Nhạc sĩ Trương Minh Phương - Một nhân cách làm nghề mà tôi biết*

Ngồi ghi lại những dòng này khi anh đã đi xa, dù có muộn nhưng với trách nhiệm của người nghệ sĩ cầm bút, xin khắc họa đôi nét về nhân cách của nhạc sĩ Minh Phương, tôi tin rằng sẽ không bao giờ là thừa, không bao giờ là muộn với những thế hệ nhạc sĩ sáng tác hôm nay...



Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học "Nhạc sĩ, Nhà viết kịch Trương Minh Phương"

Tôi còn nhớ vào khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, phong trào hội diễn văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi và rộng khắp ở địa bàn tỉnh Bình – Trị - Thiên (trước đây) nói riêng và Quân khu 4 nói chung. Các nhạc sĩ sáng tác hồi đó không nhiều như bây giờ, chủ yếu là các nhạc sĩ đã đi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc như: Trần Hoàn, Minh Phương, Trần Hữu Pháp, Lê Anh, Hoàng Sông Hương, Thái Quý, Quách Mộng Lân, Mai Xuân Hòa, Khắc Yên, và sau đó một chút là Việt Đức, Vĩnh Phúc, Trần Tích, Hoàng Hữu Lộc, Xuân Đồng… Trong số đó phải kể đến nhạc sĩ Minh Phương, một cá tính riêng khá độc đáo, một nhân cách của người làm nghề chuyên nghiệp đáng để chúng ta phải suy ngẫm, học hỏi trên lĩnh vực lao động nghệ thuật và đạo đức nghề nghiệp hiện nay. Trong số đó phải kể đến nhạc sĩ Minh Phương, một cá tính riêng khá độc đáo, một nhân cách của người làm nghề chuyên nghiệp đáng để chúng ta phải suy ngẫm, học hỏi trên lĩnh vực lao động nghệ thuật và đạo đức nghề nghiệp hiện nay.

Anh là người đi nhiều, viết nhanh, cấu tứ đề tài và giai điệu trong các ca khúc của anh rất gần gũi với quần chúng, dễ hát, dễ phổ cập. Chúng tôi có cảm giác bất cứ địa bàn nào mà dấu chân anh từng qua đều để lại những ấn tượng khó quên với quần chúng và các đồng chí lãnh đạo cơ sở. Với tác phong nhanh nhẹn, giản dị, cách nói chuyện dí dỏm, hài hước, anh luôn sống hòa đồng và thu hút mọi người xung quanh. Cho đến bây giờ, hình ảnh nhỏ nhắn với nụ cười, ánh mắt hỏm hỉnh ấy vẫn lưu giữ khá đậm nét trong tình cảm của thế hệ nhạc sĩ chúng tôi, những người em, người học trò của anh.
 
Tôi còn nhớ như in những tháng năm trong thời bao cấp (khoảng 1980 đến 1985), đời sống của cán bộ và nhân dân vô cùng khó khăn, lúc đó tôi chỉ là một nhạc công đệm đàn Ác-cooc-đê-ông và tập tành sáng tác, còn anh đã là một nhạc sĩ tên tuổi của Sở Văn hóa Thông tin Bình – Trị - Thiên, đượcnhiều người và công chúng yêu âm nhạc biết đến. Anh thường có mặt ở khắp mọi nơi, vừa sáng tác, vừa tập hát, vừa dàn dựng cho các đội văn nghệ quần chúng, nhiều lúc tôi có cảm giác anh căng sức ra làm việc hết mình nhưng không hề giận dữ, quát tháo như một số đạo diễn khác mà anh chỉ nhắc nhở hết sức tâm tình, chỉ bảo cụ thể cho từng người, tạo bầu không khí thân mật, gần gũi giữa đọa diễn và diễn viên của các đội văn nghệ cơ sở… Trong những lúc mệt nhọc như thế, thỉnh thoảng anh lại khoe với tôi: “Tớ mới có giai điệu này cậu nghe thử được không?”, thế rồi anh hát say sưa, diễn giải, trao đổi với tôi như một người bạn, một người đồng nghiệp mà không hề phân biệt tuổi tác và khoảng cách giữa một nhạc sĩ và một người mới bước vào nghề sáng tác như tôi lúc đó. Thiết nghĩ điều này không phải nhạc sĩ đàn anh nào cũng làm được. Đó chính là bài học thứ nhất về làm người – làm nghề mà chúng tôi học được ở anh trong những năm tháng hòa bình mà gian khó nhất.
 
