ổn định, cũng chẳng có vốn liếng làm ăn. Nếu không có xe hàng rong này tôi cũng chẳng biết mình sẽ làm gì để sống! Ở đây riết thành quen, bây giờ về ngoài đó vài hôm là tôi lại muốn quay vào”.

Giữa bao nhiêu bộn bề lo toan, ánh mắt họ vẫn ấm áp tình người, tình đời. Cái đói, cái nghèo không làm cho trái tim họ chai sạn, khô héo, trái lại, họ đã biết mở rộng biên độ của trái tim để cùng đồng cảm với những con người nghèo khó khác trong xã hội. Đã có không ít người từ miền Bắc, miền Trung vào Bạc Liêu mưu sinh được bạn bè, đồng hương trợ giúp, chỉ dẫn, nhường “địa bàn” để kiếm sống. Cứ như thế, họ trở thành những người anh em, bạn bè thân thuộc.
 
Đêm yên tĩnh, nhưng đâu đó vẫn còn những giọt mồ hôi mặn chát của những phận người vất vả ngược xuôi.
 
Theo Chí Linh
Báo Bạc Liêu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dat-va-nguoi-mien-tay-dang-sau-nhung-tieng-rao-dem-a12188.html