Tiệm bánh Khoái đặc biệt xứ Huế

Sinh được 8 người con thì có tới 7 người bị câm điếc bẩm sinh, số phận đã không cho vợ chồng bà có được niềm hạnh phúc trọn vẹn, nhưng hai ông bà đã biết vượt lên tất cả những bất hạnh đó. Mọi người không chỉ biết đến hai hai vợ chồng họ như một tấm gương của nghị lực mà còn là một trong những người góp phần đưa ẩm thực Huế đến với đông đảo bạn bè trong, ngoài nước.

Giờ đây, những ai một lần ghé thăm mảnh đất Cố Đô không thể bỏ qua món bánh Khoái gia truyền mà ông bà mất bao tâm huyết để tạo nên. Mỗi dịp lễ tết, những người con xa xứ lại tìm về đây để được thưởng thức hương vị của món bánh đặc trưng xứ Huế này. 
 


Tiệm bánh khoái Lạc Thiện luôn là địa chỉ người dân tìm tới vào mỗi dịp lễ tết

Số phận không như mơ

Ở phía Đông Nam kinh thành Huế, từ công viên Thương Bạc vào đến cửa Thượng Tứ, có một đoạn đầu đường Đinh Tiên Hoàng khá đặc biệt: Phía số chẵn có gần 20 nhà nhưng có tới 7 nhà đều có ít nhất 1 người bị câm điếc. Họ đều là anh chị em trong một gia đình và đang sở hữu thương hiệu bánh Khoái Thượng Tứ - một thương hiệu bánh nổi tiếng bậc nhất Cố Đô. Nhiều khách đến ăn cũng một phần vì tò mò, muốn tìm hiểu vì sao 7 con của bà Trà đồng loạt câm điếc như vậy mà có thể làm được điều mà ít ai nghĩ tới. Hiện nay, khu vực này đang tồn tại ba tiệm bánh gồm Lạc Thiện, Lạc Thạnh và Lạc Thuận nằm cạnh nhau. Chủ quán Lạc Thiện này là anh Lê Văn Trung, con trai lớn. Chủ hai quán còn lại là anh Lê Văn Thạnh và chị Lê Thị Thanh Yến.

Người khởi đầu nghiệp làm bánh này là bà Hồ Thị Trà (90 tuổi, ngụ đường Đinh Tiên Hoàng, TP Huế). Bà vốn là con gái gốc Kim Long, một vùng đất xưa kia được biết đến với những người con gái thùy mị, nết na đậm chất Huế. Năm 1956, bà tình cờ gặp ông Lê Văn Thiện người Quảng Trị rồi nên duyên với nhau. Bà Trà và chồng đều khỏe mạnh bình thường nhưng đến thời điểm bà mang thai con gái đầu lòng thì bỗng dưng đau ốm, mắc hết bệnh này đến bệnh khác. Chồng bà đã đưa bà đi chữa trị nhiều nơi nhưng tới lúc khỏi không hiểu sao tai bị lãng dần rồi điếc hẳn. 

“Đứa con gái đầu lòng của tôi sinh ra bình thường nhưng đến đứa con thứ 2 thì nó không nói năng được gì. Rồi đứa thứ 3, thứ tư sinh ra cũng bị câm điếc như vậy. Nhiều đêm tôi nằm khóc một mình, buồn tủi cho số phận thật trớ trêu. Hy vọng đời mình sẽ được thêm một đứa con lành lặn nhưng trời không cho tôi có được niềm an ủi đó. 7 đứa con sau này đứa nào cũng không thể một lần cất tiếng gọi cha mẹ. Hy vọng bao nhiêu thì sao mỗi lần mang nặng đẻ đau vợ chồng tôi càng buồn não nề hơn. Thấy thế, chồng tôi mặc dù cũng buồn lắm nhưng vẫn cố gắng động viên an ủi tôi. Ông bảo tôi đừng buồn nữa. Dù sao số phận đã như thế rồi thì mình phải biết chấp nhận nó. Con nào cũng là con. Con khôn thương ít, con dại thì phải thương nhiều. Vợ chồng mình ráng bươn chải làm ăn, bù đắp cho các con. Có sự động viên của ông, tôi dần dần rời bỏ những sầu não và suy nghĩ tiêu cực”, bà Trà trải lòng.

