Bí ẩn vương quốc Phù Nam

Phù Nam là một quốc gia cổ trong lịch sử Đông Nam Á, xuất hiện khoảng đầu Công nguyên ở khu vực hạ lưu và châu thổ sông Mê Kông. Quá trình hình thành và suy vong của vương quốc này chứa đựng nhiều ly kỳ, bí ẩn.

Theo các nhà nghiên cứu sử học, Phù Nam là một vương quốc rộng lớn, bao phủ miền Nam bán đảo Đông Dương, vùng hạ lưu sông Mê Kông, vùng Đồng Tháp Mười, bờ biển Thái Lan, vùng bình nguyên sông Mê Nam (Thái Lan) và bán đảo Mã Lai (Malaysia). Trung tâm của Phù Nam được phỏng đoán nằm ở vùng tiếp giáp giữa Đông Nam Campuchia và Tây Nam Việt Nam ngày nay.

Nằm mộng thấy làm vua
 
Theo GS-TS Lương Ninh (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), trong các thư tịch cổ có nhiều truyền thuyết rất thú vị về vương quốc Phù Nam.
 
Theo đó, người Phù Nam da dẻ có phần đen, hình mạo xấu xí, búi tóc, quen ở trần, đi chân đất, tính tình chất phác, thẳng thắn. Phương thức sản xuất thời đó là "1 năm trồng, thu hoạch 3 năm". Người dân rất ham thích điêu khắc, chạm trổ. Bát đĩa phần nhiều được làm bằng bạc. Họ cũng có sách vở, có nhà lưu giữ sách vở tài liệu.
 
 
Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo ở An Giang lưu giữ nhiều hiện vật của nền văn hóa Óc Eo được cho là có từ thời vương quốc cổ Phù Nam
 
Vua nước này là người con gái tên Diệp Liễu. Vào thời điểm nữ vương đang trị vì thiên hạ thì có người nước ngoài là Hỗn Hội (hay Hỗn Điền) nằm mộng thấy làm vua, được thần ban cho cây cung và dạy rằng phải đi thuyền lớn ra biển mới thành. Sáng hôm sau, Hỗn Hội đến đền thần và nhặt được cây cung rồi theo thuyền lênh đênh trên biển tới ấp ngoại của nước Phù Nam. Diệp Liễu thấy thuyền lạ đến nên đem dân ra chống lại. Hỗn Hội giương cung từ xa bắn, tên xiên một bên mạn thuyền trúng người nên Diệp Liễu sợ hãi liền xin hàng và đồng ý lấy người nước ngoài này làm chồng, nhường ngôi vua.
 
Về sau, đời con cháu Diệp Liễu, Hỗn Hội suy vi, không nối tiếp truyền ngôi cho nhau. Do đó, dân trong nước lập viên tướng tên Phạm Sư Man lên ngôi vua lấy hiệu Phù Nam Đại vương. Khi Man bị bệnh thì người con trai của người chị là Chiên lên đoạt ngôi rồi giết con trai của Man là Kim Sinh. Hơn 10 năm sau, con trai út của Man là Trường giết Chiên để trả thù cho cha và anh.
 
Đại tướng của Chiên là Phạm Tầm sau đó lại giết Trường, tiếm quyền cai trị, sửa sang phép nước. Dù không dùng tù ngục như trước nữa nhưng hình phạt dành cho người phạm tội rất nghiêm khắc. Triều đình nuôi cả cá sấu trong hào thành, nuôi mãnh thú trong chuồng ngoài cửa. Kẻ có tội bị đem làm mồi cho thú dữ và cá sấu. Nếu cá sấu và thú dữ không ăn tức là vô tội và được thả về sau 3 ngày.
 
Cường quốc thương nghiệp
 
Cũng kể từ thời kỳ trên, trong nước bắt đầu xây dựng dinh thự, lâu đài. Ở hoàng cung, sáng, trưa, chiều mở tiệc thết đãi khách. Đời sống người dân cũng lắm phần no ấm. Họ dùng chuối, mía, rùa, chim làm lễ vật dâng vua, cuộc sống an bình.
 
Các tài liệu sử sách ghi lại thời đó, vua chúa ở nhà nhiều tầng và có thành lũy bằng gỗ cây. Dọc các bờ biển có loại cây giống như dừa nước, dài 8-9 m, được đem về bện lá để lợp nhà. Người dân cũng làm nhà gác để ở, làm thuyền dài 8-9 trượng (khoảng 8 m)...
 
 
Các bạn trẻ tìm hiểu hiện vật văn hóa Óc Eo
 
Theo nghiên cứu của GS-TS Lương Ninh, thời xa xưa đồng bằng Nam Bộ nước ta đã là nơi tiếp xúc của nhiều tộc người, nơi gặp gỡ của những nền văn hóa khác nhau với sự xuất hiện vương quốc cổ Phù Nam. Quốc gia này tồn tại trong 5 thế kỷ đầu Công nguyên và phát triển rực rỡ từ thế kỷ III đến thế kỷ VI trước khi bị Chân Lạp xâm chiếm.
 
Còn theo GS-TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam - nhờ có vị trí quan trọng và thuận lợi trên con đường giao thương Đông Nam Á và bằng tài năng, sự sáng tạo của mình, cư dân cổ thời hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ Kim khí này đã tiếp thu nền văn hóa Ấn Độ để xây dựng Óc Eo thành một trung tâm kinh tế nông nghiệp, một nền kinh tế thịnh vượng, một nền văn hóa phát triển với trình độ văn minh cao ờ vùng đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Óc Eo cũng là đô thị đạt đến trình độ cao trong quy hoạch đô thị cảng biển của vùng sông nước, trong tổ chức, quản lý cộng đồng.
 
Cũng theo GS Tiêu, Phù Nam còn được biết đến là vương quốc cổ ra đời sớm nhất ở Đông Nam Á với sự tồn tại và phát triển lâu dài nhất, là cường quốc thương nghiệp trên biển lúc bấy giờ. Bằng chứng là Phù Nam có mối giao thương rộng rãi với Ấn Độ, Bắc Biển Hồ, Mã Lai, Trung Hoa, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã…
 
Điêu luyện nghề kim hoàn
 
Cũng theo nghiên cứu của GS-TSKH Lưu Trần Tiêu, sự phồn vinh của vương quốc Phù Nam được thể hiện qua nghề luyện kim, nấu thủy tinh với nhiều hiện vật mang tính chỉ dẫn cao về xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, niên đại như đồng tiền, minh văn, con dấu, họa tiết trên lá vàng, tượng... Tất cả đều được sản xuất tại chỗ hoặc được nhập vào từ nước khác.
 
Thốt Nốt
Theo Người Lao Động

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bi-an-vuong-quoc-phu-nam-a11842.html