Vung tiền cúng lễ có tránh được vận hạn?

Hằng năm cứ vào tháng Giêng, thiện nam tín nữ cả nước lại tất tả đổ xô về các chùa để cúng bái, cầu xin. Trong đó có một sự kiện thu hút rất đông người tham dự, đó là dâng sao giải hạn.

 
Vậy dâng sao giải hạn là gì mà lại có thể khiến nhiều người đến thế tiêu tốn vô số tiền bạc?

Nguồn gốc của dâng sao giải hạn – Thiên văn học cổ Trung Hoa
 
Dâng sao giải hạn là một trong những ứng dụng vào đời sống của thiên văn học cổ Trung Hoa. Người xưa cho rằng số mệnh của con người có thể xem và biết trước được bằng cách lập lá số theo thời gian sinh và sắp xếp lá số theo quy luật của các vì sao, từ đó đoán trước cát hung và tìm cách để đón lành tránh dữ.
 
Vì thế mà khoa thiên văn học Trung Hoa có thể nói là cha đẻ của mọi khoa chiêm tinh, đẩu số sau này. Hơn thế nữa, các nhà thuật số còn gây được trong dân gian một phong trào thờ sao cúng sao, mà ta thường gọi là «Dâng sao giải hạn». Xin liệt kê ra một số môn phổ biến nhất như:
 
1. Khoa Tử Vi Đẩu Số
 
Khoa này do Đạo sĩ Trần Đoàn thời Tống tạo ra, nó thường dùng khoảng 108 vì sao lớn nhỏ để đoán định về số kiếp vận hạn con người. Đây là khoa duy nhất mà chúng tôi đánh giá cao vì đã áp dụng những triết lý tu thân của Đạo gia vào phương pháp suy đoán vận mệnh.
 
Nó đã ghi dấu trong lịch sử với những huyền thoại đoán mệnh còn lưu truyền từ thời Tống và thời Trần (Việt Nam). Nhưng trải qua nhiều năm, môn này đã thất truyền và hiện nay không còn ai có thể sử dụng đúng giá trị của nó, gồm tất cả các nhà tử vi nổi tiếng khắp thế giới.
 
 
Phương pháp suy đoán vận mệnh dựa vào những triết lý tu thân. (Ảnh: sohu.com)

2. Diễn Cầm Tam Thế
 
Diễn Cầm Tam Thế dùng Nhị thập bát tú để đoán định về số mạng con người theo nguyên tắc “Niên vi cốt, Nguyệt vi bì” (năm sinh thuộc sao nào làm cốt; tháng sinh thuộc sao nào làm da; cốt da vừa nhau thời tốt; da cốt không vừa nhau thời xấu).
 
Nhị thập bát tú cao siêu ở trên trời nay biến thành những con thú đủ loại nơi trần thế. Ví dụ: Giác là con sâu, Cang là con rồng, Đê là con nhím, Phòng là con thỏ, Tâm là con chồn, Vỹ là con cọp, Cơ là con báo, v.v.
 
3. Khoa Bát Tự
 
Khoa Bát Tự cũng là một khoa đẩu số chỉ dùng Can Chi của năm, tháng, ngày, giờ sinh và 48 vì sao để đoán định mệnh con người. Khoa này do Trần Tử Bình lập vào đời Tống, và giản dị hơn tử vi.
 
Khoa này nếu dùng đúng, kết hợp với phong thủy thì chính là bộ môn đã từng phục vụ cho giới vua chúa các triều đại. Tuy nhiên cũng như tử vi, khoa này đã thất truyền hoàn toàn. Những điều còn lưu lại đều không đáng nhắc đến.
 
