Nguyễn Duy Như - Người tiếp nối mạch sử ca

Đầu tháng 10 vừa qua, đến thăm PGSTS Nguyễn Minh Tường, được anh tặng nhiều cuốn sách quý do anh viết. Đó là các cuốn sách “Tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 939 đến 1884)”, “Lịch sử tư tưởng phương Đông và Việt Nam”, "Cao Bá Quát – danh sĩ đất Thăng Long – Hà Nội”, “Nguyễn Trãi,anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới”. Bên cạnh những công trình đồ sộ của mình, nhà sử học có sức làm việc phi thường này còn tặng tôi một cuốn sách nhỏ mà tác giả là thân sinh anh, cụ Nguyễn Duy Như. Đó là cuốn sách in hai diễn ca lịch sử “Chống Nguyên Mông” và “Ngoại giao Tây Sơn”.

Theo Nguyễn Minh Tường, cha anh, cụ Nguyễn Duy Như (1911-2003) hiệu là Đông Hoàng hay Đông Hoàng Mai, sinh tại thôn Đông, xã Hoàng Mai, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), một vùng đất giàu truyền thống hiếu học và đỗ đạt của Hà Nội xưa. Xuất thân ở vùng đất học trong một gia tộc nho học, cho nên từ thủa nhỏ, ông rất yêu văn học và lịch sử nước nhà. Tuy không chuyên công tác sử học hay văn học, trong hàng mấy chục năm trời, kể từ khi nghỉ hưu (1971), đến khi về với cõi vĩnh hằng, cha anhđã tập trung vào thú vui lớn nhất của đời mình là đọc sách và làm thơ. Cụ làm nhiều thơ và dịch thơ, nhất là thơ Đường. Ngoài ra, cụ còn viết hai diễn ca lịch sử theo thể thơ song thất lục bát: “Chống Nguyên – Mông” và “Ngoại giao Tây Sơn”.
 
 
Cụ Nguyễn Duy Như (1911 - 2003).
 
Thật bất ngờ, khi đọc “Chống Nguyên Mông” và “Ngoại giao Tây sơn”, tôi đã gặp hai bản sử ca thật hay của một bậc học giả tinh thông sử sách và tài năng văn chương. Có thể nói không quá lời rằng, đây là hai bản sử ca thời hiện đại xứng đáng tiếp nối truyền thống sử ca trong văn học dân tộcbằng chư Nôm và Quốc ngữ với những tác phẩm nổi tiếng như “Thiên Nam minh giám”, “Việt sử diễn âm”, “Thiên Nam ngữ lục”, “Đại Nam Quốc sử diễn ca”, “Hoàn vương ca tích”, “Phù Đổng thiên vương sự tích diễn âm”, “Hạnh thục ca”, “Hà thành chính khí ca” các thế kỷ trước rồi “Lịch sử nước ta” của Hồ Chí Minh, “30 năm đời ta có Đảng” của Tố Hữu, “Ngàn năm có một” của Nguyên Hồ gần đây hơn…
 
Thật ra, các bản sử ca đó không đơn giản là chuyện “chép sử bằng văn vần” như nhiều người thường nghĩ mà chính là các sáng tác thơ ca về lịch sử. Hầu hết tác giả của các bản diễn ca lịch sử trước đây đều khuyết danh nhưng qua văn bản có thể thấy họ đều là các bậc trí thức yêu nước thông tuệ, văn tài không nhỏ. Họ không vần hóa lịch sử theo lối biên niên mà chỉ chọn những câu chuyện, những tình tiết lý thú trong quốc sử, hay trong cuộc đời nhân vật lịch sử để kể với những câu thơ lay động lòng người, có sử ca còn khéo kéo kết hợp giữa chính sử và dã sử. Hoàn toàn có thể coi những bản sử ca này là những truyện thơ kể chuyện lịch sử rất hấp dẫn, tiêu biểu là tác phẩm “Hoàn vương ca tích” với hơn 9000 câu thơ về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Đại Hành.
 
