Ca nhạc rơi vào bế tắc?

Theo đuổi xu hướng âm nhạc thời thượng nhưng không thể theo cách bắt chước bởi đó còn là lòng tự trọng. Điều đó đang đẩy người làm nghề vào tình trạng chưa tìm ra lối thoát

Không thiếu những dự án âm nhạc của ca sĩ đang và sẽ lần lượt được công bố nhưng  “vẫn chưa có gì để nói” là nhận định chung của giới chuyên môn khi đề cập đến mùa mới của thị trường ca nhạc Việt Nam. Sự bế tắc trong sáng tạo nhằm vừa bắt kịp xu hướng âm nhạc hiện đại vừa mang nét riêng đang thể hiện rõ trong giới làm nghề. Mỗi người một lựa chọn nhưng “vẫn chưa biết làm gì cho tốt nhất” là câu trả lời chung nhất.

Nhạc sĩ bận rộn với truyền hình

“Giờ đâu có producer (nhà sản xuất âm nhạc) nào rảnh đâu mà hợp tác. Truyền hình thực tế lấy hết rồi” - ca sĩ Kasim Hoàng Vũ nói về tình hình khó khăn của ca sĩ trong việc tìm kiếm nhạc sĩ sản xuất âm nhạc để hợp tác phát triển sự nghiệp. Đây cũng là tình trạng chung hiện nay của thị trường ca nhạc Việt Nam. Những nhạc sĩ là producer tên tuổi đều được mời đảm trách vai trò giám đốc âm nhạc cho những chương trình truyền hình thực tế dài hơi.  “Làm nhạc cho những chương trình truyền hình này còn không đủ thời gian thì sáng tác ca khúc lúc nào” - nhạc sĩ Phương Uyên đã khẳng định như thế từ khi chị đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc cho các chương trình: Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Nhân tố bí ẩn.




Sơn Tùng M-TP, một trong những giọng ca Việt từ phong cách ăn mặc, vũ điệu đến âm nhạc đều mang đặc trưng phong cách Kpop Ảnh: LEON TRẦN

Tính đến nay, những producer tên tuổi được xem “mát tay” với ca sĩ đều mắc kẹt ở các chương trình truyền hình. Những Phương Uyên, Nguyễn Hải Phong, Dương Khắc Linh, Huy Tuấn, Thanh Bùi, Hồ Hoài Anh, Thanh Tâm, Lưu Thiên Hương, Thanh Phương… đều rất bận rộn với sóng truyền hình trong vai trò giám đốc âm nhạc, huấn luyện viên cho thí sinh hay giám khảo. Hết chương trình này đến chương trình khác, sự bận rộn đó lấy hết thời gian sáng tạo thực sự của họ. Những nhạc sĩ khác như Quốc An, Hoài An, Lê Quang, Nguyễn Nhất Huy, Quốc Bảo, Đức Trí, Tuấn Khanh, Võ Thiện Thanh ai cũng có những công việc riêng chẳng màng đến sáng tác.

Không thể phủ nhận rằng thời gian gần đây, thị trường nhạc Việt xuất hiện nhiều tên tuổi mới nhiều tiềm năng trong lĩnh vực sáng tác như Phạm Toàn Thắng, Vũ Cát Tường, Đỗ Hiếu… Dù được thừa nhận về tài năng nhưng họ chưa phải là lựa chọn hàng đầu cho những dự án âm nhạc hướng đến thị trường rộng khắp của nhiều ca sĩ.

Ca sĩ tự thân vận động

Trào lưu làm sống lại nhạc xưa của một số ca sĩ tên tuổi đã có những thành công nhất định, lan tỏa đến nhiều thế hệ ca sĩ trẻ mà bằng chứng là lượng lớn sản phẩm âm nhạc lấy dòng nhạc xưa làm chủ đạo ra mắt công chúng thời gian qua. Một thế hệ ca sĩ trẻ hơn đã quyết định táo bạo cover (làm mới) những ca khúc nhạc xưa bất hủ. Nhưng hướng đi mới này không nhận được phản hồi tích cực của nhiều khán thính giả bởi “có những giọng ca hát nhạc xưa không đạt do không cảm nhận được ca khúc. Hát theo trào lưu là chính nên dù ca khúc rất hay nhưng khó lọt tai nghe của người yêu nhạc” - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện lý giải.