4. Khoa Lục Nhâm
 
Khoa này chỉ dùng khoảng 30 sao để đoán định may rủi của từng ngày từng giờ. Gồm có: Thập nhị tướng (Chu Tước,Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Thái Âm (Mặt trăng), Thập nhị thần (Thái Ất…)
 
5. Khoa Nhật Nguyệt Tinh
 
Khoa này chỉ dựa vào Mặt Trời (Thái Dương), Mặt Trăng (Thái Âm) và Ngũ Tinh là:
 
– Kim Tinh (Thái Bạch)

– Mộc Tinh (Mộc Đức)

– Thủy Tinh (Thủy Diệu)

– Hỏa Tinh (Vân Hán)

– Thổ Tinh (Thổ Tú)
 
Cộng với La Hầu (Rahou) và Kế Đô (Ketou) để đoán may rủi mỗi năm. Họ còn bày ra cách cúng sao để giải hạn.
 
Tất cả những khoa đẩu số, lý số nói trên tuy đều dựa vào ảnh hưởng của các vì sao để đoán định họa phúc con người, nhưng hoàn toàn xa lạ với các ứng dụng thực tế của khoa thiên văn học Trung Hoa.
 
Thiên văn hay chiêm tinh là quan sát các vì sao trên trời để suy ra họa phúc nơi trần thế, trên thì có thể giúp vua định ra chính sách cai trị quốc gia, dưới thì giúp quan lại và nhân dân biết mùa màng mà canh tác, biết địa thế phong thủy mà xây dựng cơ nghiệp, hoàn toàn không phải để cho thường nhân dùng để chiêu tài, cầu may và tránh rủi.
 
 
Thiên văn hay chiêm tinh là quan sát các vì sao trên trời để suy ra họa phúc nơi trần thế. (Ảnh: blog.163.com)

Người xưa có dâng sao giải hạn hay không?
 
Câu trả lời là “có”. Mặc dù chúng tôi không công nhận hiệu quả thực tế của việc dâng sao giải hạn, nhưng quả thật trong lịch sử cũng đã từng có chuyện dâng sao giải hạn được ghi lại như sau:
 
Người dâng sao nổi tiếng nhất chính là Gia Cát Lượng, quân sư và nhà quân sự thiên tài thời Tam Quốc, được giới thuật số suy tôn là ông Tổ của ngành đoán mệnh và chiêm tinh đẩu số. Cùng với bộ tiểu thuyếtTam Quốc Diễn Nghĩa mà câu chuyện cúng sao của ông đã đi vào huyền thoại :
 
“Đêm hôm ấy, Khổng Minh gượng bệnh ra trướng, ngẩng xem thiên văn. Xem xong, Khổng Minh kinh hãi lắm, vào trướng bảo Khương Duy rằng: “Ta nguy đến nơi mất rồi!”
 
Duy nói: “Sao thừa tướng lại dạy thế?”
 
Khổng Minh nói: “Ta thấy trong ba ngôi sao Tam thai, ngôi khách tinh sáng lắm mà ngôi chủ tinh thì u ám, các sao tướng phụ bóng tối lờ mờ. Xem tượng trời như thế đủ biết mệnh ta”.
 
Duy nói: “Tượng trên trời đã thế, sao thừa tướng không dùng phép dâng sao giải hạn mà kéo lại được không?”.
 
Khổng Minh nói: “Ta vốn biết phép ấy, nhưng chưa biết lòng trời làm sao. Ngươi hãy dẫn bốn mươi chín tên giáp sĩ, cầm cờ thâm, mặc áo thâm, đứng vòng quanh ngoài trường, ta ở trong cầu đảo sao Bắc Đẩu. Nếu như trong bảy ngày, ngọn đèn chủ không tắt, thì ta sống lâu thêm được một kỷ nữa. Nếu đèn tắt, ta không thọ được. Phàm những người tạp nhạp, không được cho vào. Những đồ gì ta cần dùng đến, cứ sai hai đứa tiểu đồng trang biện là đủ”.
 
