Học giả Mịch Quang với Giáo sư Hoàng Chương

Trong giới sân khấu, ai cũng biết giữa mối quan hệ gắn bó thân thiết lâu bền giữa học giả Mịch Quang và GS Hoàng Chương. Nhân dịp hội thảo “100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang do Hội nghệ sĩ Sân khấu VN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc tổ chức, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS Hoàng Chương về mối quan hệ thú vị này.


PV: Được biết Học giả Mịch Quang và GSi dù cách xa về tuổi tác nhưng có mối quan hệ thân thiết hơn nửa thế kỷ qua, bắt nguồn từ tình đồng hương Bình Định, cùng với sự nghiệp nghiên cứu sáng tạo nghệ thuật tuồng. Đề nghị Giáo sư cho biết rõ mối quan hệ khá đặc biệt này nhân dịp cụ Mịch Quang tròn 100 tuổi và được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

GS Hoàng Chương (GSHC): Năm 1963 lúc đang học tại trường Đại học Sân khấu Matxcơva, khi cần làm khóa luận về sân khấu truyền thống Việt Nam thì tôi phát hiện được quyển sách “Tìm hiểu nghệ thuật tuồng” của Mịch Quang đang bày bán trên một hiệu sách ở Matxcơva. Quyển sách đã giúp cho tôi có những tư liệu thật quý giá để hoàn thành khóa luận và được đánh giá xuất sắc. Khi về nước, tôi tìm gặp tác giả Mịch Quang để nhờ ông giúp đỡ trong việc nghiên cứu tuồng.
 
Điều tôi học được ở Mịch Quang không chỉ là sự uyên bác về kiến thức và còn ở phương pháp tư duy rất độc lập không nô lệ vào lý thuyết sách vở  trong và ngoài nước mà có nhiều  suy nghĩ, phát hiện riêng của mình trên thực tiến nghệ thuật dân tộc. Khi tôi làm nghiên cứu sinh ở Rumani, tôi đã thường xuyên liên lạc với Mịch Quang nhờ ông giải thích hộ những lý thuyết về “tả ý”, “tả thần” trong tuồng và sân khấu dân tộc do ông tổng kết. Ông đã rất nhiệt tình giúp đỡ tôi qua những bức thư.
 
Sau khi về nước, được công tác ở Nhà hát Tuồng và Viện nghiên cứu sân khấu, mối quan hệ của tôi với nhà nghiên cứu Mịch Quang ngày càng gắn bó hơn. Ông đã gợi tổ chức nhiều cuộc tọa đàm hội thảo để tranh luận về học thuật vì theo ông có tranh luận, có phản biện mới tìm ra chân lý. Năm 1987, tôi đã dàn dựng vở tuồng  “Thanh gươm hát bội” của Mịch Quang cho Nhà hát Tuồng Phú Khánh để tham gia Hội thảo về Đào Tấn tại Bình Định. Vở diễn được hoan nghênh nồng nhiệt tại Phú Khánh và Bình Định. Năm 1997, nhân dịp Mịch Quang tròn 80 tuổi tôi đã tổ chức cuộc hội thảo lớn đầu tiên về cuộc đời và sự nghiệp của ông  tại Viện nghiên cứu sân khấu.
 
Hội thảo thu hút hàng trăm nhà lãnh đạo, văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tham gia. Sau hội thảo, Viện Sân khấu đã tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách “Lão tướng Tuồng Mịch Quang”. Đánh giá cao thành quả lao động sáng tạo to lớn của học giả Mịch Quang với công trình nghiên cứu và sáng tác xuất sắc như “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”, “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”. “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”, “Má Tám”, “Hộp truyền đơn”, “Vua Hùng kén rể”, “Quang Trung”, “Phất cờ nương tử”, “Thanh gươm hát bội”…với tư cách là Viện trưởng Viện nghiên cứu sân khấu Việt Nam, tôi đã lập hồ sơ đề nghị tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhà nghiên cứu Mịch Quang khi ông đang sống ở Khánh hòa.
 
Lễ trao tặng huân chương cho ông được UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức rất long trọng. Sau này, khi Mịch Quang trở lại sống ở Hà Nội, ông đã tham gia thành lập Trung Tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc cùng tôi và GS Hoàng Châu Ký, GSVS Hoàng Trinh, GS Trường Lưu, GS Hồ Sĩ Vịnh, nhà văn Thanh Hương… và là một trong những thành viên tích cực hoạt động đóng góp nhất mặc dù tuổi cao sức yếu. Đáp lại công ơn của học giả Mịch Quang, Trung tâm đã đứng ra liên kết với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều cuộc hội thảo và kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95, 98 và 99 của ông rất trang trọng tại thủ đô Hà Nội.
 