Những album làm mới nhạc trẻ đỉnh cao thời những năm 1980-1990 của Hà Anh Tuấn, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Minh Hằng, Bảo Anh, Quốc Thiên, Như Ý… ít nhiều nhận được sự hưởng ứng của công chúng nhưng như chia sẻ của ca sĩ Noo Phước Thịnh: “Album Mười năm tình khúc chỉ là một giải pháp tạm thời bởi nghệ thuật cần phát triển theo hướng văn minh và chuyên nghiệp nên không thể hài lòng với những gì đã và đang có”.

“Chúng ta cần rút ngắn cách biệt với âm nhạc thế giới. Vì vậy, theo đuổi xu hướng âm nhạc thời thượng chắc chắn là điều phải làm nhưng không thể làm theo kiểu bắt chước cho giống bởi đó là lòng tự trọng” - nhạc sĩ Dương Khắc Linh nói. Và đó cũng là lời lý giải cho tình trạng bế tắc mà nhiều ca sĩ Việt đang phải đối mặt.

Tìm đến sự hợp tác với các đối tác nước ngoài là sự lựa chọn thông minh ở thời điểm hiện tại. Đó là cách mà Hồng Nhung, Thanh Bùi, Thu Minh, Hoàng Thùy Linh, Mai Khôi, Thảo Trang, Tùng Dương, Đức Tuấn, Phương Vy đang làm. Nhưng rõ ràng, để làm được điều này đòi hỏi điều kiện tài chính cho phép mà không phải ai ở showbiz Việt đều có khả năng làm được. Một ca khúc sử dụng độc quyền của một nhạc sĩ có tên ở showbiz Việt cũng nằm ở mức hơn 30 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng. Đó là chưa kể không phải mọi lời mời hợp tác đều đạt được đồng thuận. “Ngày nay, rất hiếm producer tập trung thực hiện dự án âm nhạc cho một ca sĩ vì tâm lý muốn phổ biến rộng rãi và đa dạng ca khúc của họ” - ca sĩ Bảo Thy chia sẻ.

Vậy nên, số những nghệ sĩ hiện tại tìm được giải pháp cho chính mình vẫn còn rất ít. “Khán giả tinh tế, quy luật đào thải thì khắc nghiệt bởi áp lực cạnh tranh ngày càng cao. Mỗi người chỉ có thể tồn tại với những điều tốt nhất của họ. Điều tốt nhất đó không dễ dàng có được” - ca sĩ Phương Thanh khẳng định.

Phong cách... bắt chước

Bên cạnh một lớp ca sĩ cố gắng tìm kiếm cho bản thân một hình tượng âm nhạc riêng thì nhiều ca sĩ khác chủ trương “ăn may” khi chọn một hình mẫu có sẵn và bắt chước theo.

Nếu trước đây, nhạc Hoa có sức ảnh hưởng lớn thì nay là nhạc Hàn. Những giọng ca Việt đậm chất Hàn từ phong cách ăn mặc, vũ điệu đến âm nhạc đều mang đặc trưng phong cách Kpop không nhầm lẫn. Ca sĩ Việt nhìn giống ca sĩ Hàn Quốc không còn xa lạ. Thậm chí, một nhạc sĩ tên tuổi đã đưa hẳn nhóm nhạc nữ sang Hàn Quốc để đào tạo 4 năm theo phong cách Hàn Quốc với tham vọng chiếm lĩnh thị phần nhóm nhạc nữ đang bỏ trống ở thị trường nhạc Việt.

Trong hầu hết các ca khúc đang ăn khách hiện nay đều có nguồn gốc từ nhạc Hàn. Sử dụng beat (hòa âm) nhạc Hàn để sáng tác ca khúc đang phổ biến đến mức người ta coi đó là chuyện bình thường ở làng nhạc Việt bây giờ.

Thùy Trang
Theo nld.com.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ca-nhac-roi-vao-be-tac-a1217.html