Phần Lan và ẩm thực Phần Lan qua ngòi bút Nguyễn Tuân
Mười năm trước, khi tìm tư liệu viết sách “Phần Lan-Ngôi sao phương bắc”, tôi bất ngờ đọc được những câu văn rất hay về Phần Lan của nhà văn Nguyễn Tuân: “Xứ Phần Lan rừng thông trùng trùng xanh ngắt, nước hồ biếc biếc, phụ nữ da trắng một màu tượng tuyết, gái trai quần áo len ngũ sắc người nào cũng như nai nịt sắp biểu diễn điền kinh. Mình thành ra lạc lõng vào một thế giới vật chất nó sạch sẽ quá, sạch đến cái mức tạo cho tôi một thứ nghi ngờ nơi đây là một ấn tượng giả tạo”. Càng bất ngờ hơn khi được biết đó là đoạn mở đầu trong tùy bút “Phở” nổi tiếng được cố nhà văn tài hoa viết khi “đi họp Hội nghị Hòa bình thế giới” ở Helsinki năm 1955. Nguyễn Tuân kể với nhà văn Phan Hồng Giang rằng: “Ở xa quê hương nhớ cái gì? … Nhớ cái mùi vị không nơi nào trên trái đất này có - mùi vị phở - rồi viết ra”. Nhưng, hai năm sau “Phở” mới được đăng trong 2 số đầu tiên trên Tạp chí “Văn” của Hội nhà văn Việt Nam, số 1 và số 2 ra ngày 10.5 và 17.5.1957, tức chỉ một tháng sau ngày Hội ra đời.
Bản đồ phở Việt Nam trên thế giới
Chuyến đi của Nguyễn Tuân tới Phần Lan diễn ra cách đây đã hơn 62 năm, song ai đã từng một lần đến đất nước này khi đọc đoạn văn trên đều dễ dàng nhận thấy nhà văn Nguyễn Tuân đã miêu tả rất đúng cảnh sắc và con người Phần Lan, cụ thể là Helsinki vào mùa hè. Bởi chỉ có vào mùa hè rừng thông mới “xanh ngắt” và nước hồ mới “biếc biếc một màu”, còn vào mùa đông thiên nhiên Phần Lan chỉ có màu trắng toát của tuyết hoặc màu xám xỉn, tối mờ với cây cối trụi lá vào những ngày không có tuyết và thiếu vắng ánh sáng mặt trời. Song sự sạch sẽ và ngăn nắp của phố phường nơi đây thì vẫn như xưa, thậm chí còn sạch hơn vào thời Nguyễn Tuân đến.
Chưa dám chắc Nguyễn Tuân là người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Phần Lan, song tôi tin rằng ông là nhà văn Việt Nam đầu tiên có mặt ở xứ sở Ông Già Tuyết vào những ngày đêm trắng và viết về Helsinki cũng như ẩm thực của nước này.
“Này, các cậu có thấy món ăn ở Phần lan có nhiều cái rất kỳ quặc không. Thịt bò rán, lại phiết mứt công-phi chua ngọt sắt lên trên. Cam chanh lại ăn kèm với cá gỏi. Cơm lại ướp vào tủ nước đá, mình thấy đĩa cơm có khói, lúc ăn buốt đến chân răng. Nghệ thuật ẩm thực tôi gọi tên là lối nấu nướng của trường phái lập thể. Cho nên tôi càng thấy cần phải trở về với món quà cổ điển rất tính chất dân tộc của ta, tức là phở”. Thật ra, món “thịt bò rán” mà nhà văn được thưởng thức ở đây là thịt tuần lộc được ăn với mứt làm từ quả việt quất - món đặc sản nổi tiếng nhất của Phần Lan mà thường chỉ có khách quý mới được chiêu đãi. Chỉ vì nó không hợp với khẩu vị của Nguyễn Tuân cũng như nhiều người trong đoàn nên các vị thấy lạ và không ngon.
