Theo tộc phả họ Nguyễn (ở Tiên Điền), Nguyễn Du từng được phong tước Hoằng tín đại trung thành môn Vệ uý xuất thân Thu Nhạc Bá từ khi 3 tuổi. Với tước này, ông được đứng trong hàng ngũ sĩ tịch của triều đình nhà Lê. Năm Quý Mão (1783), Nguyễn Du dự khoa thi Hương ở trường Sơn Nam và đậu Tam trường, được tập ấm chức Chánh thủ hiệu triệu quân hùng hậu của cha nuôi - họ Hà (Hà Mỗ), quê ở Thái Nguyên. Mặc dù thi đỗ và từng ra làm quan, nhưng hậu thế lại đánh giá cao về ông qua sự nghiệp văn chương. Những trước tác của ông để lại có thể kể đến: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tập ngâm, Bắc hành tạp lục (chữ Hán); Văn tế thập loại chúng sinh, Văn tế Trường Lưu nhị nữ; Thác lời trai phường nón, Đoạn Trường Tân Thanh (chữ Nôm).
Sau khi mất ở Huế, đến năm 1824, con cháu đã đưa hài cốt của Nguyễn Du về quê an táng và dựng nhà thờ.
Khu lưu niệm Nguyễn Du hiện nay có tổng diện tích khoảng 28.562m2, thuộc địa bàn thôn Hồng Lam, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, gồm các hạng mục chính sau:
Nhà tư văn: do Quận công Nguyễn Nghiễm dựng tại khu vườn của ông tổ họ Nguyễn năm 1785, được tu sửa vào các năm Tự Đức thứ 3 (1850) và Tự Đức thứ 13 (1860). Ban đầu, đây là địa điểm tụ hợp bình thơ, bình văn của các nhà khoa bảng trong vùng.
Nhà thờ Nguyễn Du: dựng năm 1820, tại khu vực vườn nhà Nguyễn Du, thuộc xóm Tiền, thôn Lương Năng.
Đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh: do Nguyễn Nghiễm cùng người em là Nguyễn Trọng dựng năm 1762, để báo hiếu công ơn sinh thành của cha mẹ.
Nhà trưng bày: năm 1965, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, ngôi đình Chợ Trổ của xã Đức Nhân, huyện ĐứcThọ, có niên đại cuối thế kỷ XVIII, đã được chuyển về Khu lưu niệm, để làm nơi trưng bày một số hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn (ở Tiên Điền). Hiện nay, đây là khu vực trưng bày gần 1000 tài liệu, hiện vật, tiêu biểu như nghiên bút của Nguyễn Du, bản Kiều in từ bản khắc năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, sưu tập sách viết về Nguyễn Du...
Khu lăng Văn Sự: nằm gần bờ sông Lam, thuộc giáp Đông, thôn Lương Năng. Đây là mộ cụ tổ đời thứ 3 của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền. Khu vực này còn là nơi an táng Giới Hiên công Nguyễn Huệ, trưởng nam đời thứ 6 của dòng họ và Thuật Hiên công Nguyễn Khản, anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du.
Mộ Đại thi hào Nguyễn Du: táng ở Đồng Cùng, thuộc giáp Tiền (xã Tiên Điền), quay hướng chính Tây, có tổng diện tích khoảng 3.219m2. Ban đầu, đây chỉ là ngôi mộ đất đơn sơ, sau đó cụ Đặng Thai Mai dựng tấm bia ghi “Tiên Điền Nguyễn tiên sinh phần mộ”.
Đền thờ và mộ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm: ở thôn Bảo Kệ (nay là thôn Minh Quang, xã Tiên Điền) có tổng diện tích khoảng 682m2, mặt bằng kiến trúc theo kiểu chữ Nhị, phong cách kiến trúc thời hậu Lê.
Đền thờ và mộ Nguyễn Trọng: ở thôn Thuận Mỹ, xã Tiên Điền. Nguyễn Trọng (1709 - 1789), là con thứ 3 của Nguyễn Quỳnh, là chú ruột của Nguyễn Du. Đền quay hướng Nam, tổng diện tích khoảng 998m2 . Trước đây, phần mộ này được táng tại đồng Đùng, thuộc thôn Minh Quang, xã Tiên Điền.
Khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du: thuộc địa phận giáp Tiền, thôn Lương Năng, làng Tiên Điền, là nơi nghỉ dưỡng của Nguyễn Du mỗi dịp về quê. Sau khi Nguyễn Du mất, ngôi nhà trong vườn được cải tạo thành nhà thờ ông.
Ngoài ra, trong Khu di tích còn hệ thống di vật, cổ vật gắn với một số nhân vật của dòng họ Nguyễn (ở Tiên Điền), tiêu biểu như bia Cầu Tiên, do Nguyễn Nghiễm soạn, bia Trường Ninh, khánh đá ghi lại việc sửa chùa...
Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là một quần thể công trình kiến trúc thờ tự, tưởng niệm Nguyễn Du cùng những bậc tài danh kiệt xuất của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, như Giới hiên công Nguyễn Huệ, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Lam Khê hầu Nguyễn Trọng, Địch Hiên công Nguyễn Điều, Quế Hiên công Nguyễn Nễ... Những di sản văn hóa trong Khu di tích còn được bảo tồn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học..., giúp chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển, truyền thống văn hóa, khoa bảng... của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cũng như việc nhìn nhận về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cho nền văn học Việt Nam. Đây cũng là nguồn tư liệu đáng tin cậy để tìm hiểu về tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Tiên Điền nói riêng, văn hóa làng xã Việt Nam nói chung trong sự phát triển của lịch sử dân tộc.
Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa mà Đại thi hào Nguyễn Du cùng dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã để lại cho quê hương, dân tộc và văn hóa thế giới, hàng năm tại Khu di tích thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, như: Kỷ niệm năm sinh, năm mất của Đại thi hào; tổ chức các cuộc bình thơ, bình Kiều, diễn Kiều; tọa đàm văn chương; trao đổi về điển tích Truyện Kiều; sinh hoạt Câu lạc bộ Thơ và Ngày thơ Việt Nam… Đặc biệt, tháng 12 năm 1964, Hội đồng Hoà Bình thế giới đã Khuyến nghị lấy năm 1965 là năm Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du trên toàn thế giới (cùng với 8 danh nhân khác đã có công đóng góp lớn cho nền văn hoá nhân loại). Nhân dịp Kỷ niệm 240 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2005), Chính phủ đã đồng ý cho lập và triển khai Dự án Quy hoạch tổng thể khu văn hoá - du lịch Nguyễn Du; ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg).
Theo Cục Di Sản Văn Hóa
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-tich-lich-su-khu-luu-niem-nguyen-du-huyen-nghi-xuan-tinh-ha-tinh-a1200.html