Kỳ 3: Vương Mạnh Tuấn và gốm Tử Sa

Gốm Tử Sa có xuất xứ mãi tận Giang Tô, Trung Quốc. Chất đất Tử Sa quí hiếm bởi những đặc tính mà không một loại đất nào có được và rất hiếm, nên những người thợ làm gốm, sứ chỉ dùng loại nguyên liệu này để làm những bộ đồ trà, chậu cảnh mỹ nghệ...

Theo nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn người duy nhất ở làng Bát Tràng làm được loại gốm này thì những chiếc ấm pha trà làm bằng gốm Tử Sa độc đáo không chỉ kiểu dáng, mà khi soi ấm lên trước ánh sáng sẽ thấy ánh cát lấp lánh, gõ kêu như chuông. Người mê trà đạo, thích phong cách cổ kính rất quý loại ấm này. Đặc biệt, màu men của gốm Tử Sa do tự đất sinh ra, nung ở nhiệt độ cao, cứng như đá, càng dùng càng lên nước, nâu bóng như đồng...

Trước kia loại gốm Tử Sa được độc quyền ở vùng Quế Quyển, Giang Tô, Trung Quốc, những người mê trà muốn thửa một bộ ấm chén Tử Sa thì diệu vợi lắm, nhiều khi chỉ mua bộ ấm mà phải cất công đi nhiều ngày để khi có ấm rồi thường là chi phí gấp nhiều lần bộ ấm chén quý. Cảm được nỗi phiền nhu cầu thị trường, cùng với lòng tự hào làng gốm truyền thống Bát Tràng của mình, nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn quyết chí học và làm cho bằng được gốm Tử Sa Bát Tràng. Anh không nhớ mình đã bao lần lặn lội xứ người để học hỏi, để phân chất của đất, tìm ra cốt lõi chế tạo gốm Tử Sa.

Anh Tuấn cho biết: gốm Tử Sa là loại gốm tự nhiên có chất đất nhỏ mịn, hàm lượng chất sắt cao, tính kết dính tốt, dễ tạo hình, nhất là khi dùng chế tác vật dụng nhỏ, tinh xảo như ấm trà, và số ít là chậu vẽ tay nghệ thuật cao cấp. Do đặc điểm đó nên khi được làm ấm pha trà thì không làm mất hương vị của trà. Do đặc tính ưu việt của chất đất nên thân ấm luôn có lỗ nhỏ li ti dùng lâu ngày có thể hấp thu mùi vị của trà, dùng thật lâu, sau này chỉ chế nước sôi vào ấm là có nước trà thơm ngon. Đặc biệt loại ấm này để trà lâu ngày trong bình không bị thiu, mốc hay biến chất. Ấm Tử Sa dùng càng lâu, càng lên nước men bóng láng, trơn tru và đẹp tự nhiên và một điều quan trọng nữa là loại gốm này không co ngót, cong vênh dù nung ở nhiệt độ cao (1200 độ C), nên mẫu mã, chất lượng và hình thức của sản phẩm gốm Tử Sa luôn đảm bảo như ban đầu khi còn là phôi...Thành công trong việc tạo ra gốm Tử Sa Việt Nam, nghệ nhân Tuấn còn nghiên cứu mạnh dạn từng bước sử dụng nguyên liệu sẵn có ở Bát Tràng và trong nước. Với sự kiên trì, bền bỉ, nghiên cứu và chế tạo nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn đã tự hào khẳng định, gốm Tử Sa Bát Tràng của anh được sản xuất bằng nguyên liệu trong nước, chất lượng không thua kém gì gốm Tử Sa - Giang Tô, Trung Quốc...

Tôi tò mò hỏi anh về sự nghiệp gốm mà anh đã theo đuổi mấy chục năm qua: Không khoa trương, từ tốn nhẹ nhàng, Vương Mạnh Tuấn cho biết: Dòng họ nhà anh là một trong mấy dòng họ đến lập nghiệp ở Bát Tràng từ những ngày khởi thủy. Anh may mắn được sinh ra ở Bát Tràng, trong một gia đình có truyền thống về gốm. Ngay từ năm lên 10 tuổi anh đã theo bố và các chú trong làng đi quay đất, nặn gốm. Mỗi ngày anh cố gắng tạo cho riêng mình một sản phẩm, khi là con heo đất, chiếc ấm, nồi đất, chiếc điếu... Cho đến khi anh vào làm việc tại phân xưởng mỹ nghệ của Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng, thì những sáng tạo của anh bắt đầu được chú ý, tiếc rằng khi đó sản phẩm chưa có điều kiện để được thăng hoa như ngày nay... Sau này khi bước ra khỏi xí nghiệp, tự mình mở lò gốm tại nhà, anh đã cho ra đời nhiều sản phẩm được thị trường chấp nhận và đó cũng là sự khởi đầu để anh có điều kiện tiếp cận với tinh hoa gốm sứ khắp nơi.

Theo nghệ nhân Tuấn thì: điều quan trọng của người làm gốm là phải có tư duy hình khối nghệ thuật và sự đam mê hiểu biết về chất liệu...Do xác định đúng đường đi của mình, nên suốt một thời gian dài Tuấn lang thang khắp nơi tìm kiếm, học hỏi. Hễ nghe ở đâu có gốm sứ là anh đến, từ Phù Lãng (Bắc Ninh), Quế Quyển (Hà Nam), Chu Đậu (Hải Dương) đến tận Nghi Hưng (Trung Quốc)... Mỗi lần đi như thế, trong anh đã tích tụ được kha khá vốn về đất nguyên liệu và mẫu mã, tạo dáng, cũng như nhiều kỹ thuật khác trong nghề, theo anh đó là sự vững bền, lâu dài và sâu sắc, giúp anh khẳng định vị trí của mình trong làng gốm không chỉ ở Bát Tràng mà còn của cả nước...

Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn đã thành công trong việc tạo nên sự độc đáo cho riêng mình bằng gốm Tử Sa với các bộ đồ trà quý hiếm. Sự thành công đó còn như muốn khẳng định nghề gốm sứ Bát Tràng quê hương anh không chỉ phát huy được truyền thống tổ tiên để lại, mà còn tiếp cận được với tinh hoa gốm sứ các nước, đó là điều đáng quý trong việc gìn giữ vốn văn hóa quê nhà.

Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn còn cho biết thêm, anh có ý định truyền dạy nghề gốm cho con cháu trong làng, để họ giúp anh gìn giữ vốn quý này cho muôn đời. Và riêng anh vẫn đang tiếp tục tìm tòi, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm, độc đáo, quý giá và được phổ biến khắp nơi như nghề gốm của làng anh đã từng làm được điều này cách nay cả mấy trăm năm. Chính vì thế nên anh nói: “Tôi vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo những chất liệu mới, tác phẩm mới, để thỏa lòng mình và để gốm sứ Bát Tràng sống mãi với thời gian…”.

Theo Báo Du Lịch

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ky-3-vuong-manh-tuan-va-gom-tu-sa-a118.html