Công bằng mà nói, do điều kiện thiên nhiên và khí hậu nên ẩm thực của Phần Lan không đa dạng và nổi tiếng như nhiều dân tộc khác. Chẳng thế mà nửa thế kỷ sau Nguyễn Tuân, hai nguyên thủ châu Âu còn có những nhận xét nặng lời hơn về ẩm thực Phần Lan khiến dư luận nước này cũng như truyền thông thế giới xôn xao. Trong buổi tiệc khánh thành Cơ quan An toàn Lương thực của EU ở Parma (Italia) năm 2005, thủ tướng Silvio Berlusconiđã nói không úp mở: Không thể nào so sánh thịt nướng từ Parma với thịt tuần lộc hun khói. Trước đó, vào năm 2001, vị thủ tướng này còn phát biểu một cách hài hước rằng: “Người Phần Lan thậm chí không biết prosciutto (thịt nướng thái mỏng) là gì”. Còn Tổng thống Pháp, Jacques Chirac thì lại bị “vạ miệng” với nhận xét: “Sau Phần Lan, Anh là nước có món ăn dở nhất”. Giới truyền thông cho rằng chính vì câu nói đó của ông Jacques Chirac mà Pháp đã mất phiếu ủng hộ của Phần Lan nên quyền tổ chức Thế vận hội Olympic 2012 thuộc về người Anh, mặc dù Pháp được coi là nước có nhiều ưu thế hơn trong cuộc đua.
Mặc dù đoạn mở đầu viết về Phần Lan trong “Phở” như đã dẫn ở trên chỉ là màn dạo đầu, là cái cớ để nhà văn phóng bút phiếm đàm và ngợi ca món ăn “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam mà ông yêu thích, song nó đã khiến nhiều người Việt ngưỡng mộ và yêu thích Nguyễn Tuân nghiện lây món phở, đến với Helsinki và lần theo “dấu vết” của nhà văn.
Trong một bài bút ký, Nguyễn Lê Hồng Hưng đã viết: “Hồi nhỏ tôi đọc tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân, ông viết về phở rất tuyệt và tôi biết ăn phở từ sau khi đọc xong tùy bút của ông. Tuy nhiên tôi thích thú cảnh ông tả về Hen-xanh-ky, tức là Helsinki, thủ đô nước Phần Lan.” …“Vì kính trọng nhà văn tiền bối, một con người tài hoa, đã bôn ba vượt đại dương hàng tháng trời nơi các nước xa xôi, tham dự Hội nghị Hoà bình thế giới để giới thiệu văn hoá nước nhà tới miền Bắc cực này. Mỗi khi lên phố Helsinki tôi hay để ý tìm lại dấu vết của người xưa. Trước tiên tôi tìm trong bản đồ thành phố những hồ nước có vần O hoặc Ö nhưng hổng thấy và không đọc ra hồ nước nào có âm Ô-ta-ni-ê-mi. Khắp Phần Lan có hàng ngàn hồ nước, xung quanh Helsinki ít ra cũng có vài ba chục hồ (Nguyễn Lê Hồng Hưng - Thủ Đô Helsinki). Một du khách khác đến với Helsinki đã viết: “Đối với tôi, Helsinki còn gắn liền với tên tuổi một người Việt khác chỉ qua một bài tùy bút về phở viết tại đây trong những ngày tác giả héo hắc nhớ món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc: Nguyễn Tuân.”
Hội nghị Hòa bình Thế giới và việc lưu trữ ở Phần Lan
Tròn 60 năm Tùy bút “Phở” đến với bạn đọc và 30 năm ngày mất của Nguyễn Tuân, tôi đọc lại “Phở” ở Helsinki và quyết định lần theo dấu vết của nhà văn và đoàn đại biểu Việt Nam năm nào ở nơi này.
Có lẽ không quá lời khi nói rằng: nếu không có “Phở” thì ngày nay rất nhiều người cũng như tôi không biết gì về Hội nghị Hòa bình Thế giới 1955 mà Việt Nam cũng có đoàn đại biểu trong đó có nhà văn Nguyễn Tuân cũng như một số người nổi tiếng khác tham dự. Ngược lại nếu không tham dự Hội nghị hòa bình thế giới và nếu món ăn Phần Lan ngon, hợp khẩu vị với Nguyễn Tuân thì chưa chắc chúng ta đã có tùy bút “Phở” nổi tiếng như đã thấy. Không biết Ủy ban Hòa bình thế giới của Việt Nam và các cá nhân trong đoàn hiện còn lưu giữ những tư liệu về sự kiện ấy không, song thử lần tìm qua Google và hỏi những người quen Phần Lan hoạt động trong phong trào hòa bình ở Helsinki, tôi không thu được thông tin hữu ích gì về hội nghị đó. Cuối cùng tôi gửi câu hỏi tới địa chỉ hỏi đáp thông tin của Thư viện Helsinki, nơi tôi từng hỏi nhiều thông tin cho cuốn sách Phần Lan-Ngôi sao phương bắc khi không tìm được trên mạng và từ thư viện.
