Chùa nằm trên trục đường chính, nhưng nếu lơ đãng một chút, khách phương xa sẽ không tìm thấy. Bởi, cổng chùa phủ đầy rêu phong, sương gió, lẩn khuất giữa dãy nhà dân, không đầy màu sắc nổi bật như những cổng chùa Khmer khác. Nhưng chỉ cần bước qua cổng, một hình ảnh rất đẹp đập vào mắt: đường đi vào chùa trải dài theo hàng cây còng, mà cây nào cũng có hoành to, 2-3 người ôm mới xuể. Các nhánh cây hướng vào nhau, tạo thành mái vòm thiên nhiên, che mát con đường, mang đến cảm giác bình yên đến lạ.
Chúng tôi ghé chùa vào một buổi trưa mưa bão. Hàng cây còng vẫn giang rộng cành lá che chở con đường, giọt mưa phải len lỏi qua kẽ lá mới rớt xuống được. Trong tiếng mưa rả rích, chúng tôi nghe chuyện từ sãi cả Chau Vanh (pháp danh Wath Thiêk Thommô, trụ trì chùa). Vị sãi cả ấy đã gần lục tuần, với 29 năm gắn bó tại chùa, nói tiếng Kinh rất tốt.
“Prochum Meáp Chhưm Kiriram” có nghĩa là “ngôi chùa ở giữa núi”, còn “Krăng” là gò cao, “Krốch” là bưởi rừng. Năm 1608, chùa được xây dựng ở trên một gò cao, đầy bưởi rừng, lại được bao xung quanh là núi” - sãi cả Chau Vanh cho biết. Tay ông lần tìm một mảnh giấy cũ từ trong ví, mà theo ông là có bút tích của một vị sãi cả đời trước ghi lại năm xây dựng chùa, tên 21 vị sãi cả, được lưu giữ cẩn thận đến giờ.
Ngôi chùa tồn tại đã hơn 400 năm, mặc kệ gió mưa, biến động của cuộc sống. Để vào chùa, mọi người phải đi tắt ngang qua ruộng lúa của dân, rất vất vả. Năm 1965, sư cả trụ trù chùa lúc ấy (Hòa thượng Khunh Sa Ríth) vận động phật tử hiến đất ruộng để nhà chùa làm đường đi. Khi con đường hoàn thành, hòa thượng cho trồng rất nhiều cây còng để tạo cảnh quan đẹp.
“Trước khi viên tịch, sư thầy căn dặn: đừng đụng tới hàng còng, cứ để chúng phát triển tự nhiên. Thực hiện ý nguyện ấy, đồng thời gìn giữ kỷ niệm của sư thầy, từ khi tiếp quản ngôi chùa đến nay, tôi vừa giữ lại hàng còng cũ, vừa trồng mới thêm nhiều cây khác. Nhưng có lẽ vì thời tiết, điều kiện thực tế, cây không phát triển được. Có người tìm đến, hỏi mua cây còng, nói chúng có giá trị kinh tế cao. Và dĩ nhiên, nhà chùa từ chối” - sãi cả Chau Vanh kể.
Khoảng 60-70 cây còng đã và đang tồn tại trong ngôi chùa nhỏ (17.000m2). Thời gian trôi qua, cộng với chiến tranh, một số cây chỉ còn hình dạng bên ngoài, chứ bên trong dần mục rỗng. Những cây khỏe thì cứ vươn mình, chẳng cần công người chăm sóc, cứ tỏa bóng mát như muốn ôm trọn mảnh đất thân thương vào lòng.
Mỗi cây mang hình thù khác nhau. Có cây oai hùng, đứng thẳng giữa trời cao. Có cây nghiêng mình trúc trắc, mềm mại. Nhưng tất cả đều đan cành lá vào nhau, gắn kết thành một khối đẹp mắt, trở thành thành phần không thể thiếu của ngôi chùa.
Như bao ngôi chùa Khmer khác, chùa hàng còng là nơi sinh hoạt văn hóa, cộng đồng của người dân địa phương. Đám trẻ con thích thú chạy nhảy, nô đùa dưới bóng mát của hàng cây. Người lớn thì lo cúng kiếng, lễ Phật vào những ngày lễ, Tết Chol Chnam Thmay.
Những ai đã khuất, được gia đình xin gửi cốt vào tháp trong chùa. Dòng họ nào có điều kiện, sẽ tự xây tháp riêng. Ai khó khăn, vẫn được hỗ trợ để cốt vào tháp lớn của sư cả xây dựng sẵn. Có thời gian, chùa là nơi dạy học lớp sơ cấp Bali, dạy chữ Khmer cho các tăng, sư sãi. Nhịp sống, nhịp sinh hoạt của ngôi chùa cứ bình yên trôi qua như thế. Chùa hàng còng trở thành điểm nhấn của quê nhà, khiến người đi xa cứ nao nao nhớ về…
Cảnh đẹp của hàng còng còn thu hút đông đảo thanh niên, khách du lịch tìm đến chụp ảnh, tham quan. Chưa kể, cứ vài ngày lại có cặp đôi đến chụp ảnh cưới. Rồi đài truyền hình đến quay phim ca nhạc, phim tư liệu, nhiếp ảnh gia khắp nơi trong cả nước đến chụp ảnh thường xuyên.
Có lần, nhà chùa đón tiếp vị khách ngoại quốc sang thăm Việt Nam. Người khách ấy tình cờ nhìn thấy bức ảnh ấn tượng về hàng còng do người bạn chụp. Người bạn lại không thể nhớ chùa thuộc tỉnh nào, do đi quá nhiều nơi, chỉ nhớ là tỉnh ở miền Tây. Sau nhiều ngày nhờ người tìm hiểu, hỏi thăm giúp, vị khách có được địa chỉ của chùa, nên tìm đến tận nơi tham quan, chụp ảnh. Những câu chuyện tương tự chứng tỏ nét đẹp của chùa đã lan tỏa, được mọi người yêu thích.
Chia tay vị sư khi mưa nhẹ hạt, chúng tôi dạo quanh ngôi chùa. Tuy cũ kỹ, nhưng chùa vẫn giữ được nét kiến trúc tinh xảo của người xưa để lại, trong từng hoa văn trên tháp, trên chánh điện, trên mái nhà. Chùa chưa được tu bổ nhiều - trừ chánh điện đang trong giai đoạn hoàn thành - do nhiều nguyên nhân, trong đó có 13 năm (từ 1897 đến 1999), không ai trụ trì.
Một thời gian nữa, sau khi cảnh trí được tu bổ, xây dựng, chỉnh trang xong, chắc chắn ngôi chùa sẽ tươi mới, bắt mắt và phát triển hơn - như mong muốn của vị sư trụ trì chùa. Và tôi tin, chính mình sẽ nhiều lần quay trở lại nơi này, để tìm chút bình yên trong cuộc sống, được dạo bước giữa hàng còng rợp mát, bỏ mặc ưu phiền …
Theo Khánh Hưng
(TTMT)