Võ Việt mang triết lý tư duy phương Đông, đề cao tính nhân văn, tính chính nghĩa sâu sắc, giúp mỗi con người tự hoàn thiện mình, tìm về cội nguồn bản ngã. Hiện nay, Võ cổ truyền Việt Nam đang được quảng bá rộng rãi, thu hút hàng triệu người luyện tập trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong công cuộc phá dương quảng đại ra 5 châu, võ cổ truyền cũng đang đứng trước nguy cơ mất dần bản sắc bởi những tác động từ nội tại và bên ngoài.
Với mong muốn giới thiệu đến bạn đọc những tinh hoa đặc sắc võ Việt hiện nay vẫn đang được các võ sư lưu giữ bảo tồn, PhuongNam.Net.Vn xin gửi đến quý bạn đọc loạt bài “Võ lâm truyền kỳ”.
Kỳ 1: Hổ Quyền Đạo - Võ công rèn tài trí, võ đạo luyện đức tâm
Quyền cước cương mãnh như hổ, đánh vỡ gạch đá nhưng cũng có lúc mềm mại, khéo léo. Những chiêu thức hiểm nhắm đến chỗ yếu hại của đối phương nhưng không nhằm mục đích triệt hại một cách tàn độc. Bạo mà không tàn là triết lý võ công và tinh hoa nghệ thuật chiến đấu của võ phái Hổ Quyền Đạo Quảng Trị.
Võ sư Nguyễn Văn Bình và các đệ tử - Ảnh do võ sư cung cấp
Võ phái Hổ Quyền Đạo Quảng Trị do võ sư Nguyễn Văn Bình làm trưởng môn. Võ sư sinh năm 1967 ở làng Lệ Xuyên (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Năm 8 tuổi theo bố mẹ lên xây dựng vùng kinh tế mới và định cư tại thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ngay từ thời thơ ấu, anh sớm đã được tiếp xúc võ thuật từ thân phụ với những đòn thế ôm vật, quăng quật của võ vật dân tộc.
Năm 1989, khi đang là sinh viên khoa Toán - Trường Đại học tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế) anh ghi danh theo học một số võ phái như Taekwondo, Hầu quyền, Nga Mi… đặc biệt là đi sâu vào võ phái Ta Bạch Hổ do võ sư Đoàn Phú giảng dạy. Sau bốn năm miệt mài tập luyện, tiếp thu được nền tảng cơ bản của võ Ta Bạch Hổ, năm 1983 võ sư Nguyễn Văn Bình trở lại quê nhà và mở rộng phát triển võ Ta Bạch Hổ ở huyện Hướng Hóa và Dakrong (tỉnh Quảng Trị).
Sau gần 20 năm giảng dạy, nghiên cứu chỉnh sửa bổ sung quyền cước cũng như đòn thế cho phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại, đến năm 2010 võ phái Hổ Quyền Đạo do anh làm trưởng môn chính thức được thành lập.
Tiều phu đốn củi trong Hổ quyền đạo
Hổ Quyền Đạo được hình thành do yếu tố địa lý, tự nhiên, đặc điểm lịch sử bối cảnh xã hội hiện đại đặc biệt là sự giao thoa của các dòng võ nên Hổ Quyền đạo hình thành và phát triển bao gồm các lĩnh vực võ lý, võ đạo, võ thuật, võ y và lấy phương châm “Võ công rèn tài trí, võ đạo luyện đức tâm”.
Hổ Quyền Đạo mang tính quần chúng và tính chiến đấu sâu sắc, vận động theo thuyết âm dương ngũ hành, kỹ thuật Hổ Quyền Đạo là dựa trên các nguyên lý khoa học vật lý như: lực ly tâm, các thế xoay người, gạt, đỡ, đấm đá, đánh chỏ... theo hình vòng cung hoặc vòng tròn; lực đòn bẩy với các thế bẻ, khóa, gài, móc, chặn..., lực xoáy trong các thế đấm thẳng..., lực co gấp và sức bật với các đòn quăng, quật, vật, nhảy... Tất cả các nguyên lý được vận dụng phối hợp nhằm giúp võ sinh ít hao tốn sức lực khi thi triển đòn mà vẫn đạt hiệu quả cao.
Các chiêu thức kết hợp cả tay lẩn chân, kết hợp các bộ phận của cơ thể để triệt, khóa, quăng, quật và sử dụng lực để tấn công vào các yếu huyệt trên cơ thể của đối phương. Mỗi đòn đánh trong Hổ Quyền Đạo đều phải phát huy hết sức mạnh toàn thân với sức công phá mạnh mẽ, đòn thế liên hoàn, sử dụng hết ưu thế những góc cạnh của tay, chân, chỏ, gối, vai hông. Đấu pháp chủ yếu là kết hợp tấn công và phòng thủ nên phải thay đổi vị trí liên tục để tìm sơ hở của đối phương mà tấn công hay đáp trả.
Một thế hổ trão vồ mồi trong Hổ quyền đạo
Từ năm 1989 đến năm 2002 võ phái hoạt động độc lập. Từ tháng 6 năm 2002 võ phái chính thức gia nhập CLB võ cổ truyền huyện Hướng Hóa. Năm 2005 gia nhập Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Trị. Hiện nay võ phái đang có sáu CLB phát triển mạnh tại hai huyện Hướng hóa và Dakrong của tỉnh Quảng Trị và năm câu lạc bộ ở tỉnh Thừa Thiên Huế, đào tạo được nhiều VĐV võ thuật cổ truyền xuất sắc của tỉnh Quảng Trị…
Một đời tâm nguyện với việc giúp võ sinh tăng cường thể lực, rèn luyện thể chất kết hợp với khí công dưỡng sinh để có khí lực sung mãn, võ sư Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Võ thuật là một nghệ thuật do con người tạo ra, chính con người làm cho võ học ngày càng cao rộng và phong phú hơn. Bởi vậy tôi luôn tâm huyết rằng sẽ đem võ thuật đến với mọi miền đất nước, những vùng miền núi, đất rừng xa xôi, nơi mà võ thuật chưa phát triển để góp chút công sức vào sự nghiệp phát triển và bảo tổn võ cổ truyền dân tộc”.
Khánh Huyền