Chính vào lúc dường như người ta đã quên hẳn truyền thống văn học có nhiều ý nghĩa trên thì cụ Nguyễn Duy Như lại âm thầm cần mẫn tiếp nối nó trong những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 với hai bản sử ca song thất lục bát rất đáng đọc về hai giai đoạn đặc biệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam: Giai đoạn ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông thời nhà Trần và giai đoạn ngoại giao gìn giữ hòa bình của hoàng đế Quang Trung với nhà Thanh sau chiến thắng vĩ đại quét sạch 50 vạn quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Có lẽ không hề ngẫu nhiên mà cụ Nguyễn Duy Như chọn kể hai câu chuyện lịch sử trên. Hai câu chuyện lịch sử đó gắn với về hai vấn đề sống còn của dân tộc ta suốt trường kỳ lịch sử cho tới hôm nay vẫn là chuyện thời sự; chống ngoại xâm bảo vệ độc lập tự do và gìn giữ hòa bình để xây dựng đất nước. Cụ Nguyễn Duy Như muốn qua hai giai đoạn lịch sử quang vinh ấy của lịch sử dân tộc tìm lại những bài học quý báu cho công cuộc bảo vệ tổ quốc ngày hôm nay
 
“Chống Nguyên – Mông” được chia làm 5 hồigồm có 2.748 câu thơ về  chiến công bất hủ ba lần đánh bại đội quân xâm lược Nguyên – Mông từng bách chiến bách thắng, thống trị cả Âu Á suốt thế kỷ 13. Dựa vào các tài liệu lịch sử  được ghi trong chính sử  nước nhà thời trước cũng như thời ta và cả những dã sử, tác giả đã kể rất sinh độngchi tiết các trận chiến lịch sử Bạch Đằng, Vạn Kiếp, ý chí bất khuất, sự hy sinh to lớn, tinh thần đoàn kết của quân và dân ta cũng như khí tiết, mưu trí, thao lược của các vị anh hùng dân tộc như các vua Trần, Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng…Và cuố cùng, quan trọng hơn cả các chiến công là các bài học lịch sử mà cuộc chiến chống Nguyên Mông hiển hách để lại, theo tác giả Nguyễn Duy Như là: “Dưới trên đoàn kết giang san vững bền” và “Gương muôn thủa soi đời muôn mặt/Gốc là dân, dân thật là trời/Giặc thù tàn bạo mấy mươi/Đụng đầu vào khối dân thời cũng tan”.
 
“Ngoại giao Tây Sơn”thì chỉ với chỉ 408 câu thơ, tác giả đã kể rất hay câu chuyện lắt léo kỳ thú có một không hai trong lịch sử thế giới về ngoại giao trong mối bang giao giữa triều Tây Sơn với nhà Thanh sau đại thắng mùa xuân  Kỷ Dậu (1789). Đó là chuyện Giả vương Phạm Công Trị đóng vai vua Quang Trung tham dự lễ “Bát tuần khánh thọ”, mừng vua Càn Long 80 tuổi, mùa Thu năm Canh Tuất (1790). Trong bản đoản sử ca này, tác giả ca ngợi sự khôn ngoan, sáng suốt, biết người biết mình, tự tôn mà không tự kiêu, khiêm nhường mà vẫn chủ động của anh hùng dân tộc Quang Trung trong việc tạo mối giao  hảo mới với nhà Thanh  sau chiến tranh, để đem lại cuộc sống hòa bình, yên ổn cho nhân dân hai nước. Tác phẩm còn cho chúng ta thấy sự tôn trọng, ngưỡng mộ đặc biệt của vua nhà Thanh, hoàng đế Càn Long, một con người hiểu được thời thế,  đối với vị vua bách thắng của Đại Việt. Giao hảo được với nhà Thanh trong tư thế ngẩng đầu, hoàn toàn tự chủ sau một chiến công hiển hách làm thiên triều bẽ mặt đúng là “Ngoại giao thắng lợi vô song/Can qua chấm dứt vui lòng đôi bên/Cống người vàng hết phiền nhiễu cũ/Nợ Liễu Thăng sạch rũ từ đây/Coi chừng với nước non này/Hạt tiêu bé nhỏ mà cay vô chừng”.
 
 
Cuốn sách Chống Nguyên - Mông.

