“Nhìn lại” cuộc “Cải cách ruộng đất 1946 - 1957”

Nhiều hình ảnh, hiện vật về giai đoạn “Cải cách ruộng đất 1946- 1957” lần đầu tiên được trưng bày thành chuyên đề cùng tên tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng.

Ngày 8/9, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946-1957”.

Với diện tích trưng bày 230m2, triển lãm giới thiệu tới công chúng gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các cơ quan lưu trữ, các bảo tàng ở Hà Nội và địa phương. Đây là những tư liệu, hiện vật quý hiếm, chứa đựng nhiều giá trị nội dung lịch sử và lần đầu tiên được đưa ra trưng bày, giới thiệu đến đông đảo công chúng trong khuôn khổ một trưng bày chuyên đề với qui mô lớn.

Nội dung trưng bày được chia thành hai phần: Phần một: Nông thôn Việt Nam trước cải cách ruộng đất và phần hai: Cải cách ruộng đất 1946-1957.

Phần một gồm các hiện vật, hình ảnh giới thiệu về Tình hình ruộng đất trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và Đời sống địa chủ phong kiến và nông dân trước cách mạng 1945. Những hình ảnh, số liệu, bảng thống kê...ở phần này nêu rõ, thời kỳ này, ở Việt Nam tồn tại bốn chế độ sở hữu chính về ruộng đất: ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến; của tư bản thực dân Pháp; ruộng đất công và ruộng đất của nông dân. Những hình thức sở hữu ruộng đất đó đã tạo cho giai cấp thống trị có đầy đủ phương tiện vật chất để áp bức bóc lột nông dân, làm tuyệt đại đa số nông dân Việt Nam sống trong cảnh bần cùng, đói rách.

Những hiện vật như quần áo, đồ dùng hàng ngày, những tư liệu gốc như: sổ ruộng đất, sổ thu tô... và không gian sống vương giả của tầng lớp địa chủ cũng được tái hiện. Đối lập với đó là không gian sống nhà tranh vách đất, áo chằng, áo đụp, thẻ thuế thân...của người nông dân khiến công chúng có hình dung rõ ràng hơn về khoảng cách vô cùng lớn trong đời sống của hai giai cấp địa chủ phong kiến và người nông dân thời kỳ trước cách mạng tháng Tám.

Phần hai của trưng bày với nội dung Cải cách ruộng đất được chia làm 4 nội dung là Chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách ruộng đất; Cải cách ruộng đất; Sai lầm và sửa chữa sai lầm; Hoàn thành thắng lợi.

Phần này trưng bày Chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách ruộng đất giới thiệu nhiều ảnh tư liệu về các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng chính phủ, Quốc hội...; các văn bản như: luật, sắc lệnh, pháp lệnh, nghị định, chỉ thị, thông tư, báo cáo, sách, tài liệu tuyên truyền về cải cách ruộng đất...

Phần Cải cách ruộng đất giới thiệu một số ảnh tư liệu lịch sử, một số báo cáo tổng kết, bản thống kê, tờ tin, bản tin... về quá trình và kết quả thực hiện cải cách ruộng đất thời kỳ này. Từ năm 1953 đến năm 1956 đã có 8 đợt phát động quần chúng giảm tô tại 1875 xã và 5 đợt cải cách ruộng đất ở toàn bộ vùng đồng bằng, trung du và 280 xã miền núi.. Kết quả của các chiến dịch này là: Trong 3.314 xã, có 10 triệu dân, đã tịch thu hơn 70 vạn héc ta, bằng 44,6% ruộng đất trong vùng, chia cho gần 4 triệu nông dân. Cuộc vận động cải cách ruộng đất đã phân chia lại ruộng đất công bằng cho đa số nông dân miền Bắc; hoàn thành xóa bỏ giai cấp địa chủ, xóa bỏ tàn dư chế độ phong kiến ở miền Bắc; nâng cao quyền làm chủ của nông dân trong nông thôn.

