Thương nhớ nhà văn Nguyễn Gia Nùng

Đang co ro trong cái lạnh Hà Nội của một chiều đông buồn ngơ ngác. Điện thoại reo giật mình. Giọng nhà báo Nguyễn Mạnh Thường, Tổng biên tập báo Nông nghiệp VN: “Nguyễn Gia Nùng mất rồi!”. Thêm một nỗi buồn, da diết nhớ Nha Trang. Thương một nhà văn đàn anh, một người bạn văn xứ bắc quá nửa đời người gắn bó với mảnh đất và con người Nha Trang.


Đã có lần nhà văn Nguyễn Gia Nùng (ảnh trên) trong một buổi chiều tắm biển ở Đồng Đế bảo tôi. “Biển thật vĩ đại và hiền từ. Bao nhiêu buồn bực của xã hội, của cơ quan, của gia đình tưởng uất ức đến chết được vậy mà nhao mình xuống biển, khỏa mình trong nước sóng bạc đầu, lặn ngụp trong làn nước mát... Đau buồn, giận hờn... biển mang đi cả”.
 
Lại có lần anh khoe với tôi, trong những ngày tôi đã phải rời xa Nha Trang ra sống ở Hà Nội, nhân có chuyến tôi vô nhà sáng tác Đồng Đế khai mạc trại sáng tác của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: “Tớ giờ sướng lắm Cuông ạ! Tự do muôn năm! Một mình một nhà, tắm không cần đóng cửa...Đêm nằm đọc sách không ai còn làm phiền...”. Còn tôi âm thầm nghĩ: Thêm một người đàn bà nữa đã bỏ anh ra đi!. Tôi hỏi: “Vậy ai lo cơm nước cho anh, còn ốm đau, đi viện?”. “-Xì, lo chi! Nồi cơm điện cắm một lần ăn cả ngày. Đồ ăn thức uống, con Én mua cho bố ăn cả tuần...Giá có ốm đau và có “chuyện” thì anh ra đánh bạn với cái lão già của chú dưới chân núi Sạn”. Tôi phì cười. Đã gần 40 năm, nhà văn Nguyễn Gia Nùng vẫn chưa quên cái chuyện anh gợi ý cho tôi đặt tên cho một chuyện ngắn – “Người đào huyệt dưới chân núi Sạn”, ngày Nguyễn Gia Nùng còn đang làm trưởng phòng văn nghệ của Đài phát thanh Phú Khánh. Cái người đàn ông già cả đen đúa một đêm nọ đã bí mật chôn cất một người lính giải phóng vào đánh thành Nha Trang trong đêm Xuân 1968 đã hy sinh ở tòa  Tỉnh trưởng. Người lính giải phóng xấu số đã được lão Tám Huyệt chôn cất lẫn trong số hàng trăm ngôi mộ ở dưới chân núi sạn. Tám Huyệt cũng đã chết từ đời tám hoánh. Bữa đó đứng trong ngồi nhà cao tầng của nhà văn Nguyễn Gia Nùng mới mua ở khu Đồng Đế... Nắng trải vàng trên lưng triền núi Sạn, nghe anh nói, thật buồn.
 
Năm tháng cứ lần lượt cướp đi những nhà văn, nhà thơ, những người bạn văn nghệ mà tôi có vinh hạnh sống và gắn bó với các anh một thời. Từ cái thuở xa lắc xa lơ khi mà từ đèo Cả đến tận vịnh Cam Ranh còn mang tên Phú Khánh. Đào Xuân Quý, Nguyên Hồ, Võ Hồng, Liên Nam, Tô Phương, Văn Công, Đồng Xuân Lan, Tôn Phong, Thế Vũ... Một vùng văn nghệ với hàng trăm các nhà văn khắp từ Nam chí Bắc hội tụ chung sức làm văn nghệ. Ấy vậy mà đến cái tên cho một tờ tạp chí cũng là cuộc đấu tranh có khi suýt đổ máu. Tôi đã từng đánh địch nhiều phen nhưng ở thời bình bây giờ tôi mới hiểu vẫn có chiến trận để dành giật lẽ phải, công lý và cao hơn cả là những giá trị đích thực cho một nền văn nghệ để tạo dựng những giá trị nhân văn.
 
Không... Không thể nào đếm hết những kỉ niệm của những người gắn bó với văn nghệ Khánh Hòa, Phú Yên suốt 40 năm qua với nhà văn Nguyễn Gia Nùng. Ít nhất anh cùng là người cùng với chúng tôi sáng lập ra văn nghệ Phú Khánh, với tạp chí Cánh Én, tạp chí Nha Trang. Đã có lần tôi chờ Nguyễn Gia Nùng về lại căn biệt thự số 6 Lý Tự Trọng để tìm lại cà phê cây sữa, nơi vợ chồng họa sĩ Lê Ký Thương đứng bán quán. Căn nhà ấy nay đã đổi chủ đây là nơi khởi nguồn cho tạp chí Nha Trang bây giờ. Bạn bè cũ đã đi cả. Thế Vũ cũng đã mất, nhà thơ Ngô Xuân Hội vô nam... Đèo Cả có cao và hiểm trở bao nhiêu đi chăng nữa. Bão lụt sập núi, lở hầm... Tàu dừng. Nhưng dường như thiên tai và sự thách đố của con người không ngăn cản được thi ca và hương sắc của mùa Xuân vào những ngày rằm tháng Giêng. Nguyễn Gia Nùng và những nhà văn, nghệ sĩ Khánh Hòa ra hội tụ cùng với bạn Văn ở Tuy Hòa để làm nên đêm thơ Nguyên Tiêu trên Tháp Nhạn. Bây giờ không còn ai được nghe nhà thơ Nguyễn Gia Nùng đọc thơ nữa.
 
Lại có một lần, tôi cùng nhà văn Nguyễn Gia Nùng, nhà văn Cao Duy Thảo, Hoàng Nhật Tuyên tham dự trại viết hồi kí chiến tranh cho một số cán bộ lão thành của Thành ủy Nha Trang. Ông Bùi Hồng Thái, Bí thư Thành ủy (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa) kể về chiến công của những người lính biệt động, du kích, bộ đội giải phóng trụ bám quanh căn cứ Đồng Bò, các xã Vĩnh Phương, Vĩnh Hiệp, Cây Dầu Đôi, Thành Diên Khánh... Nguyễn Gia Nùng hi vọng sẽ có những cuốn tiểu thuyết viết về những gộp đá Đồng Bò, về những bà má ở những vùng ven đô một thuở... Nhiều năm nay anh Nùng không còn viết dài được nữa. Những bà mẹ anh hùng của thành phố Nha Trang đào hầm cho “Việt Cộng” ngày xưa cũng đã mất cả rồi. Đồng Bò thì vẫn còn đó! Sình lầy đang được san lấp để xây nhà cao tầng. Con đường Trần Phú chạy dọc theo bờ biển đêm ngày tấp nập người Tây, người Ta, và bây giờ cả người Tàu nữa... Những người gắn bó với văn nghệ Khánh Hòa và cả nhà văn Nguyễn Gia Nùng nữa... Chúng ta vẫn còn mắc nợ với Nha Trang.
 
Nhà văn Đỗ Kim cuông
Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNTVN, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nha Trang

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thuong-nho-nha-van-nguyen-gia-nung-a11873.html