Làng chiếu Lẫy Cà Mau: Khắc khoải một nét xưa

Một thời, chiếu Cà Mau từng vươn xa, vượt khỏi mảnh đất tận cùng Tổ quốc, là niềm tự hào cho người dân nơi đây. Với những kỹ thuật của riêng mình, người dân làng Tân Thành đã dệt ra những chiếc chiếu có thể thỏa mãn người tiêu dùng khó tính nhất. Mỗi độ xuân về, làng dệt chiếu Tân Thành lại rộn rã nhịp khung cửi.

Âm thầm trường tồn với thời gian

“Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kênh Ngã Bảy. Cô gái năm xưa sao chẳng thấy ra chào”, câu vọng cổ nổi tiếng ấy đã nói lên được vị thế của chiếc chiếu Cà Mau. Một thời, chiếu Cà Mau từng cùng với xuồng ba lá, chiếc ghe bầu ngược xuôi trong và ngoài tỉnh, trở thành một loại vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình.
 
Bà Hứa Thị Thu Lệ, người dân ở xã Tân Thành (TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Trong dịp Tết, gia đình tôi thường chọn đôi chiếu bông có in hoa văn màu đỏ rực để trải trên bộ ván gỗ (sập-PV) rồi bày mâm cỗ cúng tổ tiên cầu mong một năm mới làm ăn thuận lợi. Năm mới, trải chiếu mới, anh em gần xa về ngồi nhâm nhi ly rượu xuân cũng thấy năm mới sáng sủa hơn”. Theo những người cố cựu trong nghề, ở tỉnh này, nghề dệt chiếu từng phát triển rực rỡ ở nhiều địa phương như: Xã Tân Lộc (huyện Thới Bình), xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi). Tuy nhiên, nổi tiếng nhất là chiếu Lẫy của xã Tân Thành, TP.Cà Mau.
 
 
Những sợi lác đầy màu sắc tạo nên thương hiệu chiếu nổi tiếng Cà Mau.
 
Chiếu Lẫy nổi tiếng bởi cách dệt tỉ mỉ với nhiều loại hoa văn mang những ý nghĩa nhất định. Sự sáng tạo tuyệt vời cộng với đôi bàn tay khéo léo, người dệt chiếu chọn từng sợi lác được nhuộm màu một cách kỳ công để tạo ra nhiều chiếc chiếu có màu sắc khác nhau. Chiếu Lẫy Cà Mau có nhiều họa tiết, màu sắc, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như: Hình rồng phụng dành cho đám cưới; chiếu có câu đối chúc may mắn dành riêng cho dịp lễ, Tết; hình con chim, thắng cảnh, sông nước, núi non để trang trí... Để có được những đôi chiếu Lẫy, người làng phải trải qua một quá trình sáng tạo không ngừng suốt hàng trăm năm. Nhờ thế, một thời chiếu Cà Mau có chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, bị cạnh tranh nhưng chiếu Lẫy Tân Thành vẫn là sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
 
Tôi có mặt tại nhà bà Nguyễn Thị Bé (ngụ ấp 6, xã Tân Thành), gia đình có nhiều năm theo nghề. Ngồi bên khung dệt, bà Bé chia sẻ, từ nhỏ đã học nghề từ mẹ. Nghề này cực nhất là lúc đi cắt, chẻ lác, phơi khô. Để dệt ra một chiếc chiếu thường mất khoảng vài tiếng đồng hồ nhưng đòi hỏi người dệt phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Bà Bé ví von người dệt chiếu cũng như một họa sĩ “vẽ” trên mặt chiếu.
 
 
Từ đôi bàn tay khéo léo, hàng trăm nghìn chiếc chiếu đẹp tỏa đi muôn nơi.
 
“Sợi lác phơi khô được nhuộm màu cho đều và tiếp tục hong khô. Để chuẩn bị cho việc dệt, người thợ phải thức khuya se sợi bằng tay để căn dọc từ đòn ngang bên này luồn qua khung dạo với đòn ngang bên kia tạo thành mặt sợi dọc trên khung dệt. Sau khi chuẩn bị xong phần nguyên liệu cần phải có 2 người cùng làm: Người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ hai luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng lực đập mạnh vào lác để kết chặt vào nhau. Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng nhưng cũng phải khéo léo để không xếp chồng lên nhau”, bà Bé tâm sự.
 