Sau đây, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm “Ngoại giao Tây Sơn” của cụ Nguyễn Duy Như:
 
NGOẠI GIAO TÂY SƠN
Nguyễn Duy Như 
 
Rửa xong hận tháng Giêng, Kỷ Dậu
Khắp non sông sạch dấu xâm lăng.
Thây thù “bón tốt” ruộng đồng
Uy danh vang dậy anh hùng Tây Sơn.
Nhà Thanh nghĩ phải gờm địch thủ,
Mấy trăm ngàn quân số phơi thây
Nguyên, Minh bài học bấy nay
Càng tham lam lắm càng dầy nguy nan.
Ngay trong nước lại càng gay gắt
Nhóm bài Thanh bí mật nổi lên       
Kéo dài hao của tốn tiền
Khổ dân mua oán gây nên hận thù
Âu đành phải dở trò nhân nghĩa,
Gỡ thanh danh uy thế mới xong.
Bẻ bai trách móc lung tung     
Trò giữ thể diện để không bẽ bàng.
Nối giao hiếu nước Nam đặc phái
Quang Hiển sang đáp lại thơ mời.
Quốc vương bận việc trong ngoài,
Không sang triều cận mong người cảm thông.    
Dự yến đãi Càn Long lại nhắc
Gửi kèm thơ ý thật tình thân.
“Thu này cho cháu thế chân,
Năm sau mong sẽ thân hành tới nơi!”
Nhân dịp lễ “Tám mươi khánh thọ” 
Sẽ cử hành ngay ở Yên Kinh.
Xem lời nghĩ thật chí tình
Vương sai Thì Nhậm liệu tình bang giao
Tìm mọi cách chối sao cho khéo
Vẫn thân tình không thiếu chân thành.     
Dặn dò cặn kẽ phân minh
Việc Bắc giao phó một mình họ Ngô.
Kịp sinh mẫu nhà vua lâm bệnh,
Lấy cớ trên để tránh không đi.
Yêu cầu mua giúp thuốc về,   
Nhân sâm đầu vị đơn kê rõ ràng.
Tin đến Phúc Khang An vội vã
Lấy của riêng biếu cả tròn cân.
Dặn đem cấp tốc đang cần
Đợi khi báo mệnh hồi văn còn nhiều.        
Được tin ấy Thanh triều khẩn tấu
Càn Long liền xuống khẩu lệnh truyền.
Lấy đồ ngự dụng chọn xem
Mấy cân sâm tốt ban liền gửi đi.
Còn nhắc nhở một khi mẹ khỏi        
Nên thân hành sang tới Yên Kinh
Lời lời rõ rệt thân tình
Vì đâu nên có dấu lành ngày nay?
Tổng đốc Phúc nhớ ngày đại khánh,
Càng nóng lòng với lệnh triều đình. 
Mời vua Nam sớm đăng trình
Đường xa mới tới Yên Kinh kịp thời.
Vua Quang Trung đang hồi tang mẹ
Viện cớ từ khó lẽ rời đi,
Phúc càng lo sợ tính suy         
Họp Trần, Thang lại bàn về giải nan.
Sai tín thuộc sang bàn kế quỷ,
Chọn lấy người có thể thế chân.
Hình dung dạng mạo Quốc quân
Đội danh giả hiệu dự phần lễ nghi.  
Phía Sở, Nhậm gặp khi cần thiết,
Được ủy quyền vội riết ráo tìm.
Lấy cháu vua ở Mạc Điền
Con bà chị gái kíp liền cải trang.
Trăm năm chín trong đoàn hộ tống 
Hoàng tử Thùy cũng đóng vai trò,
Võ thần hộ giá họ Ngô
Văn thần Phan, Võ quạt cờ uy nghiêm.
Ban văn công mười tên danh nghệ
Đàn hát mừng chúc thọ vua Thanh. 
Nghệ An sứ bộ khởi hành
Tháng ba, hai chín, Bắc Thành tạm ngơi
Rằm tháng tư đoàn người mới đến,
Ải Nam Quan như kiến đón chờ.
Đầy đường lừa ngựa quạt cờ   
Tổng đốc Lưỡng Quảng cùng là thuộc viên
Chiêu Đức đài hai bên chủ khách
Tiếp kiến nhau phong cách tương thân.
Lễ nghi trang trọng bội phần
Thực hư ai rõ, giả chân ai tường?     