Năm 1980, từ chuyến viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, anh đã cho ra đời ca khúc Chiều Trường Sơn nổi tiếng với điệu slow lắng đọng, lay thức hàng triệu con tim người Việt lúc bấy giờ. Với ca từ mộc mạc, hát như kể chuyện trong dòng chảy giai điệu hoài niệm, nhớ thương. Ca khúc như làm sống lại một thời đạn bom, một thời hào hùng nhưng đầy tính nhân văn của thế hệ cha anh đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, tự do của quốc gia, dân tộc. Ít ai biết, trong khói hương nghi ngút trước phần mộ các liệt sĩ Trường Sơn, ông đã giấu kín nỗi buồn, giấu kín tâm tư khi lien tưởng có lẽ một ngày nào đó, con mình cũng sẽ về nằm ở nơi đây. Người con trai cả của nhạc sĩ thời điểm đó đang chiến đấu ở mặt trận biên giới phía Bắc đầy khốc liệt, nơi sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc. Bài hát lắng đọng, hòa trộn, đan xen những cảm xúc riêng – chung, những nỗi niềm ruột thịt đau đáu, nhớ thương với tình cảm, sự trân trọng, thương nhớ, biết ơn những người anh hùng của dân tộc. Ca khúc này do ca sĩ Lê Nga ở nhà máy xi măng Đông Hà là người hát đầu tiên gây được cảm xúc rất mạnh cho người nghe và ngay lập tức tạo nên phản ứng dây chuyền về hiện tượng Chiều Trường Sơn của nhiều năm liên tiếp sau đó. Ấy vậy mà nhiều lúc anh em ngồi uống nước trà với nhau anh vẫn thường mơ ước làm sao có đủ tiền để in một tập nhạc cho đàng hoàng và đầu tư phối âm, phối khí cho ca khúc này đi đến tận cùng cảm xúc của người nghe. Những tưởng như đơn giản nhưng vô cùng khó khăn với  anh em nhạc sĩ chúng tôi thời kỳ đó.
 
Trong cuộc thi ca khúc về Cách mạng tháng Mười năm 1987 do Sở Văn hóa – Thông tin và Phân hội Âm nhạc tỉnh Bình Trị Thiên phát động đã thu hút được sự tham gia của 52 tác giả chuyên nghiệp và không chuyên với gần 80 tác phẩm. Ban Tổ chức chỉ chọn 20 bài để in tập nhạc phát hành quảng bá thì riêng nhạc sĩ Minh Phương đã có đến 2 bài được chọn là Hành khúc tháng Mười và Mối tình đầu. Đặc biệt, trong ca khúc Mối tình đầu anh dã chọn cách tiếp cận với Cách mạng tháng Mười thông qua hình ảnh bác Tôn Đức Thắng với biển Hắc Hải, với xứ dừa An Giang, với chiến hạm Rạng Đông để nói lên mối tình đầu tuyệt đẹp giữa quan hệ hai nước Việt Nam – Liên Xô, giai điệu cuốn hút, dễ phổ cập, khi mới viết xong anh hát cho tôi và một vài người bạn cùng nghe… Rất say sưa, anh vừa gõ nhịp vừa hát, và một vài phút sau tất cả anh em cùng hát theo một cách dễ dàng, lại còn thêm cả bè trên, bè dưới nghe dày và hay hẳn lên: “Chiều An Giang sông nước mệnh mang/ Nhớ rạng đông biển trời Ban Tích/ Chiều An Giang tháng tám thu sang/ Nhớ Rạng Đông Cách mạng tháng Mười / Người chiến sĩ quê dừa xanh Xô Viết/ Mối tình đầu Việt Nam – Liên Xô”. Anh hát hồn nhiên, say sưa, mồ hôi chảy ròng ròng, bụng đói cồn cào nhưng anh vẫn hát với chúng tôi để hòa cùng niềm vui và lòng tin vào cách mạng, hát quên đi tuổi tác của mình, hát quên đi mọi ưu phiền, hát với lòng tin yêu vào sự nghiệp đổi mới của Đảng ta. Đó chính là bài học thứ hai về tình cảm lạc quan, tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, vào chế độ, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
 
