Người có công sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ bậc hiền tài đó là bà Ngô Thị Ngọc Dao. Bà là con gái của quan Thái bảo Ngô Từ, người xã Động Bàng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ông nội bà là Ngô Kinh, gia thần của Lê Khoáng (cha của Lê Lợi), về sau được phong chức Thái phó. Cha bà là Ngô Từ là người đã từng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu. Cả mấy cha con ông đều là thủ túc của Lê Lợi giúp việc quân lương. Ông được phong đến chức Thái bảo. Thấy Ngô Thị Ngọc Dao và Ngô Thị Ngọc Xuân đều xinh đẹp, vua Lê Thái Tông đã tuyển cả hai chị em vào cung. Tháng 6 năm Canh Thân (năm 1440), Ngô Thị Ngọc Dao được sách phong làm Tiệp dư (một vị trí đứng đầu trong 6 bậc nữ quan, thấp hơn tam phi), là vợ thứ ba của vua Lê Thái Tông, được ở cung Khánh phương.
Dưới triều Lê Thái Tông, trong cung thường xuyên xảy ra tình trạng lục đục, bởi sự mâu thuẫn, tranh giành ngôi vị, quyền lực cho mình, cho con của những bà vợ vua. Trong bối cảnh đó, dù không muốn, nhưng bà Ngô Thị Ngọc Dao cũng bị cuốn vào vòng tranh giành quyền lực, nhất là từ khi bà mang “thai rồng” (sau sinh ra Hoàng tử Tư Thành – vua Lê Thánh Tông), có cơ tranh đoạt chức Thái tử. Tính mạng bà Ngô Thị Ngọc Dao luôn bị đe dọa. Rất may là trong những ngày còn là Tiệp dư, bà Ngô Thị Ngọc Dao đã được quan Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ hết lòng che chở. Khi bà Ngô Thị Ngọc Dao có mang Hoàng tử Tư Thành, sợ những biến loạn trong cung, các bà vợ của vua tranh giành ngôi vị, sợ bị liên lụy và bị hại, theo lời khuyên và sự bố trí bảo vệ của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, bà Ngô Thị Ngọc Dao đã bí mật dời khỏi kinh thành, về lánh ở chùa Huy Văn (phía trong ngõ Văn Chương, Hà Nội ngày nay). Tại ngôi chùa này, ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), bà Ngô Thị Ngọc Dao đã sinh Hoàng tử Tư Thành. Chuyện kể rằng, hôm trở dạ, có lúc bà mơ thấy Ngọc Hoàng Thượng đế cho tiên đồng xuống đầu thai làm con trai bà. Tiên đồng dùng dằng chưa muốn đi ngay, làm Thượng đế nổi giận, cầm cái hốt ngọc đánh vào trán chàng tiên đồng chảy cả máu. Bà giật mình choàng tỉnh thì liền sinh ra Tư Thành. Khi sinh ra, trên trán cậu bé đã có hằn vết sẹo giống như vết đánh trên trán Tiên đồng bà thấy trong mộng. Đúng sai thế nào, không ai đi tìm câu trả lời, nhưng rõ ràng, câu chuyện trên nhằm đề cao vai trò của vua Lê Thánh Tông, nhưng cũng hàm ý khẳng định đức độ và vị trí của bà Ngọc Dao. Đến khi Tư Thành lên 4 tuổi, bà Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, mẹ vua Lê Nhân Tông (anh cùng cha khác mẹ với Tư Thành) mới cho đón mẹ con Ngọc Dao về cung. Tư Thành được phong là Bình Nguyên vương, ở nhà phiên, hàng ngày được cùng với anh là vua Nhân Tông học tập tại tòa Kinh diên.
Vốn là người hiền đức, bà Ngô Thị Ngọc Dao luôn giữ đúng bổn phận, dồn hết tâm trí dạy dỗ, rèn cặp đứa con trai yêu quý của mình. Bà đã cố gắng bồi dưỡng cho chàng trai Lê Tư Thành có một học vấn uyên thâm và một khả năng toàn diện theo quan điểm cổ truyền: Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Sau này, bia Chiêu Lăng có ghi về việc học hành của Lê Thánh Tông: “Đến như lúc thư nhàn, sau muôn công nghìn việc chỉ lưu ý văn chương.... sức học của vua có nguồn gốc, rừng kinh bể sử không đâu là không kê cứu”. Lê Thánh Tông có được đức tính ấy, chính là nhờ công lao giáo dưỡng của mẹ.