Ngay khi trước Giả vương chưa tới,
Phúc Khang An tính vội nước cờ
Bưng luôn con mắt tò mò
Chặng đường sứ bộ tán cờ phải qua.
Vua tôi Lê rải ra khắp chốn,  
Tạm ghìm chân yên ổn ít lâu
Tại nơi non thẳm rừng sâu,
Biệt tăm không biết gót đầu ra sao.
Đoàn sứ bộ bang giao tiến bước,
Cuộc hành trình đã được rõi theo.   
Vua Thanh chú ý mọi điều,
Dọc đường mấy việc vua đều biết ngay.
Hoàng tử Thùy chẳng may cảm mạo,
Lệnh vua truyền chu đáo thuốc men.
Cử đoàn hộ tống về Nam       
Kẻo người còn nhỏ không kham nhọc nhằn.
Khắp nơi qua bao lần quà tặng,
Hương khí rồi đến bánh, đến thơ.
Quạt mồi, châu báu ngọc ngà,
Ngựa lưu tinh chạy sao vừa ý trên.  
Quốc vương Nam đi thuyền giải trí,
Ngự chế thơ tặng để người xem.
Cảm tình chú ý vô biên,
Chăm lo săn sóc khách hiền từng ly.
Lấy kích thước mật ghi áo mũ
Gửi trước về may để tặng Vương.
Đai ngọc da đỏ thời thường,
Tặng đai vàng của Thân Vương được dùng.
Đường Hoa Sơn, Ninh Minh, Ngũ Hiểm
Tới Ngô Châu dự yến trên thành.    
Đốc bộ đường chốn hành doanh,
Tiệc chiêu đãi lớn thắm tình bang giao
Đến Quảng Đông nhà cao cửa lớn
Sảnh thự riêng rèm cuốn màn che
Vườn hoa cây cảnh bốn bề     
Bên hồ xanh thắm vườn lê cam đào.
Phúc Tổng Đốc mời chào thắm thiết
Hướng dẫn đoàn xem hết mọi nơi.
Tiết Đoan Dương cảnh chiều người
Sáu ngày lưu luyến tiệc mời hải trân
Đáp thuyền động Quan Âm du ngoạn,
Chốn am Thiền làm bạn cỏ cây.
Không không, sắc sắc nơi đây
Đề thơ khắc đá, nay vầy mai sao?
Vượt Mai Lĩnh đi vào Cát Thủy      
Các Đằng Vương di chỉ họ Vương.
Bình phong chữ khắc rõ ràng,
Dấu xưa còn đó khách càng ngẩn ngơ
Thành Giang Tây nóng chờ sứ bộ
Đái Trạng nguyên cởi mở hân hoan 
Lạ thay thanh khí tương quan
Mới trong nhất kiến, mà mang tấc thành
Thơ xướng họa thỏa tình mơ ước,
Khách tài hoa cá nước gặp nhau.
Duyên văn Di Hạ đương đầu  
Đua tài nhả ngọc phun châu không nhường.
Dã từ bạn Tầm Dương qua bến,
Đình Pha Tiên đến viếng Tô công
Này đây Xích Bích dòng sông,
Sóng reo cảnh cũ nước lồng tình xưa.        
Suốt đường đi hoa cờ rợp đất
Nhân dân đều nô nức đón chào.
Tình người xá kể phân mao,
Rộn ràng kiệu võng xôn xao phố phường.
Hà Nam với Vũ Xương tráng lệ       
Khắp mọi nơi hết thể treo đèn
Tín Dương rời kiệu nghỉ đêm
Lên xe tứ mã trống chiêng dậy trời.
Đường rong ruổi xa vời non nước
Sứ mệnh giao mỗi bước giữ gìn        
Ghi lòng quốc thể không quên
“Đem chuông đấm thử” một phen nước người.
Sứ chạy trạm đem lời Thanh Đế
Chúa Quốc Vương mạnh khỏe tươi vui
Kèm theo năm trái vải tươi     
Bắc là quý vật không ngoài vương công.
Một đặc tứ ngàn trùng đưa đến,
Rõ lòng ai quý mến phi thường.
Thức ăn ngự dụng luôn luôn
Hoàng đô đưa tới chẳng còn thiếu chi.       
Các địa phương mỗi khi đoàn tới
Sản phẩm đều phấn khởi tặng trao
Mừng vui như thể khát khao,
Đã mòn con mắt ước ao những ngày.