Bảy người con tật nguyền (4 trai, 3 gái) tuy đều bị câm điếc nhưng bù lại ai nấy đều khỏe mạnh và được hai vợ chồng ông bà hết mực yêu thương. Kinh tế gia đình thời điểm đó còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng ông bà đều nuôi ăn học đến nơi đến chốn, không để cho các con chịu thêm bất cứ một sự thiệt thòi nào nữa. Biết bố mẹ đã vì mình mà phải chịu nhiều vất vả nên các con của bà trà tuy không nói được nhưng ai cũng quyết tâm học hành. Giờ đây, tất cả các con của hai ông bà đều có vợ có chồng, họ thành đạt trong sự nghiệp và tự nuôi sống bản thân bằng khả năng của mình. Người con thứ 2 Lê Văn Lan là họa sĩ, đã mở nhiều cuộc triển lãm được công chúng đánh giá cao. Tiệm may Phương Mai do hai người con gái Lê Thị Hoàng Anh và Lê Thị Thu Cúc làm chủ tiệm, là một trong những tiệm may đẹp nổi tiếng xứ Huế… Hiện tại, bà Trà có tất cả hơn 30 đứa cháu nội ngoại. Một điều may mắn là các cháu của bà không ai bị tật nguyền như bố mẹ. 
 
Bà Trần Thị Nguyệt (60 tuổi, con dâu đầu của bà Trà) chia sẻ: “Cả nhà bên chồng tôi tuy câm điếc, chịu sự thiệt thòi nhưng vẫn lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của cha mẹ, tự nuôi sống mình, không phụ thuộc hay trở thành gánh nặng của xã hội. Dâu rể trong nhà về đây đều tự nguyện không ai bị ép buộc. Như tôi trước đây có nhiều chàng trai theo đuổi mà duyên chưa tới. Tôi ở làng Sình, một lần chồng tôi sang xem vật, làm quen rồi thư từ qua lại. Anh không nói được nhưng cũng có cái hay, cái duyên thầm. Tôi còn cảm phục ông ấy bởi nghị lực vượt khó, biết vươn lên dù số phận chịu thiệt thòi. Bây giờ đã sống với nhau được gần 40 năm nhưng chưa một lần xích mích, cãi vã cả”.
 


Ông Lê Văn Trung (con trai lớn của bà Trà) chia sẻ bí quyết làm bánh để trở thành thương hiệu nổi tiếng xứ Huế

Món bánh đặc biệt
 
Sở dĩ sinh đông con, lại bị tật nguyền nhưng hai vợ chồng ông bà Trà cũng xây được nhà cao tầng, cho các con vốn liếng làm ăn chính là nhờ món bánh khoái. Năm 1960, bà Trà bắt đầu học làm món bánh này từ người anh trai vốn là đệ tử của một đầu bếp cung đình Huế. “Lúc chưa lấy chồng, tôi đã ở nhà phụ mẹ làm các loại bánh như bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc… thế nên lúc thấy loại bánh này lần đầu tiên đã rất hứng thú muốn học thử xem thế nào. Thấy tôi nhiệt tình nên ông anh chỉ bảo rất tận tình. Chỉ khoảng hơn 1 tháng sau, tôi có thể làm thành thạo món bánh này. Không chỉ vậy, anh tôi còn bảo rằng hương vị của những cái bánh tôi làm rất ngon. Nhiều người khác ăn thử cũng bảo như vậy. Và rồi họ đều khuyên tôi nên mở tiệm bánh bán bánh Khoai chắc chắn sẽ đông khách. Ban đầu tôi cũng hơi e dè vì mục đích tôi học làm cũng chỉ để cho biết chứ không nghĩ đến chuyện mở quán bánh. Sau nhiều lần suy đi tính lại, thấy kinh tế nhà mình còn khó khăn, nếu mở quán có thể kiếm thêm được chút ít nuôi con cái ăn học nên đánh liều một phen. Không ngờ chỉ sau khi mở quán, người đến ăn món bánh này của tôi làm càng ngày càng đông”, bà Trà tâm sự.
 
Những người khách lần đầu mới tới tiệm bánh của bà ai cũng bất ngờ vì thấy trong quán từ người làm bánh đến người phục vụ đều trò chuyện bằng ký hiệu tay. Bên cạnh đó, họ còn khá giỏi tiếng Anh, có thể viết trên giấy “chuyện trò” với người nước ngoài. “Ban đầu quán chúng tôi chỉ có người Việt tới ăn nhưng sau này không hiểu sao lượng khách Tây tìm tới thưởng thức bánh rất đông. Bởi thế mà ngoài thời gian làm việc ở quán chúng tôi còn tranh thủ học thêm tiếng Anh để giao tiếp với họ. Tôi nghe những người làm hướng dẫn viên du lịch bảo rằng người Tây thích ăn nhiều đồ ngọt nên lúc ăn bánh mặn họ rất mê. Mỗi lần khách nước ngoài muốn thưởng thức ẩm thực Huế đều được dẫn khách đến quán chúng tôi”, ông Lê Văn Trung (con trai lớn của bà Trà) cho biết. 
 
