Nhà bê tông đang xen giữa nhà cổ
Nhà cổ xen lẫn nhà bê tông
Phố cổ Bao Vinh từ giữa thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 là khu thương mại quan trọng, sầm uất của xứ Đàng Trong. Năm 1636, sau khi dời Phủ Chúa từ Phúc An vào Kim Long, chúa Nguyễn Phúc Lan đã chọn vị trí ngã ba Sình trông ra cửa khẩu Thuận An để mở cảng Thanh Hà và sau đó là Bao Vinh.
Xưa kia, Bao Vinh còn nổi tiếng về các nghề đóng hòm, nghề khảm, cẩn xà cừ, nghề dệt vải mặt nhỏ, nghề thợ nề, làm gạch, ông Táo, ngói (xóm Ngõa tượng Địa Linh), nghề làm bột (La Khê). Năm 1885 kinh đô Huế thất thủ vào tay Pháp, Bao Vinh bị tàn phá và mai một dần từ đó. Đến khi vua Thành Thái cho lập phố Đông Ba thì Bao Vinh xuống cấp hẳn.
Theo thống kê của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, vào năm 1991 Bao Vinh có 39 ngôi nhà cổ, đến năm 1996 còn 27 ngôi nhà, thống kê gần đây nhất vào năm 2003 của tỉnh cho biết hiện tại chỉ còn 17 căn nhà.
Trong tổng số 17 căn nhà cổ còn sót lại thì chỉ có 4 căn là còn gần như nguyên vẹn, số còn lại đã rơi vào tình trạng sập sệ.
Ngôi nhà của ông Trần Văn Thùy là một trong những ngôi nhà cổ ở Bao Vinh có tuổi đời lên đến 150 năm tuổi đã bắt đầu xuống cấp. Phần mái ngói bắt đầu bong ra, bạc màu, phần cột kèo đã có dấu hiệu của mối mọt.
Cách nhà của ông Thùy không xa là nhà của bà Liên, ngôi nhà này có phần khang trang hơn nhà ông Thùy, nhưng lại thấp hơn so với mặt đường nên khi có mưa to là nước lại tràn vào nhà, tường nhà được trét bằng vôi đã bong ra giờ chỉ còn phần gạch phía trong.
Nhà của ông Thùy hay của bà Liên chỉ là một trong số ít các ngôi nhà cổ bị xuống cấp ở Bao Vinh. Trước tình hình đó, nhiều hộ dân có nhà cổ đã cho xóa bỏ ngôi nhà cha ông để lại và xây dựng những ngôi nhà bằng bê tông chắc chắn hơn.
Ông Trần Tiến Lực, Trưởng phòng xúc tiến phát triển du lịch, thuộc Sở VH, TT&DL Thừa Thiên Huế cho biết, ngày 28/10/2003, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định số 3032/2003/ QĐ - UB về việc bảo tồn khu phố cổ Bao Vinh.
Qụa đó, UBND xã Hương Vinh thực hiện theo quyết định của tỉnh, không cho phép người dân xây nhà trong khu vực phố cổ. Tuy nhiên, quyết định này không khả thi cho là mấy khi mà các ngôi nhà mới vẫn được xây dựng thay cho nhà cổ. Giải thích cho điều này, ông Thùy nói: “Giờ quyết định như rứa mà lỡ hắn (ngôi nhà - PV) sập một cái thì răng, cha chung thì không ai khóc mà, có gì tụi tui chịu thôi”.
Đến phố cổ Bao Vinh hôm nay, điều đầu tiên đập vào mắt mọi người là những ngôi nhà cao tầng xây mới "chèn ép” những ngôi nhà cổ vốn đã xuống cấp trông rất thảm hại.
Làm như vậy, vô hình chung các hộ dân ở đây đang phá đi lối kiến trúc nhà truyền thống đã làm nên tên tuổi của Bao Vinh. Tuy nhiên nếu không sửa chữa thì các hộ dân ở đây cũng không thể an tâm khi sống trong những ngôi nhà như vậy.