Qua Từ Châu rồi đây Trực Lệ
Thú sơn xuyên muôn vẻ khác thường
Phong khí thay đổi từng phương
Càng lên mạn Bắc lại càng lạnh thêm
Trạm tới tấp đem liền tặng phẩm,
Của Thanh triều: vóc gấm đoạn vây.         
Đoạn bóng, hà bao, ngọc trai,
Thị lang bộ Lễ phụng sai đón chờ.
Trạm Lương Hương dùng trà tạm nghỉ,
Hướng dẫn đoàn ngoài vệ Yên Kinh
Cửa Chương Nghi tiến vào thành     
Đường đường nghi vệ thắm tình lân bang
Cửa Tuyên Vũ thẳng sang Thắng Đức
Cung Nhiệt Hà theo bước Vua mời.
Càn Long nghỉ mát mới rồi,
Đoàn Nam đến chậm nên Người càng mong.      
Đã không trách vắng trong buổi lễ,
Vua Thanh còn hoan hỉ ban khen,
Phẩm vật quý, ngọc ngà thêm
Kho Thượng Phương chọn ngoại phiên thỏa lòng.
Vạn lạng bạc thưởng công sứ bộ,     
Đoàn tùy tùng đều có ân ban
Mũ áo theo phẩm tước quan
Từ xưa mới thấy phái đoàn đặc ân
Tiếp sứ bộ ân cần chăm chút
Thanh Đế còn ngự bút đề thơ.
"Lời rằng: khi trước giúp Lê
"Nhưng Lê kém đức bây giờ Nguyễn thay.
"Lòng quy phục tới nay đã tỏ
"Nên giữ gìn chớ có lãng quên.
"Dặn dò con cháu lòng bền    
"Một niềm phục vụ uy quyền Đại Thanh".
Quốc Vương giả chân thành đón lấy
Bèn trao tay Phan dậy họa vần
Liền tay đặt bút nên văn
Khiêm cung chúc tụng cảm ân cao dầy.     
Dâng ngự lãm, phê ngay bốn chữ
Trên hoa tiên: "Ý đủ lời hay!"
Rõ ràng gặp hội rồng mây
Thỏa lòng ủy thác xứng tay từ hàn.
Cung Nhiệt Hà lệ càng nghiêm ngặt,
Dẫu đại thần có lập công to.
Chỉ truyền mới được chầu vua
Đoàn Nam mời đến nghĩ cho lạ lùng
Vui vì cảnh, hứng lòng cấu tứ
Quạt đề thơ Ngài ngự đưa Phan       
Cảm tình ngày một chứa chan
Họa thơ liền được ân ban dồi dào
Một tấm đoạn, hai bao tiên chỉ
Bút, mực, nghiên hoa mỹ tuyệt vời.
Quốc Vương được tặng một bài       
Thất ngôn bát cú, ý người thủy chung.
"Ngoại phiên đến đang trong tuần tự
"Mới gặp nhau mà nghĩ đã lâu.
"Từ xưa chưa thấy đến chầu,
"Nhà Thanh coi việc các triều đáng khinh.
"Cống người vàng quả tình vô nghĩa
"Đạo vỗ yên chín lẽ đạo thường.
"Vận hội ngày nay nên lường
"NướcNam cố gắng theo đường nghĩa nhân,
"Thuận đạo trời sửa văn xếp võ      
"Triều Đại Thanh củng cố muôn năm".
Lời thơ rõ thật rành rành
Bỏ phần cống phẩm "kim nhân" từ rày.
Một sự kiện thắm đầy tình nghĩa
Tại Biển Đông tướng sĩ của ta
Đồn trưởng Chương đi tuần tra
Trên biển gặp giặc cướp ba bốn thuyền
Hải quân Nam trận tiền vây đánh
Giải thoát cho khỏi cảnh bạo tàn
Một thuyền Trung Quốc quân quan 
Được tin Thanh Đế bội phần mừng vui.
Người ra lệnh thưởng hai tấm đoạn
Nhờ sứ thần gửi tặng tướng Chương.
Coi đây một việc phi thường,
Nước Nam đóng góp mới dường an ninh.  
Cửa Triều Nguyên triều đình mời dự,
Ngự duyệt toàn văn võ bá quan.
Tháng bẩy vừa tiết thu sang
Đoàn vào trong nội tham quan Cấm Thành.
Nay tới Các Thanh Âm dự yến        
Mai mời đi thăm điện, cung, lâu.
Khắp nơi đoàn đến trước sau,