Xưa kia, người Huế gọi bánh này là bánh khói. Lý do, thứ nhất, ngày xưa để có những chiếc bánh thơm ngon, người đổ bánh trên bếp củi mà trời mưa quanh năm nên củi ướt, khói mù mịt cả gian bếp làm cay xè mắt. Thứ hai, phải ăn bánh lúc còn nóng hổi, ngào ngạt tỏa khói mới ngon. Bánh vốn có tên là bánh khói, do người Huế phát âm sai mà chệch thành “bánh khoái”. Bánh khoái dễ khiến người chưa quen nhầm thành bánh xèo vì có nhiều nét tương đồng, chỉ có điểm khác là bánh khoái nhỏ, dày hơn và ăn giòn hơn. 
 
Người nhà bà Trà chia sẻ bí quyết để có được 1 dĩa bánh ngon, đạt chất lượng: Khuôn đúc bánh khoái phải làm bằng chất liệu gang. Đầu tiên là khâu chọn bột kỹ càng. Đó là loại bột gạo ngon được xay kỹ cho thật mịn. Sau đó hòa với nước sao cho hỗn hợp không quá đặc để bánh được ngon và cho một chút muối ăn vào. Vòng ngoài khuôn được sắp thêm thịt bò cùng tôm tươi và chả. Giữa khuôn là rau giá, hành. Chảo bánh đã nóng, cho dầu ăn vào đảo đều rồi cho các thứ trong khuôn cho gần chín sau đó nhanh tay múc bột đổ vào, rưới trứng đã đánh nhuyễn tráng lên bề mặt bánh, đậy nắp khuôn lại”. Tiếng xèo xèo vang lên cùng mùi thơm khó cưỡng lại. Bánh chín vàng, gập đôi để trên dĩa sứ trắng tinh, nghi ngút khói. Màu vàng tươi của bột và trứng, màu đỏ của tôi, trắng của giá, hồng của chả, xanh của hành tạo nên ngũ sắc bắt mắt. “Bánh ở quán chúng tôi khi khách tới mới bắt đầu chế biến để được ăn nóng. Khách có thể học mà làm theo. 
 
Nước lèo ở quán Lạc Thiện là bí quyết của quán, được chế biến công phu với nhiều nguyên liệu như gan heo, thịt nạc băm nhuyễn kết hợp với mè rang, đậu phộng giã nhuyễn cùng nước tương đậu nành Huế chưng cất kỳ công. Nấu nước lèo cũng không được nấu nhiều mà mất ngon. Ngoài ra món rau ăn kèm cũng được quán chọn lựa rất kỹ, với rau cải con, rau thơm, hành ngò công thêm vài lát chuối chát, khế chua, vả, tất cả đều thái mỏng. 
 
“Mình làm giàu chính đáng, góp phần giữ nghề gia truyền vừa giới thiệu được ẩm thực Huế đến nhiều nên rất vui. Quán chúng tôi đông nhất là vào dịp Festival, những dịp đó đa phần đều là các khách ở tỉnh khác tới ăn, mỗi ngày bán tới 1000 cái là chuyện thường. Còn những ngày tết thì những người dân Huế xa xứ trở về quê lại tìm tới quán để thưởng thức hương vị của quê hương mình sau một thời gian dài xa xứ. Những ngày đó, dù đã huy động rất nhiều người nhưng cũng không làm kịp nhu cầu của khách. Bây giờ tuổi mẹ tôi đã cao nên bà ấy truyền lại bí quyết cho con cháu để tiếp nối nghề. Nhưng dịp tết đến, nhiều người tỏ ý muốn chính tay bà vào bếp làm bánh cho họ bà cũng vui vẻ nhận lời. Ngoài bánh ngon, cách phục vụ khách nhiệt tình cũng góp phần làm nên thương hiệu của quán chúng tôi”, ông Trung chia sẻ. 
 
Duy Khánh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tiem-banh-khoai-dac-biet-xu-hue-a12186.html