Lễ dâng sao trong sử sách:
 
Ngày xưa các quan trông coi thiên văn của Hoàng gia chính là những người đề xuất và tổ chức các lễ dâng sao khi quan sát thấy một số thiên tượng đặc biệt xuất hiện nhằm mục đích để xin Thiên Thượng bảo hộ cho hoàng tộc và quốc gia tránh khỏi tai ương.
 
Tấn thư – Thiên Văn chí chép: “Đời Minh Đế, năm Thái Hòa nguyên niên (323), quan thái sử lệnh là Hứa Chí tâu rằng: “Sắp có nhật thực, xin được cùng với quan thái úy đi làm lễ dâng sao”.
 
Như vậy dâng sao giải hạn thực chất là một nghi lễ có thật trong lịch sử, tuy nhiên mục đích của nó và người thực hiện đều rất cao cả vì dân vì nước chứ không phải biến tướng như hiện nay khi mà nhà nhà người người đều mong chờ cúng sao để tiêu tai giải hạn cầu may cho bản thân mình.
 
 
Hiện tượng nhật thực báo hiệu có sự dịch chuyển trong vũ trụ, cũng tương ứng với một vận hạn đặc biệt mà bất ký vương triều nào đều phải giải. (Ảnh: Army.mil)

Nói chung thì việc dâng sao giải hạn đã có nguồn gốc sâu xa từ thời cổ thì chắc chắn nó phải có một công dụng hiệu quả gì đó nên người xưa mới coi trọng và ghi lại trong sách vở. Tuy nhiên thời gian quá lâu dài có thể hủy hoại những gì tốt đẹp cũng như làm biến dạng những điều thiêng liêng thành những thứ mê tín hại người.
 
Việc dâng sao giải hạn cũng chính là nạn nhân của thời gian và sự tam sao thất bản cùng lòng tham của thế nhân đã biến một học vấn siêu phàm trở nên quá tầm thường và dung tục. Theo chúng tôi thì việc dâng sao giải hạn là có thật nhưng nó không được dùng phổ biến ở nhân gian và hiện nay đang được dùng sai trên quy mô lớn bởi các lý do sau:
 
Ai có thể làm dâng sao giải hạn?
 
Thực chất việc dâng sao giải hạn chép trongTam Quốc Diễn Nghĩa là có thật. Nó chính là một bí thuật của Đạo gia (chứ không phải của Phật gia) và chỉ có thể được thực thi bởi những người tu luyện chân chính trong một số trường hợp đặc định.
 
Như ví dụ trên thì Gia Cát Lượng mong muốn kéo dài tuổi thọ để tiếp tục phò vua giúp nước và không phải lúc nào cũng thành công vì Thiên ý hầu như không thể thay đổi.
 
Gia Cát Lượng hay các nhà cầm binh danh tiếng ngày xưa như Tôn Tẫn, Quỷ Cốc Tử, Trần Hưng Đạo đều là người tu Đạo hay ít nhất cũng là đệ tử ngoại môn của Đạo gia chứ không phải là một người thường.
 
Ngay cả các quan trong Khâm Thiên Giám mà có đề xuất Hoàng đế làm lễ dâng sao thì cũng phải là những người chuyên nghiệp trong nghiên cứu về lý số và thiên văn hàng đầu quốc gia.
 
Vậy việc hiện nay người dân thường kéo đến đình hay chùa mong muốn dâng sao giải hạn là việc đã sai ngay từ đầu. Chùa đình không thể làm dâng sao giải hạn, họ tổ chức việc đó mục đích chính là kiếm tiền mà thôi.
 
Và dĩ nhiên các đạo sĩ chân chính như Gia Cát Lượng vốn là người tu Đạo sẽ không bao giờ xuất hiện nơi người thường để thu tiền mà làm lễ cho thường dân được.
 
Nên nếu bạn không tìm được bậc đạo sĩ chính tông thì tốt nhất không nên dâng sao vì nó sẽ không có tác dụng gì hết. Đây chỉ là cơ hội làm giàu cho thầy cúng, người buôn hàng mã và viết sớ mà thôi.
 