Với tư cách là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, một nhà quản lý, anh tham gia hầu hết các ban giám khảo của các hội diễn chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp ở tỉnh, khu vực và cả nước thời bấy giờ, tôi thường xuyên và may mắn được gặp anh nhiều lần với tư cách là nhạc công và viết bài cho một số đơn vị tham gia liên hoan. Anh là người rất nghiêm khắc trong hoạt động chuyên nghiệp nhưng lại rất nâng niu các hạt nhân nòng cốt trong hoạt động phong trào. Sở dĩ tôi nói vậy vì anh nhận xét rất nghiêm túc và tỉ mỉ đối với diễn viên chuyên nghiệp, anh thường nói họ ăn lương để làm nghề thì phải có những giá trị cụ thể đối với từng người trong nghệ thuật, còn anh em phong trào họ làm tay ngang, nếu họ nhiệt tình và có năng khiếu cần phải khuyến khích động viên, vì chính họ là những người chăm chút, phục vụ đời sống người lao động ở cơ sở, nhất là cơ sở vùng sâu, vùng xa, không phải lúc nào cũng được xem văn công biểu diễn. Điều đó được anh thể hiện rất rõ trong khi tâm tình cùng với lãnh đạo và diễn viên các đoàn, kể cả trong báo cáo tổng kết liên hoan với vai trò là Trưởng Ban giám khảo.
 
Đối với đồng bào dân tộc ít người, anh đặc biệt quan tâm và chăm sóc, giúp đỡ rất chu đáo mỗi lần về tỉnh tham gia hội diễn quần chúng. Hình như giữa anh và núi rừng có một mối quan hệ rất đặc biệt, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu về âm nhạc của các tộc người ở Trường Sơn – Tây Nguyên với nhiều chuyên khảo, nhiều bài viết phê bình khá sâu sắc. Nhiều ca khúc mang âm hưởng miền núi của anh được đồng bào các dân tộc ở A Lưới và Nam Đông thuộc lòng giống như học thuộc các bài dân ca của dân tộc mình. Đó chính là bài học thứ ba về tính quần chúng, tính nghiêm túc trong công việc, tính nhân văn với thân phận của mỗi kiếp người.
 
Ngồi ghi lại những dòng này khi anh đã đi xa, dù có muộn nhưng với trách nhiệm của người nghệ sĩ cầm bút, xin khắc họa đôi nét về nhân cách của nhạc sĩ Minh Phương, tôi tin rằng sẽ không bao giờ là thừa, không bao giờ là muộn với những thế hệ nhạc sĩ sáng tác hôm nay, bởi đó chính là đạo làm người, đạo làm nghề mà bất cứ ai muốn thành danh cũng cần phải có.
 
-------------------------------
 
* Tham luận tại Hội thảo khoa học "Nhạc sĩ, Nhà viết kịch Trương Minh Phương"

Tiến sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức 
Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhac-si-truong-minh-phuong-mot-nhan-cach-lam-nghe-ma-toi-biet-a11723.html