Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm: Truyền đời nghề hát bội

Danh ở hát bội, tủi cực cũng cùng hát bội, gắn bó từ thời trẻ đến gần tuổi lục tuần, Vũ Linh Tâm vẫn lặng lẽ, âm thầm từng ngày, từng ngày lưu giữ “báu vật” của Tổ nghiệp, có lúc tưởng chừng đã bị lãng quên.

 
Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm (phải) khi hóa thân thành nhân vật Tiết Giao. Ảnh nhân vật cung cấp

Chẳng dễ dàng nhưng người con của đất Vĩnh là một trong những nghệ sĩ góp công bảo tồn di sản dân tộc, phục vụ nhân dân, giữ cho sân khấu sáng đèn giữa thế giới nghệ thuật còn nhiều nhộn nhạo và lắm đổi thay.
 
Trót mê nghiệp lắm nỗi đa đoan
 
Ngày đầu năm, nắng trải vàng bên những giàn hoa he hé nụ chờ tết, chúng tôi có hẹn đến thăm gia đình của những nghệ sĩ dành trọn vẹn cuộc đời cho nghệ thuật.
 
Một “Tiết Giao” với gương mặt kẻ rằn ri đen trắng hùng dũng, oai vệ tung hoành trên sân khấu, ngoài đời lại giống như một lão nông ngấp nghé tuổi lục tuần, thường trực nụ cười hiền hậu trên môi.
 
Ngôi nhà của Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm đầy những loại phục trang cầu kỳ, cờ phướn, lông công, lông trĩ,…
 
Trên giá sách, bằng khen chất thành một cột cao, thời gian phủ lên chúng lớp bụi mờ, chữ nghĩa trên bằng khen cũng chẳng còn thấy rõ.
 
Vũ Linh Tâm cho biết tình yêu với nghệ thuật tuồng cổ như lẽ đương nhiên khi từ bé ông đã lang bạt cùng gia đình trên “ghe hát bội”, rong ruổi biểu diễn khắp các tỉnh phương Nam: Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang,…
 
Là thế hệ thứ 3 trong gánh hát bội Đồng Thinh nổi danh ở đất Vĩnh Long xưa, 13 tuổi, Vũ Linh Tâm đã làm quân sĩ cầm cờ hiệu chạy múa trên sân khấu.
 
Tuổi thơ của ông lấp đầy bởi những tuồng tích, tiếng vỗ tay reo hò, tiếng kèn, tiếng trống trong lễ hội ở các đình làng.
 
Hát bội là một nghề khó khi nó là nghệ thuật tổng hợp có tính ước lệ cao với những động tác cách điệu, cách nói lối, ca ngâm đầy âm sắc.
 
Một người có thể đứng trên sân khấu phải am hiểu tương đối tầng tầng lớp lớp các kiến thức từ trang phục, hóa trang, bài bản, giọng hát, điệu bộ, kể cả võ thuật và cách sử dụng binh khí.
 
Trong lối biểu diễn của Vũ Linh Tâm hay bất kỳ nghệ sĩ hát bội nào ở thời ấy luôn có bóng dáng của thế hệ trước vì họ phải tự tìm người để “bắt chước” chứ chẳng có trường lớp đào tạo.
 
Đó cũng là nguyên do hát bội có lúc trầm lắng hay người sau không thể giỏi hơn người đi trước vì có những “ông thầy giấu nghề”.
 
Vũ Linh Tâm kể, có thầy dạy đã là may mắn vô cùng và những người thầy nghiêm khắc đến độ trò “thất kinh hồn vía, muốn… xón đái trong quần”. Người có thể theo đuổi tận cùng với nghề phải đủ đam mê và quyết tâm khổ luyện là thế!
 
Đời nghệ sĩ rong ruổi có không ít thăng trầm. “Dân trong làng kéo nhau tới ngồi bệt dưới đất đội sương, dầm mưa coi rồi đeo theo khen đáo để. Nhưng có người lại khinh mấy thằng gánh hát suốt ngày chỉ biết ử ừ ư”- Vũ Linh Tâm bồi hồi.
 
 
Vũ Linh Tâm gửi gắm hết tâm huyết và đặt kỳ vọng vào thế hệ trẻ của hát bội Vĩnh Long. Ảnh: Trảng - Thúy
 
Biết bao kỷ niệm theo Vũ Linh Tâm đến suốt đời: “Lênh đênh nơi sông to gió lớn đêm hôm mù mịt, không biết sống chết giờ nào.
 
Có tháng mưa tới 26 ngày không diễn được buổi nào, đói khát phải mượn gạo đầu trên xóm dưới, gặp chính quyền tốt, chủ quán thương tình cho đồ ăn, mừng rớt nước mắt”.
 