Thật không ngờ sau hai tuần gửi câu hỏi đi, tôi nhận được thư trả lời, giới thiệu tôi liên lạc với Lưu trữ nhân dân Phần Lan.Tôi liền gửi email tới cơ quan này và chỉ một ngày sau tôi nhận được email trả lời của một thủ thư từ Lưu trữ nhân dân Phần Lan. Thư cho biết cơ quan này có lưu giữ nhiều tư liệu các loại về HNHB. Trong email, người viết còn hướng dẫn tôi một cách tỉ mỉ cách tìm tư liệu về HNHB trên trang mạng của Lưu trữ nhân dân cùng với địa chỉ và thời gian làm việc của cơ quan này để tôi có thể đến tra cứu trực tiếp nếu muốn.
Lưu trữ nhân dân là nơi lưu giữ những tư liệu cũ nhất của các tổ chức, nghiệp đoàn lao động ở Phần Lan từ năm 1890 đến nay. Cơ quan có 3300m giá tư liệu, 14 000 đầu sách, 10 000 băng, 1 100000 tấm ảnh, 7000 áp phích và 570 tác phẩm nghệ thuật. Trong email vị thủ thư cho biết, trong số hơn 1 triệu tấm ảnh ở đây có hàng trăm ảnh chụp ở HNHB (106 ảnh đã được scan và đưa lên mạng). Anh ta dặn vì tư liệu tôi cần tìm không có sẵn ở phòng đọc mà được giữ ở kho xa nên nếu muốn đến tra cứu và đọc trực tiếp tôi phải hẹn trước để họ kịp chuyển từ kho về.
Phở Việt Nam vào top các món phải thử trên thế giới
Thế là trong thời gian chờ đến Lưu trữ nhân dân tra cứu, tôi đọc lại “Phở” và hồi hộp hy vọng sẽ được mục kích những tư liệu, hình ảnh về hoạt động của đoàn đại biểu Việt Nam tại HNHB, như Nguyễn Tuân đã viết (nhất là tư liệu liên quan đến nhà văn).
Đúng hẹn, tôi đến phòng đọc của Lưu trữ nhân dân. Vị thủ thư chỉ cho tôi những tư liệu cần tìm đang xếp trên giá, một vài tập được để lên bàn cùng với một đôi găng tay trắng bằng vải mỏng. Nhìn đôi găng tay vải tôi chợt nghĩ, so với Lưu trữ Vatican mà tôi từng có dịp đến sưu tầm tư liệu về chữ Quốc ngữ cách đây hơn 15 năm, việc tìm tư liệu ở đây dễ dàng và đơn giản hơn, song phải dùng găng tay mới được tiếp xúc với tư liệu thì lại nghiêm cẩn hơn. Tất cả tư liệu liên quan đến HNHB, từ giấy mời, thẻ vào hội nghị, thư chúc mừng, biên bản hội nghị, thông cáo báo chí, danh sách thành viên các đoàn đại biểu, chỗ ở các đoàn, các cuộc gặp của các đoàn bên lề hội nghị, danh sách những người tham gia phục vụ hội nghị (phiên dịch, tiếp tân) với số ngày làm việc tới chi phí các khoản trong thời gian hội nghị cùng với những tấm ảnh kèm theo các ghi chú rõ ràng lưu giữ trong 5 tập được gói buộcchu đáo.
Phải mất gần trọn một ngày tôi mới lần giở hết được 5 tập và đọc lướt qua tất cả để tìm những thông tin liên quan, cần thiết trong đó. Tuy văn bản, tư liệu ghi chép cũng như hình ảnh liên quan đến đoàn đại biểu Việt Nam không nhiều như tôi mong đợi, song những gì tìm được cũng góp phần làm sáng tỏ hơn một số điều mà nhà văn Nguyễn Tuân đã viết trong “Phở” và giúp tôi biết thêm về HNHB cũng như hoạt động của đoàn Việt Nam tại hội nghị này.
Về thời gian, các tư liệu cho biết: HNHB diễn ra trong thời gian từ 22-29/6/1955 (tức bảy ngày). Còn trong “Phở”, Nguyễn Tuân không nói đoàn đại biểu Việt Nam đến Helsinki và rời đi khi nào mà chỉ viết: “Chúng tôi ở đây mười ngày mỗi ngày họp trả tiền ăn mỗi người là sáu đồng đô la, nó là cái tiêu chuẩn đã khá cao của đoàn đại biểu ta đi hoạt động quốc tế”. Thật thú vị là trong tư liệu lưu giữ có một mẩu giấy bằng nửa tờ A4, trên đó có ghi rõ (bằng chữ in và đánh máy): chuyến tàu hỏa đưa đoàn đại biểu Việt Nam cùng với đoàn Liên Xô và Trung Quốc, gồm 106 người đến ga Helsinki lúc 23 giờ 30 phút (được sửa lại bằng mực xanh viết tay với 20 phút) ngày 19.6. Và trong một tư liệu khác lại có ghi: “Ngày 30.6 đoàn Việt Nam rời Helsinki”. Thông tin trên hai tư liệu này kết hợp với thời gian diễn ra hội nghị đã cho biết đoàn Việt Nam ở Helsinki từ ngày 19.6-29.6.1955, tức đúng “mười ngày” như Nguyễn Tuân viết trong “Phở”.