 
Gia Cát Lượng đã từng chủ trì lễ cầu sao, nhưng bản thân ông cũng đã không phải là người thường nhân.

Dâng sao là gì?
 
Người xưa thờ Trời nên việc xem thiên văn thiên tượng mà định ra chính sách quốc gia là quan trọng nhất. Ngoài ra còn có thể dùng ứng dụng của thiên văn học vào việc làm lịch, định ra lịch nông nghiệp, tiết khí để người dân theo đó mà cày cấy nuôi trồng.
 
Triều đình xưa có hẳn cơ quan chuyên trách thiên văn và lịch số (Khâm Thiên Giám) và các chức quan này đều có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến Hoàng đế trong các quyết sách.
 
Các vua chúa Trung Hoa và Việt Nam xưa còn dùng bầu trời như là một đài quan sát để kiểm soát, để theo dõi tình hình các miền trong nước và phiên trấn. Vì thế mới phân trời đất thành châu, thành dã.
 
Mỗi vùng trời lại ứng với vùng đất, rồi nhân các thiên tượng xảy ra ở vùng trời nào thì biết được các biến cố sẽ xảy ra ở vùng đất nào. Dâng sao chính là nghi lễ mà vua chúa dùng khi thấy các thiên tai dị tượng xảy ra nhằm cầu mong cho quốc gia an định và không xảy ra loạn lạc chiến tranh.
 
Giải hạn thực chất là gì? 
 
Vận hạn chính là tiến trình lên xuống biến đổi của vạn vật và hay được dùng để chỉ trạng thái của một quốc gia hay của một giai đoạn nào đó của đời người. Vận hạn hanh thông là tốt và ai cũng mong cầu, trái lại ai cũng sợ vận hạn xấu sẽ ảnh hưởng đến thân thể sức khỏe, của cải và có khi tiêu tan cả sự nghiệp.
 
Trung Dung viết: «Quốc gia tương hưng tất hữu trinh tường; quốc gia tương vong tất hữu yêu nghiệt» (Khi nước sắp hưng thịnh sẽ thấy những điềm lành; khi nước sắp nguy vong, sẽ thấy những điềm gở).
 
Ví dụ như đời Hán: «Những năm Nguyên Quang (134-129) và Nguyên Thú (122-117) đời Hán Vũ Đế sao chổi cờ Si Vưu lại xuất hiện hai lần, dài choán nửa vòm trời. Sau đó quân ở kinh sư xuất chinh 4 lần, giết Hung Nô trong vòng mấy chục năm, chinh phạt rợ Hồ còn khốc liệt hơn nữa”.
 
Và nước Việt ta cùng với Cao Ly trước khi bị mất nước: «Khi nước Việt mất (111 TCN) sao Huỳnh Hoặc (Hỏa Tinh) đóng ở chòm sao Đẩu (sao Nam Đẩu là phân dã của Ngô-Việt). Khi Cao Ly bị diệt (108 TCN) có sao chổi hiện ra ở vùng Hà Giới (ở vào các chòm sao Nam Hà và Bắc Hà)”.
 
Nguồn gốc của việc giải hạn khi cúng sao thời cổ thực chất chính là dùng nghi lễ cúng tế kết hợp với việc tu dưỡng thay đổi nội tâm của người cúng (nhà vua) mà cảm động đến lòng Trời để dừng việc trách phạt xuống trần gian.
 
Ngoài ra để thực hiện nghi lễ có hiệu quả thì yêu cầu ngày xưa rất nghiêm khắc. Nhà vua chẳng những phải kiền tịnh thân thể trong một thời gian dài thanh tâm quả dục (tĩnh tâm và kiêng không gần gũi nữ sắc) sau đó còn phải thành tâm xuống chiếu tự trách mình, nhận lỗi với thiên hạ và chủ động thay đổi chính sách không phù hợp.
 
