Mái đình Tân Thông, nơi ông Sáu Khải dành tâm nguyện truyền giữ hồ sắc quê nhà, nay đã vắng ông mãi mãi.
Hay tin ông Sáu nằm xuống, bà con xóm làng Tân Thông (xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi, TP.HCM) xúc động tìm đến “nhìn mặt ông Sáu lần cuối”.
Trong ngày 18.3, khi lễ viếng chính thức bắt đầu, có hơn 40 bậc cao niên của Hội đình Tân Thông, tề tựu tiễn đưa ông Sáu Khải.
Ông Mai Văn Hòa (84 tuổi), sau khi thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ người bạn vong niên của mình, trở lại đình Tân Thông, nhớ lại những năm tháng hàn huyên bên ấm trà cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ngay dưới mái đình Tân Thông.
Ông Hòa kể, ông Sáu Khải có nhiều bạn vong niên trong hội đình. Lúc về nghỉ hưu, ông Sáu thường xuyên đến đình cùng mọi người mỗi sáng. Đình Tân Thông từ sau ngày đất nước thống nhất có 4 hội trưởng, trong đó 3 hội trưởng đầu nay đều đã qua đời vì tuổi cao sức yếu, ông Sáu Khải là hội trưởng đời thứ 3. Hội trưởng bây giờ là cụ Nguyễn Văn Khỏe.
“Ông Sáu là người sống tình, sống nghĩa với quê hương xóm làng lắm. Ông chưa một ngày xa lánh bà con, kể cả khi còn đương chức. Mỗi việc lớn nhỏ ở xóm làng Tân Thông đều in sâu nghĩa tình ông Sáu”, ông Hòa bùi ngùi.
Đi cùng đoàn viếng của hội đình còn có bà Nguyễn Thị Nhậm (66 tuổi). Khi nhắc đến ông Sáu Khải, bà Nhậm mắt ngấn lệ: “Gặp bà con xóm làng, bác Sáu luôn hỏi thăm thân tình, lúc nào cũng dặn dò phải sống tốt, sống khỏe, mọi người phải biết thương yêu nhau để cùng xây dựng quê nhà ngày càng đi lên, cháu con ngày càng thành đạt, nên người”.
Khi còn sống, ông Sáu Khải thường xuyên đến đình Tân Thông gần nhà riêng của ông ở làng Tân Thông, xã Tân Thông Hội. Đình có lịch sử 175 năm, gắn liền với quá trình hình thành ngôi làng. Trước đây đình có quy mô khá nhỏ. Trải qua những năm tháng chiến tranh, đình từng bị bom đạn phá hủy nhiều lần, nhưng người dân luôn gắng sức dành công, dành của để phục dựng, duy trì.
Đình Tân Thông được trùng tu, tôn tạo từ năm 2009, đến 2010 thì hoàn thành. Diện mạo ngôi đình bây giờ kiên cố, khang trang, việc thờ phụng được tổ chức bài bản, quy củ. Nơi đây luôn là địa điểm diễn ra các sự kiện văn hóa của làng Tân Thông.
Gian chính đình Tân Thông bố trí tượng thờ Bác Hồ. Phía sau là bàn thờ những bậc tiền hiền có công khai dựng làng từ hàng trăm năm trước.
Ngôi đình được làm bằng gỗ, mái lợp ngói cổ kính.
Theo lời kể của các bậc cao niên, làng có tên Tân Thông từ thời vua Gia Long. Đến nay tên làng Tân Thông vẫn được truyền giữ. Tổ tiên của làng là những lưu dân xứ Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị) và một số nơi khác thuộc xứ Đàng Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh.
Trong đình Tân Thông trang trí những binh khí võ cổ truyền nhằm tưởng nhớ những bậc tiền hiền đến khai hoang, lập ấp. Qua tháng năm, xóm làng Tân Thông đã trù phú, dân cư đông đúc, trở thành vùng nông thôn mới, kiểu mẫu của TP.HCM
Là một địa chỉ đỏ của xóm làng Tân Thông, ngôi đình được công nhận là di tích lịch sử. Bằng công nhận được trang trọng đặt trên điện thờ.
Nằm giữa làng quê Tân Thông yên bình, đình Tân Thông phủ bóng cây xanh mát. Đây là nơi in sâu dấu ấn tình cảm với quê nhà mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sinh thời đã dành nhiều tâm huyết để trùng tu, tôn tạo. Các bậc cao niên trong làng thường xuyên lui tới để sinh hoạt văn hóa theo truyền thống văn hóa Việt.
Bàn trà của các bậc cao niên ở đình Tân Thông nay đã không còn ông Sáu Khải đến tâm tình, hàn huyên mỗi sáng.
Ông Sáu Khải đã ngàn năm mây trắng. Gốc đa, hồ nước trong khuôn viên đình Tân Thông nay vắng hình bóng ông mãi mãi.
Trong khuôn viên đình Tân Thông có bố trí lễ đài ghi công các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước.
Qua những năm tháng chiến tranh, làng Tân Thông có 19 mẹ Việt Nam anh hùng. Tên tuổi các mẹ được khắc khi trang trọng trong khuôn viên đình Tân Thông.
Phía sau lễ đài Tổ quốc ghi công là bia tưởng niệm 379 liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến vệ quốc của làng Tân Thông
Đình Phú
Theo Thanh Niên Online