Kinh đô nước Việt trong lịch sử

Dù Quang Trung Nguyễn Huệ đã chọn vùng đất sông Lam, núi Hồng, nơi trước đó ngàn năm Mai Thúc Loan từng đặt kinh đô xưng đế, lại là cố hương của mình, để xây Phượng Hoàng Trung Đô cho triều đại Tây Sơn, nhưng ông đã không kịp thực hiện được việc thiên đô như dự tính vì không may mất sớm vì bạo bệnh.

Vì vậy, trong suốt 4000 năm lịch sử, trên thực tế, nước Việt với những cái tên như Văn Lang, Âu Lạc, Hùng Lạc, Vạn Xuân, Đại Việt, Đại Cồ Việt, Đại Ngu, Việt Nam, Đại Nam… chỉ từng có 7 kinh đô: Phong Châu, Cổ Loa, Mê Linh, Hoa Lư, Tây Đô, Phú Xuân và Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.
 
 
Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội.

Phong Châu – Kinh đô thời dựng nước
 
Truyền thuyết tại vùng Phong Châu kể rằng sau khi lập nước với quốc hiệu Văn Lang, vua Hùng đã đi rất nhiều nơi để tìm đất đóng đô để phát triển đất nước mà không chọn được nơi nào vừa ý. Đến vùng ngã ba sông Bạch Hạc, thấy trước mắt là ba con sông lớn Đà, Lô, Thao tụ hội, hai bên tả hữu có Ba Vì, Tam Đảo chầu về, sau lưng là Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Thế đất bày ra như hổ phục rồng chầu, tượng quân bắn nỏ, ngựa chạy phượng bay, ba bề bãi rộng phù sa, bốn mặt cây xanh hoa tươi quả ngọt, giữa những quả đồi xanh ngắt chợt có một ngọn núi nổi lên như con voi mẹ nằm giữa đàn con. Vua Hung rất mừng vì đây đúng là đất như dành sẵn cho việc định đô, có thể quy tụ muôn dân, đủ hiểm để giữ, đủ rộng để mở…Và dải đất từ ngã ba sông Bạch Hạc tới vùng núi Nghĩa Lĩnh trở thành Phong Châu thành, kinh đô đầu tiên của nước Việt.
 
Nước mở Văn Lang xưa
 
Dòng vua đầu Việt sử
 
Mười tám đời nối nhau
 
Ba sông đẹp như vẽ
 
Những câu thơ trên của vua Lê Hiển Tông (1740-1786) thể hiện niềm tự hào của người dân Việt về 18 đời vua Hùng với kinh đô Phong Châu, một thời đại rực rỡ trong lịch sử văn minh Việt Nam. Đó là thời đại nhà vua dạy dân săn bắn, dệt vải, cày bừa, vua tôi cùng bình đẳng lao động xây dựng cuộc sống, “nhà-làng-nước” thống nhất làm một, tinh thần cộng đồng cao, phong tục thuần phác. Thời đại đã sản sinh ra những câu chuyện tuyệt vời của chủ nghĩa nhân văn Việt như Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, Mỵ Nương – Chử Đồng Tử, Thánh Gióng. Một nền văn minh Việt cổ, một lối sống Việt tốt đẹp đã được hình thành, đặt cơ sở vững vàng cho toàn bộ sự tồn tại và phát triển của quốc gia và dân tộc Việt Nam sau này.
 
Ngày nay, Phong Châu được coi là vùng Đất Tổ với đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương trên đỉnh Nghĩa Lĩnh do các thế hệ hậu sinh xây dựng để nhớ ơn tổ tiên. Lễ hội Đền Hùng mồng Mười tháng Ba hàng năm giờ đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước ta xem là quốc lễ. Ngày ấy, cả nước hành hương về nguồn, và vùng đất cổ Phong Châu như sống lại thuở kinh đô của thời dựng nước.
 
Cổ Loa – Đâu chỉ có tình sử Mỵ Châu
 
Sau khi góp công chiến thắng quân xâm lược Tần, Thục Phán được vua Hùng nhường ngôi. Ông lập ra nước Âu Lạc và làm vua với hiệu An Dương Vương và dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa từ năm 208 đến năm 179 trước Công nguyên. Năm 939, với chiến thắng vĩ đại trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã xưng vương và định đô ở Loa Thành, bắt đầu một kỷ nguyên Đại Việt tự chủ lâu dài và phục hưng rực rỡ sau hơn 1000 năm bị phương Bắc đô hộ. Cổ Loa gắn với huyền thoại thần Kim Quy cho An Dương Vương mượn nỏ thần giữ nước và câu chuyện tình bi thương của nàng Mỵ Châu “trái tim lầm chỗ để trên đầu” khiến nước Âu Lạc bị diệt vong. Cổ Loa còn là toà thành cổ nhất và lớn nhất để lại dấu vết đến hôm nay, thể hiện tài năng sáng tạo kỳ diệu trong kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật quân sự của người Việt cổ.
 