Vì vận hạn xấu tốt là do Trời định căn cứ theo tội nghiệp hay phước đức của nhà vua (và cả quốc gia) mà thi hành, nên chỉ có thể giải hạn khi nhà vua thật tâm thay đổi, dùng lòng thành mà cảm động lòng trời, đạt đến Thiên Nhân giao cảm thì mới có công hiệu.
 
Cho nên, vấn đề giải hạn hoàn toàn nằm ở hành động tích cực của bản thân trong cuộc sống và cái tâm thái cương quyết phục Thiện, sửa chữa lỗi lầm của bản thân chứ không liên quan đến cái tờ sớ văn và những lễ vật cùng các lời cầu khấn.
 
 
Chỉ có thiện lương và hành xử hướng tới niềm tin vào Thần Phật mới có thể vượt qua được vận hạn. (Ảnh: LinkedIn)

Vậy ngày nay có cần thiết phải dâng sao giải hạn hàng năm?
 
Hãy nhìn xem các ví dụ dưới đây để xem quan điểm của một vị minh quân Trung Hoa thời xưa về việc cúng sao giải hạn.
 
Tấn thư – Thiên Văn Chí chép:
 
“Đời Minh Đế, năm Thái Hòa nguyên niên (323), quan thái sử lệnh là Hứa Chí tâu rằng: «Sắp có nhật thực», xin được cùng với quan thái úy đi làm lễ nhương sao.
 
Vua phán: «Ta nghe rằng nếu chính trị của loài người mà không hẳn hoi, thời Trời lấy những điềm tai dị mà đe dọa để khuyến cáo. Khuyến cáo cốt để cho họ sửa mình. Cho nên nhật nguyệt che khuất lẫn nhau để tỏ rõ rằng phép cai trị có điều chẳng phải.
 
«Trẫm từ khi tức vị đến nay không làm rạng sáng được thánh đức của các bậc tiên đế, và cách thi nhân giáo hóa có điều không hợp với Hoàng Thần (Hoàng Thiên), vì thế nên Trời cao muốn thức tỉnh để trẫm sửa đổi lại nền hành chánh, tu tỉnh lại hạnh kiểm ngõ hầu báo đáp thần minh.
 
«Trời đối với người y như cha đối với con. Chưa có cha nào muốn khiển trách con, mà con có thể làm bữa cơm thịnh soạn dâng lên, xin tha lỗi được.
 
«Nay hình hạc bề ngoài sai quan thượng công và quan thái sử lệnh cùng đi làm lễ nhương sao, thì lẽ ấy chưa từng nghe thấy vậy.
 
«Quần công, khanh sĩ, đại phu phải cố gắng làm chu toàn phận vụ để bồi bổ những chỗ trẫm còn khuy khuyết. Bèn phong thưởng tất cả».
 
Xuân Thu chép:
 
«Mỗi khi có nhật thực vua thường ăn bớt bát để tỏ lòng hối hận, lại sai vua chư hầu dâng lễ vật ở đền xã để tỏ lòng tôn kính thần minh. Vua chư hầu đánh trống ở triều đình mình như muốn nhắc dân phải hết lòng phụng sự quốc quân».
 
Qua ví dụ trên ta thấy rằng cổ nhân thực ra không cổ hủ và lạc hậu như chúng ta hay cố tình gán ghép. Họ cho rằng việc quan trọng nhất mà một người chân chính cần làm thực ra không phải dâng sao giải hạn mà phải lo hoàn tất những nghĩa vụ và nhiệm vụ của bản thân mình một cách hoàn thiện nhất thì mới không lo trời Phật trách phạt.
 
Điều ấy hoàn toàn hợp lý, minh bạch và thực tế, trong khi đó chúng ta, những con người của thế kỷ 21 tự hào về khoa học kỹ thuật mà lại mê muội mong rằng những mâm cỗ cúng, những tờ sớ viết vội vã và những tâm mong cầu lại có thể giúp ta tai qua nạn khỏi, vậy ai dám nói mình sáng suốt hơn người xưa?
 
