Truyền thống vẻ vang của phụ nữ Tiền Giang

Trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Tiền Giang đã nổi lên những phụ nữ kiên trung, bất khuất, dám xả thân vì nước như những đấng nam nhi. Đó là bà Trần Thị Sanh, phu nhân của Bình Tây Đại tướng quân Trương Định, cung ứng tiền bạc, lương thực để nghĩa quân đánh giặc Pháp...

 
Nhà thờ bà Nguyễn Thị Thập ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành. Ảnh: Hồng Lê

Trong đấu tranh cách mạng, phụ nữ không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, mà còn là những chiến sĩ cách mạng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. 
 
Ở đâu, trên mặt trận nào cũng thấy bóng dáng những người phụ nữ gan dạ, dũng cảm, quật cường, chịu đựng gian khổ và tràn đầy lạc quan cách mạng.
 
Hàng vạn phụ nữ đã tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong mở đường, các đoàn dân công hỏa tuyến, tải lương thực, tải đạn ra tiền tuyến. Họ cống hiến cho đất nước những người con, người chồng yêu quý; mòn mỏi chờ đợi người thân trở về; cạn nước mắt khi những người thân yêu không về...

Đó là những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã thắp sáng tinh thần quật khởi, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Tiền Giang.
 
Chính những phẩm chất đó đã làm nên những cái tên lẫy lừng, từng là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược và là niềm tự hào của phụ nữ Tiền Giang: “Trung đội nữ pháo binh Châu Thành”, “Đội quân tóc dài”, bà Nguyễn Thị Thập - Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bà Trương Mỹ Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân: Đoàn Thị Nghiệp, Lê Thị Hồng Gấm, Võ Thị Lớ, Đặng Thị Mành, Nguyễn Thị Hiếu Tâm, Trần Thị Điểu, Phạm Thị Tuyết Nhung, Dương Thị Lệ… và khoảng hơn 5.800 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã sản sinh ra những người con ưu tú cho đất nước.
 
Trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, ở Tiền Giang cũng có những phụ nữ tài  năng được cả nước biết đến, như nữ sĩ Manh Manh Nguyễn Thị Kiêm, được xem là nữ sĩ đi tiên phong trong phong trào “Thơ Mới” ở Nam kỳ hồi đầu thế kỷ XX; cô Năm Phỉ, cô Bảy Phùng Há, cô Bảy Nam, cô Ba Viện (Diện)... trong lĩnh vực sân khấu cải lương.
 
Đây cũng là vùng đất sinh ra những phụ nữ là hoàng hậu hay phu nhân Chủ tịch nước, như Thái hoàng thái hậu Từ Dụ Phạm Thị Hằng, quê ở Sơn Quy (nay thuộc TX. Gò Công); Hoàng hậu Nam Phương Nguyễn Hữu Thị Lan, quê xã Đồng Sơn (nay thuộc huyện Gò Công Tây); bà Đoàn Thị Giàu (Kim Oanh) - Phu nhân của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, quê ở xã Vĩnh Kim (nay thuộc huyện Châu Thành)...
 
Phụ nữ Tiền Giang luôn thấm nhuần câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu: “Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình” trong đạo đức đời thường. Trong lịch sử đã có những tấm gương như thế.
 
Điển hình là trinh nữ Nguyễn Thị Liệu. Cô gái ấy quyết quyên sinh để giữ tròn tiết hạnh chứ nhất định không để kẻ xấu làm nhục. Tấm gương của cô được triều đình nhà Nguyễn ban tặng bảng vàng “Tiết hạnh khả phong”, được nhân dân lập miếu thờ ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy.
 
Chính những đóng góp to lớn của lực lượng phụ nữ trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên phụ nữ Tiền Giang rất được tôn trọng và đề cao trong gia đình và xã hội.
 
Đây là truyền thống quý báu của nhân dân Tiền Giang. Truyền thống này cần được giữ gìn và phát huy để tạo điều kiện tốt nhất cho phụ nữ cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Phát huy những đặc trưng cơ bản của người Tiền Giang, hơn 40 năm qua, nhân dân Tiền Giang, nhất là lực lượng phụ nữ luôn không ngừng học tập và rèn luyện, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời, luôn cố gắng bám sát thực tiễn, bám sát nhân dân để có những sáng tạo phù hợp, mang lại hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 
Cán bộ, đảng viên, nhất là phụ nữ đã thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của Đảng và của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
 
Lê Văn Tý
Theo Báo Ấp Bắc

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/truyen-thong-ve-vang-cua-phu-nu-tien-giang-a12029.html