Mùa Đông năm Kỷ Mão (1459), Lạng Sơn vương Nghi Dân đang đêm bắc thang đột nhập vào cung cấm giết chết vua Lê Nhân Tông và Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh. Phải 7 tháng sau (năm 1460), khi các đại thần Nguyễn Xí, Lê Thăng dẹp tan được phe đảng của Nghi Dân, Hoàng tử Tư Thành mới được lập làm Hoàng đế. Năm ấy, Tư Thành tròn 18 tuổi. Sau khi Hoàng tử Tư Thành lên ngôi vua Lê Thánh Tông, bà Ngô Thị Ngọc Dao được tôn làm Hoàng Thái hậu.
Lê Thánh Tông lên ngôi vua giữa lúc triều đình rối ren, hoàn cảnh đất nước đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc. Bên trong, mâu thuẫn cung đình bị đẩy đến giới hạn huynh đệ tương tàn, đổ vỡ. Tham quan, nhũng lại đục khoét dân đến tận xương tủy. Chốn hương thôn, dân bị bọn cường hào, ác bá mặc sức lộng hành, chèn ép dân lành. Trộm cướp như ong. Lòng dân ly tán. Bên ngoài lãnh thổ, từ bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc đều có kẻ thù rình rập. Chúng mưu tính cùng nhau xông vào tiêu diệt Đại Việt.
Nhận rõ nội tình và thế nước ấy, điều Lê Thánh Tông làm trước tiên sau khi lên ngôi là khích lệ lòng tự tôn, ý chí tự cường dân tộc mạnh mẽ. Sau khi lên làm vua 1 năm, nghĩa là mới có 19 tuổi, ông đã trách lỗi sử gia Ngô Sỹ Liên, một cựu thần: “Ta mới coi chính sự, sửa mới đức tính, ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang của Trung Quốc thời xưa, thế là ngươi theo đường chết, mang lòng không vua”. Tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí bảo vệ giang sơn do cha ông đã đổ bao xương máu mới giành được của Lê Thánh Tông thể hiện mãnh liệt, kiên quyết trong câu nói: “Một thước núi, một tấc sông của tiền nhân có lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được....Nếu người nào dám đem một tấc đất của vua Thái tổ để lại làm mồi cho giặc thì người đó sẽ bị trị tội nặng”.
Trong 38 năm, Lê Thánh Tông đã hai lần đổi niên hiệu (Quang Thuận và Hồng Đức). Ông nêu gương đức trị, thực thi pháp trị, đưa ra nhiều chính sách cải cách “vô tiền khoáng hậu”. Lê Thánh Tông đặc biệt chú ý tới đào tạo và sử dụng nhân tài. Chỉ trong 38 năm trị vì, Lê Thánh Tông đã cho mở 12 khoa thì Đình, lấy đỗ 501 vị Tiến sĩ, bằng một nửa số hiền tài của ba triều đại Lý, Trần, Hồ đào tạo được trong 397 năm cộng lại. Trước Lê Thánh Tông và sau Lê Thánh Tông, chưa có ai sánh bằng ông trong đào tạo hiền tài và sử dụng hiền tài. Lê Thánh Tông là nhà tổ chức và quản lý nhà nước pháp quyền vô cùng tài giỏi. Dưới sự giám sát và điều hành, chỉ đạo trực tiếp của Lê Thánh Tông, đã để lại: Hồng Đức hình luật, Hồng Đức thiên hạ bản đồ,...Bộ Luật Hồng Đức (tức Quốc triều hình luật) ra đời sau hơn 14 năm biên soạn, là sự kiện đánh dấu trình độ phát triển cao của xã hội nước ta hồi thế kỷ XV. Bộ luật này đã có giá trị và tầm ảnh hưởng to lớn không chỉ cho thời nhà Lê, mà còn ảnh hưởng đến các giai đoạn tiếp theo của lịch sử pháp quyền Việt Nam. Đây là bộ luật mà, có đến hơn một nửa (407 điều) hoàn toàn do Lê Thánh Tông và các cộng sự đặt ra, không có sự chi phối hay tham khảo của bất cứ luật lệ nước ngoài nào.
Lê Thánh Tông không chỉ là nhà pháp trị, nhà đức trị, nhà cải cách vĩ đại, mà còn là nhà văn hóa lớn. Nền giáo dục, y tế nước nhà gia đoạn này đã có nhiều thành tựu. Đặc biệt là thi ca. Lê Thánh Tông là nhà thơ lớn, là người sáng lập và là chủ xoái Hội Tao đàn, vừa sáng tác thơ văn, vừa phê bình, nghiên cứu. Những bộ sách đồ sộ, tiêu biểu như: Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức Quốc âm thi tập, Quỳnh uyển cửu ca, Minh lương cẩm tú,... là di sản văn học rất có giá trị thời Lê.
