Ông Thanh bắt tay với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2003
Trong khi Việt Nam còn được xếp vào nhóm những nước nghèo, muốn phát triển thì cần phải đề cao khoa học, phải ủng hộ cho những nhà khoa học thực sự có tài năng để giúp họ có những cống hiến giá trị cho đất nước, làm lợi cho đất nước.
Thế nhưng, rất nhiều sáng chế có giá trị của “Vua chống cháy” Nguyễn Văn Thanh vẫn phải xếp xó, vì không có sự hỗ trợ của nhà nước, vì thiếu người đầu tư chân chính để hợp tác sản xuất, thương mại hóa những sáng chế đó.
Còn sở hữu nhiều sáng chế giá trị
Đến nay, ngoài hai sản phẩm mới nhất là mực in đa năng và sơn nước, ông có trong tay hàng chục sáng chế có giá trị. Có thể kể: Xốp chống cháy; dịch chống cháy; bột chống cháy rừng; ván ép chống cháy; tấm cách nhiệt chống cháy làm từ rơm, rạ, cỏ khô… tất cả đều thiết thực với cuộc sống. Xốp chống cháy có thể sản xuất dùng làm xốp bọc ống dẫn dầu không cháy, không nhăn nhúm, biến dạng. Rồi két sắt chống cháy để đựng hồ sơ, tiền bạc an toàn khi bị cháy, nổ. Có giá trị và hữu ích, thiết thực là vậy, nhưng nhiều công trình của ông không thể đăng ký bản quyền vì ông không có tiền như sáng chế tấm cách nhiệt chống cháy làm bằng rơm rạ, cỏ khô.
Đặc biệt nhất là công trình khoa học có tên gọi “Xử lý gỗ rừng trồng thành gỗ đóng tàu”. Công trình này được ông đăng ký bằng độc quyền giải pháp hữu ích phương pháp xử lý gỗ rừng trồng vào năm 2006.
Cơ duyên khiến ông nghiên cứu đề tài này là từ ý tưởng của một người bạn tên Dũng làm Giám đốc một công ty du lịch ở Hạ Long - Quảng Ninh.
Một lần ông Dũng mời ông Thanh ra Hạ Long chơi. Ông Dũng nói với ông Thanh là nhiều du khách nước ngoài rất thích những du thuyền làm bằng gỗ đang được dung chở khách du lịch ở Vịnh Hạ Long. Họ muốn mua chúng, nhưng ông Dũng không thể bán vì những thuyền đó đều được làm bằng những loại gỗ rừng tốt ở miền Bắc như gỗ táu, ở miền Nam thì dùng gỗ sao. Loại gỗ đó ngày càng hiếm, hơn nữa theo quy định của nước ngoài, họ không cho nhập những loại gỗ rừng quý hiếm (dù là đã làm thành phẩm) để tránh phá rừng, tổn hại thiên nhiên.
Ông Dũng hỏi ông Thanh có thể nghiên cứu tìm ra cách nào để có loại gỗ khác thay thế, có thể trồng được, mà vẫn tốt không. Ông Thanh nghĩ đến loại gỗ bạch đàn đang được nhà nước khuyến khích nông dân trồng trên những khu rừng trọc, đồi trọc. Nhưng gỗ bạch đàn thì không chịu được nước, nhất là khi ngâm trong nước một thời gian thường xuyên và lâu dài như làm thuyền.
Sau nhiều lần thử nghiệm, ông tìm ra chất keo nhựa nhiệt rắn để tẩm vào gỗ bạch đàn sẽ giúp gỗ này cứng hơn, chịu được môi trường nước, chịu được hà ăn. Cái khó là keo nhựa nhiệt rắn, thông thường khi nung ở nhiệt độ dưới 200 độ thì mới thành công, trên nhiệt độ đó thì xenlulo (tức là gỗ) sẽ biến thành than, cháy mất. Bằng sự tìm tòi của mình, ông đã khắc phục được yếu tố cốt tử đó. Điểm đặc biệt là keo của ông không trùng hợp với formaldehyde (là chất gây ung thư) không gây ô nhiễm môi trường. “Nhiều nhà khoa học về hóa học không tin tôi làm được keo đó, càng không tin tôi không dùng đến formaldehyde. Tôi cá với họ nhưng không ai dám cá với tôi”, ông Thanh nói.