Các quan phụng chỉ thay nhau giải trình.
Ngày hai mươi Yên Kinh thừa hẹn
Công quán đoàn Tây Uyển nghỉ chân.      
Quanh miền thắng cảnh vô ngần
Này hồ Thái Dịch, nọ cung Quảng Hàn.
Đảo Quỳnh Hoa mấy trang lịch sử
Đường, Tống, Nguyên còn giữ tới nay
Sao rời vật đổi bao ngày        
Khiến ai ngoài cuộc cũng ngây ngất lòng.
Ngày hai chín Càn Long hồi giá
Rời Nhiệt Hà với cả tình thân
Hai ngày yến tiệc ba lần,
Sáng chiều tiệc mặn, ngọt phần tiệc trưa   
Xem hát bội đề thơ xướng họa,
Cùng thưởng vui có cả Vương, Công.
Đại thần, Tù trưởng Nội Mông,
Triều Tiên sứ bộ dự cùng Đài Loan.
Vào ngự điện Lễ quan dẫn tiến        
Ban Văn công Nam đến chúc mừng.
Bài ca soạn tập đã xong
Bắc Nam hai cánh tới cùng hát lên.
Hồi mới đến phía bên Trung Quốc
Kén mười người học thuộc múa ca.  
Như mười ca múa của ta,
Đợi ngày chúc thọ cùng ra phô tài.
Đều hợp xướng toàn lời tiếng Việt
Phục sức mang giống hệt như nhau
Mũ tú tài đội trên đầu   
Múa ca đàn sáo đối nhau hai hàng
Ngày mồng sáu vua ban đại yến
Tháng tám vui, vì mến sứ Nam.
Người thân hành dẫn đi xem
Cung điện Tây Uyển, Phật chiền mọi nơi. 
Những quý vật được coi hiếm thấy,
Bên ngự cung hai dẫy tượng đồng
Cầm nhạc khí như văn công
Đánh đàn thổi sáo, khéo không thua người.
Trước sân rồng nhiều loài cầm thú,  
Cũng bằng đồng mà cử động đều
Con bay, con nhẩy, con kêu
Máy trong điều khiển thẩy đều tinh vi.
Muôn vật lạ diệu kỳ tráng lệ
Nhà vua càng vui vẻ tươi cười
Các quan hầu cận theo Người,
Lại thêm kính cẩn đón mời khách xem.
Hồ Côn Minh lâu thuyền vua ngự,
Cùng đoàn Nam hưởng thú nước mây.
Sóng cồn hồ lúc vơi đầy,        
Liêu phiêu gợn bóng những ngày đã qua.
Chùa Diên Thọ xa xa đỉnh núi
Vạn Tuế sơn rẽ lối đi lên.
Vua đi sứ bộ đi bên
Tình như ruột thịt nghĩa bền sắt son.        
Hạng Thạch Động sườn non thăm thẳm,
Lối quanh co đuốc dẫn đi vào.
Năm trăm La Hán thấp cao,
Bầy hàng như thể đón chào khách qua.
Trời lạnh lẽo, nước sa róc rách         
Điểm thời gian sử sách khôn ghi.
Ngoại Phiên sứ bộ trọng vì
Chí tôn Hoàng Đế rời đi với đoàn.
Mọi cảnh vật huy hoàng tuyệt thế,
Chốn thâm nghiêm không kể trong ngoài. 
Cũng đều được đến với Người.
Xưa nay sứ bộ mấy thời thế ru?
Ra khỏi động vịnh thơ yến tiệc
Chốn âm u náo nhiệt tưng bừng.
Trống chiêng vang động núi rừng    
Ngựa xe tấp nập mịt mùng khói hương.
Rằm Trung Thu, Nguyệt Đàn sảnh thự
Thưởng trăng trong với sứ bộ Nam.
Đèn hoa sáng rực một phương
Trăng tròn mờ ánh, nhạt hàng sao thưa.   
Điện Chính Đạo tinh mơ nhộn nhịp,
Tiệc yến bầy luyến tiếc tiễn đưa.
Tưng bừng không khí Hoàng đô
Lòng người thêm thắm sắc cờ thêm tươi.
Sứ bộ Nam cáo hồi trở gót     
Dẫu thân nhân tộc thuộc không bằng
Thịnh tình Thanh Đế tiễn hành
Ban đầy chén ngọc thân mang từng người
Rượu "Ngọc Bảo" cười cười nói nói
Chúc lên đường mạnh giỏi tươi vui. 