Phần Sai lầm và sửa chữa sai lầm gồm một số ảnh tư liệu lịch sử, nghị quyết, thông tư, chỉ thị, công văn của Đảng, báo cáo kết quả sửa sai của một số địa phương... Mùa hè năm 1956, Đảng bắt đầu phát hiện những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Ngày 18/8/1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào nông thôn và cán bộ nói rõ thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Hội nghị lần thứ 10, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) đã thảo luận kỹ và có kết luận về thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Hội nghị cũng đã đề ra phương hướng và chủ trương sửa sai 10 điểm.

Phần Hoàn thành thắng lợi giới thiệu một số ảnh tư liệu về thành quả, kết quả mà người nông dân Việt Nam đã có sau cải cách ruộng đất; một số đồ dùng sinh hoạt của nông dân; nhóm huy hiệu, cờ thưởng, giấy chứng nhận sở hữu ruộng đất người nông dân được cấp sau cải cách...Sau cải cách ruộng đất, giai cấp địa chủ đã hoàn toàn bị xóa bỏ, ruộng đất đã thuộc về tay nông dân. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc được hoàn thành ở một nửa đất nước, nhiệm vụ dân chủ “người cày có ruộng” đã hoàn thành ở miền Bắc, từ đó tạo điều kiện để xây dựng hậu phương miền Bắc vững chắc để tiến hành hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.

Ngay từ sau khi cắt băng khai mạc, trưng bày đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế, đặc biệt là các bạn trẻ. Đặc biệt thích thú khi ngắm và chụp ảnh cùng không gian nhà tranh vách đất của người nông dân, Nguyễn Thanh Huyền, sinh viên trường Đại học Văn hóa chia sẻ: “Thường xuyên đi xem các triển lãm nhưng quả thật, ít triển lãm làm em thấy ấn tượng như triển lãm Cải cách ruộng đất. Đặc biệt là ngôi nhà tranh vách đất được dựng tại triển lãm và những tấm áo không lành lặn của người nông dân trước đây. Không chỉ biết được đời sống của người nông dân trước đây đói khổ ra sao, cách mạng, cải cách ruộng đất đã đem lại cho đời sống người nông dân sự đổi thay thế nào mà em còn rất xúc động khi thấy sự quyết tâm của Đảng, Bác Hồ, Chính phủ khi sửa sai. Chính những hình ảnh, hiện vật tại triển lãm này, hơn mọi trang sách, cho chúng em hiểu hơn về lịch sử”.

Hòa trong dòng người xem triển lãm, PGS. TS Nguyễn Văn Trụ- Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội di sản văn hóa Việt Nam nhận xét: “Tôi đánh giá rất cao triển lãm này, không chỉ là ở những hiện vật có giá trị, trước đây khi nói đến vấn đề này chúng ta vẫn e ngại vì nó phức tạp. Nhưng đây là những vấn đề của lịch sử, và nó đã diễn ra rồi. Vì thế, tôi khẳng định, đây là triển lãm có ý nghĩa rất lớn, không chỉ có giá trị giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ mà còn có giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn rất lớn. Những chủ đề mà triển lãm đề cập, chứng minh một điều rằng, khi nào người nông dân được làm chủ trên mảnh đất của họ thì lúc đó, giá trị sản xuất nông nghiệp mới tăng”.

Chia sẻ về cảm xúc của mình khi xem triển lãm, PGS. TS Nguyễn Văn Trụ xúc động: Khi diễn ra Cải cách ruộng đất, tôi mới là đứa trẻ 10 tuổi. Tôi tham gia phong trào thiếu niên hô khẩu hiệu ủng hộ chủ trương của Đảng, đánh trống ếch đi khắp ngõ, khắp làng. Những cảnh sống của người nông dân ở triển lã như áo vá, nhà tranh thì quá phổ biến, tôi chứng kiến suốt tuổi thơ. Nhưng cũng phải thừa nhận, chưa được ngắm những đồ dùng của địa chủ bao giờ. Nhờ triển lãm mới được xem.

Theo Tổ quốc

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhin-lai-cuoc-cai-cach-ruong-dat-1946-1957-a121.html