Đừng lãng phí nhân tài
“Phương pháp xử lý keo cho gỗ bạch đàn có thể giúp chúng ta đóng được những con tàu bằng gỗ có chất lượng cao mà không cần phải khai thác những loại gỗ quý hiếm. Nhờ thế tránh được nguy cơ phá rừng và nạn ô nhiễm môi trường và vấn nạn biến đổi khí hậu kèm theo những hệ lụy của nó. Điều này rất có lợi, nhất là cho tương lai đất nước. Thế nhưng hiện tôi vẫn chưa thể ứng dụng phương pháp này vào cuộc sống vì thiếu kinh phí. Bởi vì để xử lý gỗ rừng trồng thành nguyên liệu để sử dụng được thì gỗ phải được sấy bằng sóng cao tần. Chi phí cho một xưởng xử lý gỗ như thế rất tốn kém, mất vài tỷ đồng”, ông Thanh thổ lộ.
Trong khi chúng ta vẫn hô hào “xây dựng nền kinh tế tri thức”, “đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa”, “đi tắt đón đầu để phát triển”… thì những nhà khoa học tài năng như “Vua chống cháy” Nguyễn Văn Thanh lại không được trọng dụng, không hề có một sự tiếp sức!?Chúng ta đang lãng phí những nhân tài khoa học, lãng phí chất xám. Đó là một thiệt hại khó có thể đo lường hết được và tầm ảnh hưởng, hệ lụy của nó sẽ không tính hết được, bởi nó có thể kéo lùi sự phát triển của đất nước đi hàng thập kỷ, thậm chí là hàng thế kỷ.
Bao năm nay, truyền thông và báo chí của chúng ta đã cảnh báo, nêu lên ra những hiện trạng đáng buồn về tỷ lệ thất nghiệp ở cử nhân, thạc sỹ; tình trạng nông dân bỏ ruộng vì làm ăn cực khổ mà không có lãi… Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đó là do thiếu khoa học - công nghệ cao để áp dụng vào sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị. Từ đó mới có thể tạo ra thị trường rộng lớn hơn, có thể xuất khẩu để làm giàu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Vinh trong một lần trả lời VTV1 trên chương trình “Dân hỏi bộ trưởng trả lời”, đại ý rằng: Chúng ta chỉ mới tạo ra những sản phẩm thô để xuất khẩu, chứ chưa thể có những sản phẩm công nghệ cao để bán ra nước ngoài thu lợi nhuận. Ông so sánh, một ký lúa của ta làm ra cực khổ thế mà bán rất rẻ so với một chiếc điện thoại di động hiệu Samsung…
Đã đến lúc cần phải chú trọng hơn nữa vào khoa học - công nghệ bằng những hành động thiết thực và cụ thể từ những chiến lược, quyết sách, sự hoạch định của Chính phủ. Và như thế, điều cần thiết trước mắt là phải trọng dụng nhân tài khoa học, trọng dụng chất xám hơn nữa. “Những sáng chế của tôi nếu không được ứng dụng, đưa vào sản xuất và bán ra thì sẽ bị bỏ xó. Đây là sự lãng phí rất lớn và gây thiệt hại không thể tính bằng tiền được. Bao năm nay chúng ta đã phải trả giá rất đắt vì sự lạc hậu về khoa học - công nghệ”, ông Thanh nói.
“Các cơ quan nhà nước hãy nhìn lại, đừng để các nhân tài đi làm thuê cho nước ngoài. Nếu vậy, ai sẽ xây dựng đất nước? Không lẽ chúng ta cứ mãi đi làm thuê? Chúng ta chỉ mới xuất khẩu tài nguyên thô, nhưng chúng ta không biết xuất khẩu chất xám, xuất khẩu công nghệ và những sản phẩm công nghệ để làm giàu. Nếu khi tài nguyên cạn kiệt, thì chúng ta làm sao, con cháu, đất nước chúng ta sẽ ra sao?”, ông Thanh bộc bạch.
Cũng theo ông Thanh, các nhà sản xuất của ta mới đang tranh về giá với các nhà sản xuất nước ngoài chứ không phải cạnh tranh về công nghệ. Ở Việt Nam, với ngành sơn chúng ta đang cạnh tranh về giá nên tự “giết” nhau. Việt Nam chưa có thói quen định giá công nghệ. Các nhà sản xuất ở ta cũng không chịu mua công nghệ. Còn đầu tư hợp tác thì họ không sòng phẳng. Chúng ta cũng đang thiếu những nhà đầu tư rủi ro. Do đó mà những người làm khoa học như tôi rất khó bán những sáng chế của mình và vì thế khó có tiền để đầu tư, phát triền công nghệ”.
Đức Khôi