Theo bà Bé, sở dĩ chiếu Cà Mau nổi tiếng, vang danh là vì hội nhiều yếu tố. “Nằm trên chiếu Cà Mau, chúng ta sẽ cảm nhận được cái “mát rượi” khi trời nóng bức và cảm thấy “ấm áp” khi trời mưa sa gió lạnh. Hơn thế, chiếu còn cho người sử dụng cảm nhận được mùi thơm dìu dịu từ cây lác, sợi đay, mùi hương đồng nội Cà Mau. Nghệ thuật nhuộm lác của người thợ đạt đến kỹ thuật cao, làm nên chiếu không phai màu”, bà Bé cho biết thêm.
 
Lo nghề của tổ tiên mai một
 
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2018, chúng tôi có dịp về lại làng dệt chiếu Tân Thành. Khung cảnh nơi đây náo nhiệt bởi không khí lao động tất bật, tiếng cười nói rộn rã. Tuy nhiên, các hoạt động: Phơi, chẻ, nhuộm nguyên vật liệu với nhiều màu sắc rực rỡ, tiếng lách cách phát ra từ khung dệt... giờ đây đã phai nhạt dần. Thay vào đó, là những nỗi lo, trăn trở về nghề của những nghệ nhân luôn khắc khoải nét xưa cũ của một làng nghề từng vang danh Miền Tây.
 
Xã Tân Thành ngày nay đã không còn nhiều người theo đuổi nghề. Tuy nhiên, với những người yêu nghề truyền thống, họ vẫn bám trụ, tiếp tục làm ra những sản phẩm mang đậm bản sắc của địa phương. Bà Cao Thị Loan (ngụ ấp 6, xã Tân Thành) dệt chiếu từ khi còn rất nhỏ. Trước cảnh nghề truyền thống của địa phương mai một theo thời gian, bà không khỏi nuối tiếc.
 
Giọng buồn buồn, bà nói: “Trước đây, làng nghề này rất phát triển, có nhiều mối đặt hàng khắp nơi như: Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ... làm không xuể, mỗi ngày có thể kiếm cả trăm ngàn. Bây giờ ít mối, thu nhập bấp bênh chỉ gọi là đủ ăn để giữ lấy nếp nghề của cha ông. Nguyên liệu tôi tự trồng ở nhà vậy mà khi bán xong trừ chi phí coi như huề vốn”.
 
 
Một chiếc chiếu đã được hoàn thành.
 
Ông Nguyễn Văn Trần Vũ (58 tuổi) chia sẻ, gia đình ông làm nghề này được 3 đời. Nhưng, ông đang lo sau đời ông, “cái nghề của tổ tiên để lại này sẽ không còn được duy trì nữa”. “Trước kia, gia đình tôi làm không kịp bán nhất là mỗi dịp lễ, Tết... Bởi, đôi chiếu được coi như tài sản, của hồi môn cho con cái và là vật may mắn trong đời sống, dùng để biếu tặng. Còn bây giờ, lâu lâu mới có người đặt 1, 2 đôi để dùng. Hàng làm ra khó tiêu thụ vì hiện nay người ta chuyển sang sử dụng chiếu tre, đệm vừa đẹp, vừa dùng được lâu”, ông Vũ bộc bạch.
 
Trước sự mai một của nghề dệt chiếu truyền thống, chúng tôi luôn khuyến khích và hỗ trợ cho người dân vay vốn để tiếp tục làm nghề. Hiện tại, số chị em còn gắn bó với nghề dệt chiếu chủ yếu là những người lớn tuổi không xin được việc làm tại các xí nghiệp. Thanh niên trong xã bây giờ không còn mặn mà đa số chuyển sang làm công nhân hoặc đi phụ hồ, tuy cực nhọc nhưng thu nhập cao hơn rất nhiều”.

Việt Tâm
Theo nguoiduatin.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lang-chieu-lay-ca-mau-khac-khoai-mot-net-xua-a12031.html