…Tôi đã nhiều lần được gặp nhà thơ Tố Hữu (1920- 2002) và nghe ông đọc thơ, tâm tình. Một lần vào tháng 9 năm 1995, tôi tới thăm nhà ông ở phố Phan Ðình Phùng, Hà Nội. Tôi nhận ra ngay căn nhà của thi nhân bởi có “ Cây táo đầu hè” đã đi vào thơ. Ba thập kỷ rưỡi rồi cây táo không còn “ rung rinh quả ngọt”, nhưng vẫn còn đó, một cây cổ thụ giữa một vườn cây trái. Nó đã là chứng nhân của một thời chiến tranh, một thời hòa bình.
Cuộc gặp không hẹn trước, nhưng gia đình nhà thơ Tố Hữu đã dành cho tôi cả một buổi chiều. Hồi còn ở quê (Thanh Hóa) làm công tác chính quyền, tôi đã có đôi lần gặp khi ông về thăm, nhưng lúc đó không có thì giờ để nói chuyện văn chương ! Mà nói sao được.
Phòng tiếp khách của gia đình thi nhân giản dị, nhưng ấm cúng. Bộ sa lông mốt cách đây vài chục năm, bằng gỗ, có thể ngồi được sáu người. Có thêm bốn chiếc ghế mây đã cũ hơn để phòng khi đông khách. Trên tường là bức tranh sơn dầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đang nói chuyện với hai phụ nữ nông thôn. Vài cuốn lịch. Nghe nói khi còn làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông cũng tiếp khách ở đây với những tiện nghi đơn sơ này.
Nhà thơ ngồi đối diện với tôi, trong bộ quần áo rộng rãi, nền nã. Mái tóc thưa đã ngả màu bạc, da đồi mồi. Ông cho biết vừa đọc bài của tôi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Văn nghệ. Thấy tôi là lính mới của làng báo, ông trao đổi:
- Tôi là người đã làm chủ nhiệm, tổng biên tập, thư ký tòa soạn, phóng viên, bình luận viên, vẽ tranh, trình bày, nghĩa là từ đầu đến cuối của tờ “Đuổi giặc nước”. Trong nhà bảo tàng còn trưng bày mấy tờ báo đó. Viết ngược trên đá, rồi in mỗi kỳ được dăm chục bản. Tờ báo in xong được quần chúng phát hành, quần chúng đọc. Nhà báo được dân cho ăn, có ngô ăn ngô, có khoai ăn khoai.
Tôi trao cho Tố Hữu bản sao bức điện số 431 đánh đi từ Huế, ngày 30 tháng 3 năm 1942, hồi 10 giờ gửi đến các nhà chức trách các tỉnh trong toàn cõi An Nam: Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đồng Hới, Tourane, Faifo, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt để truy tìm hai người đã trốn trại Đắk Lay là Nguyễn Kim Thành (tức Tố Hữu) và Huỳnh Ngọc Huệ. Nhận ấn của bưu cục Thanh Hóa xứ An Nam đề lúc 12 giờ 30 phút, ngày 23 tháng 3 năm 1942, chữ mực xanh, giấy đã ngả màu vàng. Ông đeo kính rồi thong thả đọc, giọng trầm buồn. Dứt mỗi câu ông lại dịch cho tôi nghe.
Đôi mắt xa xăm ông nói:
- Nó nói đặc điểm chính xác lắm, nốt ruồi đây. Có điều này không chính xác: Mình trốn trại ngày 12 tháng 3 năm 1942, trước khi nó biết 4 ngày. Lê Văn Hiến đã khéo đánh lừa bọn cai ngục bằng cách nằm ngủ hai chân dạng ra. Khi chúng biết thì mình và Huỳnh Ngọc Huệ đã đi xa lắm rồi.
Tố Hữu cũng đọc bản thông báo của Sở Mật thám An Nam về việc ông trốn trại Đắk Lay. Theo đó, thì năm 18 tuổi Nguyễn Kim Thành đã phải hai năm tù, hai năm quản thúc, do vụ xử ngày 27 tháng 8 năm 1939 mà bản án số 157 của tòa án tỉnh Thừa Thiên đã tuyên do “những hoạt động gây rối loạn an ninh công cộng qua lập hội kín, lưu giữ sách cấm, hội họp không được phépvà phát những tờ truyền đơn kích động nhằm gây rối “ . Ở trong tù, Nguyễn Kim Thành lại bị xét xử bởi bản án số 140, ngày 5 tháng 9 năm 1940, tòa án tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên do “ đã kích động trong tù” . Ngày 21 tháng 4 năm 1941, Thống sứ An Nam đã ra quyết định số 0153 đưa Nguyễn Kim Thành giam cầm trong trại đặc biệt ở Đắk Lay. Thanh tra mật thám An Nam nhận định về Nguyễn Kim Thành: “Đây là một nhân vật nguy hiểm, có thể trở thành một trong những người lãnh đạo Cộng sản ở Xứ An Nam, khi tìm được nhân vật này phải có giải pháp chặt chẽ, báo cho Công sứ Kom Tum và báo bằng điện thoại Sở Mật thám Huế biết”.
