KDT được kết cấu thành 4 khu vực: khu vực lăng mộ, đền thờ và nhà trưng bày cuộc đời - sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; khu vực nhà sàn Bác Hồ và vườn ao cá; không gian văn hóa mô hình làng Hòa An xưa và khu vực tổ chức hội - trò chơi dân gian, giải trí. Với tổng diện tíchhơn 9ha, tổng thể KDT là một phức hợp kiến trúc hài hòa, mang đậm dấu ấn sinh thái - văn hóa Đồng Tháp, nơi để nhân dân Đồng Tháp nói riêng và nhân dân cả nước về đây tề tựu nhân ngày lễ - hội giỗ cụ Phó bảng, dịp Tết cổ truyền, ngày kỉ niệm, lễ lớn trong năm...
Từ đền thờ đến nhà trưng bày về cuộc đời cụ Phó bảng là không gian văn hóa chứng minh cho thấy người dân Đồng Tháp thể hiện được tinh thần đoàn kết dân tộc, trong số người chăm sóc cụ không phân biệt tôn giáo, thành phần xã hội, trong đó có những người giàu có, từ “ông cả” đến người nông dân nghèo khó vùng Hòa An. Khu vực nhà sàn Bác hồ và vườn ao cá, với tỷ lệ xây dựng 1/1, đây là nơi khách tham quan như được tận mắt nhìn thấy không gian làm việc của Bác Hồ lúc sinh thời tại Thủ đô Hà Nội.
KDT còn là nơi để nhân dân Nam bộ thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ giỗ cụ hàng năm có hơn 100 ngàn lượt khách tham quan và viếng thăm, họ đến từ khắp các tỉnh, thành, mang đến những sản vật từ dân dã đến quý lạ, dâng viếng, cúng trước anh linh cụ. Rõ nét nhất là không gian văn hóa làng Hòa An. Đây là không gian văn hóa tái dựng làng Hòa An xưa, với diện tích trên 22.000m2, tái hiện lại không gian tự nhiên con rạch Cái Tôm, vườn cây ăn trái, những hàng dừa, cây cầu khỉ, đường làng quanh co,... Một không gian văn hóa làng Hòa An thân quen đầu thế kỉ XX, với những ngôi nhà ở truyền thống của các hộ dân trong làng; những hình ảnh sinh hoạt văn hóa, giải trí, sản xuất mô tả một phần mưu sinh của làng Hòa An. Bên trong ngôi làng Hòa An, nổi bật và ấn tượng là những ngôi nhà có kiến trúc gỗ cổ truyền thống, được xây dựng tỷ lệ 1/1 như: nhà chữ đinh, nhà bát dần, nhà nọc ngựa, nhà sàn. Trong các ngôi nhà này được bày trí với các không gian chính, phụ, thể hiện nếp ăn, nếp ở, thờ cúng ông bà tổ tiên mang đậm bản sắc văn hóa và tính cách con người Nam bộ - Hòa An xưa. Cùng với không gian nhà ở, một số hình ảnh sinh động về sinh hoạt của những làng nghề tiêu biểu của người dân Hòa An xưa là nghề trồng và xắt thuốc lá, với sản phẩm nổi danh “thuốc rê Cao Lãnh”; làng nghề chằm lá lợp nhà, nghề mộc, nghề rèn và xay lúa, giã gạo từng là niềm tự hào về bàn tay tài hoa đầy sáng tạo của người dân Hòa An.
Không gian các tổ hợp sinh hoạt giải trí có tổ hợp sinh hoạt đờn ca tài tử, là một loại hình giải trí của người dân sau những giờ lao động mệt nhọc, là lời tâm tình của những người xa xứ vọng về cố hương, là nỗi niềm u uất trước thế sự và thời cuộc; sinh hoạt trò chơi dân gian, đá gà là thú vui chơi trong dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó còn có không gian văn hóa gói - nấu bánh tét, một thứ bánh không thể thiếu của Tết Việt ở Nam bộ...
Ngoài giá trị văn hóa, KDT Nguyễn Sinh Sắc mang dấu ấn về giá trị văn hóa chính trị sâu sắc, nơi để các cộng đồng ở miền Nam có dịp tập hợp, thống nhất hướng về tinh thần đoàn kết để xây dựng quê hương giàu đẹp, nơi người dân Đồng Tháp tự hào được gìn giữ một phần niềm tin mà Bác Hồ mong trở lại thăm người thân sinh yêu quý, nơi để nhân dân Đồng Tháp được thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn - đạo lý đẹp của người Việt Nam.
Theo NGUYỄN TRỌNG MINH (Báo Đồng Tháp)
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khu-di-tich-nguyen-sinh-sac-dia-chi-van-hoa-doc-dao-vung-dong-bang-song-cuu-long-a1210.html