Xuân về… trên những chợ quê

Ở Tây Nguyên, dịp cuối năm trong cái gió se lạnh của tiết trời vào xuân, khiến lòng người càng thêm xao động, mọi công việc cũng trở nên xốn xang hơn. Giờ đây, ở hầu hết các nẻo chợ làng quê dường như đông vui, nhộn nhịp khác hẳn những ngày thường, người mua kẻ bán thật tấp nập, trăm ngả đường làng đều đổ về các phiên chợ ngày xuân...

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ xuân về, người dân khắp nơi từ thành thị đến nông thôn lại háo hức cùng nhau đi mua sắm, để chuẩn bị cho tết cổ truyền của nhà mình thật ấm áp, mới mẻ. Qua các phiên chợ quê ngày xuân, tết dường như đang đến sớm hơn và dễ cảm nhận hơn so với ở thành thị. Ngay từ sáng sớm, hầu hết các khu chợ từ xã lên huyện, đều rất đông đúc, nhộn nhịp khác hẳn những ngày thường.
 

Dừng chân tại một chợ nhỏ của xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông những ngày này mới thực sự cảm thấy hết những nét gần gụi thân thương và ngập tràn không khí tết quê. Chợ Khuê Ngọc Điền những ngày cuối năm khiến cho không khí mùa xuân rạo rực, tràn khắp cả một vùng quê mà ngày thường có vẻ như rất yên tĩnh này. Chị Nguyễn Thị Hinh, bán hàng nhiều năm ở đây cho biết, ngày thường thì chợ chỉ được họp vào buổi sáng còn dịp cuối năm, theo phong tục và cũng là do nhu cầu mua sắm của bà con lên cao, nên chợ được mở liên tục cả ngày. Khác với những năm về trước, làng quê bây giờ đã đổi thay rất nhiều, mọi tuyến đường liên xã được nhựa hóa phẳng lỳ, và những chiếc xe máy đã thay thế cho việc đi bộ cả chục cây số đường đất của các bà, chị gùi, gánh trên vai từng bó rau, củ mỳ ra chợ bán. Nhưng những phiên chợ xuân thì vẫn mang âm hưởng của ngày xưa, vẫn là những người nông dân chân chất thật thà, câu chào hàng và mặc cả thân thương. Các buổi chợ này thường là rất đông vui, nhiều thành phần, từ cụ già đi mua cau trầu tới các em bé mếu máo đòi theo mẹ ra chợ mua quần áo Tết.

Tại chợ Liên Sơn (thị trấn Liên Sơn, huyện Lak), được xem là chợ đầu mối và lớn nhất của huyện, ở đây có tất cả khoảng 120 quầy hàng lớn nhỏ với đủ các chủng loại, đặc biệt, mỗi dịp tết đến xuân về thì các sạp hàng lại càng trở nên ngồn ngộn hơn. Một góc này các cửa hàng điện tử cũng đang tưng bừng loa nhạc, đèn điện trang trí nhấp nháy đủ màu sắc; góc bên kia là rau quả tươi xanh; ở chính giữa chợ, dãy hàng quần lại luôn được người mua chú ý và đông vui hơn cả. Anh Phạm Văn Công, nhân viên quản lý chợ cho hay, bình thường thì mỗi ngày có khoảng 300 lượt khách là nhiều, nhưng vào dịp cuối năm, lượng khách hàng đến chợ đông hơn gấp bội phần, nhiều khi không có chỗ chen chân, tiếng cười nói xen lẫn tiếng nhạc xuân vui như trẩy hội. Cuộc sống muôn màu đôi khi làm cho người ta quên đi nhiều thứ, thế nhưng vào dịp cuối năm, những phiên chợ quê dường như gợi cho ta về những kỷ niệm thật ngọt ngào, chứa chan hạnh phúc mà có lẽ ai đã từng sống, từng trải qua chắc hẳn sẽ không thể nào cầm nổi lòng mình.


Chợ quê bây giờ cũng khá đa dạng về chủng loại hàng hóa, ngoài các mặt hàng mang tính chung, phổ biến như nhiều chợ lớn nơi thành thị, còn có những đặc sản, nét văn hóa riêng phù hợp với người dân quê “chân trần lấm đất”. Bên cạnh bác thợ mài dao đang say sưa với công việc là hàng trầu cau, nông cụ sản xuất cũng tấp nập người mua... Những hình ảnh tưởng chừng xa xưa vẫn sống động tại các khu chợ quê ngày xuân. Bà Nguyễn Thị Lành, người thường xuyên mua hàng tại chợ Ea Phê (xã Ea Phê, huyện Krông Pak) cho biết, bà có thói quen đi chợ từ nhiều năm nay, ở chợ quê không có kiểu “mua của người chán, bán cho người thích”, đặc biệt là những sản phẩm cây nhà lá vườn hoặc do chính tay người dân làm ra rồi đem đi chợ bán như trầu cau, con gà, nải chuối, đến những nông cụ lưỡi cuốc, câu liêm... Tất cả đã tạo nên một nét văn hóa rất riêng mà chỉ ở những phiên chợ vùng quê mới có, mặc dù hiện nay, những đặc sản dân dã ấy không còn bày bán nhiều như trước nữa.

Khi trời còn mờ sáng, tại chợ Ea Lê (xã Ea Lê, huyện Ea Súp) đã tấp nập người mua kẻ bán. Chị Lê Thị Mến bán hàng nước đầu chợ cất lời mời chào thân thương: “Bác ơi nghỉ chân uống ly nước trà cho ấm đã”. Quán nước của chị Mến đã gắn bó với khu chợ này được 5 năm, đến nay, do nhu cầu của khách hàng mà bán thêm các loại nước giải khát đóng chai, mùa hè thì bán cả chè đá. Cùng ngồi trong chợ còn một vài người nông dân mang con giống như heo con, cún, gà… ra chợ bán để phần nào cải thiện thêm cho cuộc sống gia đình. Kế bên sạp hàng thịt heo, bà Phạm Thị Cảnh cũng đang loay hoay thổi bếp than hồng, bên trên là chảo bánh khoai nóng hổi. Ngày thường bà chỉ bán lai rai được rất ít, nhưng dịp cuối năm bán được nhiều hơn, loại bánh thủ công này không thể thiếu và là món ăn khoái khẩu của bà con, nhất là người già và trẻ em vùng nông thôn mỗi khi đến chợ. Dù mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn, nhưng bà vẫn không chuyển sang buôn bán mặt hàng khác, bởi với bà, tìm thấy niềm vui trong mỗi buổi chợ còn quan trọng hơn nhiều.

Không sầm uất, náo nhiệt như những trung tâm mua sắm lớn, song, chợ quê vẫn có lực hấp dẫn và giá trị riêng mà không phải nơi nào cũng có. Người ta đi chợ không chỉ để mua sắm, mà còn gặp gỡ tán chuyện, trao đổi đời sống văn hoá tinh thần. Giá trị văn hoá, lịch sử thiêng liêng của những ngôi chợ quê là ở chỗ đó.

Bá Thăng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/xuan-ve-tren-nhung-cho-que-a11926.html