PV: Được biết vở tuồng “Thanh gươm hát bội” là sáng tác thành công nhất của học giả Mịch Quang. Đề nghị GS cho biết thêm về công trình này?
 
GSHC: “Thanh gươm hát bội” là tác phẩm văn học nghệ thuật đầu tiên về danh nhân văn hóa, nhà soạn tuồng vĩ đại Đào Tấn được viết bởi một người được coi là nhà “Đào Tấn học” là Mịch Quang. Đây vở điễn về một nhân vật lịch sử văn hóa rất lớn cùng những bài học thiết thân về nhân sinh nên không dễ dàn dựng thành công. Hơn một tháng trời tôi cùng diễn viên vật lộn ngày đêm.
 
Tác giả Mịch Quang cũng đến dự, thấy chỗ nào cần bổ sung câu hát thì ông viết ngay tại chỗ, rồi dạy cho diễn viên hát luôn những chỗ khó. Có diễn viên nào không hát được lời mới định bỏ cuộc, ông nổi nóng mắng luôn, nên ai cũng nể, sợ ông vì ông giỏi nghề hát tuồng và rất thẳng tính. Riêng tôi, vì hiểu được những thủ pháp tuồng truyền thống, nên dàn dựng vở này theo phong cách “tuồng trong tuồng”. Diễn viên tuồng Khánh Hòa đa số giỏi nghề nên rất dễ phát huy vốn tuồng truyền thống trong vở “Thanh gươm hát bội”. Vở diễn ra mắt tại TP Nha Trang được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh.
 
Ra TP Quy Nhơn biểu diễn phục vụ Hội thảo khoa học về Đào Tấn, đêm diễn đầu tiên tại sân khấu Trung tâm văn hóa tỉnh Nghĩa Bình, khán giả đông quá, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ, Giám đốc Trung tâm phải cho người ra phố thuê thêm ghế nhựa cho khán giả ngồi hai bên hông và lối đi của hội trường. Đêm diễn vang dội tiếng trống chầu và tiếng vỗ tay.
 
Sau buổi diễn hai ông Mịch Quang và Võ Hòa, Chủ tịch tỉnh Phú  Khánh Hòa ngủ chung 1 buồng, vì vui quá mà thức trắng đêm, trò chuyện cho tới sáng rồi lên xe trở về Nha Trang. GS Hồ Sĩ Vinh hôm đó xem xong liền viết bài: “Thanh gươm hát bội – đài tưởng niệm danh nhân”, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ viết bài “Thanh gươm hát bội – vở tuồng hay”. Vở tuồng “Thanh gươm hát bội” đã diễn hàng trăm buổi ở tỉnh Khánh Hòa và đến Hội diễn tuồng và dân ca toàn quốc năm 1990 thì được tặng huy chương vàng. Năm 2008, vở diễn được phục dựng tham gia Liên hoan nghệ thuật Tuồng truyền thống tại TP Quy Nhơn vẫn được giới tuồng và công chúng đánh giá rất cao
 
PV: Kỷ niệm nào với học giả Mịch Quang mà GS nhớ nhất?
 
GSHC: Tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với học giả Mịch Quang sau hơn nửa thế kỷ gắn bó cùng ông trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật dân tộc. Hiện tôi có một kỷ vật quý do ông tặng cách đây hơn 10 năm. Đó là một bức tượng Phật Di Lặc bằng đá cẩm thạch nhỏ nhưng rất đẹp. Đằng sau bức tượng, ông trân trọng cho ghi: “Thân tặng GS Hoàng Chương. Lạc quan và tốt bụng. MQ”. Mịch Quang cũng từng viết bài biểu dương những hoạt động vì sự nghiệp văn hóa dân tộc của tôi trên báo Nhân Dân.
 
Trong bài báo đó, ông ca ngợi sức tập hợp thu phục nhân tài hoạt động cho sự nghiệp chung của tôi là nhờ cái tâm vô tư trong sáng và nỗ lực làm việc không mệt mỏi. Ông cũng viết giới thiệu cho một công trình nghiên cứu quan trọng của tôi là “Nghệ thuật tuồng với cuộc sống mới”. Trong lời giới thiệu ấy, học giả Mịch Quang khẳng định: “Dù quen biết đã lâu, nhưng tôi luôn ngạc nhiên trước sức sáng tạo bền bỉ không ngừng nghỉ trong hoạt động thực tế và nghiên cứu nghệ thuật của GS Hoàng Chương, người luôn có những đóng góp quý giá cho nghệ thuật tuồng nói chung và văn hóa dân tộc nói chung trong suốt hơn 50 năm qua”.
 
Những đánh giá ấy của học giả Mịch Quang luôn là sự động viên lớn đối với tôi…
 
Anh Ngọc/VHVN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hoc-gia-mich-quang-voi-giao-su-hoang-chuong-a11933.html