Với tất cả những kế sách ấy, Lê Thánh Tông đã đưa đất nước từ chỗ đại hung thành đại cát, từ chỗ cực suy đến cực thịnh. Trong bia Chiêu Lăng, bia ghi công đức của Lê Thánh Tông dựng ở Lam Sơn, Thanh Hóa, đã viết: “Trong khoảng vài năm, thời đã an thịnh, ngày thêm mạnh giầu. Việc trị yên ở trong đã định; việc ngăn chống ở ngoài đã lập”. Sử gia đương thời và các đời sau đều ca ngợi Lê Thánh Tông là vị vua anh minh, tài đức hoàn hảo. Sử thần Vũ Quỳnh viết: “Vua tự trời cao siêu, anh minh, quyết đoán, có hùng tài, đại lược, võ giỏi, văn hay, mà cái học hành của thánh hiền lại đặc biệt siêng năng, tay không lúc nào rời quyển sách. Các tập kinh sử, các sách lịch, toán, những việc thánh thần, không có gì không bao quát, tinh thông”.
“Phúc đức tại mẫu”, những việc làm của vị vua trẻ Lê Thánh Tông đều có ảnh hưởng của Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, trong đó phải nói đến việc giải mối oan tru di tam tộc của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Bốn năm sau khi lên ngôi, vào năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã cho lật lại vụ án Lệ Chi viên, và vụ việc được làm sáng tỏ. Nhà vua xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Lời chiếu của vua có câu: “Tiền triều nữ sĩ bất can thí tội” (Nữ sĩ triều trước [Nguyễn Thị Lộ] không liên quan gì đến việc gọi là tội giết vua). Ông ca ngợi Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Tấm lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê), đồng thời truy tặng Nguyễn Trãi tước Tán trù bá, ban cho con Nguyễn Trãi là Anh Vũ chức Huyện quan. Việc minh oan cho vợ chồng Nguyễn Trãi là việc nên làm và phải làm của một ông vua anh minh như vua Lê Thánh Tông, song không thể không khẳng định việc làm này còn hàm nghĩa mẹ con bà Ngô Thị Ngọc Dao trả ơn cưu mang của vợ chồng Nguyễn Trãi trong những năm loạn lạc.
Vua Lê Thánh Tông không chỉ nổi tiếng là ông vua xuất sắc cả về chính trị và văn chương, mà còn nổi tiếng, được ngợi ca là một người con hiếu thảo. Sử sách còn truyền, ngay những đợt hành quân, xa Kinh đô, lòng ông cũng luôn hướng về người mẹ thân yêu. Câu thơ: “Niềm mong từ mẫu lúc nào quên” (Chinh Tây kỷ hành) chính là niềm tâm sự thường trực trong ông. Sử sách chép, năm 1496, Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao cùng vua Lê Thánh Tông về Tây Kinh (Thanh Hóa), không may bị bệnh lỵ. Lê Thánh Tông cùng Thái tử hầu hạ thuốc men, cơm nước, không lúc nào rời xa mẹ. Thường bữa ăn, vua tự nếm trước rồi mới đưa mời mẹ. Những ngày bà nằm dưỡng bệnh, vua đêm ngày kêu khấn tổ tiên và thần linh, không thần nào là không cầu để mong mẹ khỏi bệnh. Đến khi bà hấp hối, vua đau xót kêu gào.
Ngày 26 tháng 2 năm Bính Thìn, Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao qua đời, hưởng thọ 76 tuổi. Khi Hoàng thái hậu mất, tự tay Lê Thánh Tông làm mọi việc, từ lau thân thể, mặc áo đến khâm liệm, phạm hàm (bỏ một nhúm gạo vào miệng người chết) cho mẹ. Trong nỗi đau xé lòng, Lê Thánh Tông vẫn tự tay viết bài văn tế mẹ. Vua còn làm một tập Cổ kim cung từ thi tập, tự viết Lời tựa, sai Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung và Hiệu thư Ngô Luân phê bình. Vua Lê Thánh Tông truy phong cho mẹ là Quang thục Hoàng Thái hậu, cho lập đền thờ bà ở xã Động Bàng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngôi đền hiện vẫn còn.
Tấm gương làm Người, làm lãnh đạo đất nước của Lê Thánh Tông vẫn còn ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay.
Châu Giang