 
Ngày nay mọi người xô bồ dâng lễ vào chùa mong cầu sao giải hạn, nhưng chẳng ai hiểu được ý nghĩa là gì. (Ảnh: VTC)

Tinh tú hay Trời Phật, Thần Linh, vốn là những bậc Giác Ngộ thanh tịnh nhất, thù thắng nhất. Bản thân họ đã trải qua tu hành bao nhiêu kiếp để vứt bỏ những tâm xấu xa mong cầu của người thường mới có thể đắc Đạo.
 
Họ hoàn toàn không còn quan tâm đến những mong cầu của con người mà chỉ phù hộ cho những ai là người tốt với tâm trong sáng nhất mà họ biết được. Do đó khi chúng ta mang những tâm mong cầu bình an, tài lộc mà dâng cúng sao lên thì khác nào dâng những thứ rác rưởi lên trước mặt Thần linh?
 
Vậy thì làm thế nào mà lại có thể giải hạn được, tôi nghĩ là không thể được mà còn đem lại tội nghiệp vô tận cho người dâng sao.
 
Lời kết:
 
Từ nghìn năm qua, một trong những chủ đề huyền bí thú vị nhất chính là bí ẩn về sinh mệnh con người, về số mệnh và những lý giải về quan hệ giữa con người và vạn vật, vũ trụ xung quanh.
 
Chúng ta đang ở đâu trong vũ trụ, chúng ta có số mệnh hay không, mệnh số của ta do ai quyết định và làm thế nào để nghênh lành tránh dữ?
 
Để trả lời cho những vấn đề trên, cổ nhân Đông phương đã có tri thức đáng kinh ngạc về vạn vật, về vũ trụ lưu truyền cho đến ngày hôm nay. Trong đó kho tri thức vĩ đại nhất chính là thiên văn học, mà di sản xuất sắc nhất của nó còn đến hôm nay chính là thiên văn học cổ Trung Hoa, cùng thiên văn học cổ Ấn Độ vốn phổ biến trên khắp châu Đông Á, Bắc Á và Đông Nam Á.
 
Đây cũng là nguồn gốc chân thực của dâng sao giải hạn, một trong những ứng dụng của thiên văn học cổ đại Trung Hoa. Nó giúp người xưa củng cố thêm niềm tin và tôn kính với Thần linh (người đã truyền lại nền văn minh cho họ) cố gắng trau dồi đạo đức và sống thuận theo ý trời để đạt được sự an bình trường tồn cho quốc gia và dân tộc.
 
Trước thế kỷ 16, phương Đông (Trung Hoa, Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Hàn) quả thật đã đi trước phần còn lại của thế giới, họ đã có những nghiên cứu rất sâu sắc về bầu trời, các vì sao và ứng dụng của chúng đến với vận mệnh con người và quốc gia, quân sự, phong thủy, v.v.
 
Nhưng thế sự biến đổi vô thường đã làm mất đi hầu hết những tinh hoa quan trọng nhất, làm biến dị những gì còn sót lại. Điều đó khiến cho hậu nhân ngày nay nhắm mắt mà cười chê ông cha là lạc hậu, trong khi hàng năm vẫn vô tư bái lạy một cách hàm hồ để cầu mong tiêu tai giải nạn, thăng quan phát tài.
 
Mong rằng bài viết này sẽ giúp mọi người chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn để đem lại hạnh phúc cho bản thân bằng cách sống cuộc sống đúng đắn và đạo đức, đừng tiêu tốn thời gian và tiền bạc một cách vô bổ nữa. Chúc mọi người một năm mới không cần cúng sao cũng an lành và hạnh phúc!
 
Tiểu Hồng/VHVN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vung-tien-cung-le-co-tranh-duoc-van-han-a11959.html