Không ít lần ghe hát phải buồn buồn, tủi tủi vì “đi tới đâu mưa tới đó, người dân xua đuổi do chẳng mần ăn được gì”.
 
Khó khăn trăm bề nên nhiều nghệ sĩ tìm đường khác mưu sinh, còn những ai bám trụ được thì phải tìm nghề tay trái để tồn tại.
 
Sau những lần tan rồi hợp, năm 1984, Vũ Linh Tâm làm trưởng đoàn gánh hát Đồng Thinh trong 15 năm. Đến giờ, ông vẫn làm cố vấn nghệ thuật cho đoàn.
 
Trót mê nghiệp lắm nỗi đa đoan nên chính hát bội đã tôi luyện người nghệ sĩ đủ mạnh mẽ để níu nghề, níu giữ lòng người trước bao đổi thay của thời cuộc.
 
“Rút ruột” ươm mầm cho thế hệ tương lai
 
 
Du khách quốc tế thích thú, tìm hiểu và tập các điệu múa của nghệ thuật hát bội cùng Vũ Linh Tâm. Ảnh: Internet
 
Sau khi trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long, Vũ Linh Tâm được học lớp sáng tác và đạo diễn cải lương.
 
“Trộn tri thức vào thiên bẩm”, ông “rút ruột” dùng hết sức mình truyền đạt lại cho thế hệ sau. Không chỉ truyền dạy cho con cháu, năm 2017, Vũ Linh Tâm “gật đầu” cùng Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long mở lớp bồi dưỡng nghệ thuật hát bội cho 15 học viên.
 
Trước thành tích đáng khích lệ là huy chương đồng hội diễn tài năng trẻ toàn quốc diễn ra ở Nha Trang của nhóm “đồng ấu” từ 10- 13 tuổi, năm 2018, Trường Văn hóa Nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục mở lớp nâng cao để mọi người học thêm, thuần thục hơn nữa.
 
Vũ Linh Tâm chia sẻ, gần 50 năm theo nghề hát bội, ông luôn tâm niệm cố hết sức mình cống hiến được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
 
Điều quan trọng nữa là ý thức trách nhiệm, cũng là một ước vọng làm sao đào tạo được lực lượng kế thừa. Lớp trẻ của Vĩnh Long hiện tại là thế hệ thứ 6 của nghệ thuật hát bội.
 
Điều mừng nhất là vẫn còn người biết được hát như thế nào, động tác vũ đạo, nhịp phách ra sao, tuồng tích khó hay dễ, hay hay dở,…
 
Ươm được hạt mầm, lan tỏa được tình yêu đối với nghệ thuật hát bội để những người như ông, thế hệ trước nữa, bây giờ đã 70- 80 tuổi mất đi thì hát bội cũng không biến mất.
 
Ông cười sảng khoái: “Một mình tôi cũng không thể làm được gì, hơn hết là được quan tâm, giúp đỡ và tạo kiện của Nhà nước”.
 
“Những người đi trước, khoảng thế hệ thứ 4, bây giờ đã 50- 60 tuổi sống trọn với hát bội, phải trang trải cuộc sống bằng nghề buôn bán lặt vặt, bán hàng rong, hát lễ hội, đình làng.
 
Như kiếp “con tằm ăn lá dâu xanh” chẳng biết trước tương lai, dù khó khăn nhưng vẫn đam mê. Nhiều nghệ sĩ vẫn nói vui, nếu có kiếp sau tui cũng muốn đi hát, vầy là đủ”- Vũ Linh Tâm kể.
 
Vài lần có duyên theo chân đoàn hát Đồng Thinh đi biểu diễn, hình ảnh mà chúng tôi thường bắt gặp là Vũ Linh Tâm lặng lẽ đứng quan sát mọi người từ “cánh gà”.
 
Chốc chốc, vẻ mặt ông lo lắng, chạy đi góp ý với dàn nhạc, lúc lại vội vã chỉnh sửa quần áo, ôn lại thoại với những bạn nhỏ. Người thầy không trực tiếp đứng trên sân khấu nhưng vẫn “chạy đôn chạy đáo” để sân khấu được sáng đèn.
 
Người nghệ sĩ đáng kính ngày ngày vẫn âm thầm tìm cách giữ gìn để âm nhạc, lời ca tiếng hát, làn điệu cung thương phương Nam mãi được vang vọng.
 
Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm hiện là Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu tỉnh Vĩnh Long. Ông đạt nhiều giải thưởng về sáng tác và biểu diễn hát bội, sân khấu cải lương, đờn ca tài tử,…

Ngọc Trảng - Phương Thúy
(Báo Vĩnh Long)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-nhan-uu-tu-vu-linh-tam-truyen-doi-nghe-hat-boi-a11742.html