Vỗ vai nhắc nhủ đôi lời:
“Bắc Nam hữu hảo muôn đời từ đây”.
Tiếp cận bốn mươi ngày thắm thiết,
Từ Nhiệt Hà, nghi tiết Yên Kinh.
Thanh triều tiếp đãi nhiệt tình,        
Muôn phần trang trọng chân thành tương thân.
Rứt Tây Uyển rời chân về nước
Qua Vũ Xương tiếp rước nồng nàn.
Hoàng Hạc lâu, Hán Thủy giang,
Thăm lầu ngắm nước, mênh mang ngậm ngùi.    
Thắng cảnh ấy cuộc đời dâu bể,
Cảnh thịnh suy theo lẽ tuần hoàn.
Rốt cùng dân chịu lầm than
Sông lờ lững chẩy đá gan góc lì.
Thành Hồ Bắc trọng vì sứ bộ,
Tất Trạng nguyên mừng rỡ đón mời.
Vẻ vang thay Tiên Táo đài,
Chủ ân cần tiếp, khách tài Nam phương.
Thơ thù phúng họ Phan ngẫu vịnh,
Bút tài hoa Đoàn Nguyễn Tuấn ghi.
Trên tường nét chữ đề thi,
Bắc Nam văn thủ mấy khi tương phùng.
Khứ hồi tới Hán Dương cáo biệt,
Bạn tống đoàn tình tiết đã xuôi.
Yên lòng họ Phúc rút lui,       
Ủy Trần, Thang thế, tùy bồi sứ Nam.
Ngày hai chín Ải quan địa giới,
Tháng Mạnh đông, bấc thổi lạnh lùng.
Chia tay lòng đã ấm lòng,
Vẹn tình Nam Bắc cùng chung thanh bình.         
Tính chi phí hành trình đón tiếp
Sứ bộ Nam tốn hết quá nhiều.
Hao mòn công quỹ Bắc triều,
Non triệu lạng bạc dân đều gắng lo.
Giá mua đắt thầy trò luống tiếc       
Ví đem dùng tính việc báo thù.
Rửa mặt mũi thành công to,
Thét uy lân lý cơ hồ vẻ vang.
Khốn một nỗi quá khôn thành dại,
Nếu chẳng may thất bại uổng công. 
Uy danh thêm nỗi mỏng mong,
Tái tam thua lỗ, ngai rồng ra sao?
Luống tấm tức nghẹn ngào xấu hổ,
Bao tướng tài một lũ trận vong.
Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long.
Còn bao nhiêu nữa kể không hết lời...
Riêng Thanh Đế bề ngoài suy xét,
Chẳng hung hăng liệu việc như ai...
Thâm tâm nghĩ cũng khó trôi,
Đụng đầu vào đá thêm mùi cay chua.        
Còn sinh sự dễ vừa mất trí,
Muốn cơ đồ thiêu hủy ra tro,
Âu là tốn kém của kho,
Giữ phần "Thượng quốc" bớt thù, thêm ân.
Hai thớt voi sứ Nam tiến cống
Dọc đường đi hộ tống khó khăn
Qua sông, vượt núi nhọc nhằn
Địa phương vất vả coi chăn giữ gìn
Một vật báu bao phen nhắc nhở                
Mấy gian lao há có ngại ngùng.       
Phương Nam còn chẳng quản công
Nữa là sẵn đến đẹp lòng Nhà vua.
Voi cống phẩm lại vừa của hiếm,
Tiếng voi gầm chinh chiến vừa qua.
Bạn thù ai rõ vẫn ta      
Dã tâm xâm lược mà ra giặc thù.
Chịu sứ mệnh từ đồ giao dịch
Thừa dư uy thành tích chiến công.
Ngoại giao thắng lợi vô song,
Can qua chấm dứt vui lòng đôi bên.
Cống người vàng hết phiền nhiễu cũ,
Nợ Liễu Thăng sạch rũ từ đây.
Coi chừng với nước non này,
Hạt tiêu bé nhỏ mà cay vô chừng!!!
 
Người áo vải lẫy lừng tuyệt thế,       
Khiến sức dân lấp bể san non.
Công Người mãi mãi sống còn,
Quang Trung vĩ đại danh tồn núi sông.

Nguyễn Thế Khoa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nguyen-duy-nhu-nguoi-tiep-noi-mach-su-ca-a11802.html