Như vậy cùng với việc xác định được thời gian của đoàn Việt Nam ở Helsinki, chúng ta còn khẳng định được đoàn Việt Nam đến Helsinki bằng tàu hỏa. Có lẽ vì Nguyễn Tuân viết: “Từ hôm xách va ly ra tàu qua nước này nước khác, thế là mấy tháng rồi; ở nhà đã hoàn thành tiếp quản Hải phòng rồi, đất đai miền Bắc giải phóng toàn bộ rồi...” mà nhiều người nghĩ rằng Nguyễn Tuân và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Helsinki bằng tàu biển: “đã bôn ba vượt đại dương hàng tháng trời” như tôi đã dẫn trên đây. Nguyễn Tuân cũng không cho biết đoàn Việt Nam xuất phát từ Hà Nội ngày nào nên chúng ta không biết được đoàn đã đi từ Hà Nội đến Helsinki mất bao lâu? Nhưng trong phần chú thích dưới một bức ảnh chụp đoàn Việt Nam, in trong bản tin số 3, ngày 23.6 bằng tiếng Pháp của hội nghị có viết: “Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 20 thành viên chính thức và 5 quan sát viên đến Helsinki sau chuyến đi 12 ngày, chuyến đi đã đưa họ từ Bắc Kinh đến thủ đô Phần Lan”. Như vậy là cùng với mẩu giấy đã dẫn ở trên, tư liệu này đã giúp khẳng định đoàn Việt Nam đến Helsinki bằng tàu hỏa.
Hội nghị được tổ chức ở Tòa nhà Hội chợ Helsinki (Messuhalli, nay là chợ trong nhà) với sự tham gia của 1841 đại biểu từ 68 nước trên khắp các châu lục. Danh sách đại biểu chính thức của hội nghị được xếp theo lĩnh vực hoạt động. Đoàn Việt Nam gồm 12 đại biểu do bác sĩ Lê Đình Thám, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm trưởng đoàn và 4 quan sát viên. Trong số thành viên chính thức của đoàn Việt Nam có một số nhân vật đáng chú ý như: Dương Đức Hiền, Tổng thư ký Đảng Dân chủ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nguyễn Xuân Thủy (Xuân Thủy), Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lê Văn Thiêm, Trưởng khoa khoa học, Đại học Hà Nội và Nguyễn Tuân, Tổng thư ký Hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam. Nguyễn Tuânlà 1 trong 62 nhà văn của tất cả các đoàn tham gia hội nghị, trong đó có một số nhà văn quen biết với độc giả Việt Nam như: Alexander Fadeev và Constantin Fedin (Liên Xô), Nazim Hikmet (Thổ Nhĩ Kỳ). Ngoài ra, rải rác trong một số tư liệu khác, tôi còn đọc được một số tên người Việt Nam như: Nguyen Xuan Tu, Tran Van Chuong, Pham Khac Quang, Phan Van Chuong, Nguyen Thi Vinh, song không có chức vụ ghi kèm giống như trong danh sách các thành viên chính thức có trong bản tin số 2 của Hội nghị.
Trong thời gian hội nghị, các đoàn đại biểu đã tham dự ngày lễ hội Hạ chí (Juhannus) ở Helsinki và Espoo. Một tư liệu cho biết chiều tối ngày 26/6 đoàn Việt Nam cùng với đoàn Trung Quốc, một số đại biểu đoàn Ấn Độ và một số đại biểu đoàn Pháp đã đến đón đêm hội hạ chí ở Otaniemi. Chắc tham gia sự kiện này nên nhà văn Nguyễn Tuân đã viết: “Quanh hồ khu Ô-ta-ni-ê-mi, chúng tôi ngồi dưới rừng thông xanh phân tích với nhau xem tại sao lòng dạ mấy người đang thấy nhớ thương một cái gì xa xôi lắm… Có người bèn chỉ tay thẳng xuống nền cỏ bờ hồ Phần Lan, buông thõng một câu: "Bây giờ có ngay một gánh phở đỗ bên bờ hồ này, thì tớ đả luôn sáu bát!".
