Đó là câu chuyện tình yêu đẹp như trong cổ tích của anh Trương Hoàng Nhân (sinh năm 1978, ngụ ấp Hòa Thuận 2, xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, Long An) và cô gái bị bệnh bại liệt Trần Thị Ánh Nguyệt, (sinh năm 1986, ngụ ấp Tây Bình, xã Thoại Giang, Thoại Sơn). Sau thời gian quen biết, Nhân vượt qua sự phản đối của gia đình, bạn bè, dư luận xã hội, thuyết phục cha mẹ đến cầu hôn người con gái tật nguyền. Đám cưới diễn ra vào năm 2011, trước sự ngạc nhiên của cộng đồng. Thậm chí, nhiều người cho đó là ý đồ “không trong sáng” của nhà trai.
Không ít người xì xào: “Mày như vậy ai mà dám cưới, coi chừng không lâu bị người ta… lấy phủ tạng”. Thông tin dạng này chúng tôi được nghe nhiều từ ngày kết hôn đến sau này, nhất là mấy năm đầu chưa có điều kiện về thăm nhà. Chúng tôi cố gắng lao động, sống mỗi ngày mỗi tốt hơn. Vì vậy, những dị nghị ấy dần giảm xuống, không còn nữa”- vợ chồng anh Nhân bộc bạch.
Rạng rỡ ngày cưới
Sinh ra vốn dĩ là một bé gái xinh xắn, lành lặn nhưng đến 2 tuổi, chứng bệnh sốt bại liệt đã ập xuống Trần Thị Ánh Nguyệt. Căn bệnh cướp đi đôi chân, sức khỏe lẫn tương lai của chị.
Ông Mai Văn Sơn (cha chị Nguyệt) cho biết: “Nhà đơn chiếc, nghèo khó, nhưng hễ ai chỉ chỗ nào chữa trị có hiệu quả là vợ chồng tôi cõng con tới ngay. Sau đó, hy vọng cuối cùng bị dập tắt, khi nhiều bệnh viện kết luận: chứng sốt bại liệt của cháu đã di chứng, cố gắng tập luyện cũng chỉ giúp phục hồi phần nào. Từ đó, con tôi hàng ngày đối mặt với 4 vách nhà trống huơ, trống hoác, cùng sự buồn rầu, tủi thân”. Tuy nhiên, sự tự ti không làm chị sống khép mình, mà ngược lại, đầy ý chí phấn đấu vươn lên, tập luyện cơ thể và tinh thần.
Bà Lê Thị Cà Mức (mẹ chị Nguyệt) tâm sự: “Thương con gái, ngoài an ủi, chia sẻ, chồng tôi lao động ngày đêm, quyết tâm kiếm tiền mua được cho con gái chiếc laptop, tìm thầy để cháu “làm bạn” với chiếc máy. Sau thời gian mày mò, con gái tôi từng bước thành thạo, cuộc sống tủi buồn bị đẩy lùi, vui hẳn lên. Nhờ biết sử dụng máy tính, qua chị ruột, con gái tôi làm bạn với một thanh niên, sau đó là chồng nó”.
Sau 1 năm quen biết, tìm hiểu, biết rõ hoàn cảnh nghèo khó của gia đình Nguyệt, đặc biệt nắm rõ khiếm khuyết về mặt cơ thể của người yêu, Nhân vẫn quyết định chọn chị làm “một nửa” của mình. Điều này làm chị không tin là sự thật.
“Khi về sống chung, tôi mới thấy cái gì anh Nhân đã nói thì sẽ làm, dù khó cũng quyết làm cho bằng được. Đặc biệt, anh rất thương vợ, cáng đáng gần như mọi công việc. Anh lái xe, cắt lúa, khuân vác, làm mướn, miễn sao có tiền để tích lũy cất nhà, mua đất làm ruộng, nuôi dạy con.
Hàng ngày, anh đi làm, tôi ở nhà nội trợ, lo chuyện bếp núc, may vá. Khi làm chuyện gì quan trọng, vợ chồng tôi đều bàn bạc và đồng tình mới thực hiện. Khi thuê nhà tạm trú để làm việc nơi đất khách quê người, vợ chồng tôi đều làm mọi người trố mắt, tìm hiểu, nhất là chuyện thấy chồng bồng vợ đi chợ, mua sắm…”- chị Nguyệt nhớ lại.
Câu chuyện hàng ngày.
Đến nay, chuyện tình yêu của họ đã bước sang năm thứ 7. Cuộc sống gia đình được vun vén, bồi đắp, hạnh phúc được chứng minh qua hành động.
“Lúc đầu, không ít bà con dự tiệc cưới đều cho đôi trẻ này rất khó bền vững. Một vài năm đầu, họ không về nên thông tin trên lại rộ lên. Gần đây, 2 cháu thường về thăm nhà nên sự dị nghị đã giảm, đời sống của họ đã chứng minh.
Nhiều người gắn bó, tìm hiểu, từng đến gia đình của Nhân ở Cần Giuộc đã thấy không ít chuyện cảm động. Tình yêu của họ là câu chuyện cổ tích ngay trong thời hiện đại. Vợ chồng đôi trẻ ngoài gắn bó, đã hỗ trợ phần nào làm căn hộ của vợ chồng ông Sơn - Cà Mức từng bước khang trang hơn” - ông Lê Văn Bé, nguyên lãnh đạo địa phương, từng tham dự tiệc cưới cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Vĩnh, Chủ tịch MTTQVN xã Thoại Giang thông tin: “Về hôn nhân của đôi thanh niên trên có thể coi là “câu chuyện thời sự” của thời điểm đó, với nhiều ý kiến, nhận định trái chiều. Chúng tôi tìm hiểu và biết đến nay chuyện tình yêu của họ là thông qua sự đồng cảm, yêu thương thật sự, đã làm đẹp cuộc sống gia đình và xã hội”.
Nguyễn Rạng
Theo Tin tức miền Tây