Thành Cổ Loa.

Mê Linh và Trưng Nữ Vương – Ánh sao băng lịch sử
 
Cuộc khởi nghĩa của hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị “đền nợ nước, trả thù nhà” đã quét sạch bọn đô hộ Đông Hán ra khỏi đất nước, chấm dứt 200 năm Bắc thuộc lần thứ nhất. Hai Bà xưng vương đặt tên nước là Hùng Lạc và lấy Mê Linh, nơi mình dấy nghĩa làm kinh đô, Dù triều đại của Hai Bà và kinh đô Mê Linh chỉ tồn tại hai năm ngắn ngủi nhưng đó là hai năm bừng sáng của ý chí độc lập tự chủ không gì ngăn cản nổi của dân tộc cùng tài năng và chí khí lẫm liệt của phụ nữ VN, mở đầu phong trào giải phóng dân tộc trong suốt 800 năm bắc thuộc lần thứ hai. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và kinh đô Mê Linh đã đi qua bầu trời lịch sử VN như một ánh sao băng.
 
Hoa Lư – Kinh đô của hoàng đế cờ lau
 
Đinh Bộ Lĩnh, vị vua xuất thân từ đứa trẻ chăn trâu và những trận cờ lau tuổi thơ là người anh hùng đã dẹp được loạn 12 sứ quân làm tan nát đất nước trong gần 20 năm, quy đất nước về một mối. Ông là vị vua Việt đầu tiên xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (có nghĩa là nước Việt lớn) và đóng đô ngay tại Hoa Lư quê hương, một vùng non nước kỳ thú và hiểm trở. Hoa Lư thành kinh đô của đất nước trong suốt 42 năm, từ thời Đinh đến thời Tiền Lê (967-1009). Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300ha được bao bọc bởi những dãy núi đá vòng cung hùng vĩ. Các vua Đinh, Lê đã cho xây dựng tại đây nhiều cung điện nguy nga tráng lệ như  điện Bách Thảo, Thiên Tuế, Phong Lưu ở phía đông, điện Vinh Hoa ở phía tây, điện Bồng Lai, Cực Lạc hai bên tả hữu. Ngoài ra còn có lầu Hoả Vân, điện Trường Xuân và điện Long Lộc có mái lợp bằng bạc. Hoa Lư là kinh đô lộng lẫy nhất của đất nước trước thời Thăng Long và Phú Xuân (Huế).
 
 
Thành Hoa Lư.

Tây Đô – Thảm hoạ của một cuộc cải cách không được lòng dân
 
Tây Đô hay còn gọi là thành nhà Hồ nằm ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá được Hồ Quý Ly chọn làm kinh đô của nhà Hồ.  Đây là một công trình kiến trúc quân sự bằng đá hết sức kỳ vĩ được Hồ Quý Ly xây dựng từ năm 1397, ba năm trước khi Hồ Quý Ly chính thức phế truất nhà Trần. Thành có hình chữ nhật dài 900m, ngang 700m và cao 5m. Quanh thành có hào sâu, trong thành có cung điện uy nghi. Tây Đô là một căn cứ quân sự thủ hiểm dựa vào thế núi thế sông để bảo vệ và củng cố vương triều Hồ với những giấc mơ cải cách đưa đất nước đi lên. Tuy vậy, tuổi của kinh đô xây dựng quy mô và độc đáo bậc nhất với bao nước mắt và xương máu của nhân dân cũng ngắn như chế độ không được lòng dân của nhà cải cách lớn Hồ Quý Ly, vẻn vẹn chỉ 7 năm trời. Chỉ sau 7 năm trị vì đất nước với quốc hiệu Đại Ngu, nhà Hồ đã bị nhà Minh tiêu diệt vào năm 1406. Sau gần 6 thế kỷ, thành nhà Hồ hiện nay chỉ còn lại cửa phía Nam với 3 cánh cổng vòm cuốn bằng đá xanh và những bức tường đất, như là một dấu vết nhắc với hậu thế một chân lý: không có một thành luỹ kiên cố, hùng vĩ nào có thể bảo vệ nổi một chế độ, một đất nước. Thành trì bất diệt chỉ có thể là nhân dân.
 