“Biết là nhà của ông cha để lại nhưng sửa lại thì tiền mô ra, cái nhà ni làm hoàn toàn bằng gỗ, có phải nói thay là thay mô. Với lại, xây nhà khác mà ở chứ ở ri cũng lo lắm, cái nhà ni giờ tui làm nhà thờ thôi à. Gia đình tui có hai cái nhà cổ mua lại của ông quan nhà Nguyễn từ năm 1910 đến giờ, một cái xuống cấp, còn cái kia do được hỗ trợ sửa thì mới ở được chứ tui tiền mô ra”, bà Liên chia sẻ.
Những ngôi nhà của ông Thùy, bà Liên chỉ là một vài trường hợp trong nhiều ngôi nhà cổ đang xuống cấp ở Bao Vinh, và việc người dân “xây nhà tân tiến hơn để sống vì không chịu được ẩm thấp và tối tăm” thì cũng là điều dễ hiểu.
“Bao Vinh vẫn chưa có tên trong danh sách phát triển các dự án du lịch”
Trong số 17 ngôi nhả cổ, hiện tại chỉ có 4 ngôi nhà được trùng tu, gồm nhà ông Đỗ Kỳ Hoàng (số nhà 970), Lê Quang Chất (105), Phạm Gia Đắc (77), Nguyễn Thị Thể (99). Năm 2009, thượng viện Pháp hỗ trợ cho mỗi gia đình 100 triệu đồng để trùng tu và sửa chữa. Tuy nhiên, với số tiền này thì vẫn chưa đủ để khôi phục hoàn toàn. Ông Lê Quang Chất, một trong 4 ngôi nhà được trùng tu cho biết: “Thượng viện Pháp hỗ trợ kinh phí qua hội đồng vùng Nord Pas Calais với kinh phí là 100 triệu. Nhưng nhà cổ thì phần lớn là gỗ nên chừng đó là chưa đủ, vì thế gia đình chúng tôi phải bỏ thêm kinh phí để làm”.
Câu chuyện của ông Chất là câu chuyện chung của 4 hộ được trùng tu nhà cổ ở Bao Vinh. Ông Đắc chia sẻ: “Số tiền đó chỉ đủ chống lại phần cột kèo, chứ phần ngói dột thì không đủ, khoang nói đến việc lợp ngói liệt mà lợp ngói mộc không cũng khó. Gia đình tui đóng góp thêm nữa để tu bổ hoàn thiện căn nhà, tổng số tiền cũng gần 200 triệu”.
Xung quanh vấn đề bảo vệ và trùng tu nhà cổ Bao Vinh, phóng viên PhuongNam.Net.Vn đã có buổi làm việc với ông Trần Tiến Lực, Trưởng phòng xúc tiến phát triển du lịch, thuộc Sở VH, TT & DL Thừa Thiên Huế. Qua đó, ông Lực cho biết, năm 2013, UBND tỉnh đã hỗ trợ tiền để trùng tu các di tích nhưng lại không có tên của Bao Vinh trong danh sách, danh sách bao gồm làng cổ Phước Tích, nhà vườn Kim Long.
“Từ nay cho đến năm 2025 kế hoạch đến 2030, Bao Vinh vẫn chưa có tên trong dự án phát triển du lịch. Hiện tại, Bao Vinh vẫn chưa biết quy hoạch theo hướng nào”, ông Lực nói.
Như vậy, cho đến lúc này Bao Vinh vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào trong dự án phát triển du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong lúc nhiều nơi đang tìm kiếm và phục hồi những giá trị cổ xưa, nhằm lưu giữ và bảo tồn nó thì thật tiếc, phố cổ Bao Vinh, một khu phố cổ mang đậm nét văn hóa, lịch sử.... lại đang tàn lụi theo thời gian.
Trương Y Vân