Những máy móc, thiết bị do ông Hùng chế tạo ra là kết quả của một chặng đường dài nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo và nỗ lực không ngừng.
Chiếc máy độc đáo
Khi chúng tôi đến công ty của ông Hùng (Công ty TNHH MTV Cơ khí Thái Hùng ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) thì chiếc máy chế tạo móc dùng trong các băng chuyền đã được bán cho khách hàng. Ông Hùng cho biết, một chiếc máy tốn nhiều chi phí và công sức nên ông chỉ làm theo đơn đặt hàng chứ không sản xuất đại trà. Máy này do ông nghiên cứu sáng tạo và trên thị trường hiện chỉ có công ty ông sản xuất.
Ông Thái Mạnh Hùng bên máy định lượng bột do ông nghiên cứu, chế tạo. Ảnh: Lệ Thu
Thông thường, trong các nhà máy ngành thực phẩm và thủy sản, băng chuyền tự động dùng để tải các nguyên liệu, sản phẩm có vai trò quan trọng trong khâu tự động hóa. Tuy nhiên, để làm nên một băng chuyền cần rất nhiều công đoạn lắp ráp bằng thủ công. Trong đó, có khâu chế tạo các móc dùng để nối với nhau thành các mắt xích của băng chuyền. Để tạo ra những chiếc móc cần nhiều công nhân và mất rất nhiều thời gian do làm hoàn toàn bằng tay. Vì thế, ông Hùng có ý tưởng làm ra máy chế tạo thiết bị này.
Sau khi tính toán, thiết kế trên máy vi tính, ông mất 2 tuần để hoàn thành chiếc máy đầu tiên vào năm 2005. Từ đó đến nay, ông đã sản xuất được 5 máy theo đơn đặt hàng của các công ty cơ khí. Mỗi máy, ông lại có những nghiên cứu, điều chỉnh để nâng cao tính năng và hoàn thiện hơn. Ông Hùng so sánh: “Trong một phút, máy sản xuất ra 40- 60 cái móc đều nhau và chỉ cần 1 người vận hành, trong khi nếu làm thủ công thì cần đến 6 công nhân mà độ đồng đều giữa các móc lại không bằng”.
Nhờ đó, các công ty cơ khí tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí sản xuất. Ông Nguyễn Quốc Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí Tân Toàn Thắng ở Cà Mau, cho biết: “Trước đây còn làm thủ công, mỗi ngày chỉ chế tạo được 1 mét băng chuyền, từ ngày mua máy chế tạo móc do anh Hùng sáng chế, chúng tôi làm được 2- 3 mét băng chuyền. Năng suất nâng cao mà giá thành lại hạ nên công ty chúng tôi đã mua thêm máy thứ hai để tăng năng suất”.
Nghiên cứu, sản xuất chiếc máy này đã lâu nhưng ông Hùng không tham gia cuộc thi nào vì với ông, sản phẩm làm ra đơn giản là để ứng dụng hiệu quả vào đời sống sản xuất. Chỉ đến khi được cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ động viên, ông mới tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần IX, năm 2016-2017 của TP Cần Thơ. Với tính năng mới, sáng tạo và hiệu quả thực tế, giải pháp của ông Hùng được Ban Giám khảo đánh giá cao, đoạt giải Nhất ở lĩnh vực cơ khí, tự động hóa. “Đây là động lực để tôi tiếp tục nghiên cứu, chế tạo máy, thiết bị mới trong thời gian tới” – ông Hùng chia sẻ.
Sáng tạo và đam mê
Khi nghiên cứu, chế tạo bất cứ máy, thiết bị nào, ông Hùng đều đặt tiêu chí ứng dụng vào thực tiễn lên hàng đầu. Khi đã bắt tay vào một công trình mới, ông đều quyết tâm làm đến cùng, nếu thất bại hoặc chưa như ý thì tiếp tục nghiên cứu cho đến khi hoàn thiện mới thôi.
Tính đến nay, ngoài máy chế tạo móc dùng trong các băng chuyền, ông Hùng đã chế tạo ra khoảng chục thiết bị, máy dùng trong ngành thực phẩm, dược phẩm. Tiêu biểu như: máy chưng cất tinh dầu, máy trộn các loại thực phẩm, máy chiết rót các loại, máy pha chế dược phẩm – thực phẩm, máy xúc rửa chai, máy trích ly-cô đặc, máy định lượng bột… Đa số các loại máy này trên thị trường đều có nhưng do được sản xuất theo một công thức, tiêu chuẩn chung nên không đáp ứng hết nhu cầu đa dạng của khách hàng. Do đó, nhiều khách hàng đã đặt hàng ông Hùng chế tạo máy riêng theo nhu cầu sản xuất thực tế của từng đơn vị.
Từ những kiến thức nền tảng ở trường lớp cộng với quá trình nghiên cứu, học hỏi, sản xuất thực tế, đặc biệt là nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của khách hàng, ông Hùng trở thành nhà chế tạo máy chuyên nghiệp. Ông bộc bạch: “Lúc đầu làm chỉ vì công việc đòi hỏi, về sau càng sáng tạo càng mê. Có những lúc thức khuya liên tục, nghiên cứu miệt mài suốt thời gian dài đến đuối sức; nhưng khi hoàn thành một công trình, một thiết bị hữu ích thì cảm giác rất phấn khởi, nó cứ thôi thúc tôi tiếp tục lao động, nghiên cứu, sáng tạo cái mới”.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm 4 Vĩnh Long, ngành Cơ khí, ông Hùng từng đi dạy, đi làm ở một số nơi và cuối cùng quyết định mở tiệm riêng, chuyên sản xuất, kinh doanh các thiết bị cơ khí trong ngành dược phẩm và thực phẩm. Lúc đầu, ông chỉ chế tạo một vài chi tiết nhỏ, dần dần nâng lên sản xuất máy hoàn thiện. Sản phẩm chất lượng, giá thành phải chăng nên nhiều khách hàng tìm đến. Từ một tiệm nhỏ, ông mở rộng thành công ty và hoạt động ổn định cho đến nay. Con trai lớn của ông cũng nối nghiệp theo ngành cơ khí. Trước đây, hai cha con ông cùng chung công ty Thái Minh Tuấn, khi con đã vững vàng, ông tách riêng và hoạt động độc lập. Khoảng 3 tháng nay, ông chuyển trụ sở công ty từ quận Ô Môn, TP Cần Thơ về địa điểm mới ở tỉnh Hậu Giang nên khá bận rộn việc xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy, thiết bị…
Theo ông Hùng, ông vẫn chưa phải là một người thành đạt hay tài giỏi, tất cả chỉ ở mức ổn định. Điều ông trăn trở bây giờ là làm sao có nhiều vốn để mở rộng sản xuất, phát huy những nghiên cứu, sáng tạo vì chi phí đầu tư làm ra một cỗ máy hoàn thiện là rất lớn, trong khi quy mô hoạt động của công ty ông chỉ ở dạng vừa và nhỏ. Bài toán ấy ông Hùng vẫn còn đang tìm lời giải nhưng những nghiên cứu, thành quả mà ông đạt được là rất đáng ghi nhận. Trong ngành cơ khí chế tạo nói riêng và hoạt động khoa học kỹ thuật nói chung, cần lắm những người dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và nhiệt huyết như thế.
Lệ Thu
Theo Báo Cần Thơ