Phú Xuân-Huế Kinh đô của những người mở cõi
 
Ai về thăm Bắc ta về với
 
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
 
Từ độ mang gươm đi mở cõi
 
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Ai nhớ người chăng? Ơi Nguyễn Hoàng
 
Mà ta con cháu mấy đời hoang
 
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
 
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương
 
(Nhớ Bắc-Huỳnh Văn Nghệ)
 
Dù chỉ chính thức trở thành kinh đô của nước Đại Việt thống nhất tháng 12 năm 1788, khi Quang Trung hoàng đế lên ngôi để danh chính ngôn thuận bắc tiến tiêu diệt 29 vạn quân xâm lược Thanh vào mùa xuân kỷ dậu, nhưng Quảng Trị và Phú Xuân – Huế đã là kinh đô của những người mở cõi từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá năm 1558. Có thể nói người khai sinh chế độ nhà Nguyễn là một người mở cõi vĩ đại và các chúa Nguyễn đã có công hoàn chỉnh dáng hình cong chữ S của đất nước ta sau khi thu phục họ Mạc ở Hà Tiên vào năm 1708. “Phá chông gai, mở cõi Nam Kỳ, tấc đất ngọn rau, bia kỷ niệm vẫn ghi công khai thác”, Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn đã nói về nhà Nguyễn như thế.
 
Từ 1788 đến 1945, với tư cách là kinh đô đất nước trong 14 năm dưới vương triều Tây Sơn và 143 năm dưới vương triều Nguyễn, kinh thành Huế với sông Hương núi Ngự hữu tình, với hơn 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có hàng chục cung điện lộng lẫy vàng son cùng quần thể lăng tẩm như chốn thiên đường cõi thế và truyền thống văn hoá nghệ thuật độc đáo, thuần phác là một kỳ công của dân tộc và kỳ quan của thế giới và quần thể di tích kinh đô của hai triều đại phong kiến cuối cùng của VN đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới từ hơn mười năm qua.
 
 
Kinh thành Huế.

Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội – Chốn kinh đô bậc nhất của muôn đời
 
Vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử VN chọn mảnh đất bên bờ sông Hồng làm kinh đô là Lý Bí, tức Lý Nam Đế, người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống nhà Lương thành công vào năm 544, giành độc lập cho đất nước, đặt tên nước là Vạn Xuân và đóng đô tại một thành được ghép bằng tre gỗ bên cửa sông Tô Lịch, xây cung Vạn Thọ và mở chùa Khai Quốc (chùa Trấn quốc bây giờ). Nếu tính từ thời điểm ấy, thì thủ đô Hà Nội của chúng ta đã có gần 1500 tuổi.
 
Tuy vậy, Hà Nội trở thành kinh đô của nhà nước Đại Việt hoàn toàn độc lập và tự chủ là khi Lý Công Uẩn sáng lập vương triều Lý và quyết định dời đo từ Hoa Lư ra Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Năm 1010, năm canh tuất, Lý Công Uẩn ban chiếu dời đô vào tháng hai, mùa xuân. Chiếu ban truyền: “Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Tây Đông, lại tiện đường nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”
 
Tháng 7 năm đó, Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long. Từ đó đến nay, trải gần 1000 năm, chỉ hai lần vào thời nhà Hồ và thời Tây Sơn và nhà Nguyễn, tổng cộng chỉ 164 năm, Thăng Long không được đặt là kinh đô. Các vương triều Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc…và thời đại Hồ Chí Minh hôm nay đều chọn mảnh đất linh thiêng và hào hoa bậc nhất này làm kinh đô đất nước. Thăng Long – Đông đô – Hà Nội trải bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, kể cả những giai đoạn khó khăn nhất, quyết định sự tồn vong, vẫn luôn là nơi nuôi giữ niềm tin và hy vọng của cả dân tộc.

Việc phát hiện di tích khảo cổ Hoàng Thành vào cuối năm 2003 ở khu vực trung tâm Ba Đình với năm tầng văn hoá xếp chồng lên nhau và hàng triệu di vật cổ quý đã thêm những bằng chứng khoa học rất có giá trị chứng minh tuổi thọ hàng ngàn năm của kinh đô nước Việt, một trong những kinh đô cổ nhất thế giới, và tài năng sáng tạo tuyệt vời của một dân tộc 4000 năm văn hiến. Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội xứng đáng với sự tôn vinh của đất nước và thế giới: thủ đô văn hiến, thủ đô anh hùng, thành phố vì hoà bình.

Ngô Ngọc Tuân/VHVN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kinh-do-nuoc-viet-trong-lich-su-a11948.html