Tôi có trong tay các văn bản khác về vụ Tố Hữu vượt ngục, đó là những báo cáo của các nơi gửi về, những hướng dẫn về nơi Tố Hữu có thể lai vãng, Tổng đốc các tỉnh, các viên tri phủ, tri huyện cũng có những thông tin về việc mất tích của Tố Hữu. Tất cả đều bằng chữ Pháp. Duy chỉ có một văn bản bằng chữ Việt và chữ Hán của Sở Mật thám An Nam được in ở nhà in Đắc Lập, có ảnh chụp Tố Hữu- đó là “ Lệnh bắt”.
Tố Hữu chăm chú đọc văn bản tôi đưa. Căn phòng tĩnh mịch, yên ắng. Gió lùa qua cửa đem theo vài chiếc lá vàng. Đợi ông đọc xong, tôi hỏi.
- Thế những ngày cả bộ máy cai trị truy nã thì anh ở đâu?
- Mình ở trong rừng! Lần mò về Quảng Nam, vào Quy Nhơn gặp ông anh làm bưu điện. Ông anh cho biết: Đã ghi lại bức điện truy nã Tố Hữu. Biết có ở lại cũng không yên, xin anh ít tiền rồi ra Huế, thình lình gặp Thôi Hữu (cũng là nhà thơ, người Thanh Hóa). Đoàn viên thanh niên dân chủ. Thôi Hữu cho 15 đồng, bằng nửa tháng lương. Rồi ra Hà Nội gặp Trung ương. Dọc đường phải giả dạng làm phụ nữ buôn cau. Không gặp được Trung ương nhưng tìm mối về Thanh Hóa vào nhóm Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Nguyễn Văn Phác. Về làng Thượng Nga Sơn rồi sang Hậu Lộc ở nhà mẹ Tơm, ra báo “Đuổi giặc nước”.
Như con chim sổ lồng, Tố Hữu trở về với nhân dân với Đảng và lại lao vào cuộc trường chinh của dân tộc với tư cách một người cộng sản, một nhà thơ.
Tố Hữu đã hai lần làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, lần đầu tháng 3 năm 1944 khi anh đang ở tuổi 24.
Năm 24 tuổi, vào đêm giao thừa năm Giáp Thân 1944, trên đoạn đường từ Hà Trung về Hoằng Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa làm thơ:
“Đêm nay pháo nổ vang trời
Mà người chiến sĩ không nhà còn đi”
Sau Nhật đảo chính Pháp, Tố Hữu được Trung ương phái vào tổ chức Ủy ban khởi nghĩa ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Tháng 8 năm 1945, Tố Hữu là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế, Phó Bí thư Xứ ủy Trung bộ.
25 tuổi Tố Hữu tước ấn kiếm của nhà vua Bảo Đại, giành chính quyền, cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Huế.
26 tuổi, về Thanh Hóa chuẩn bị cuộc kháng chiến trường kỳ. Ở quê hương thứ hai của mình, Tố Hữu đón Bác Hồ vào thăm cùng đồng bào, đồng chí quyết tâm xây dựng Thanh Hóa thành “ một tỉnh kiểu mẫu”. Làm Bí thư Tỉnh ủy, ông vẫn làm thơ, ngâm thơ và vẫn dành thời gian cho người con gái mà mình yêu.
Người Thanh Hóa rất ân tình với Tố Hữu, cũng như ông gắn bó với Thanh Hóa. Ông coi Thanh Hóa là quê hương thứ 2 của mình:
“Gió thu lại gọi về Thanh
Quê anh mà cũng quê em từ nào”
Hay: “Đường vào khu Bốn, vào Thanh
Không đi thì nhớ không đành, phải đi”
Dấu chân của Tố Hữu đặt trên mọi miền của tỉnh Thanh. Ở Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thọ Xuân... Về nhận nhiệm vụ lần thứ 2, ông về Thọ Xuân chỉ đạo Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I, thăm xã Xuân Minh nơi ông đã về làm việc, ẩn náu ở nhà thờ Thám Hoa Đỗ Huy Kỳ. Tố Hữu về Hoằng Hóa, đạp xe đạp trên đường làng thăm bà con, anh em. Tố Hữu đã gửi tiền xây nhà văn hóa thôn Hạnh Cù, gửi tiền tu bổ nhà thờ Thám Hóa Đỗ Huy Kỳ. Ở Thanh Hóa Tố Hữu có nhiều bạn bè: Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt, Nguyễn Văn Hồ...
Anh nhớ những ngày ẩn náu trong ngôi đền thờ Thám hoa Đỗ Huy Kỳ, ở làng Thuận Hậu, tổng Phủ Hà. Bà con tiếp tế cho anh từng bát cơm, cọng rau quả cà. Anh nói: Nhớ lại lúc ấy mới thấy thấm thía tình dân, nghĩa Đảng sâu đậm biết nhường nào. Và mình phải sống cho xứng đáng với nghĩa tình ấy.
Anh hỏi thăm tôi về con cháu, dòng tộc Đỗ Huy Kỳ và Nguyễn Văn Hồ, Nguyễn Xuân Thuý... những người đồng chí, anh em, bạn bè thủy chung.
(Còn nữa)
Lê Xuân Kỳ
Theo baodulich.net.vn