Huyền tích miếu Bà Lem

Theo thiết chế văn hóa xưa, ngoài đình làng, mỗi xóm (ấp) còn có 1 ngôi miếu (miễu). Miếu thường làm bằng vật liệu cây lá, diện tích nhỏ, bên trong thường có 1 đến 3 bàn thờ, trang trí đơn giản. Miếu là cơ sở tín ngưỡng chung của một xóm hay một ấp. Căn cứ vào nội dung thờ phượng, có thể chia ra 3 loại miếu: Miếu cô hồn, thường ở nơi thị tứ hoặc nơi có tai nạn; miếu Ông (miếu Quan Công, Thổ Địa, Thổ Thần) thường ở miệt vườn, vùng Nho học phát triển và miếu Bà. Trong 3 loại miếu trên, miếu Bà có số lượng nhiều nhất.

 

Miếu Bà Lem tọa lạc bên bờ rạch Cầu Bàng, thuộc ấp Bình Ninh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Ông Tư Chỉnh là “cây đại thụ” của xóm Cầu Bàng cho biết: “Ngôi miếu này xưa lắm. Tôi nay đã 98 tuổi, mà đương thời cha của tôi từng là thành viên trong Ban Tế tự của ngôi miếu này. Nguyên thủy ngôi miếu bằng tre lá đơn sơ. Khoảng năm 1915, thầy Cai Hiếu (Cai tổng Lợi Trường Nguyễn Thành Hiếu) đứng ra xây cất lại, cột bằng gỗ thao lao, nhưng cũng lợp lá. Thầy Cai Hiếu còn hiến 5 công đất cho Ban Tế tự lo việc nhang khói, cúng bái. Mấy chục năm sau, con rể ông là thầy Ký Diện xuất tiền sửa chữa lại. Giai đoạn chiến tranh, miếu Bà Lem có thời gian bị hoang phế. Sau năm 1975, người dân trở về dọn dẹp vườn cũ, khôi phục sản xuất, ngôi miếu được sửa lại. Tính đến nay, ngôi miếu có tuổi đời ít nhất 200 năm.
 
Tại sao gọi là miếu Bà Lem?
 
Vào mùa viêm nhiệt, các ngôi miếu thường làm lễ cúng, mục đích cầu cho người dân trong xóm (ấp) được bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Miếu Bà Lem mỗi năm có 2 lệ cúng là Hạ điền và Thượng điền; sau 3 năm tổ chức một lễ Kỳ yên trang trọng, tươm tất theo quan niệm “tam niên đáo lệ Kỳ yên”. Đặc biệt, khi cúng đều có mời bà Bóng đến diễn xướng dâng lễ. 
 
Chương trình cúng miếu có đầy đủ các tiết mục khai tràng, dàn nhạc bóng diễn tấu nhiều bản nhạc thỉnh Bà giáng lâm. Bà bóng rỗi chầu mời - thỉnh tổ, múa dâng bông, múa mâm vàng mời Bà và các Cậu, Ông, cô hồn, chiến sĩ… về dự. Những năm tới lệ Kỳ yên, Ban Khánh tiết có mời đoàn hát bội về diễn phục vụ. Khuôn viên miếu hồi xưa khá rộng, nên có khi đoàn hát lưu lại, tổ chức hát giàn phục vụ bà con cả tháng mới rời đi.
 
Qua lời kể của ông Chỉnh và một số người cao tuổi trong xóm, có thể khẳng định miếu Bà Lem thuộc dạng tín ngưỡng Bà Chúa Xứ - vị nữ thần phù hộ dân làm ruộng. Việc tổ chức mỗi năm 2 lệ cúng và có cả lễ Kỳ yên cho thấy dân xóm Cầu Bàng ngày xưa rất khá giả.
 
Vì sao có tên gọi miếu Bà Lem? Có nhiều cách giải thích. Cũng có thể có một người phụ nữ nào đó tên Lem đã lập ra ngôi miếu cổ này. Tuy nhiên, các bô lão trong xóm kể lại rằng, xưa có một chiếc ghe thương hồ vô rạch Cầu Bàng mua bán rồi lưu lại miếu tá túc. Trên ghe có hai cha con, không may cô con gái bị bệnh rồi đột ngột qua đời. Người cha chở thi thể con về xứ. Năm sau, vào ngày cúng miếu, các bà bóng thực hành các nghi lễ xong thì đến tiết mục “Bà giáng lâm”, cô gái nhập vào bà bóng cốt, xưng là Bà Lem, chào hỏi mọi người. Từ đó, mỗi lần cúng miếu thì Bà Lem lại trở về phán lời phước hay họa cho dân trong xóm. Tên gọi miếu Bà Lem xuất phát từ đó.
 
Cá về dự lễ
 
Vào ngày 15 và 16 tháng 5 âm lịch miếu Bà Lem tổ chức lễ cúng Thượng điền, đến ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch thì làm lễ Hạ điền. Ông Tư Chỉnh kể, hồi những năm 1955 - 1960, vùng này khá yên ổn, mỗi lần cúng miếu thì đột nhiên có một cặp cá hô rất lớn từ rạch Rau Răm bơi vô rạch Cầu Bàng rồi dừng lại quẫy đuôi trước miếu. Cặp cá này ước tính mỗi con cả chục ký nhưng không ai dám bắt. Đến khoảng sau năm 1965, chiến tranh ác liệt, bà con trong xóm tản cư, việc cúng kiếng phải dời địa điểm cách ngôi miếu cũ hơn 1 km, vậy mà cặp cá hô cũng bơi “về dự”. Chiến tranh kéo dài, ngôi miếu trở nên hoang phế, việc cúng kiếng bị đứt quãng, từ đó cặp cá hô cũng không còn vô ra rạch Cầu Bàng nữa.
 
Năm 2015, xã Tam Bình xây dựng xã nông thôn mới, một số nhà hảo tâm các nơi tài trợ xây dựng đường bê tông ấp Bình Ninh và cất lại miếu Bà Lem (nền lót gạch men, mái tôn và xây dựng bàn thờ chính). Trên bàn thờ được bố trí hình Bà Chúa Xứ với 2 vị thần hầu cận là Cậu Trày và Cậu Quí, chứng tỏ dân ấp Bình Ninh vẫn còn giữ được truyền thống cũ, song việc cúng kiếng không còn quy mô như trước. 
 
Phan Lê 
(Báo Ấp Bắc)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huyen-tich-mieu-ba-lem-a11740.html