Tôi cũng được ngắm nhìn một số tấm ảnh đen trắng chụp cảnh mọi người đang ăn uống, tuy đã hơn 60 năm, song chất lượng vẫn còn tốt, đủ để nhận rõ những gì mà Nguyễn Tuân miêu tả là không quá lời: “Mỗi ngày ăn ba bữa, khẩu phần thừa thãi bổ béo; nghi thức lúc ăn thật là trang trọng: đồ sứ, pha lê, khăn bàn trắng muốt, quanh bàn ăn chốc chốc lại cử nhạc, những chị đưa món ăn trông đẹp như rượu rót trong các truyện thần thoại phương Bắc này. Tôi hào hứng làm việc liền liền ở Hội nghị Hòa bình thế giới, cơ thể nhịp đều, tâm trí có nhiều sáng kiến.”
Trong danh sách 146 chủ tịch, điều khiển các phiên họp của Hội nghị, có ba người Việt Nam là Lê Đình Thám, Phan Văn Chương và Phạm Khắc Quảng. Trong số hàng trăm tấm ảnh được lưu giữ, có một số ảnh chụp đoàn Việt Nam, người xuất hiện nhiều nhất là Lê Đình Thám, trong đó có ảnh ông đang đọc tham luận tại hội nghị. Bản tin số 3 (bằng tiếng Pháp) của hội nghị có in bài phát biểu của ông Lê Đình Thám và lời chào mừng của Ủy ban bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam gửi hội nghị. Một số tư liệu khác cho biết trong thời gian hội nghị, đoàn Việt Nam có các cuộc gặp với đoàn Algeri (ngày 23.6). Bản tin ngày 28.6 đưa tin các đoàn Việt Nam, Kampuchia và Pháp có cuộc gặp gỡ và cuối buổi gặp hai đoàn Việt Nam và Kampuchia đã tặng quà lưu niệm cho đoàn Pháp.
Một tư liệu của hội nghị còn cho biết trong hội trường người ta dựng một cây thông thẳng tắp cao hàng chục mét được đưa từ rừng ở một làng cách Helsinki gần 100km về để biểu thị lòng hiếu khách của nước chủ nhà. Sau khi hội nghị kết thúc, cây thông này sẽ được cắt ra từng mẩu nhỏ và tặng cho các đoàn làm kỉ niệm. Không biết đoàn Việt Nam có nhận và mang về vật lưu niệm đó không?
Thay cho lời kết
Không ngờ nhờ công tác lưu trữ được coi trọng và bảo quản chu đáo, cộng với sự phục vụ hết tận tình của thủ thư thuộc cơ quan Lưu trữ nhân dân Phần Lan mà tôi đã tìm được một số thông tin, tư liệu về Nguyễn Tuân và đoàn đại biểu Việt Nam tham gia hội nghị hòa bình thế giới ở Helsinki cách đây hơn nửa thế kỷ. Tiếc rằng những tư liệu này không thấy được nói đến trong tiểu sử của một số người nổi tiếng, từng là thành viên tham dự hội nghị đó, chẳng hạn như: Dương Đức Hiền, Xuân Thủy, Lê Văn Thiêm, nhất là trưởng đoàn Lê Đình Thám. Tôi thầm nghĩ nếu như Nguyễn Tuân không phải là một thành viên trong đoàn đại biểu Việt Nam đến Helsinki tham dự Hội nghị và ẩm thực Phần Lan hợp với khẩu vị Nguyễn Tuân cũng như các đại biểu khác của đoàn chắc hẳn chúng ta không được thưởng thức một bài tùy bút nổi tiếng như “Phở”.
Từ việc tìm tư liệu cho bài viết này tôi chợt nhớ cách đây không lâu khi bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Nga được xuất bản, một đồng nghiệp viết rằng: cho đến nay Truyện Kiều đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng nước ngoài. Tôi có hỏi người đồng nghiệp có biết “hàng chục” thứ tiếng đó là những tiếng nào không? Vị đồng nghiệp trả lời: chỉ nghe mọi người nói/viết thế. Hình như chúng ta chưa có dữ liệu đầy đủ về các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài? Trong khi từ ngân hàng dữ liệu của Trung tâm trao đổi văn học Phần Lan (FILI) người ta có thể tìm được tất cả các tác phẩm văn học Phần Lan được dịch ra tiếng nước ngoài từ năm 1839 đến nay.
Võ Xuân Quế/VHVN